Có một mùa hè đắng ngắt trong lòng tôi mãi mãi không bao giờ quên được, đó là những ngày cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học nhưng không được nhập học. Giấc mơ trên giảng đường đại học của tuổi học tan tác theo xác phượng cuối ngày rơi lả tả trên sân trường. Mẹ tôi đã khóc thật nhiều vì chuyện tôi không được học liên quan đến cha mẹ.
Tôi quyết định bỏ quê vào Sài Gòn lập nghiệp và thi tiếp đại học. Tuy chưa phải là quyết định sáng suốt khôn ngoan, nhưng lúc đó tôi không còn chọn lựa khác. Chiếc xe đò chạy bằng than củi nóng rừng rực, chạy chậm như rùa bò hết một ngày với 200 cây số. Ngồi trên xe, tôi bâng quơ như một kẻ lạc loài không biết mình đang đi đâu và ngày mai sẽ ra sao ? Tôi nhói lòng khi nhớ mẹ. Sáng nay, trời xứ biển Phan Thiết tiễn tôi đi bằng một cơn mưa dầm dề. Mẹ thức dậy từ rất sớm, chất đầy hai gánh than củi, bên trên là hai rỗ mãng cầu ta tất bật đi xuống chợ Cồn Chà. Hơn 10 cây số đi bộ, dưới mưa dầm lạnh buốt, mẹ tôi định gom thêm chút tiền cho tôi làm lộ phí. Nhưng trời mưa, ế ẩm không ai mua. Một chủ hàng mối thương tình ứng cho mẹ ít tiền, mẹ mừng rơi nước mắt đi nhanh lên bến xe tìm tôi…
Chuyến xe đời dài nhất lần đầu tiên tôi đi vào thành phố xa lạ, không người thân, không họ hàng. Hơn bảy giờ tối đến bến Miền Đông, hành khách lục tục xuống xe, hăm hở về nhà, cười vui rộn ràng khi có người thân ra đón. Tôi như một người từ hành tinh xa lạ đến khi thấy ánh đèn đường rực rỡ khắp nơi, không biết mình đi đâu, về đâu? Bà chủ xe đò thấy tội nghiệp đã cho tôi ngủ giữ xe cùng anh Tân phụ xe. Anh Tân là người Quảng Ngãi bỏ quê vào Sài Gòn, nhờ có người quen cho làm phụ xe. Anh hứa sáng mai sẽ đưa tôi gặp chú Tài của anh làm nghề vá xe để có việc làm. Đêm đó, ổ bánh mì Sài Gòn xịt nước xì dầu theo tôi vào giấc ngủ say và ngon chưa từng có trong đời.
Tôi trở thành người vá xe bên vệ đường An Dương Vương, quận 5 gần góc ngã tư Nguyễn Tri Phương. Anh Tài, hơn tôi vài tuổi rất thương người nên vui vẻ nói liền: “Vá xe mà, hễ chịu làm là được. Người miền Trung mình chịu cực”. Tôi sướng rơn khi nghe những lời động viên và may mắn ấy. Anh là thần tài của đời tôi. Hàng ngày hai anh em vá xe, lúc dư dã uống vài chai bia lên men. Bao nhiêu năm đi học, tôi mới lần đầu biết uống bia, lần dấn thân vào chốn bụi trần. Tối đến, ngủ tạm trên tấm vạt giường, treo mùng cá nhân. Mưa to gió lớn, thì lùi vào chái gara ô tô bên cạnh ngủ nhờ. Giờ tôi mới thấu hiểu câu nói người xưa “ăn gió, ngủ sương” không cửa không nhà mùi vị ra sao.
Những lúc vắng khách, tôi tranh thủ lấy sách ra học. Ngọn đèn đường thay ngọn đèn dầu leo loét ở quê làm bùng cháy trong tôi sức mạnh, nghị lực vươn lên. Tôi phải vào Đại học. Biết chuyện tôi thi điểm cao mà không được đi học, anh Tài cảm mến nên dành “ưu tiên” cho tôi học ôn. Thấy tôi ái ngại, anh mắng : “Đời anh dốt rồi, em phải học để người đời không được coi thường anh em mình”. Tôi cảm động rơi nước mắt, coi anh hơn cả người thân ruột thịt.
Thời gian rảnh, tôi đi dạy kèm để kiếm thêm thu nhập và nhân tiện ôn bài thi luôn. Anh Tài vui lắm, khuyến khích tôi. Nhưng có một lần, hai anh em cãi nhau vì một chuyện không hay và sau đó anh bỏ đi. Số là, đứa học trò cấp III tôi dạy kèm dẫn theo mấy đứa bạn đến chỗ vá xe thăm tôi. Lời qua tiếng lại vô tình làm chạm nổi buồn mặc cảm của anh về chuyện giàu nghèo, khinh trọng. Tôi giải bày hết mọi lẽ, anh vẫn không nghe.
Trong một đêm mưa, tôi tỉnh giấc không nhìn thấy anh Tài bên cạnh, anh đã bỏ đi không một lời từ giã. Tôi lục ba lô lính, quần áo vẫn còn nguyên, nhưng có một tay áo buộc chặt dây thun rất lạ, anh để lại tất cả tiền bạc dành dụm bấy lâu. Tuy không nhiều, nhưng buộc chặt với tay áo của tôi như một ký hiệu ngôn ngữ cho tôi biết, anh muốn để lại cho tôi- ngôn ngữ của người không biết chữ. Tôi suy nghĩ suốt bao nhiêu năm mà không thể hiểu lý do anh Tài bỏ đi.
Từ hôm đó, tôi trở thành một người thừa kế vá xe một cách vụng về. Khách qua đường ít dần vì thợ không lành nghề, không có phụ tùng thay nên lần lượt bỏ đi nơi khác. Những lúc ế khách, tôi ngồi nhìn ra đường, nghĩ đến ngày thi đại học nên lấy sách tập ra học. Cuộc đời tôi buồn và tối đen, giá lạnh như những đêm mưa. Có một ngày kia trời mưa to lắm, nước nổi lênh láng mặt đường. Vừa đói cồn cào, vừa lạnh run tôi trùm mền co ro ngồi tựa vách gara cầu nguyện có phép tiên. Đường phố vắng tanh, ít bóng người xe qua lại. Ước gì có một người dắt xe hư vào…Bụng lại lên cơn đói cồn cào. Đói dữ dội như một bầy chim két sà xuống đám bắp trên rẫy ở nhà. Ngàn con cua đồng hung dữ càng to đang bò trong bao tử rất nhói đau, lạo nhạo trong gan ruột.
Trời bắt đầu tạnh mưa, tôi dọn đồ nghề ra. Thằng bé cầm hai thanh gỗ gõ mạnh vào nhau kêu chan chát thay lời rao “Hũ tíu gõ đây”. Tôi nhắm mắt, vái trời cho ai đó xe xì vỏ xe để bơm hơi. Bỗng một bác xích lô trờ đến và hỏi : “Cho chú mượn cây kìm một chút…”. Tôi đưa kìm cho bác xích lô mượn miễn cưỡng, rã rời. Bác xích lô than vãn ế ẩm, cả đêm không có một người khách. Hai số phận như tình cờ hội ngộ trong cơn mưa quái ác. Bác xích lô cám ơn rồi lặng lẽ đạp đi khuất sau công viên Văn Lang. Ngồi bệt xuống cột đèn đường, nước mắt chực tràn ra vì nhớ nhà, hối hận, tủi thân. Quê hương tuy rất nghèo, nhưng có ai đói bao giờ đâu. Thành phố giàu sang hoa lệ mà có những người đang đói không biết xin ai một bữa ăn.
Đói và lạnh, tôi ngủ gục đi lúc nào không hay. Trong mơ, hình như có ai gọi tôi. “Dậy ăn đi cháu. Ăn đỡ…”. Tôi mở mắt thấy bác xích lô tay cầm tô hủ tíu gõ bốc khói, thơm nức đang ngồi cạnh. Tôi cảm ơn và vồ lấy ăn ngấu nghiến như chưa bao giờ được ăn. Nước mắt của tôi tràn ra mằn mặn. Ai chưa bị đói trên đời chắc không sao biết được vị ngon của những thứ bình dân. Hai bác cháu ngồi trò chuyện. Bác Tư quê ở Cà Mau, phiêu dạt hơn nửa đời mưu sinh với chiếc xích lô. Bác thương tôi và khuyên bỏ nghề vá xe này vì bấp bênh lắm. Bác giới thiệu tôi theo làm phụ hồ, sơn sửa nhà cửa lặt vặt có tiền hàng ngày mà sống. Thêm một lần nữa tôi mang ơn người dưng.
Tôi thi đậu đại học lần thứ hai, tốt nghiệp ra trường làm nghề báo từ đó đến nay. Món nợ hàn vi mà tôi nợ Bác Tư mãi mãi không bao giờ có dịp đền trả. Tôi mất rất nhiều thời gian trong đời sau ngày vào đại học và đi làm ngồi tại ngã tư để chờ chiếc xích lô của Bác Tư. Nhưng mãi mãi tôi vẫn không tìm được với dòng thông tin “Bác Tư, nhà bên dốc cầu chữ Y”…