Nhà tư vấn tâm lý Larry Crabb nói,
“Phân loại ‘dòng ý thức,’ một tổ chức đơn giản hiện ra: Con người có một
nhu cầu cá nhân cơ bản, nó yêu cầu hai yếu tố để được đáp ứng. Nhu cầu
cơ bản hơn hết là ý thức về giá trị cá nhân, sự chấp nhận chính mình như
là một con người thật. Hai yếu tố cần thiết là ý nghĩa (mục đích, quan
trọng, khả năng làm việc, ảnh hưởng) và an toàn (tình yêu thương—không
vụ lợi và được thể hiện trước sau như một, sự chấp nhận thường xuyên).”
Từ
quan điểm này, chúng ta có thể hiểu tại sao một người làm một việc mà
chúng ta cho rằng không quan trọng hay không cần thiết.
VÀI THÍ DỤ
1.
Núi Everest cao 8,848 mét, cao nhất thế giới. Chính vì đó mà có nhiều
người muốn chinh phục ngọn núi đó. Cho đến cuối năm 2008 có cả thảy 2700
người thực hiện 4102 cuộc leo núi. Muốn leo núi mỗi người phải xin phép
chính quyền Nepal, và đóng 25,000 đô để được cấp giấy phép. 210 người
đã thiệt mạng mà không lên được đỉnh núi.
Có
lẽ chúng ta tự hỏi rằng tại sao những người này lấy mạng sống mình để
đánh cuộc? Tại sao họ chịu bỏ ra một số tiền lớn như vậy, chịu vất vả và
chấp nhận hiểm nguy chỉ để lên được ngọn núi cao nhất thế giới?
Có
người có thể nghĩ rằng làm trai đứng trong trời đất, phải có danh gì
với núi sông. Có thể những người leo núi muốn làm một điều gì mà họ nghĩ
là có ý nghĩa.
2.
Tôi biết một thanh niên trên ba mươi tuổi. Cậu đi học đại học, ngành
luật. Trong khi còn đi học cậu đi làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của
mình. Cậu giúp người cậu gặp khó khăn với Sở thuế vì có người ăn cắp số
an sinh xã hội để lãnh tiền đánh bạc. Cậu cũng giúp một người anh họ bị
phạt vì vi phạm luật lưu thông. Gần đây cậu ta kiện một người cậu vì
người dì tố cáo em mình xâm phạm mình. Có việc làm của cậu hợp lý, hợp
pháp, nhưng cũng có việc không hợp lý hay hợp pháp chút nào. Theo lý
thuyết của Crabb, những việc cậu làm mang lại ý nghĩa cho đời sống của
cậu.
3.
Bước vào thế kỷ 21, nhiều nhà triệu phú không biết sử dụng tiền của
mình vào việc gì, cho nên họ nghĩ đến việc đi du lịch lên không gian.
Tốn cả triệu đô la để lên trời nhìn xuống đất thì quá đắc đối với người
không giàu có. Có lẽ đối với họ, cuộc sống chưa có ý nghĩa khi chưa được
lên không gian. Và còn nhiều người làm nhiều việc mà chúng ta không
hiểu, nhưng họ cho rằng cuộc đời họ có ý nghĩa khi họ thực hiện được
những điều họ muốn.
4.
Có một người đàn ông trên 60 tuổi, lãnh trợ cấp xã hội, không biết làm
gì nên vào mạng để giao lưu và xem hình khiêu gợi của các cô gái trẻ ở
Việt Nam. Ông ta ăn diện sang trọng, và nói với họ là làm chủ nhà hàng.
Mỗi tháng lãnh trợ cấp 700 đô, và chi 300 đô để gọi điện tán tỉnh các
cô. Người vợ cũng bắt chước chồng, đi làm về thì ngồi trước máy vi tính
để giao lưu với các cậu trai. Họ có một người con gái vị thành niên.
Trước đây hai người nuông chiều con gái cưng của mình hết sức. Nhưng bây
giờ chat room là thần tượng của họ, nên không quan tâm gì đến con mình.
Em phải tìm tình yêu ở nơi khác. Em bỏ nhà và đến sống với một người
bạn trai bằng tuổi.
Ý NGHĨA THẬT
Cuối
tháng 9, 2009 trận bão số 9 đánh vào ba hay bốn tỉnh miền Trung Việt
Nam, (ai bảo số chín là số hên), gieo tai họa kinh hoàng cho dân nghèo.
Với một số tiền khiêm nhường, 2.000 US đô la, Mục vụ Sự Sống Sung Mản
mua được ba tấn gạo giúp 300 gia đình có cơm ăn khoảng một tuần. Nếu
chúng ta có 25,000 đô thì 3500 gia đình sẽ được giúp đỡ. Chúng ta có thể
thấy rõ là chi 25, 000 đô để đối đầu với thời tiết khắc nghiệt, để leo
lên đỉnh núi cao nhất thế giới, khi không biết chắc mình còn sống để lên
núi hay là trở về chân núi, không thể nào có ý nghĩa hơn là chi 25,000
để giúp đồng bào lâm nạn. Mục vụ Sự Sống Sung Mãn kêu gọi dâng hiến cứu
lụt. Chỉ có một số ít người dâng, nhưng chắc nhiều người chi một vài
trăm đô để tán tỉnh các cô các cậu.
Thế
nào là ý nghĩa thật của cuộc đời? Câu trả lời tùy quan điểm của mỗi cá
nhân. Đối với Cơ đốc nhân, đời sống thật sự có ý nghĩa khi chúng ta tin
nhận Chúa Cứu Thế, và liên hiệp cùng Ngài. Lúc ấy không phải chúng ta
sống, nhưng Ngài sống trong chúng ta và đồng công với chúng ta trong
những công tác thiện lành. Phao-Lồ tuyên bố, “Tôi đã bị đóng đinh vào
thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa,
nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là
tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã
phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20).
Trước
khi qui đạo Phao-Lô nghĩ rằng ý nghĩa của cuộc sống là bách hại các tín
đồ của Chúa Giê-Su. Nhưng, sau khi tin nhận Chúa Giê-Su là Cứu Chúa của
ông, Phao-Lô “chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức
Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự” (1 Cô-rinh-tô 2:2).
Ông nói tiếp, “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận
biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì
Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm
rác, hầu cho được Đấng Christ” (Phi-líp 3:8).
Ngày
nay, nhiều tôi tớ và con cái Chúa chưa nắm bắt được điều Phao-Lô dạy,
nhưng còn tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Nhiều người thấy cần phải có
nhiều tiền, có danh tiếng, có quyền hành thì cuộc đời mới có ý nghĩa.
Mục
sư Rick Warren ghi nhận năm mục đích của con cái Chúa—thờ phượng, học
hỏi, thông công, phục vụ và truyền giáo. Khi đời sống của người Cơ đốc
được năm mục đích trên lèo lái thì cuộc đời họ sẽ nhiều ý nghĩa. Họ
không cần chinh phục núi Everest, họ không cần du lịch lên không gian,
hay làm người hùng bảo vệ cho người không thật sự bị ai hà hiếp.
Làm
thế nào để Cơ đốc nhân thấy mình có giá trị? Larry Crabb trả lời, “Ý
nghĩa tùy thuộc vào sự hiểu biết tôi là ai trong Chúa Cứu Thế. Tôi cảm
thấy có giá trị khi tôi ảnh hưởng đời đời trên người mà tôi phục vụ. Nếu
tôi thất bại trên thương trường, nếu vợ tôi bỏ tôi, nếu tôi làm một
công việc tầm thường, nếu tôi chỉ đủ tiền thuê một căn hộ nhỏ, và mua
một chiếc xe cũ, tôi vẫn có thể vui hưởng một ý nghĩa gây xúc động vì
tôi thuộc về Đấng Chủ Tể của vũ trụ, và Ngài có việc làm cho tôi.”
Crabb
nói thêm, “Ý nghĩa thật và an toàn thật chỉ có sẵn cho người tin nơi
đời sống trọn vẹn của Chúa Cứu Thế và cái chết chuộc tội của Ngài như là
cơ sở độc nhất để được Đức Chúa Trời chấp nhận.”
Tóm
lại, ngoài Chúa Cứu Thế Giê-Su, con người không thể tìm được ý nghĩa
cho cuộc đời. Chúng ta có thể tốn rất nhiều tiền, thì gian và công sức,
nhưng cuối cùng cũng giống như dã tràng xe cát bể Đông mà thôi.
Huỳnh Ngọc Ẩn