Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, March 8, 2012

Từ Cội Bồ Đề Đến Chân Thập Tự




Má tôi là người con thứ mười và cũng là con gái út trong một gia đình trung lưu tại xã Thạch Mỹ Lợi huyện Thủ Đức. Ông bà ngoại tôi là người rất sùng bái đạo Phật. Luôn luôn dạy bảo con cái tu dưỡng, tích đức để được hưởng phước đức đời sau và học tập cách tu thân như các chư Phật. Do đó má tôi, các dì, các cậu đều được ông bà ngoại tôi khuyến khích đi tu.

 Lúc má tôi lên sáu tuổi, ông bà ngoại tôi để ruộng vườn, đất đai và nhà cửa cho người con lớn ở lại trông nom tại Giồng Ông Tố, rồi dẫn một nửa số con cái lên tu trên núi ở gần Long Thành (chỗ dốc 47 đi vào khoảng 2km), xây hai kiểng chùa để cả gia đình ăn chay trường, tụng niệm và tu hành. 


 Vì vậy, lúc sáu tuổi má tôi đã được học Kinh Phật bằng chữ Nho. Từ sáng đến tối chỉ học Kinh Phật rồi tụng niệm, ngoài ra không biết gì đến chuyện đời cả. Trong khu đất đó có rất nhiều chùa. Một chùa lớn gọi là chùa Tổ Đình mà vị Hoà thượng trụ trì gọi là Ông Bộ Sường đã làm lễ Thí-Phát-Quy-Y cho cả gia đình ông bà ngoại tôi (gọi nôm na là cao đầu để nhận vào đạo Phật). Môn phái này gọi là Tịnh Độ. Lễ Thí-Phát-Quy-Y được tổ chức rất lớn, cúng bái, nhan khói rầm rộ và mỗi người được vị Hòa Thượng nầy đặt cho một Pháp Danh. Má tôi được mang Pháp Danh "Sư Cô Diệu Thông" từ đó.

 Má tôi tu tại đây cho đến lúc mười tuổi thì hai người anh của Má tôi xin phép ông bà ngoại tôi cho đi lên Tây Ninh, vào núi Điện Bà (còn gọi là núi Bà Đen) tìm một hang đá để tu tịnh, chứ không muốn gỏ mõ, đánh chuông rườm rà như ở Chùa nữa... Má tôi thấy vậy nên cũng muốn xin theo hai anh để đi. Ông bà ngoại tôi bằng lòng. Thế là ba anh em: hai trai, một gái đầu cạo láng, chân đi đất, y phục chỉ là Cà sa vàng, vai mang bình bát, mỗi buổi sáng ra chợ hoặc phố đứng yên đọc Kinh Phật. Thiên hạ, kẻ qua người lại trông thấy mang thức ăn bỏ cúng vào bình bát, có khi là cơm, gạo, xôi, nếp, hoa quả... được thiên hạ cúng thí thứ nào thì ăn thứ nấy, nhưng mà chỉ được ăn mỗi ngày một lần vào buổi trưa mà thôi (gọi là ăn ngọ vì theo quan niệm các người tu hành Phật Giáo thì ăn Ngọ là những người tu hành, Phật, Tiên... còn ăn sau bữa trưa như ăn chiều, ăn tối là dành cho ma quỷ...

 Tuy lúc đó mới được mười tuổi nhưng má tôi tâm chí rất mộ đạo, dốc tâm tu hành khổ hạnh, không thiết tha gì đến việc đời. Mỗi buổi sáng thì Má tôi đi khất thực trên hè phố như vậy, có nhiều người thành tâm quỳ xuống lạy dưới chân má tôi. Có người nói rằng: Họ kính lạy sắc phục của Phật. Có người lại nói: Thấy gương má tôi mà kính phục vì người còn nhỏ mà đã dám hy sinh, mang chịu khổ hạnh. Trong số đó có một người tên là "Cô Hai Phải" thấy tình cảnh quá thương tâm động lòng trắc ẩn. Cô đề nghị với hai người anh của má tôi, là dời về khu đất của cô để tu (vì cô có một khu đất khá rộng ở gần chợ Tây Ninh) chớ đừng tu trên núi nữa. Tại đây Cô Hai Phải cho mỗi người một cái chòi nhỏ (gọi là Cốc) để tu. Từ đó, má tôi và hai cậu khỏi phải lên núi mà tu tại đây.

 Thời gian nầy tại Tây Ninh có một Hội Thánh Tin Lành. Mục sư Châu quản nhiệm Hội Thánh thường hay đi chứng đạo khắp vùng. Một hôm, ông ghé qua khu đất của Cô Hai Phải. Ông thấy má tôi còn quá nhỏ mà ở một mình trong một cái Cốc nhỏ đang đọc Kinh Phật, ông bèn ghé vào hỏi thăm, thì ông được biết rằng má tôi chỉ biết chữ Nho, còn chữ Quốc Ngữ thì hoàn toàn không biết... Ông đề nghị dạy cho má tôi chữ Quốc Ngữ. Từ đó, ông lui tới thăm viếng má tôi luôn để dạy má tôi học viết và đọc chữ Quốc Ngữ. Đến khi má tôi nguệch ngoạc viết được chữ Quốc Ngữ thì ông Mục sư Châu tặng cho má tôi một cây viết, một cuốn tập và đặc biệt là cho má tôi mượn một quyển Kinh Thánh Tân Cự Ước để má tôi mỗi ngày noi theo những nét chữ bắt chước tập viết cho quen thuần. Có một điều lạ là Mục sư Châu không hề khuyên bảo má tôi nên tin theo Chúa hoặc từ bỏ Phật Giáo. Ông chỉ âm thầm đến chỉ dạy sơ về Kinh Thánh vậy thôi...

 Má tôi ở đó được một năm (tức mười một tuổi) thì hay tin ông ngoại tôi bị bịnh nặng nên trở về thăm, ông ngoại tôi cầm giữ lại không cho về Tây Ninh nữa. Vì bịnh nặng nên ông ngoại tôi để lại một người con ở tại Long Thành coi sóc chùa rồi mang cả gia đình về Thạnh Mỹ lợi. Cụ nhờ thợ xây một kiển chùa lớn trước mặt nhà để tu, đồng thời cũng gần nhà thương và thầy thuốc để chạy chữa khi cần.

 Má tôi có kể lại cho ông ngoại tôi nghe về chuyện Mục sư Châu cũng như đại khái về câu chuyện Chúa Giê-xu. Ông ngoại tôi mới nói là: "Bây giờ chờ thợ xây cất xong chùa thì mình lên Sài Gòn mua thêm tượng Chúa về thờ chung với Phật cũng tốt vậy"... Lúc đó má tôi đâu biết gì mà nói cho cha mình hiểu về Chúa Cứu Thế được. Vì Mục sư Châu đâu có dạy má tôi lẽ đạo phải thờ phượng Chúa như thế nào đâu!!! (Đến ngày nay mỗi lần thắc mắc đến câu chuyện này má tôi rất hối tiếc là không kịp cho cha của mình biết về Chúa Cứu Thế.

 Đến ba năm sau thì ông ngoại tôi trở bệnh nặng và qua đời. Cả gia đình đều buồn bã và bơ vơ vì đã mất một người cha yêu dấu, một người chồng đạo đức và cũng là cột trụ tinh thần hướng dẫn, chỉ đạo cho cả gia đình.
 Cách sau đám tang ông ngoại tôi nữa năm, một người dì của tôi đi chợ Giồng Ông Tố về có mang theo một cuốn sách nhỏ do một người phát sách ở chợ đưa tặng... Má tôi bèn đọc cuốn sách nhỏ ấy cho bà ngoại tôi nghe, đây là lúc quyền năng Chúa được thể hiện, vì cuốn sách nhỏ ấy chính là sách Công-vụ-các-sứ-đồ. Khi má tôi đọc đến đoạn 4 câu 12; "Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng Danh nào khác ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu." thì bổng dường như má tôi thấy có một ý hay nên đọc trở lại một vài lần. Thì cũng ngay lúc này, bà ngoại tôi chợt nói rằng: "Nếu chỉ có Chúa là Đấng cứu mình và ngoài ra không có Đấng nào khác thì mình thờ lạy Phật làm gì? Sao lại không theo Chúa?..."

 Từ đó Đức Thánh Linh tác động mạnh qua câu Kinh Thánh làm bà ngoại tôi suy nghĩ nhiều và đi hỏi thăm để tìm nhà thờ Tin Lành. Lúc đó chỉ ngay tại huyện Thủ Đức mới có nhà thờ Tin Lành, nhưng từ Thạnh Mỹ Lợi tới Thủ Đức cách xa tới mười bốn cây số. Đường xá bấy giờ thật khó khăn vì không có phương tiện dồi dào như ngày nay. Nhưng một hôm bà ngoại tôi quyết định mướn một cổ xe ngựa, chở cả gia đình con cái lên Thủ Đức tìm nhà thờ Tin Lành (lúc bấy giờ là đúng một năm sau khi ông ngoại tôi qua đời).

 Khi chiếc xe ngựa dừng lại trước cổng nhà thờ Tin Lành Thủ Đức thì có nhiều người ra bảo cho bà ngoại tôi biết rằng chùa nằm phía bên kia, còn đây là nhà thờ Tin Lành chớ không phải chùa. Vì họ thấy một cổng xe ngựa chở toàn là thầy chùa và cô vải, đầu thì trọc láng, áo quần thì cà sa vàng chính hiệu... Nhưng khi nghe bà ngoại tôi trình bày, mọ mới vỡ lẽ ra và quá ngạc nhiên. Họ trở vào mời ông Mục sư ra tiếp đón "phái đoàn sư sãi" vào nhà thờ. Lúc bấy giờ là năm 1941, vị Mục sư quản nhiệm Hội thánh là Mục sư Bùi Tự Do. Ông mời cả gia đình vào nhà thờ hỏi thăm và giải nghĩa tận tường những cơ bản về Đạo Cúu Rỗi. Sau đó bà ngoại tôi, các cậu, dì và má tôi đồng lòng quỳ xuống ăn năn tin nhận Chúa... cả Hội thánh bật khóc vang vì quyền năng của Chúa quá lạ lùng. Quang cảnh một nhóm Sư Sãi áo vàng đi tìm nhà thờ Tin Lành để tin nhận Chúa thì quả là một cảnh lạ đời và hy hữu trên thế gian này!!!

 Sau khi tin nhận Chúa tại Hội Thánh Tin Lành Thủ Đức vào khoảng tháng 7-1941 cho đến gần Lễ Giáng Sinh thì cả gia đình ngoại và má tôi chịu phép báp tem. Từ khi tin nhận Chúa, cả gia đình lúc nào cũng chuyên cần học hỏi Kinh Thánh. Bà ngoại tôi dự tính tu sửa lại kiểng chùa lớn ở khu đất mà ông ngoại tôi khi còn sống đã đặt thợ làm còn dang dở, làm khung của phía trước. Ông Mục sư Do và ban trị sự Hội thánh Thủ Đức có đến thăm và cùng hợp tác với Giáo sĩ Jebbrey tổ chức "Tế Đạo" (truyền giảng) ngay tại chùa. Cứ mỗi tuần và chiều thứ năm Giáo sĩ Jeffrey đem đàn phong cầm đến trong khi bà ngoại tôi lo đi lấy ghế về sắp hàng mời mọi người đến nghe giảng đạo.
 Vì giữa chùa là một cái Khánh lớn (bàn thờ Phật) đúc bằng xi măng, xung quanh được nạm gắn miểng kiểu hình Long Phụng rực rỡ, trên có tượng Phật Thích Ca cao khoảng 90 cm. Bà ngoại tôi muốn phá bỏ cái khánh đó cho tiện việc rao giảng Tin Lành. Nhưng khi gọi thợ đến thì không ai dám làm chuyện đó. Đợi mãi hồi lâu đích thân bà ngoại tôi phải leo lên dùng búa triệt hạ cái tượng xuống thì bọn thợ mới dám làm tiếp. Câu chuyện này làm chấn động dự luận cả vùng lúc bấy giờ!

 Công cuộc truyền giảng ngày càng có kết quả tốt, dân chúng tin nhận Chúa quá nhiều. Bà ngoại tôi đề nghị với Mục sư Do và Giáo sĩ Jebbrey xin phép mở một Hội thánh nhánh tại xã Thạnh Mỹ Lợi vì giảng đạo trong chùa thì không đủ chỗ ngồi, còn lên Hội Thánh Thủ Đức thì xa 14km, người dân quê không thể đi được. Khoảng một năm sau, việc xât cất Hội thánh nhánh được chấp thuận, ngôi nhà thờ nhỏ nhưng khang trang được dựng bên cạnh góc cột chùa của ông bà ngoại tôi. Hội thánh cử người đến ở và chăm nom (vợ chồng Thầy Trường). Nhà thờ nhóm lại mỗi tuần một lần vào thứ năm do Mục sư Do phụ trách và mỗi tháng truyền giảng một lần. Có nhiều Mục sư đến truyền giảng như: Mục sư Xuyến, Mục sư Thâu, Mục sư Hương, Mụ sư Hỷ, Ông bà Mục sư Năm và nhiều vị khác...

 Lúc bấy giờ chiến tranh bộc phát mạnh (khoảng 1942-1943) nhân dân chạy lánh nạn. Nhà thờ nhỏ bị bắn sập. Gia đình ngoại tôi phải dọn đi xa cách đó khoảng 2 km. Từ đó cả gia đình phải lên Thủ Đức để nhóm thờ phượng Chúa.

 Về phần má tôi từ khi tiếp nhận Chúa, đầu chưa ra tóc kịp và má tôi vẫn luôn mặc áo Cà sa vàng để đi nhóm họp (vì quá quen thuộc và có lẽ chưa kịp may đồ khác... Từ nhỏ đến lớn cả gia đình chỉ mặc có loại đồ này, muốn thay đổi cũng phải khá lâu mới được).

 Đến kỳ Hội Đồng Địa Hạt tổ chức tại Sài Gòn, Mục sư Do cùng đưa má tôi đến để làm chứng về sự kỳ diệu trong quyền năng Chúa. Liên tiếp mấy năm liền có Hội Đồng tổ chức tại đâu, thì má tôi lại Cà sa vàng đầu lún phún tóc, được đứng lên lớn tiếng làm chứng. Mọi người nghe xong đều rất cảm động (Hội Đồng ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Biên Hòa...).

 Đến mười lăm tuổi, má tôi được bà ngoại cho đi tham dự khóa Kinh Thánh Tiểu Học Đường tổ chức tại Cần Thơ trong vòng một tháng rưỡi. Khóa học này ngoài Mục sư Trào ở Cần Thơ phụ trách. Còn có các Giáo sĩ Jebbrey và bà Homera Dixon (bút hiệu là Hoa Hồng trong Thánh Kinh Báo). Má tôi rất vui mừng được tham dự khóa học và cầu nguyện xin Chúa sử dụng má tôi trong công việc nhà Chúa. Từ đó má tôi là chứng đạo viên hăng say, sốt sắng nhất trong Ban Thanh Niên Hội Thánh Thủ Đức. Chùa nào, miễu nào má tôi cũng lặn lội đến rao truyền ơn cứu rỗi của Chúa...

 Đến năm mười bảy tuổi, ông bà nội của ba tôi đến xin cưới má tôi cho cháu nội đích tôn (vì cha mất sớm nên ba tôi phải sống với ông bà nội từ thuở nhỏ. Ông bà chính là một trong những người tin Chúa đầu tiên của Hội Thánh Thủ Đức, làm việc trong ban chấp sự Hội thánh. Ba tôi lúc bấy giờ là Thư ký Hội thánh kiêm trưởng ban Thanh Niên.Từ đó đến nay, trên bước đường theo Chúa phục sự Ngài, trải qua rất nhiều thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, nhưng trong ơn lành, nhân từ, an ủi, nâng đỡ của Chúa đã giúp cho má tôi được kinh nghiệm Chúa nhiều hơn, hưởng phước của Chúa thật kỳ diệu cho đến ngày hôm nay. Má tôi dâng lên Chúa lời cảm tạ chân thành và dâng tất cả con cái mình cho Chúa để Ngài sử dụng thật hữu ích cho Ngài. Chúng tôi là hậu tự cũng được hưởng phước mà Chúa ban đến ngàn đời, dành cho những người trung tín vân giữ làm theo điều Ngài dạy dỗ trong Kinh Thánh; cũng như khi qua đời này sẽ được sự sống đời đời tại thiên đàng.

 Câu chuyện sau đây là hồi ký của má tôi, là những lời làm chứng về quyền năng của Chúa tỏ ra trên gia đình của má tôi. Má tôi hiện đang sống tại huyện Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn và hầu việc Chúa ở Hội thánh Gia Định với chức vụ thủ quỹ. Bà gởi đến chúng tôi những dòng hồi ký nầy và mong rằng những đứa con của bà cùng với gia đình chúng nó lúc nào cũng hầu việc Chúa.

 Hồi ký của Sư Cô Diệu Thông