Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, May 24, 2012

Bình An Với Chúa--8


CHƯƠNG 7

 Sau Cái Chết Có Gì ?
Hiển nhiên nhiều kẻ ác phải sống đau khổ như trong địa ngục trên trần gian. Kinh Thánh dạy, “phải biết rằng tội chắc sẽ đổ lại trên ngươi” (hay tội của ngươi sẽ tìm ra ngươi. (Dân Số Ký 32:23)

Địa Ngục Trần Gian
Trong thư Ga-la-ti 6:7 cũng chép, “ai gieo giống chi lại gặt giống ấy.” Tuy nhiên cũng có những bằng chứng quanh ta cho thấy một số kẻ ác dường như vẫn thịnh vượng trong khi những người công chính chịu khổ vì sự công chính của họ. Kinh Thánh dạy rằng sẽ có lúc mọi sự phải được phân xử công bình khi công lý được thực hiện. Có người lại bảo rằng “những kẻ gian ác kia chính là biện pháp trừng phạt tội lỗi chúng ta.” Cả hai ý tưởng trên đều đúng. 


 Liệu một Ðức Chúa Trời yêu thương có bỏ con người vào địa ngục không? Câu trả lời là có, vì Ngài công chính, nhưng Ngài không vui lòng khi phải làm như vậy. Con người tự lên án cho mình khi từ khước con đường cứu rỗi của Ðức Chúa Trời. Với tình yêu và lòng thương xót, Ðức Chúa Trời đã ban cho con người một lối thoát, một con đường cứu rỗi, một hy vọng về những điều tốt lành hơn. Nhưng con người trong tình trạng mù lòa, ngu dại, cứng cổ, vị kỷ, yêu thích những thú vui tội lỗi, từ khước phương cách đơn sơ của Ðức Chúa Trời giúp thoát khỏi nỗi đau đớn của tình trạng bị lưu đầy vĩnh viễn, xa cách Ngài.

 Giả sử tôi bị đau, mời bác sĩ đến khám bệnh, cho thuốc, nhưng sau đó suy nghĩ lại, tôi dẹp bỏ thuốc men sang một bên, không uống. Mấy hôm sau bác sĩ trở lại, thấy tình trạng sức khỏe của tôi tồi tệ hơn. Lúc đó tôi có thể đổ thừa bác sĩ, bắt ông ta phải chịu trách nhiệm không? Ông đã cho tôi toa thuốc, ông đã định phương thức chữa trị, nhưng tôi đã khước từ!

 Cũng vậy, Ðức Chúa Trời đã định sẵn phương thuốc cho căn bịnh của nhân loại. Phương thuốc đó là tin và ký thác cuộc đời cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Phương thuốc đó là tái sinh hay sinh lại mà chúng ta sẽ đề cập đến trong một chương khác. Nếu cố ý từ khước chúng ta sẽ phải lãnh hậu quả và không thể đổ thừa Ðức Chúa Trời. Làm sao có thể bảo đó là lỗi của Ðức Chúa Trời khi chúng ta từ chối phương thuốc của Ngài?

 Người không chịu tin có đời sống sau cõi chết, không tin có thiên đàng hay hỏa ngục, không tin Lời Chúa nói về những thực tại này, khi bước sang thế giới bên kia mới bừng tỉnh biết mình sai lầm thì anh ta đã mất tất cả. Tạp chí “Người Dân” (People), trích dẫn lời của Lem Banke, một trong những tay cờ bạc hàng đầu, rằng “Ðừng bao giờ đánh cá nhắm vào số tiền anh muốn thắng mà chỉ đánh cá dựa vào số tiền cao nhất anh có thể chịu nổi khi thua.” Bạn có thể chịu nổi khi mất linh hồn vĩnh cửu không?

 Có người lại hỏi, “Bản chất địa ngục là gì?” Có bốn từ ngữ trong Kinh Thánh được dùng để dịch “địa ngục”.

 Chữ thứ nhất là Sheol dùng trong Cựu Ước được dịch đến 31 lần là “địa ngục” (trong bản tiếng Anh là “hell”). Từ này có nghĩa là “tình trạng chưa thấy”. Những từ ngữ như lo buồn, đau đớn và hủy hoại được dùng liên hệ với từ địa ngục này.

 Chữ thứ hai là Hades, dịch từ nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là âm phủ được nhắc đến mười lần trong Tân Ước, và có cùng nghĩa như từ Sheol trong Cựu Ước, có liên quan đến đau đớn và phán xét.

 Chữ thứ ba là Tartarus chỉ được dùng một lần trong 2 Phi-e-rơ 2:4, được dịch là “vực sâu”, là nơi giam giữ các thiên sứ phạm tội, không vâng phục. Từ ngữ này chỉ thị một nơi phán xét như nhà giam, hầm tối, nơi chỉ có bóng tối dầy đặc.

 Chữ thứ tư là Ghehena được dùng 11 lần và được dịch là địa ngục trong Tân Ước. Ðây là hình ảnh minh họa được Chúa dùng chỉ Thung Lũng Hinnom, một địa điểm đốt rác thường xuyên ở ngoại thành Giê-ru-sa-lem.

 Những người khác lại hỏi, “Kinh Thánh có dạy rằng trong địa ngục thực sự có lửa không?” Nếu không phải là lửa theo nghĩa đen thì chắc phải là thứ gì khác kinh khủng hơn lửa, vì Chúa Giê-xu không nói quá. Tất nhiên trong Kinh Thánh nhiều lần lửa được dùng theo nghĩa biểu tượng, tuy nhiên Ðức Chúa Trời cũng có thứ lửa cháy nhưng không thiêu rụi.

 Khi Môi-se thấy bụi gai cháy, ông ngạc nhiên vì bụi gai không tàn. Ba thanh niên Hê-bơ-rơ bị quăng vào lò lửa, bị đốt nhưng không cháy, cả đến tóc trên đầu họ cũng không một sợi nào bị xém.

 Mặt khác, Kinh Thánh nói về những cái lưỡi “bị lửa địa ngục đốt cháy” (Gia-cơ 3:6), mỗi khi chúng ta nói xấu người khác, nhưng tất nhiên không có nghĩa là mỗi lần như vậy là có lửa cháy theo nghĩa đen. Dù lửa được nói theo nghĩa đen hay nghĩa bóng nó không hề thay đổi tính hiện thực của địa ngục. Nếu không có lửa theo nghĩa đen, chắc chắn Chúa cũng đã dùng từ ngữ này để chỉ một điều kinh khủng hơn cả lửa.

 Phân Cách Với Ðức Chúa Trời 

 Yếu tính của địa ngục là sự phân cách với Ðức Chúa Trời. Ðây là sự chết thứ hai, được mô tả là tình trạng bị lưu đầy có ý thức, vĩnh viễn xa cách với tất cả những gì liên quan đến sự sáng, niềm vui, sự thiện, sự công chính và hạnh phúc. Nhiều chỗ trong Kinh Thánh mô tả tình trạng kinh khủng này, nơi linh hồn con người sẽ rơi vào chỉ một phút sau khi chết. Ðiều kỳ lạ là con người thường lo xa, chuẩn bị cho mọi chuyện trừ cái chết. Chúng ta chuẩn bị cho sự học hành, cho công việc làm ăn, cho nghề nghiệp. Chúng ta chuẩn bị cho việc hôn nhân, cho tuổi già. Chúng ta chuẩn bị cho mọi sự trừ ra việc chuẩn bị cho giây phút chúng ta phải đi vào cõi chết, trong khi Kinh Thánh long trọng cảnh cáo rằng đã định cho chúng ta phải chết một lần rồi chịu phán xét.

 Sự chết dường như là chuyện không tự nhiên khi xảy ra cho mình nhưng lại hoàn toàn tự nhiên khi xảy ra cho người khác. Sự chết kéo mọi người xuống cùng một hạng. Nó tước đoạt của người giàu bạc triệu, nhưng lại cất hết những cái rách rưới của người nghèo. Nó làm nguội lòng tham và dập tắt dục vọng. Mọi người đều muốn làm ngơ với cái chết nhưng rồi tất cả đều phải đối diện với nó, dù là vua chúa hay nông dân, hạng thất học hay hàng triết gia, kẻ sát nhân cũng như thánh nhân. Sự chết không biết đến giới hạn tuổi tác cũng không biết thiên vị là gì nhưng nó là cái mọi người đều sợ.

 Vào cuối đời Daniel Webster có lần thuật lại chuyện ông tham dự một buổi lễ nhà thờ tại một làng quê nhỏ. Mục sư là một cụ già đơn sơ, tin kính. Sau những nghi lễ mở đầu giờ thờ phượng, ông đứng lên giảng lời Chúa, rồi với một giọng vô cùng tha thiết nhưng đơn sơ ông nói, “Thưa các bạn, tất cả chúng ta đều chỉ có thể chết một lần.”

 Ít lâu sau, nhận định về bài giảng này, Daniel Webster nói, “Những lời trên dù có vẻ yếu ớt, lạnh lùng, nhưng đối với tôi, nó tức khắc đem lại một thức tỉnh sâu xa chưa từng có.”

 Hẹn Gặp Tử Thần 

 Nghĩ đến việc người khác phải giữ ngày hẹn với thần chết thì dễ, nhưng rất khó nhớ chính mình cũng không tránh được cái hẹn này. Khi tiễn những người lính ra trận, đọc báo viết về một tử tội chờ ngày hành quyết hay đi thăm một người bạn hấp hối, chúng ta đều ý thức về tính cách nghiêm trọng đang vây quanh những con người đó. Cái chết được định cho mọi người và việc nó xảy ra khi nào chỉ là vấn đề thời gian. Ðối với tất cả những cái hẹn khác trong cuộc đời như hẹn gặp các thú vui chẳng hạn, chúng ta có thể bỏ qua, thất hứa và chấp nhận hậu quả, nhưng đối với cái chết, không ai có thể tránh né hay lỗi hẹn! Ðối với tử thần, mỗi người chỉ có một lần hẹn - một lần bắt buộc!

 Nếu hậu quả của cuộc đời xa cách Ðức Chúa Trời chỉ là cái chết thân xác, chúng ta không sợ lắm, nhưng Kinh Thánh cảnh cáo rằng còn có cái chết thứ hai, là cuộc lưu đầy đời đời xa cách Ðức Chúa Trời. Dù Kinh Thánh có nói đến hỏa ngục cho tội nhân, nhưng cũng còn khía cạnh tươi sáng hơn khi Kinh Thánh công bố thiên đàng cho thánh nhân. Thánh nhân được định nghĩa là một tội nhân đã được tha thứ. Ðề tài thiên đàng so với hỏa ngục tất nhiên dễ được chấp nhận hơn rất nhiều, và Kinh Thánh dạy về cả hai đề tài đó.

 Khi dọn đến một căn nhà mới, bạn muốn biết hết về khu phố mình sẽ sống. Nếu dời sang một thành phố khác, bạn cũng muốn biết hết về thành phố đó - về hệ thống xe điện, các công viên, sông, hồ, trường học... Vì chúng ta rồi sẽ đi đến một nơi nào đó trong cõi vĩnh hằng, chúng ta cũng cần biết đôi điều về nơi ấy. Kiến thức về thiên đàng được trình bày trong Kinh Thánh cho nên suy nghĩ, bàn luận về thiên đàng là việc cần làm. Khi nói về thiên đàng, đem so sánh, chúng ta sẽ thấy trần gian bỗng trở nên xập xệ, tầm thường. Những buồn đau và nan đề của chúng ta tại đây dường như vơi bớt rất nhiều khi chúng ta có lòng thực sự trông đợi tương lai. Chính vì thế, trong một nghĩa đặc biệt nào đó, Cơ-đốc nhân đã có thể có thiên đàng trên đất - sự bình an trong linh hồn, bình an trong lương tâm và bình an với Ðức Chúa Trời. Giữa bao nhiêu khó khăn, bối rối, Cơ-đốc nhân có sự bình an và niềm vui sâu xa hoàn toàn không tùy thuộc vào hoàn cảnh.

 Thiên Ðàng Có Thật 

 Kinh Thánh hứa cho Cơ-đốc nhân thiên đàng trong đời sau. Vào năm ông John Quincy Adams 94 tuổi, một buổi sáng kia có người hỏi ông thấy thế nào, ông trả lời, “Tốt, tốt lắm, nhưng căn nhà tôi đang ở thì không được tốt mấy.” Cho dù “căn nhà” chúng ta ở có thể đang đau ốm, bệnh hoạn, chúng ta vẫn có thể thấy tinh thần phấn chấn, mạnh mẽ nếu chúng ta là Cơ-đốc nhân. Chúa Giê-xu dạy rằng thật có thiên đàng dành sẵn cho chúng ta.

 Chúng ta có thể trưng dẫn nhiều chỗ trong Kinh Thánh nói về thiên đàng, nhưng câu mô tả linh động nhất vẫn là Giăng 14:2, “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở, bằng chẳng vậy ta đã nói cho các ngươi rồi, ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ, khi ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” Phao-lô rất chắc chắn về thiên đàng đến nỗi ông đã viết, “Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể này để ở cùng Chúa thì hơn.” (II Cô-rinh-tô 5:8)

 Viễn ảnh về đời sau của Cơ-đốc nhân và của một nhà bất khả tri như Bob Ingersoll thật là khác biệt. Bên mộ anh ông ta nói rằng, “Sự sống là cái màn thật mỏng giữa hai đỉnh núi lạnh lẽo hoang vu của cõi vĩnh hằng. Chúng ta nỗ lực uổng công khi cố nhìn ra xa hơn hai đỉnh núi này. Cất tiếng khóc, chúng ta chỉ nghe lời đáp duy nhất là những tiếng vang vọng thê thảm tiếng khóc của chính mình”

 Nhiều lần sứ đồ Phao-lô bảo, “Chúng ta biết”, “Chúng ta tin chắc,” “Chúng ta luôn chắc rằng.” Kinh Thánh bảo rằng Áp-ra-ham “tìm kiếm một thành có nền vững chắc Ðức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập.”

 Nhiều người hỏi, “Ông có tin rằng thiên đàng thực sự là một nơi theo nghĩa đen không? Vâng, đó là điều chúng ta tin, vì Chúa Giê-xu bảo rằng, “Ta đi chuẩn bị cho các con một chỗ.” Kinh Thánh dạy rằng Ê-nóc và Ê-li với thân xác thật đã được cất lên một nơi có thật y như những nơi có thật trên trần gian như Hawaii, Thụy sĩ, Virgin Islands...

 Nhiều người từng hỏi, “Thiên đàng ở đâu?” Kinh Thánh không cho biết mà đó cũng không phải là vấn đề quan trọng miễn là có thiên đàng và Chúa Cứu Thế Giê-xu ở đó để đón chúng ta về.

 Một Nơi Tuyệt Mỹ 

 Kinh Thánh dạy rằng thiên đàng sẽ là nơi tuyệt đẹp, được mô tả trong Kinh Thánh là “nhà của Ðức Chúa Trời”, là “thành phố” - một “quê hương tốt hơn” - “một cơ nghiệp” - “một nơi đầy vinh quang.”

 Có thể bạn sẽ hỏi, “Liệu trên thiên đàng chúng ta có còn nhận ra nhau không?” Một số chỗ trong Kinh Thánh cho biết sẽ có một cuộc hội ngộ vĩ đại của tất cả những người đi trước.

 Người khác hỏi, “Trẻ con có được cứu rỗi không?” Có, vì Kinh Thánh cho biết Ðức Chúa Trời không gán trách nhiệm đối với tội lỗi cho trẻ con trước khi chúng đến tuổi hiểu biết. Có nhiều chỗ trong Kinh Thánh hàm ý sự chuộc tội phủ bao mọi tội lỗi cho đến khi chúng đến tuổi phải chịu trách nhiệm cá nhân về những hành vi đúng cũng như sai.

 Kinh Thánh cũng cho biết thiên đàng sẽ là nơi chúng ta có những hiểu biết sâu rộng với kiến thức về những sự vật chúng ta chưa bao giờ học được trên trần gian.

 Sir Isaac Newton khi về già, nói với một người khen ngợi sự khôn ngoan của ông rằng, “Tôi chỉ như là một đứa trẻ đi trên bờ biển lượm lặt đây đó viên cuội, vỏ sò, còn cả đại dương chân lý vẫn trải rộng mênh mông trước mặt.”

 Rồi Thomas Edison cũng từng nói, “Tôi không biết được đến một phần triệu của một phần trăm về bất cứ điều gì.”

 Nhiều điều bí ẩn về Ðức Chúa Trời, những nỗi đau lòng, những thử thách, những nỗi thất vọng, những thảm kịch và sự im lặng của Ðức Chúa Trời ở giữa bao nhiêu thống khổ sẽ được phơi bày. Eli Wiesel bảo rằng cõi vĩnh hằng là “...nơi những vấn nạn và câu trả lời là một.” Trong Giăng 16:23 Chúa Giê-xu phán, “Ngày đó các ngươi sẽ không còn hỏi ta điều gì nữa.” Tất cả những câu hỏi của chúng ta sẽ được trả lời!

 Nhiều người hỏi “Như vậy chúng ta sẽ làm gì trên thiên đàng? Không lẽ chỉ ngồi và vui hưởng mọi lạc thú cao sang của sự sống?” Không. Kinh Thánh cho biết chúng ta sẽ phục vụ Ðức Chúa Trời. Chúng ta sẽ có vô số việc làm cho Ðức Chúa Trời. Chính con người chúng ta sẽ ca ngợi Chúa. Kinh Thánh dạy rằng, “Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa; ngôi của Ðức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ỏ trong thành; các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài.” (Khải Huyền 22:3)

 Ðó sẽ là thời gian chúng ta được trọn vẹn trong niềm vui, trong sự phục vụ, được ca hát vui cười và ca ngợi Ðức Chúa Trời. Chúng ta thử tưởng tượng nghĩ đến tình trạng đời đời được phục vụ Chúa không hề mỏi mệt!

 Vào Trong Sự Hiện Diện Của Chúa Cứu Thế 

 Kinh Thánh dạy rằng chúng ta cần ra khỏi thân thể để có thể ở với Chúa. Chính giây phút qua đời Cơ-đốc nhân đi thẳng ngay vào trong sự hiện diện của Chúa Cứu Thế rồi ở đó chờ ngày phục sinh là lúc linh hồn và thân thể sẽ lại được kết hợp trở lại.

 Nhiều người từng hỏi, “Làm thế nào những thân thể đã tan rữa hay đã hỏa thiêu có thể làm cho sống lại?” Chỉ một mình Ðức Chúa Trời biết điều đó, tuy nhiên thân thể mới chúng ta sẽ có là một thân thể vinh hiển giống như thân thể phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu và đó là thân thể vĩnh hằng. Với thân thể vinh hiển đó, chúng ta sẽ không còn than khóc, đau buồn, bệnh tật, đau khổ, mệt nhọc hay chết chóc nữa. Chúng ta sẽ có thân thể mới, nhưng vẫn còn nhận ra người đó là ai.

 Ðó là bức tranh về hai thế giới vĩnh hằng nổi lên trong không gian. Mỗi hậu tự của A-đam sẽ ở một trong hai thế giới đó. Xung quanh cả hai bao trùm một màn bí mật mênh mông, nhưng qua Kinh Thánh chúng ta có thể tìm thấy một ít tia sáng chỉ thị rằng một nơi sẽ đầy bi thương đau khổ còn nơi kia đầy ánh sáng và vinh quang.

 Như vậy chúng ta đã thấy nan đề của nhân loại. Bề ngoài chúng có vẻ phức tạp, nhưng trong căn bản chúng đơn giản hơn nhiều và có thể tóm gọn vào trong một chữ - tội lỗi. Chúng ta cũng đã thấy tương lai con người hoàn toàn vô vọng nếu không có Ðức Chúa Trời. Tuy nhiên nếu chỉ dùng lý trí để phân tích vấn đề và tìm hiểu chương trình của Ðức Chúa Trời thì không đủ. Nếu muốn được Ðức Chúa Trời cứu giúp, con người phải hội đủ một số điều kiện của Ngài. Trong những chương sau chúng ta sẽ tìm hiểu những điều kiện đó.