Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, December 20, 2012

CÂU CHUYỆN CHÚA GIÁNG SANH



Kinh Thánh: Luca 1:26-35
Câu gốc: Luca 1:31-33

I/. THIÊN SỨ BÁO TIN CHO MA-RI:
-        Luca 1:26-35
-        Nhắc đến câu chuyện Chúa Jêsus giáng sanh là chúng ta phải ghi công đầu tiên cho Ma-ri, vì Ma-ri là người dự phần quan trọng nhất trong sự giáng sanh của Chúa Jêsus.
-        Kinh Thánh sách Tin Lành Luca 1:26-35 đã ghi thuật lại cách chi tiết về việc Thiên sứ Báo tin cho Ma-ri:

*        1:26a, Đến tháng thứ sáu, Kinh Thánh xác nhận thời gian Thiên sứ báo tin cho Ma-ri thọ thai Chúa Jêsus là 6 tháng sau khi Ê-li-sa-bét thọ thai Giăng Báp-tít.
*        1:26b, Kinh Thánh cũng xác định địa điểm Thiên sứ báo tin cho Ma-ri là làng Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, tức là khu vực phía Bắc của nước Y-sơ-ra-ên.
Sở dĩ những chi tiết nầy được ghi lại rõ ràng như vậy là Thánh Luca có mục đích làm chứng về Chúa Jêsus Christ cho một người tên Thê-ô-phi-lơ “Quí nhơn” (1:1). Hai chữ “Quí nhơn” cho biết Luca đang làm chứng cho một người thuộc Hoàng tộc Lamã, một viên chức cao cấp của Đế quốc Lamã. Và Luca quyết định chứng minh sự kiện Chúa Jêsus giáng sanh là một sự kiện chắc chắn (1:3-4), không có gì phải nghi ngờ.
*        1:27, một lần nữa, như chúng ta đã biết Thánh Luca là một Bác sĩ (Côlôse 4:14), nên ông đã sử dụng kiến thức chuyên môn của một Bác-sĩ để xác định lúc Thiên sứ báo tin, thì Ma-ri là một Nữ đồng trinh, chỉ mới hứa hôn với Giô-sép. Nhóm từ “về dòng vua Đa-vít”, vừa áp dụng cho Giô-sép vừa áp dụng cho Ma-ri, cả hai người đều thuộc dòng vua Đa-vít.
Với hai câu Kinh Thánh ngắn gọn nầy (1:26-27), Luca đã khiến những người muốn nghi ngờ sự giáng sanh của Chúa Jêsus cũng không còn gì để nghi ngờ: từ thời gian, địa điểm, y học, pháp lý (hứa hôn).
*        1:34, Luca đã sẵn sàng ghi lại thắc mắc của Ma-ri, cũng chính là thắc mắc của bao nhiêu người trải qua các thời đại: Nữ đồng trinh sao có thể thọ thai được. Cảm ơn Chúa, Ma-ri đã tạo cơ hội để chính Thiên sứ giải thích cho chúng ta ngày nay.
-        Thật ra, Kinh Thánh đã nhiều lần ghi lại những việc sanh ra con người rất đặc biệt, vượt ngoài công lệ thiên nhiên:
*        Sáng 2:7, Đức Chúa Trời đã dựng nên con người đầu tiên là A-đam mà không cần phải có người nam và người nữ nào cả, chỉ dùng bụi đất.
*        Sáng. 2:22, Đức Chúa Trời đã dựng nên người nữ, mà không cần có người nam người nữ, Chúa chỉ dùng xương sườn của người nam.
*        Sáng. 21:1-2, Đức Chúa Trời đã cho vợ chồng Áp-ra-ham và Sa-ra sanh một con trai là Y-sác, dù hai người đã quá già, không còn có thể sanh sản như công lệ thiên nhiên – chính Áp-ra-ham và Sa-ra cũng biết việc không thể có con của họ (Sáng. 17:17; 18:11-15).
*        Luca 1:7, 24, trước khi Ma-ri thọ thai Chúa Jêsus bởi Đức Thánh Linh, người bà con của Ma-ri là Ê-li-sa-bét cũng được Đức Chúa Trời cho mang thai dù vợ chồng đã già không thể sanh con.
-        Tôi tin rằng với những người hiểu biết ngày nay thì không cần phải bàn cãi hay nghi ngờ việc nữ đồng trinh mang thai như hơn 50 năm trước đây nhiều người thường dùng câu chuyện Ma-ri đồng trinh khi thọ thai Chúa Jêsus để chế nhạo Tin Lành của Chúa nữa, qua kỹ thuật y khoa cho thụ thai trong ống nghiệm, và gần đây là kỹ thuật sinh sản vô tính (Clonic).
-        Bây giờ trở lại với Luca 1:35, Thiên sứ của Chúa đã giải thích Đức Thánh Linh đã ban cho Ma-ri được ơn thọ thai Chúa Jêsus, đồng thời cũng đã tuyên bố cách mạnh mẽ lời thách thức: Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được (1:37).
-        Điều mà Cơ-Đốc nhân học được từ Lời Chúa qua việc Thiên sứ báo tin cho Ma-ri, không phải là chuyện tranh cãi: nữ đồng trinh Ma-ri có hay không có thọ thai Chúa Jêsus hoặc thọ thai cách nào, bài học mà chúng ta thường lo tranh cãi để rồi bỏ qua là: Ma-ri là một người yêu mến Chúa, thuận phục ý Chúa (1:38), dù cô phải trả một giá rất quan trọng trong thời bấy giờ: ấy là danh dự của một người con gái chưa có chồng mà lại mang thai.
-        Có lẽ tại chúng ta đang sống trong thời kỳ đạo đức suy đồi, tội ác thêm nhiều, việc mang thai, phá thai, đã trở nên quá bình thường – một tội lỗi trở nên bình thường, nên dường như không còn bao nhiêu người nghĩ đến sự hi sinh trả giá đức tin của Ma-ri để vâng lời Chúa, cho nên khi tin Chúa hoặc trên đường theo Chúa, gặp một thử thách đòi hỏi phải trả giá nào đó, thì lập tức lìa bỏ niềm tin nơi Chúa, quay lại với thế gian, với ma quỉ, với bản ngã của mình.
-        Hôm nay, xin Chúa cho mỗi chúng ta thay vì ngồi thắc mắc, nghi ngờ, tranh cãi, để làm ra như một người hiểu biết, thì xin Chúa cho chúng ta học gương Ma-ri: Sẵn sàng trả giá để giữ vững niềm tin nơi Chúa.

II/. NƠI CHÚA JÊSUS GIÁNG SANH:
-        Luca 2:1-7.
-        Có hai điều liên quan đến địa điểm Chúa Jêsus giáng sanh:
1.       Thành Đa-vít:
-        Luca 2:1-5.
-        Địa điểm Chúa Jêsus được sanh ra là Thành Đa-vít hay làng Bết-lê-hem 2:4), một thành nhỏ thuộc phía Nam nước Y-sơ-ra-ên.
-        Sở dĩ gọi Bết-lê-hem là Thành Đa-vít là vì đây là nơi vua Đa-vít được sanh ra (I Samuên 16:1;  II Samuên 5:9).
-        Điều kỳ diệu khi nói đến việc Chúa Jêsus giáng sanh tại Bết-lê-hem là theo lời Tiên tri được loan báo 500 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh trong sách Michê 5:1, thì Chúa Jêsus Christ sẽ được sanh ra tại Bết-lê-hem, thuộc phía Nam nước Y-sơ-ra-ên.
-        Trong khi đó, Ma-ri thọ thai Chúa Jêsus thì cô và Giô-sép đang ở tại làng Na-xa-rét thuộc phía Bắc nước Y-sơ-ra-ên. Giữa Na-xa-rét với Bết-lê-hem cách xa nhau 300 dặm.
-        Với phương tiện giao thông hiện đại ngày nay, nhất là chúng ta đang sống trên một nước kỹ thuật cao với những phi cơ bay rất nhanh, với freeway rộng rãi kèm theo những chiếc xe đầy đủ tiện nghi, thì 300 dặm không có gì đáng quan tâm. nhưng với phương tiện giao thông cách đây hơn 2,012 năm và với một gia đình nghèo của Giô-sép và với cô Ma-ri đang mang thai gần ngày sanh, thì việc đi 300 dặm từ Na-xa-rét xuống Bết-lê-hem để sanh cho đúng như lời tiên tri Mi-chê loan báo, quả là việc không thể nào thực hiện, cũng không cần đi xa như vậy.
-        Thế mà kỳ diệu thay, Chúa Jêsus đã giáng sanh tại Bết-lê-hem đúng như lời tiên tri. Làm sao xảy ra ? Đức Chúa Trời đã can thiệp bằng cách như Luca 2:1-3 đã ghi lại. Đức Chúa Trời đã cho Hoàng đế Au-gút-tơ ra lịnh tu bộ dân số với lịnh thật phiền phức: Ai nấy đều đến thành mình (đã được sinh ra – quê quán - khai tên vào sổ (Luca 2:3). Do đó dù không muốn đi, Giô-sép cũng phải dắt Ma-ri lên đường đến Bết-lê-hem, và Chúa Jêsus đã giáng sanh tại Bết-lê-hem. Thật là kỳ diệu ! Không có lời giải thích nào dễ hiểu và hợp lý là chính Đức Chúa Trời Toàn năng đã can thiệp như sách Châm ngôn 21:1, dù là một vị vua đầy uy quyền như Hoàng đế Au-gút-tơ, cũng là những công vụ trong tay Chúa để làm thành ý chỉ của Chúa.
2.       Máng cỏ:
-        Luca 2:6-7
-        Nói đến “máng cỏ” là nói đến một vật dơ dáy, vì đó là dụng cụ đựng cỏ cho gia súc như bò, lừa, chiên, ăn. Chỗ đặt “máng cỏ” luôn luôn là nơi chuồng súc vật. Chuồng súc vật có thể là một hang đá ngoài cánh đồng hoang, hoặc là một mái tranh đơn sơ bên vách nhà, nhất là nhà quán, nhà trọ.
-        Kinh Thánh cho chúng ta biết Ma-ri sanh Chúa Jêsus và người bọc con mình bằng khăn – có lẽ là chiếc khăn choàng đầu của người phụ nữ Y-sơ-ra-ên thường dùng để trùm đầu, đặt con mình nằm trong máng cỏ.
-        Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Giô-sép và Ma-ri lại phải đặt Hài nhi Jêsus trong “máng cỏ” nơi chuồng chiên như vậy ? Hay nói cách khác: Tại sao Chúa Jêsus lại bằng lòng giáng sanh nơi “máng cỏ” chuồng chiên như vậy ?
-        Anh chị em hãy nghe Kinh Thánh giải thích lý do Giô-sép và Ma-ri phải làm như vậy: Vì nhà quán không có đủ chỗ ở (Luca 2:7b).
-        Tôi tin rằng đọc đến đây ai trong chúng ta cũng rất phiền giận người chủ quán – bà chủ quán hay ông chủ quán. Chẳng những thế mà nhiều người cũng đã dựng thành những hoạt cảnh để diễn trong những đêm giáng sanh với mục đích chỉ trích người chủ quán đã quá lo kiếm tiền, vì lợi riêng mà để Chúa Jêsus phải giáng sanh nơi chuồng chiên máng cỏ. Đáng lẽ người chủ quán là người có phước nhất trong đêm giáng sanh đầu tiên, đã trở nên kẻ vô phước nhất trên thế giới.
-        Một lần nữa, chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao người chủ quán không dành một chỗ cho Chúa Jêsus giáng sanh trong đêm giáng sanh đầu tiên ? Câu trả lời có thể là: Tại người chủ quán chỉ nghĩ đến lợi, nghĩ đến tiền, nghĩ đến việc làm giàu; nói cách nhẹ nhàng hơn là người chủ quán chỉ nghĩ đến nhu cần sinh sống của mình của gia đình, thay vì quan tâm đến Chúa Jêsus cần nơi giáng sanh. Tôi tin rằng tất cả câu trả lời đều đúng !
-        Nhưng hơn 2,012 năm sau, người chủ quán đó còn sống không ? Tôi quả quyết người chủ quán vẫn còn sống, và sống rất khỏe trong đời sống của nhiều Cơ-Đốc nhân ngày nay. Hãy nhìn vào tinh thần của các Cơ-Đốc nhân tại Mỹ đối với Chúa Jêsus Christ, đối với Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus Christ giáng sanh, anh chị em sẽ thấy hình ảnh của người chủ quán đó khắp nơi.

III/. NHỮNG NGƯỜI TÌM THỜ CHÚA:
-        Trong lúc Chúa Jêsus giáng sanh, chỉ có hai hạng người đi tìm thờ lạy Chúa Jêsus:
1.       Những người chăn chiên:
-        Luca 2:8-20.
-        Nếu câu chuyện Chúa Jêsus giáng sanh kết thúc ở 2:7 với những lời “vì nhà quán không đủ chỗ ở”, thì chắc chắn thế giới từ đó đến nay không có cơ hội để vui mừng kỷ niệm Chúa giáng sanh. Cảm ơn Chúa, thật là niềm an ủi vô biên cho chúng ta.
-        An ủi như thế nào ?
*        Luca 2:8-10, Niềm an ủi là tin tức về Chúa Jêsus giáng sanh đầu tiên được Thiên sứ loan truyền cho những người chăn chiên ngoài cánh đồng Bết-lê-hem. Có bao giờ anh chị em thắc mắc tại sao tin tức Chúa Jêsus giáng sanh lại truyền cho những người chăn chiên mà không cho một ai khác ?
Có lẽ là vì những người chăn chiên là những người không bị những lôi cuốn vào dòng thác của bao cuộc vui thế gian lúc bấy giờ, hoặc chạy theo sự đam mê tiền bạc như người chủ quán.
*        Luca 2:11-12, niềm an ủi là những người chăn chiên có thể gặp Chúa dễ dàng, vì Chúa Jêsus giáng sanh làm một Con Trẻ bọc bằng khăn nằm trong máng cỏ, chứ không phải là một Hoàng tử trong cung điện.
*        Luca 2:13-20, bài học cho chúng ta là sau khi tai nghe Thiên sứ báo tin, những người chăn chiên đã không dám một phút giây chần chừ, lên đường tìm cho gặp Chúa Jêsus giáng sanh. Rồi khi mắt thấy rõ ràng hài Nhi Jêsus nằm trong máng cỏ y như Thiên sứ truyền, những người chăn chiên không giấu được sự vui mừng lớn từ đáy lòng, đã vội vã trở về loan báo cho mọi người biết hôm nay Chúa Jêsus đã giáng sanh.
2.       Các nhà thông thái tìm gặp Chúa Jêsus giáng sanh:
-        Mathiơ 2:1-12.
-        Những nhà thông thái nầy được Kinh Thánh cho biết họ là những người ở Đông phương, có thể đó là Ấn-dộ, là Ba-tư. Vì qua những lễ vật của họ đem từ xa đến dâng tặng Mừng Chúa Jêsus giáng sanh chính là những sản phẩm quý báu đương thời có nguồn gốc ở Đông phương, như: vàng, nhũ hương, và một-dược.
-        Những nhà thông thái nầy không được Thiên sứ báo tin, nhưng được Đức Chúa Trời dùng một hiện tượng là sự xuất hiện một vì sao khác thường trên bầu trời báo tin. Qua những lời họ trình bày với vua Hê-rốt chứng tỏ họ luôn theo dõi sự hiện ra của Đấng Cứu Thế. Tại sao họ luôn theo dõi sự hiện ra của Đấng Cứu Thế ? Chắc chắn vì họ nhận biết họ không thể tự cứu mình, họ biết cuộc sống đạo đức của họ không khỏa lấp tội lỗi trong đời sống của họ, họ khao khát sự giải cứu từ Trời.
-        Điều làm chúng ta cảm động biết bao là khi thấy Ngôi Sao báo tin Chúa Jêsus giáng sanh, họ không quản ngại đường xa nguy hiểm, lên đường tìm cho gặp được Đấng họ đang trông đợi nay đã giáng sanh là Chúa Jêsus.
-        Qua những chi tiết về những người chăn chiên được nghe Tin lành Chúa Jêsus giáng sanh; qua chi tiết về sự hết lòng tìm kiếm Chúa Jêsus giáng sanh của các nhà thông thái, có biết bao nhiêu bài học mà Kinh Thánh muốn dạy chúng ta ngày nay.
-        Câu chuyện Chúa Jêsus giáng sanh của 2,012 năm trước, thật kỳ diệu biết bao khi vẫn sống động trước mắt chúng ta ngày nay. Anh chị em tìm gặp chính hình ảnh của mình qua những nhân vật nào trong câu chuyện ? Chính mình là Giô-sép phải không ? Là Ma-ri ? Hay là người chủ quán trật phần ân điển ? Hay là những người chăn chiên ? Hoặc là các nhà thông thái ? Xin Chúa cho không có một người chủ quán nào có mặt tại đây hôm nay.

Mục sư Võ Đức Hòa, Giảng cho Hội-thánh chúa nhật ngày 16 tháng 12 năm 2012