Kho tàng văn chương Ấn giáo đã kể một câu chuyện rất thú vị về một người đàn ông, một vị gia trưởng. Câu chuyện không chỉ thú vị cho riêng giới gia trưởng hoặc người đàn ông, nhưng sẽ là một câu chuyện thật bổ ích cho tất cả mọi người, những ai muốn được hưởng một đời sống hạnh phúc đích thật :
“Thần Vishnu rất cảm động nhưng cũng thật bực mình vì những lời cầu xin kiên nhẫn, dai dẳng của một người sùng đạo, nên một hôm thần đã hiện ra với người đó và nói :
“ Ta ban cho con 3 điều ước, cho dù bất cứ điều ước nào cũng biến thành sự thật. Nhưng sau đó, Ta sẽ không cho con bất cứ điều gì nữa cả ”.
Quá sung sướng và mãn nguyện, người sùng đạo liền xin điều thứ nhất : “Xin cho vợ con chết đi, để con có thể có được một người vợ khác, khá hơn, đẹp hơn”.
Ngay sau đó dù không bệnh hoạn hoặc đau ốm gì, người vợ chết.
Nhưng khi bà con bạn bè tụ họp để dự lễ tang và bắt đầu kể lại những đức tính hiếm có, những điều dễ thương và bao nhiêu chuyện tốt lành mà người quá cố đã làm cho họ, người sùng đạo mới nhận ra rằng, mình đã quá hồ đồ và hấp tấp. Do đó, ông ta xin cho vợ sống lại.
Bà vợ liền sống lại.
Như vậy, ông chỉ còn lại một lời ước cuối cùng mà thôi. Ông nhất quyết tự nhủ với lòng sẽ không thể nào lầm lẫn một lần nữa, vì sẽ không còn cơ hội nào sửa chữa nếu bị sai lầm. Ông đã đủ khôn ngoan để biết rằng, rất cần phải hỏi ý kiến nhiều người khác.
Nhiều bạn bè khuyên ông nên xin được trường sinh bất tử. Nhưng nhiều người khác lại bảo rằng, để sống lâu, dù có là trường sinh bất tử đi nữa thì cũng chẳng ý nghĩa gì, nếu không có sức khỏe tốt vì nay đau mai ốm. Và sức khỏe tốt để làm gì, nếu không có tiền bạc ? Và có tiền bạc để làm gì, nếu không có ai làm bạn chia sẻ tâm tình sớm hôm ?
Ý kiến nào cũng rất hay. Lời khuyên nào cũng đầy chí lý. Ông phân vân, quá đỗi phân vân rồi đâm ra lưỡng lự không biết phải nghe ai. Ông lại càng phân vân và lo lắng hơn nữa, khi biết rằng đây là cơ hội cuối cùng và không được phép lầm lẫn.
Nhiều năm tháng đã trôi qua, nhưng người sùng đạo kia vẫn không quyết định được phải xin điều nào là chính xác và đúng đắn. Sống lâu, hay sức khỏe, giầu sang hoặc tình yêu ?. Điều nào cũng hấp dẫn, điều nào cũng là những điều tối cần thiết trong đời sống. Cuối cùng, khi không thể kiên nhẫn thêm hơn, người đó đã xin với thần Vishnu như sau : “ Con van xin Ngài, hãy chỉ cho con biết, con phải xin điều gì đây ?”
Thần Vishnu bắt đầu cười, khi thấy người mộ đạo đó quá khổ sở bối rối, nên đã nói : “Con hãy xin cho được luôn luôn mãn nguyện, dù cuộc đời có xảy ra như thế nào.”
Lời khuyên của thần Vishnu làm mọi người dễ dàng liên tưởng đến lời dạy của Thượng Đế :“Hãy tạ ơn Thượng Đế trong mọi hoàn cảnh, vì tất cả đều là hồng ân ”. Hai cách nói tuy có vẻ khác nhau, nhưng cùng hướng đến một mục đích, là giúp mang lại sự bình an trong tâm hồn cho những ai biết sống thực với các lời khuyên dạy ấy.
Hãy tạ ơn Thượng Đế trong mọi hoàn cảnh, những lời này rất đỗi quen thuộc song cũng thật khó lòng thực hiện, vì, với bản tính tự nhiên của con người, ai cũng mong cầu những hoàn cảnh thuận lợi và dễ dàng như ý. Người ta ngàn lần dễ dàng để cảm ơn khi may mắn hoặc thành đạt thăng tiến, nhưng người ta cũng sẽ ngàn lần khó khăn nếu buộc phải nhận rằng, đó là những hồng ân mỗi khi gặp các tai ương hoặc xui xẻo hoạn nạn. Và một khi đã khó lòng nhận ra đó là những hồng ân thì làm sao dễ dàng tạ ơn cho được ?
Làm sao để dễ dàng tạ ơn, khi tôi vừa bị người ta tông xe, đang phải nằm bệnh viện khốn khổ và chờ cưa chân ?
Làm sao để dễ dàng tạ ơn, khi tôi vừa bị thua lỗ, cơ nghiệp bị mất trắng, vợ con tôi đang phải đối diện với cảnh đói khổ rách rưới trước mặt ?
Làm sao để dễ dàng tạ ơn, khi tôi vừa bị sa thải thất nghiệp, người yêu tôi cũng vì thế nên đã bỏ đi ?
Làm sao để dễ dàng tạ ơn, khi tôi bị người ta bôi nhọ làm nhục đang khi tôi vẫn hết lòng giúp đỡ và phục vụ mọi người ?
Làm sao dễ dàng để tạ ơn, khi tôi đang bị hành hạ và tù tội khổ sai, khi tôi yêu mến công lý và sự thật và chỉ sống cho lý tưởng ấy ?
Đó chỉ là vài nét minh họa thô thiển của phận người, những phận người với các bản năng của tự nhiên, những phận người sống không niềm tin. Nhưng ngay với cả những kẻ sống có niềm tin, cũng chẳng dễ dàng gì để lý giải về một Thượng Đế Tình yêu nhưng vẫn đầy rãy các khổ đau bất hạnh xảy ra trên cuộc đời, vì từ ngàn xưa đau khổ vẫn là những mầu nhiệm. Chính vì thế, Thượng Đế chưa bao giờ hứa hẹn một cuộc sống toàn là những hoa hồng hoặc nhung gấm cho những ai theo Ngài.
Nếu như thế, tin Thượng Đế thì có ơn ích gì cho tôi, khi tin hay không tin, tôi vẫn bị khổ đau bất hạnh giống như bất cứ ai ?
Thưa, có phần giống và không giống. Quả thật, sinh, lão, bệnh, tử, với tám thứ khổ như oán tắng hội (ghét mà phải gặp) ái biệt ly (yêu mà phải xa) ….là những điều tự nhiên ai cũng phải gặp đều hoàn toàn giống nhau. Nhưng với người sống có niềm tin, đau khổ đều mang những ý nghĩa nào đó. Ý nghĩa ấy, có khi hiểu được song nhiều khi cũng vượt quá trí hiểu trí biết của mình, dù vậy, họ vẫn chấp nhận trong bình an vui vẻ. Đây là điều khác nhau cơ bản về thái độ và tâm trạng khi gặp những trái ý nghịch lòng giữa tin và không tin.
Với những ai tin Thượng Đế thì không còn đau khổ, vì khi đau khổ xảy đến, họ sẽ yêu ngay sự đau khổ ấy. Đây quả là một cách nói đấy nghịch thường có thể gây nhiều khó hiểu, nhưng oái oăm và bất ngờ thay, đó lại chính là điều ai cũng phải làm quen và rèn luyện để sống một niềm tin đích thực và sống hạnh phúc. Vì vậy, với những ai có đời sống tâm linh sung mãn cùng với niềm tin đích thực thì, phép lạ lớn lao nhất chính là biết sống theo Ý Thượng Đế, thay vì bắt Thượng Đế phải làm theo ý mình. Tất nhiên, không ai cấm ta cầu nguyện để xin thoát mọi khổ đau, nhưng xin sống theo Ý Thượng Đế vẫn phải là trên tất cả. Lời cầu nguyện của Thượng Đế vẫn luôn là Kim chỉ Nam chắc chắn sẽ dẫn ta đến bến bình an :
“Lạy Trời, xin cho con khỏi uống chén đắng này….Nhưng xin đừng theo Ý CON, một xin vâng theo ý Thượng Đế mà thôi ”
Trải qua bao thế hệ, hàng hàng lớp người đã nhờ Kim chỉ Nam này để vượt qua bao nhiêu sóng gió, không chỉ thế, ngay cả khi chưa vượt qua được sóng gió, họ cũng luôn có sự bình an sâu thẳm trong lòng. Có được điều kỳ diệu ấy, chính nhờ họ đã luôn biết nương nhờ vào Kim chỉ nam Thượng Đế.
Thượng Đế muốn mưa, con cũng muốn. Thượng Đế muốn nắng, con cũng muốn.
Thượng Đế muốn cực, con cũng muốn. Thượng Đế muốn sướng, con cũng muốn.
Thượng Đế muốn buồn, người cũng muốn. Thượng Đế muốn vui, người cũng muốn.
Thượng Đế và người chỉ có MỘT Ý.
Đó chính là bí quyết hạnh phúc của con người.
Bí quyết ấy vừa rất dễ nhưng cũng thật là khó để thực hiện.
Ai cũng biết những lời trên được trích ra từ bộ sách Đường Hy vọng, một bộ sách được hình thành trong 13 năm tù ngục tăm tối, một bộ sách được viết không phải trên bàn viết với giấy mực hoặc máy móc bình thường. Nhưng bộ sách được hình thành từ ruột bút chì, trên từng tờ lịch trong nhiều ngày gián đoạn liên miên. Một bộ sách kỳ diệu đã làm nên biết bao điều kỳ diệu sau đó.
Rất dễ cho những ai biết sống hoàn toàn phó thác, họ như trẻ thơ ít suy nghĩ không tốn công phải cần đến nhiều lý luận, vì họ biết rõ, họ đang được bảo vệ và nâng đỡ từ Thượng Đế, người nhân lành vốn luôn luôn yêu thương họ. Tuy nhiên, họ không bao giờ lẫn lộn giữa phó thác và buông xuôi, vì họ luôn biết làm hết sức mình, họ luôn tận nhân lực để tìm biết ý Thượng Đế và cũng chính là tri Thiên mệnh vậy.
Nhưng cái bí quyết kia sẽ luôn là thật khó, cho những kẻ sống nửa vời với niềm tin hời hợt nơi chót lưỡi đầu môi. Họ tuyên xưng niềm tin dễ dãi như kiểu nhai lại bã mía của người khác nhả ra. Bã mía thì chẳng bao giờ còn vị ngọt của đường, nên chẳng thể sinh ra năng lượng để làm nên sự sống.