Phóng viên UCA News từ Yên Bái
Nhiều trẻ em H'mông vẫn chưa được đến trường
Dù trời lạnh hay mưa gió, ngày nào cũng vậy, Sùng Thị Mỷ dậy từ sáng sớm, nhóm bếp củi nấu nồi cơm trộn sắn, luộc rau, làm muối ớt cho cả nhà 7 người ăn. Sau bữa sáng, cô bé 13 tuổi trong bộ quần áo cũ đặc một màu đất khoác lên vai cái lù cở (gùi), con dao và cái cuốc nhỏ, rồi cuốc bộ 4 cây số vào rừng đào bới măng cả ngày mặc cho muỗi vắt chích.
Mặt mày hốc hác, lấm lem bùn đất và chỉ nặng 25kg, Mỷ về nhà lúc chiều tà với 40kg măng trên lưng. Em bán được 120.000 đồng và đong được 10 cân gạo. “Em làm việc này phụ giúp gia đình từ khi lên 6 tuổi” - em nói. Trước đó em ở nhà trông các em khi cha mẹ đi làm.
Trường hợp của Mỷ là khá phổ biến ở trẻ em gái H’mông tại tỉnh Yên Bái. Cha mẹ em mù chữ và lấy nhau khi cha em mới 16 tuổi và mẹ em được 14 tuổi. Chị và em gái của em cũng mù chữ. Đứa em gái kề út học lớp ba và cậu út học mẫu giáo. Gia đình em đi lễ thường xuyên ngày Chúa Nhật. Cô chị cả 16 tuổi lấy chồng cách đây 2 năm và có con trai 1 tuổi. Chị bị chồng bỏ và phải về nhà cha mẹ sống.
Anh Hờ A Tính, một viên chức ở xã Hồng Ca, cho biết xã có hơn 100 em gái H’mông dưới 16 tuổi chưa từng đi học.
Nhà nào cũng từ 5 đến 10 đứa con và thiếu ăn từ 6 tới 9 tháng, có nhà quanh năm ăn độn cơm sắn, ngô. Hầu hết 800 trẻ em bị suy dinh dưỡng và mỗi năm có cả chục em chết vì đói khát. Chưa có ai trong 1.600 nhân khẩu của xã học tới cao đẳng hay đại học.
Theo tổng điều tra dân số năm 2009, Việt Nam có hơn 1 triệu người H’mông, trong đó tỉnh Yên Bái có gần 82.000 người. “Một số em gái bỏ học ở cấp hai, ở nhà làm việc giúp gia đình rồi lấy chồng” - anh nói. Theo truyền thống, phụ nữ H’mông lấy chồng ở tuổi từ 14 đến 16. Nếu lớn hơn và vẫn còn độc thân thì bị coi khinh - anh giải thích.
Nhìn trời đêm vô tận, Mỷ ước ao có tiền mua dầu gội đầu để mái tóc không còn khô cứng, và mua vải làm một bộ váy áo mới để mặc cho trông đẹp mắt hơn và “hy vọng lấy được chồng thương mình và trả ơn cha mẹ bằng thịt rượu và ít bạc trắng”.
Ngồi bệt trên nền đất cạnh ngọn đèn dầu leo lét chiếu sáng căn nhà lá dột nát, tài sản chỉ có 2 chiếc giường tre nứa, vài cái nồi méo mó và mấy bát chén mẻ, cô bé không biết chữ thừa nhận chưa bao giờ đặt chân đến lớp học.
“Tên em là Mỷ có nghĩa là may mắn. Từ nhỏ đã từng ước mơ được đi học làm cô giáo, nhưng bố mẹ mù chữ bảo không có tiền, gạo và củi đóng cho trường nên em không thể đi học” – em thổ lộ.
Khi mùa măng hết, Mỷ lại lên rừng lấy củi về bán mua thức ăn cho gia đình. Cha mẹ và hai chị em cũng lên rừng lấy củi và đào sắn trên rẫy rộng chừng 1.000 mét vuông. “Nhà em mỗi ngày chỉ ăn hai bữa sáng tối cũng hết bốn cân gạo và sáu cân củ sắn” - em nói - “Nhưng nhiều hôm hết gạo chỉ ăn toàn sắn nên cồn ruột lắm”.