Không biết chiếc neo của con tàu được phát minh từ lúc nào, ai là người đầu tiên đã sang chế ra nó, nhưng các nhà khảo cổ đã tìm thấy những chiếc neo cổ được làm bằng đá, hay bằng đồng. Người Hy Lạp xưa đã dùng giỏ đựng đá để làm chiếc neo cho con tàu của họ. Sau nầy chiếc neo được làm bằng sắt, Pliny là người đã chế chiếc neo như ta thấy hiện nay nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Mãi đến thế kỷ thứ 19, chiếc neo mới được cải tiến hoàn hảo.
Tàu nào cũng có những chiếc neo. Sức nặng và móc câu của mỏ neo bám chặt vào đáy biển để giữ con tàu không bị trôi giạt khi giông tố nổi lên. Chiếc neo biểu tượng cho người hay vật mà chúng ta nương dựa để được bảo vệ, nâng đỡ, bám víu, hay nương náu.
Con tàu được bảo vệ bằng những chiếc neo, thì cuộc đời ta cũng được bảo tồn bởi hy vọng. Có người nói rằng: Chúng ta có thể sống 1 tháng nếu không ăn, hoặc 1 tuần nếu không uống; chúng ta có thể sống vài phút nếu không có không khí, nhưng chúng ta không thể sống dầu 1 giây nếu không có hy vọng.
Theo nhật báo Herald Sun, ngày thứ Hai 12.12.2012 tại Melbourne, Úc Châu cho biết trong năm 2012 có tất cả 1816 người đã tự kết liễu đời mình, phần lớn ở trong hạng tuổi từ 15 đến 34. Trong số đó 3/4 là nam giới, chỉ 1/4 là phụ nữ. Số người tự tử chết còn cao hơn cả tai nạn xe hơi trong năm. Vì hết hy vọng nên nhiều người đã tự vẫn.
Leonard Griffith thuật lại một câu chuyện cảm động trong thời hoàng đế Napoleon của nước Pháp: Charnet là một vị quan lớn, đã vô tình phê bình hoàng đế Napoleon, khiến nhà vua nổi giận, hạ lệnh tống giam Charnet chung thân vào ngục tối. Ngày qua tháng lại trong ngục thất, Charnet vô cùng bực tức, cay đắng cho số phận hẩm hiu của mình. Dần dần ông đánh mất lòng tin vào Đức Chúa Trời. Trong cơn nóng giận, ông khắc trên tường câu “Tất cả sự vật trên đời nầy không do ai làm ra! Mọi sự ở trên đời chẳng qua là ngẫu nhiên mà thôi!” với ý là chẳng có Đức Chúa Trời nào cả, ngay cả sự bất công đến với con người chẳng qua là sự tình cờ! Rồi ông tiếp tục cay đắng hết ngày nầy sang ngày khác. Nhưng một ngày kia, có một kẻ nứt trong ngục thất, nhờ vậy ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua, soi sáng ngục thất bấy lâu đã bị bóng tối bao trùm. Rồi đến một sáng nọ, khi thức giấc, ông thấy từ nền đất khô cứng của ngục thất, một phiến lá xanh tươi trồi lên, mầm sống của nó tiếp tục phấn đấu, vương lên bắt lấy tia nắng mặt trời. Từ đây Charnet có một người bạn duy nhất là cây tí hon đó. Ông chăm sóc nó hằng ngày, tưới nước, giúp nó lớn lên. Sau đó, cây nhỏ trổ bông màu tím và trắng tuyệt đẹp. Ông bắt đầu suy nghĩ về Đức Chúa Trời, rồi cạo bỏ hàng chữ cũ trên tường, thay vào đó ông khắc hàng chữ “Đấng Tạo ra muôn loài, muôn vật là Đức Chúa Trời”. Những lính canh ngục biết tin và kể với vợ. Các bà vợ nầy to nhỏ với nhau, và câu chuyện nầy thấu đến tai hoàng hậu Joshephine là vợ của hoàng đế Napoleon. Nàng vô cùng cảm động và tin rằng nếu tên tù khổ sai nầy có lòng yêu thương bông hoa, có lòng biết ơn Chúa, thì không thể nào là kẻ nguy hiểm, sát chủ, hại vua. Nàng tha thiết, thủ thỉ với chồng mình là hoàng đế Napoleon. Hoàng đế ra lệnh tha Charnet. Sau khi ra khỏi tù, Charnet mang theo loài hoa nhỏ đó về nhà, và để trong chậu để tiếp tục chăm sóc. Ông đã không mất hy vọng vào Chúa. Ông nhớ và suy ngẫm về lời dạy của Chúa Jesus: "Nếu hoa cỏ ngoài đồng là giống nay còn sống mai bị tống vào lò mà Đức Chúa Trời còn cho chúng mặc đẹp thể ấy thay, lẽ nào Ngài chẳng lo cho các ngươi sao, hỡi những kẻ yếu đức tin?" (Lu-ca 12:28
Ngày nay, có người xem giáo dục, bằng cấp, người khác xem tiền của, địa vị trong xã hội là chiếc neo cho đời sống họ. Nhưng tiếc rằng những chiếc neo đó không đem lại sự an toàn và vững chắc cho cuộc sống mà có thể gây thảm sầu cho những ai đặt hết hy vọng mình vào đó. Những người đó giống như con tàu Marine Electric bị chìm tại bờ biển Virginia vào đầu năm 1983, làm thiệt mạng 31 thủy thủ. Nguyên nhân chính là chiếc neo nặng 8 tấn của chiếc tàu bị sút ra và đập mạnh vào thân tàu nhiều lần làm lủng tàu. Con tàu đã bị chìm vì chính chiếc neo của nó. Nếu sự giàu có, địa vị, học thức là chiếc neo cho cuộc đời, có lúc chúng sẽ phá vỡ cuộc đời ta. Trái lại nếu con thuyền của cuộc đời ta có những chiếc neo đúng, thì đời sống ta được bảo tồn.
Thế giới chúng ta đang sống chẳng khác nào biển mà loài người lặn hụp trong đó, họ cố sức vươn lên giữa những thăng trầm của cuộc sống, cố chống trả với những sóng gió, bão tố của hoàn cảnh để con thuyền của cuộc đời họ khỏi chao đảo, chòng chành. Chính chiếc neo vững chắn có thế cứu con tàu khỏi bị trôi dạt trong biển khơi. Càng gặp phong ba bão táp, bạn càng cảm thấy sức mạnh của chiếc neo giữ chặt mình.
Chiếc neo đó chính là hy vọng chắc chắn, là lòng tin không chuyển lay vào Chúa Cứu Thế Jesus. Đó chính là chiếc neo cho linh hồn như lời cầu chúc của một nhân vật trong Thánh Kinh: "Cầu xin tất cả vinh quang đều quy về Đức Chúa Trời duy nhất, Đấng cứu rỗi chúng ta do Chúa Cứu Thế Jesus. Vâng, tất cả vinh quang, uy nghiêm, sức mạnh, quyền thế đều thuộc về Chúa từ trước vô cùng, hiện nay và cho đến đời đời. Ngài thừa sức giữ anh em thánh khiết trọn vẹn, không vấp ngã, và đem anh em vào nơi ngự vinh quang của Ngài, giữa những tiếng reo vui bất tận. Thành tâm sở nguyện" (Giu-đe 24-25) Thánh Kinh cũng chép: "Vậy, phải ý thức rằng Chúa Hằng Hữu là Đức Chúa Trời duy nhất, Đức Chúa Trời thành tín. Ngài tôn trọng giao ước, và thương xót cả ngàn thế hệ những người kính yêu Ngài, tôn trọng điều răn Ngài." (Phục Truyền 7:9).
Thánh Kinh tiết lộ chương trình kỳ diệu của Đức Chúa Trời dành cho con người: Hơn hai ngàn năm trước, Chúa Jesus đã từ trời giáng thế làm người. Sau đó Ngài bị chết nhục nhã trên cây thập tự để giải cứu con người ra khỏi hố sâu tội lỗi, đưa con người trở lại địa vị con Trời. Đến ngày thứ ba, Chúa đã từ kẻ chết sống lại, đem sự sống mới cho những tin nhận Ngài. Trước khi về trời Chúa cũng hứa rằng Ngài sẽ trở lại để tiếp rước những ai thuộc về Ngài. Thánh Kinh chép rằng: "Chúa đã bắt đầu làm việc tốt lành trong anh em, nên Ngài sẽ tiếp tục hoàn thành công tác cho đến ngày Chúa Cứu Thế Jesus trở lại; đó là điều chắc chắn." (Phi-líp 1:6)
Khi chúng ta đặt đức tin vào Chúa như chiếc neo của linh hồn, thì dầu bao giống tố nổi lên, con thuyền của cuộc đời ta vẫn vững vàng không bị trôi giạt, không bị chìm. Đức tin đó giữ ta khỏi lạc hướng, giúp chúng ta sống có mục đích cho đến ngày chúng ta từ giã cõi đời nầy để gặp Chúa, để hưởng sự sống vĩnh phúc trong cõi vĩnh hằng.
Trong Kinh Thánh, một người đã nhận ơn cứu rỗi của Chúa nói rằng: "Tôi nghĩ rằng khổ đau hiện tại thật quá nhỏ mọn và ngắn ngủi khi đem so sánh với vinh quang lớn lao đời đời của chúng ta trong tương lai. Vạn vật buộc phải ở trong tình trạng băng hoại nên đều khắc khoải mong chờ ngày con cái Chúa sống lại, để được giải thoát khỏi hư hoại, diệt vong và cùng hưởng tự do vinh quang với con cái Đức Chúa Trời. Vì vạn vật dù không muốn, cũng đã bị lên án hủy diệt. Mãi đến ngày nay, vạn vật đều rên rỉ quằn quại vì đau đớn quá đỗi. Chẳng riêng gì vạn vật, chính chúng ta, những người nhận lãnh Thánh Linh - một bằng chứng về vinh quang tương lai - cũng phải âm thầm than thở đang khi thiết tha mong đợi ngày được hưởng trọn quyền làm con Đức Chúa Trời; lúc ấy thân thể chúng ta cũng được cứu, không còn hư hoại nữa. Linh hồn chúng ta đã được cứu với niềm hy vọng đó. Nếu đã có rồi đâu cần hy vọng nữa, vì chẳng ai hy vọng sẽ được điều mình đang có. Nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa có, hẳn chúng ta phải nhẫn nại chờ đợi. Cũng do niềm hy vọng đó, Thánh Linh bổ khuyết các nhược điểm của chúng ta. Chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào, nhưng chính Thánh Linh cầu thay cho chúng ta với những lời than thở không diễn tả được bằng tiếng nói loài người." (Rô-ma 8:18-26)
Thánh Kinh hứa rằng: "Bởi lòng nhân từ vô biên, Đức Chúa Trời đã cho chúng ta được tái sinh để làm con cái Ngài. Do đó, niềm hy vọng của chúng ta tràn trề sức sống vĩnh cửu vì Chúa Cứu Thế đã từ cõi chết sống lại. Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho con cái Ngài một cơ nghiệp vô giá trên trời, không gì có thể làm nhơ bợn, ô nhiễm, biến chất hay mục nát được. Đức Chúa Trời sẽ dùng quyền năng Ngài bảo vệ anh em cho tới khi anh em nhận cơ nghiệp đó, vì anh em đã tin cậy Ngài. Đến ngày cuối cùng, anh em sẽ được “cơ nghiệp cứu rỗi” trước mắt mọi người. Vậy, hãy vui mừng lên! Vì cuối cùng anh em sẽ được hạnh phúc vô biên, dù hiện nay phải chịu đủ thứ đau buồn, thử thách ít lâu. Mục đích của những thử thách đó là để tôi luyện niềm tin anh em cho vững bền, tinh khiết, cũng như lửa thử nghiệm và tinh luyện vàng. Đối với Đức Chúa Trời, đức tin anh em còn quý hơn vàng ròng; nếu đức tin anh em giữ nguyên tính chất thuần khiết qua cơn thử lửa, anh em sẽ được khen ngợi, tuyên dương và hưởng vinh dự khi Chúa Jesus trở lại." (1 Phi-e-rơ 1:3-7)
Rất mong quý vị đến với Chúa Jesus tiếp nhận ơn cứu rỗi và cơ nghiệp vĩnh cửu của Ngài ngay giờ nầy. Kính chào quý vị và các bạn.
Mục Sư Tiến Sĩ Ngô Minh Quang