Sự rối loạn chức năng của bất
kỳ một đoạn nào của đại tràng (6 đoạn) đều có thể gây chứng táo bón. Chức năng
co bóp của ruột bị ảnh hưởng bởi thành phần của thức ăn, trạng thái của các
chủng vi khuẩn trong ruột.
Táo bón có thể do yếu tố thần
kinh ở những người luôn trong trạng thái căng thẳng thần kinh tâm lý, điều kiện
đi đại tiện không thuận tiện (chỗ, thời gian…).
Ngoài ra, một số bệnh như trĩ,
nứt hậu môn, thoát vị thành bụng, thoát bị bẹn, một số thuốc (antacid, kháng
sinh, an thần, chống trầm cảm, chống nôn, lợi tiểu, chữa trị viêm loét dạ dày,
hạ huyết áp) cũng có thể gây táo bón.
Ai hay bị táo bón?
Chứng táo bón là một trong các
triệu chứng của bệnh đường ruột, bệnh trĩ, bệnh dạ dày, nhưng thường là do rối
loạn chức năng ruột, với biểu hiện tăng khoảng thời gian giữa các lần đi đại
tiện so với mức sinh lý bình thường hay thường xuyên không đi hết phân. Mức
sinh lý bình thường được coi là đi đại tiện không quá 2 – 3 lần/ngày, không ít
hơn 3 lần/tuần. Nếu thường xuyên trên 48 giờ mới đi đại tiện, khi đi cần phải
làm động tác rặn, số lượng phân ít (dưới 100g) là bị bệnh táo bón.
Điều trị chứng táo bón là một
công việc khó khăn, thành công phụ thuộc nhiều vào sự xác định đúng nguyên nhân
gây bệnh, nhưng trước hết - nguyên tắc cơ bản là sự điều chỉnh chế độ ăn.
Chứng táo bón thường gặp ở phụ
nữ hơn là ở nam giới, thường gặp ở những người lao động trí óc hơn là ở những
người lao động chân tay. Chứng táo bón ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc
sống của con người với các biểu hiện như cảm giác đầy bụng, đầy hơi, đau ở vùng
bụng, hay đánh rắm, buồn nôn, tâm trạng kém, cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng
lao động. Đôi khi, chứng táo bón gây hội chứng rối loạn thần kinh- luôn lo sợ
và luôn nghĩ về tình trạng bệnh của mình, nghĩ rằng bệnh ngày càng nặng, không
thể chữa khỏi. Thực ra đa số trong số họ khi thăm khám lâm sàng chẳng phát hiện
ra bệnh gì, thường chỉ là do hội chứng rối loạn chức năng ruột (giảm trương lực
cơ trơn của thành ruột, giảm nhu động ruột) với các nguyên nhân dễ điều chỉnh.
Chế độ ăn phòng và chữa táo
bón
Tăng cường ăn các thức ăn có
tính kích thích nhu động ruột, như: Các thức ăn có nhiều chất xơ: rau xanh, hoa quả, trái cây khô,
hạt ngũ cốc, bánh mỳ đen, gạo lứt. Các thức ăn này chứa nhiều chất xơ và chất
pectin tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột
phát triển, ức chế các quá trình gây thối, ngoài ra các chất độc hại sẽ bám vào
các chất xơ và được thải ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, ăn các chất này làm tăng
khối lượng phân - kích thích lên thành ruột, gây tăng nhu động ruột và gây cảm
giác mót đi ngoài.
Các thức ăn có chứa nhiều magiê
như sữa, kê, đậu đũa, khoai lang và một số loại rau như rau đay, rau dền, mùng
tơi, rau khoai lang, củ quả (khoai sọ, đu đủ xanh, chuối tiêu). Như chúng ta đã
biết, magiê có vai trò quan trọng trong việc tăng cường nhu động ruột.
Tránh ăn các thức ăn ức chế
nhu động ruột, như:
Các chất kích thích như hạt
tiêu, ớt cay, nước chè đặc, ca cao, rượu nho đỏ. Hạn chế uống rượu, cà phê, hút
thuốc lá; các thức ăn nóng, các thức ăn tinh chế như cháo, súp đặc (khoai tây,
cà rốt nghiền…); các thức ăn nhanh (fast food); thức ăn có chứa tinh dầu (tỏi,
hành, củ cải), nấm, các đồ rán.
Ngoài ra, muốn phòng ngừa táo
bón phải ăn phải đúng giờ, tốt nhất là ăn rải bữa (4- 5 bữa/ngày), trước khi đi
ngủ nên ăn một cốc sữa chua có tác dụng cải thiện chủng vi khuẩn có lợi trong
ruột. Duy trì đi đại tiện 1 lần/ngày, đi đúng giờ, tốt nhất là rèn thói quen đi
vào buổi sáng hoặc chiều tối khi không vội vã. Khi đã có cảm giác mót đi thì dù
bất cứ bởi nguyên nhân nào (muộn đi làm, muộn giờ tàu xe chạy, có điện thoại…)
cũng không được nhịn, bởi vậy cần phải chủ động sắp xếp thời gian. Không rặn
khi đi đại tiện, đi xong nên rửa hậu môn bằng nước lạnh.
Uống đủ nước: đa phần những người bị táo bón là do
không uống đủ nước trong ngày. Uống không đủ nước dẫn đến giảm tỉ lệ nước trong
thành phần của phân và gây táo bón. Bình thường trong thành phần của phân chứa
khoảng 75 - 78% nước. Nếu tỉ lệ nước trong phân giảm xuống còn 50% đã làm khối
phân khó khăn di chuyển theo ruột già, còn nếu tỉ lệ nước trong phân xuống còn
20% thì khối phân hoàn toàn bị tắc. Khuyến cáo, mỗi ngày uống khoảng 1,5 - 2
lít gồm nước có canh và nước uống ở các dạng khác nhau (nước đun sôi để nguội,
nước chè, nước hoa quả…). Nếu có thói quen đi đại tiện buổi sáng thì ngay sau
khi ngủ dậy uống một cốc nước lạnh (nước sôi nguội, nước khoáng, nước quả) sẽ
có tác dụng kích thích nhu động ruột. Nếu phải dùng thường xuyên một trong các
loại thuốc có thể gây táo bón (nói ở trên) thì có thể phải dùng thêm thuốc
nhuận tràng.
Chế độ tập luyện
Cuộc sống tĩnh tại ít vận động
cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra chứng táo bón. Tăng cường vận động,
tích cực tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập rèn sức bền như đi
bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi, cầu lông) sẽ cải thiện đáng kể tình trạng của
các bệnh đường tiêu hóa trong đó có chứng táo bón. Trong khi tập luyện, sự
chuyển động của các cơ quan nội tạng cải thiện đáng kể chức năng của ruột (ruột
được xoa bóp), tăng cường trương lực thành ruột, tăng tiết vào thành ruột muối
magiê làm tăng nhu động ruột và phục hồi chức năng tiêu tháo của ruột. Và như
vậy có thể nói, đi bộ và chạy sức khoẻ thường xuyên là phương pháp hữu hiệu để
chữa chứng bệnh táo bón. Ngoài ra, thường xuyên làm động tác xoa nhẹ ở vùng
bụng, xoa với khăn lạnh sẽ có tác dụng tăng cường nhu động ruột, tăng cường
chức năng tiêu tháo của ruột.
TS. ĐẶNG QUỐC NAM