HOÀNG HẠC LÂU
HỌC MỖI NGÀY. Hoàng Hạc Lâu là thắng cảnh nổi tiếng ở Vũ Hán gắn liền với sông Trường Giang, trận Xích Bích, huyền thoại hạc vàng, Thôi Hiệu đề thơ, Lý Bạch gác bút, Khổng Minh mượn gió đông, Tôn Quyền xem trận thế, Khuất Nguyên viết Ly tao, Nhạc Phi trần tình biểu, Nguyễn Du viết tuyệt phẩm trong bắc hành tạp lục, Tô Thức, Mạnh Hạo Nhiên, Mao Trạch Đông … đề thơ. Biết bao danh hoạ và ảnh đẹp về Hoàng Hạc Lâu làm say đắm lòng người.
Thắng cảnh
Lầu Hoàng Hạc vốn là đài quan sát quân sự được xây từ thời Tam Quốc, ở bờ nam sông Trường Giang, thuộc địa phận nước Ngô (thành phố Vũ Xương, Vũ Hán ngày nay). Đài quan sát này liên quan với trận Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử và huyền thoại cầu gió đông của Khổng Minh. Sau này, khi nước Ngô bị diệt vong thì đài không còn ý nghĩa quân sự quan trọng nữa. Nhưng, do được xây ở nơi phong cảnh hùng vĩ nên lầu Hoàng Hạc dần trở thành điểm đến của tao nhân, mặc khách và ngày càng nổi tiếng, là biểu tượng, niềm tự hào của người dân Vũ Hán.
Sa Bàn HOÀNG HẠC LÂU (Ngày xưa )
Huang He Lou (Tower of Yellow Crane): Hoàng Hạc Lâu
Photo in 1870s.(Ảnh khoảng năm 1870) Nguồn: Wikipedia tiếng Việt
Lầu Hoàng Hạc nguyên thuỷ là một kiến trúc bằng gỗ chạm trổ gồm ba tầng, ở trên đỉnh bằng đồng. Trải qua nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc, chịu biết bao cuộc chiến tranh huỷ diệt; rồi lại được dựng lên, sau nhiều lần trùng tu cho đến nay lầu Hoàng Hạc được tái sinh trở lại với sự kết tinh nhuần nhuyễn những phong cách độc đáo của Hoàng Hạc Lâu qua các đời Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh … được trưng bày để mọi người thưởng ngoạn. Hoàng Hạc Lâu hiện tại lộng lẫy hơn nhiều với năm tầng có chiều cao 51,4 mét, ngói vàng, trụ đỏ, các mái hiên được uốn cong lên như đôi cánh hạc.
Tầng một cao hơn 10m với trang trí bên trong giúp người xem hiểu ngay được về sự tích của Hoàng Hạc Lâu. Tầng hai đến tầng bốn lưu giữ lại những bài thơ từ và danh hoạ về các sự kiện lịch sử từ thời Tam Quốc đến nay, những danh nhân như Khuất Nguyên, Nhạc Phi, thi tài Lý Bạch, Thôi Hiệu, Tô Đông Pha, Mạnh Hạo Tầng năm là tầng cao nhất của lầu, đứng ở đây, người ta có thể ngắm cảnh trời sông bao la bát ngát, nhìn dòng Trường Giang và Hán Thủy hợp lưu lại thành hình chữ “Nhân” trong Hán tự .
Huyền thoại
Theo sách “Liệt tiên toàn truyện” của Vương Thế Trinh đời Minh, có chuyện kể rằng: Xưa có một người họ Tân, bán rượu ở chân núi Hoàng Cốc kiếm sống qua ngày. Một hôm có có đạo sĩ già ăn mặc rách rưới đến xin rượu uống. Anh bán rượu nghèo tốt bụng, thấy ông lão đáng thương, bèn cho rượu uống. Từ đấy, ngày nào đạo sĩ cũng đến xin rượu. Một hôm, đạo sĩ từ biệt anh bán rượu, nói: “Một năm qua, ngày nào anh cũng cho rượu uống, chẳng có gì đền đáp. Lão có con hạc quí, tặng anh để tỏ lòng biết ơn”. Nói rồi ông lấy vỏ cam vẽ lên tường một con hạc, dặn: “Chỉ cần anh vỗ tay là hạc sẽ bay ra nhảy múa, mua vui cho khách”. Dứt lời, đạo sĩ biến mất.
Anh bán rượu làm theo, quả nhiên có hạc vàng bay ra nhảy múa. Từ đấy, khách uống rượu hiếu kì kéo đến rất đông, chẳng bao lâu, anh trở nên giàu có. Bỗng một hôm đạo sĩ quay lại nói: “Mười năm qua, tiền anh kiếm được chắc đã đủ trả chỗ rượu anh cho lão uống?”. Rồi, ông rút cây sáo thần thổi lên một khúc, gọi hạc vàng bay ra, cưỡi hạc bay đi mất. Vì thế, về sau, căn lầu xây ở nơi này được mang tên Hoàng Hạc.
Theo Vương Tượng Chi của đời Bắc Tống viết trong “Dự Ðịa kỷ thắng” thì sở dĩ tháp quan sát được gọi là Hoàng Hạc Lâu vì tháp này nằm trên Hoàng Hộc Sơn, phía tây nam của Từ Thành ngày xưa. Thời cổ, chữ Hộc (ngỗng trời: thiên nga) cũng có nghĩa là Hạc, nên về sau người ta dùng chữ Hạc cho rõ nghĩa hơn. Từ đó, Hoàng Hộc Sơn được gọi là Hoàng Hạc Sơn. Đời sau Hoàng Hạc Sơn cũng được gọi là Xà Sơn vì dáng núi ngoàn ngoèo giống rắn.
( Còn tiếp )
.