Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, January 6, 2013

Ý Nghĩa Đời Sống



Hôm đó là ngày đầu năm Dương Lịch, ông Tâm được nghỉ làm nhưng ông cảm thấy mệt mỏi, chán nản lạ lùng. Sống ở miền nam California, việc mà nhiều người thường làm trong ngày đầu năm là xem Diễn hành Đại Hội Hoa Hồng (Rose Parade), đến tận nơi xem hoặc xem trên ti-vi. Ông Tâm sống ở Mỹ đã hơn hai mươi năm. Những năm đầu ông thấy xứ người có nhiều điều hay và mới lạ, đem lại cho ông nhiều thích thú, nhưng dần dần ông thấy cái gì cũng nhàm chán. Một phần vì tuổi tác, nhưng phần lớn là vì ông thấy đời sống chẳng có gì vui thích. Suốt tuần lo đi làm, cuối tuần được nghỉ. Cuối tháng phải lo trả tiền này tiền kia, cuối năm thì lo chuyện thuế má. Hết năm này qua năm khác, năm nào cũng chừng đó chuyện, chừng đó ngày lễ lặp đi lặp lại. 


Hết những ngày lễ của mùa xuân thì đến lễ mùa hè, mùa thu rồi lại sang mùa đông. Gia đình ông Tâm ở đây khá đông nên còn thêm những dịp đặc biệt của đại gia đình. Tuần này đi dự đám cưới, tuần sau lại có tiệc sinh nhật hay ăn mừng nhà mới. Xen vào đó là đám tang của bạn cũ hay người thân quen. Đi đến mỗi nơi ông Tâm phải phục sức khác nhau, nét mặt nụ cười cũng phải khác nhau. Dần dần ông thấy cái gì cũng nhàm chán, không còn ý nghĩa.

Có lẽ một số quý vị cũng có suy tư tương tự, nhất là trong những ngày giao thời, tiễn đưa năm cũ và bắt đầu một năm mới. Nhìn lại năm cũ rồi nghĩ đến năm mới, chúng ta thấy cũng chừng đó truyền thống và thông lệ, những thông lệ hầu như không còn ý nghĩa nhưng không có không được. Cứ như thế hết đời này sang đời khác, hết thế hệ này đến thế hệ khác đi qua với những thông lệ, những lời trao đổi đã trở thành sáo ngữ, và mọi việc trở thành vô nghĩa. Có một thương gia nọ rất thành công sau nhiều năm làm ăn buôn bán, trong ngày về hưu ông nói: Nếu tôi sống thêm năm, bảy năm nữa hay phải chết ngay bây giờ thì cũng thế thôi. Tôi đã sống, đã nhìn thấy, đã kinh nghiệm tất cả, sống thêm nữa chỉ là lặp lại tất cả những gì đã làm những năm trước. Đây là cái nhìn của người chỉ thấy những điều tạm bợ chóng qua của đời này mà không nhìn thấy ý nghĩa của cuộc đời và những điều có giá trị vĩnh cửu.

Thưa quý vị, đời sống thật là bận rộn và có nhiều điều cho chúng ta đam mê, đeo đuổi. Nhưng nếu đời sống chỉ là những sự nghiệp hay vật chất chúng ta đeo đuổi hết ngày này sang ngày khác, hết năm này qua năm khác thì thật là nhàm chán. Vì đó là những giá trị tạm bợ, không mang lại niềm vui và thỏa mãn thật cho tâm hồn. Đời sống nhàm chán và vô vọng vì chúng ta phải xoay quanh cái vòng lẩn quẩn: sinh lão bệnh tử. Sinh ra đời chúng ta phải lo học hành; lớn lên lo lập gia đình. Khi có gia đình lại phải lo đi làm nuôi gia đình. Khi con cái trưởng thành không phải lo nữa thì chúng ta đến ngày về hưu, là lúc phải đối diện với bệnh tật, già nua, và cuối cùng là cái chết. Thi sĩ Tản Đà ngày xưa nhìn thấy cái buồn chán vô vọng của đời người nên ông than: Ngó lên án đèn khuya hiu hắt, nghe tiếng kim ký cách giục giờ. Đêm trường nghĩ vẩn lo vơ, cái lo vô tận bao giờ là xong.

Vua Sa-lô-môn, vị vua giàu có khôn ngoan nhất trong lịch sử nhân loại cũng có suy tư tương tự về đời sống. Ông có trong tay tất cả quyền quý, giàu sang, sung sướng của trần gian; nhưng đến cuối cùng ông cũng thấy đời sống thật nhàm chán và vô nghĩa. Ông viết những lời như sau: Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời thì được ích lợi gì? Đời này qua, đời khác đến, nhưng đất cứ còn luôn luôn. Mặt trời mọc, mặt trời lặn, nó lật đật trở về nơi nó mọc. Gió thổi về hướng nam, kế xây qua hướng bắc; nó xoay đi vần lại không ngừng, rồi trở về vòng cũ nó. Mọi sông đều đổ vào biển, song không hề làm đầy biển; nơi mà sông thường chảy vào, nó lại chảy về đó nữa. Muôn vật thảy đều lao khổ, loài người không thể nói ra được; mắt không hề chán nhìn, tai chẳng hề nhàm nghe. Điều chi đã có, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều chi mới ở dưới mặt trời... Người ta chẳng nhớ các đời trước, và các đời sau những người đến sau cũng sẽ chẳng nhớ đến nữa... Ta đã xem thấy mọi việc làm ra dưới mặt trời, kìa, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi (sách Truyền Đạo 1:3- 9, 11 & 14).

Mọi việc làm ra dưới mặt trời thảy đều hư không, theo luồng gió thổi. Đây là ý nghĩ bi quan về đời sống nếu chúng ta chỉ chú tâm vào những điều tạm bợ chóng qua của đời người. Tuy nhiên, nếu nhìn lên cao hơn và xa hơn; nếu nhìn vào đời sống ngày sau, vào những điều giá trị vĩnh cửu mà mắt không thấy được, chúng ta sẽ thấy đời sống thật tốt đẹp và đầy ý nghĩa. Đời sống không phải là một gánh nặng hay là điều nhàm chán nhưng là một kinh nghiệm tuyệt diệu. Sự sống và đời sống là món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đời sống ngắn ngủi thật, nhưng nếu có Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ có cái nhìn lạc quan và đầy hy vọng.

1. Vũ trụ xoay vần thứ tự cho thấy bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời
Khi có Chúa trong cuộc đời, nhìn thấy vũ trụ xoay vần, bốn mùa luân chuyển đều đặn, chúng ta không nhàm chán nhưng nhìn thấy bàn tay quyền năng kỳ diệu của Đấng Tạo Hóa. Sự vận chuyển thứ tự của đất trời, của thời tiết, mùa màng, cũng như những giai đoạn không di dịch trong đời sống con người là điều minh chứng rằng Đấng Tạo Hóa đang cầm quyền tể trị và đang điều khiển tất cả mọi việc trong vũ trụ. Nhiều khi chúng ta thấy như nhàm chán vì ngày nào cũng có mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, có buổi sáng rồi buổi tối, nhưng thử tưởng tượng ngày nào đó mặt trời không mọc, sau đêm dài không nhìn thấy ánh sáng mặt trời hoặc một ngày nào đó trời cứ sáng hoài không tối, đời sống sẽ bị xáo trộn trong nỗi kinh hoàng. Tương tự như thế, nếu Chúa không ban cho có bốn mùa, không có lúc mưa lúc nắng mà chỉ có mùa đông lạnh lẽo hay mùa hè nóng bức, con người cũng không thể sống được.

2. Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, Ngài có một chương trình tốt đẹp cho con người

Đức Chúa Trời không những là Đấng Tạo Hóa quyền năng nhưng Ngài cũng là Đấng yêu thương. Kinh Thánh dạy như sau: Chúa Hằng Hữu thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào người cha thương con mình. Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất. Đời loài người như cây cỏ, người sinh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng. Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa (Thi Thiên 103:13-16). Chúa biết con người yếu đuối, đời sống con người ngắn ngủi, mong manh, vì thế Chúa thông cảm và yêu thương con người. Đức Chúa Trời không chỉ nói yêu thương nhưng Ngài đã bày tỏ tình yêu đó cách cụ thể. Kinh Thánh dạy như sau: Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy tình yêu ở tại điều này: Ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời nhưng Ngài đã yêu chúng ta và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta (Thư I Giăng 4:9-10). Vì yêu con người, Đức Chúa Trời đã đến trần gian trong hình hài của Chúa Giê-xu, mang lấy tội lỗi của mọi người chúng ta, chịu chết trên thập giá để ban cho chúng ta sự sống đời đời.


3. Tiếp nhận tình yêu của Chúa, đời sống sẽ có mục đích và ý nghĩa

Có người đã nói, đời sống chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết mình sống để làm gì và chết mình sẽ đi về đâu. Khi chúng ta tiếp nhận tình yêu của Chúa và trở nên môn đồ của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy mục đích và ý nghĩa của đời sống. Chúng ta không sống cho chính mình nhưng sống cho Chúa và người chung quanh. Sứ đồ Phao-lô viết: Chúa Cứu Thế đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (Thư II Cô-rinh-tô 5:15, Bản Dịch Công Giáo). Nếu chúng ta chỉ sống cho mình, tích lũy của cải cho mình và đặt hy vọng vào đời tạm này, đến hồi chung kết cuộc đời chúng ta sẽ lo sợ và tuyệt vọng. Trái lại, nếu chúng ta sống cho người khác, sống cho Chúa và tìm kiếm những giá trị trường tồn, khi đối diện với cái chết, chúng ta sẽ bình an, vì biết điều gì đang chờ đón chúng ta. Cách đây khoảng mười năm, một người bạn Mỹ của chúng tôi bị ung thư. Bác sĩ cho biết bà chỉ sống được vài tháng nữa. Khi chúng tôi đến thăm, thấy bà ốm yếu, tiều tụy, như một ngọn đèn sắp tắt. Trong khi chúng tôi không biết nói lời gì để an ủi bà thì bà nói một câu mà chúng tôi không bao giờ quên. Bà nói: Tôi không buồn, không lo sợ về tình trạng của mình. Đây là lễ Tạ Ơn cuối cùng của tôi trên đời này, đến Giáng Sinh là tôi đã được về Nước Chúa, tôi sẽ được gặp Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng tôi yêu kính, tôn thờ suốt cả cuộc đời. Tôi sung sướng đón chờ ngày đó. Và đúng như thế, bà bạn của chúng tôi đã về nước Chúa trước lễ Giáng Sinh. Khi chúng ta tiếp nhận tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ được làm con của Chúa. Chúng ta cũng vẫn đối diện với sinh lão bệnh tử, nhưng chúng ta không cô đơn, buồn chán hay tuyệt vọng vì biết rằng có Chúa luôn đi bên cạnh, dìu dắt cuộc đời mình. Người tin Chúa cũng biết rằng khi từ giã đời tạm này, mình sẽ được sống yên vui phước hạnh đời đời bên cạnh Chúa trong vương quốc của Ngài. Đây là cái nhìn của người tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống.

Minh Nguyên