Horatio G. Spafford là một luật sư giỏi ở Chicago hồi thập niên 1800 và là bạn của nhà truyền giáo Dwight L. Moody. Luật sư Spafford được kính trọng và tốt lành, nhưng ông vẫn không tránh khỏi những lúc khổ đau.
Trước hết, ông mất đứa con trai vì chứng ban đỏ (scarlet fever). Rồi vốn đầu tư làm ăn cũng bị thua lỗ. Không lâu sau đó, 4 cô con gái của ông chết trong một vụ đắm tàu ở Đại Tây Dương, chỉ còn bà vợ Anna của ông sống sót nhờ bám vào chiếc phao rồi được cứu.
Tại sao bi kịch xảy ra với người tốt? Luật sư Spafford không thể hiểu, nhưng rồi ông vẫn vững tin vào quyền năng của Chúa. Mọi người có thể tôn vinh Chúa ngay cả trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời. Theo Kinh Thánh, đây là 10 lý do để chúng ta chịu đau khổ.
1. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta phạm tội. Chẳng có ai công chính (Rm 3:10), nghĩa là ai cũng là tội nhân (Rm 3:23). Những người không có đức tin thì sống biệt lập với Chúa, còn những người có đức tin thì trải nghiệm từng khoảnh khắc, từng ngày, từng mùa... về niềm tin vào Chúa. Quy luật tâm linh được tạo ra để triệt tiêu tội lỗi trong đời sống của tín hữu, quy luật này nghiêm khắc, kể cả cái chết: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết. Giả như chúng ta tự xét mình, thì chúng ta đã không bị xét xử. Nhưng khi Chúa xét xử là Người sửa dạy chúng ta, để chúng ta khỏi bị kết án cùng với thế gian” (1 Cr 11:29-32).
2. Chúng ta chịu đau khổ vì người khác phạm tội. Vợ chồng và con cái chịu đau khổ vì bị lạm dụng. Công dân chịu đau khổ vì chính quyền tham những. Satan xúi giục vua Đa-vít thống kê dân số Ít-ra-en, và có 470.000 người chịu hậu quả (2 Mcb 10:20). Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết không phải vì lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của nhân loại.
3. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta sống trong thế giới tội lỗi. Tai nạn và tai họa xảy ra, mỗi năm có hàng triệu người chết. Thánh Phaolô nói rằng “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8:22). Đó là hậu quả của tội lỗi.
4. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta được tự do chọn lựa. Quyền năng Chúa và khả năng của con người là hai sự thật trong Kinh Thánh. Chúng ta không là robot, chúng ta có thể chọn lựa vì Chúa cho chúng ta quyền tự do. Đôi khi sự chọn lựa của chúng ta gây đau khổ – cho mình và cho người khác. Randy Alcorn viết: “Nếu Chúa tước hết vũ khí và ngăn chặn các tài xế say xỉn, thế giới này sẽ không là thế giới thật để con người chọn lựa… Trong một thế giới như vậy, người ta sẽ chết mà không có nhu cầu, chỉ thấy mình ở Địa ngục”.
5. Chúng ta chịu đau khổ vì sự sống đời đời. Thế giới này không là nhà của chúng ta, chúng ta chỉ là khách vãng lai. Chúng ta là công dân Nước Trời. Thánh Phaolô nói: “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất” (Dt 11:13). Chính đau khổ ngăn cản chúng ta bám víu vào thế gian này, vì thế gian sẽ qua đi.
6. Chúng ta chịu đau khổ để không gặp điều tệ hại hơn. Đau khổ làm cho chúng ta tập trung vào nguyên nhân, để cố gắng sửa đổi trước khi tệ hại hơn. Cơn sốt dẫn chúng ta tới bác sĩ, tại đây chúng ta được chẩn đoán và chữa trị. Ở mức lớn hơn, đau khổ cho chúng ta biết có gì đó bất ổn, và dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu. Bóng tối, đau khổ, cô đơn, lo buồn... Mọi thứ đó giúp chúng ta nắm bắt thực tế cuộc sống, giúp chúng ta cần đến Chúa.
7. Chúng ta chịu đau khổ để thông phần đau khổ với Chúa Jesus và nên giống Ngài. Thánh Phaolô nói: “Vấn đề là được biết chính Chúa Jesus, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11). Nhờ kinh nghiệm đau khổ mà chúng ta có thể an ủi người khác khi họ chịu đau khổ. Khi chúng ta chịu đau khổ là chúng ta được nên giống Chúa Jesus. Thánh Phaolô phân tích: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4:17).
8. Chúng ta chịu đau khổ để tôn vinh Chúa. Chúa Giêsu động viên chúng ta nếu chúng ta chịu đau khổ vì danh Ngài: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:10-11). Ngài cảnh báo rằng thế gian sẽ ghét chúng ta vì họ đã ghét Ngài trước (Ga 15:18). Trong thư gởi giáo đoàn Do Thái, chương 11, có người nhờ đức tin mà được chúc lành bằng của cải và thành công, có người lại được chúc lành bằng đau khổ và cái chết. Chúa không phân loại các anh hùng đức tin này tùy trường hợp của họ, Ngài chỉ tôn vinh họ vì vững mạnh đức tin. Nếu các Cơ Đốc nhân có cuộc sống thoải mái thì sẽ làm cho Phúc Âm hấp dẫn vì các lý do sai lệch.
9. Chúng ta chịu đau khổ để trưởng thành tâm linh. Chúa Giêsu là Đấng hoàn hảo, vậy mà Ngài còn phải chịu đau khổ để học được đức vâng phục. Thánh Phaolô cho biết: “Nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết. Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra. Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:10-13). Thánh Phaolô xác định: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12).
10. Chúng ta chịu đau khổ để hy vọng vinh quan Nước Trời. Kh 21:4 nói: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” Thánh Phaolô nói: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8:18).
Có nhiều lý do để chúng ta chịu đau khổ, đôi khi khó nhận biết chính xác. Như trường hợp Thánh Gióp, ông không bao giờ biết việc đánh cược của Satan với Thiên Chúa. Nhưng đây là sự thật:
- Chúa có toàn quyền trên mọi đau khổ của chúng ta.
- Chúa vẫn hiện hữu ở bên chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.
- Chúa luôn hành động với chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.
- Nếu Chúa muốn chúng ta biết lý do, Ngài sẽ nói với chúng ta (qua Kinh Thánh hoặc cách nào đó). Chúa tác động qua cái ác và đau khổ để sinh ra điều tốt, loại bỏ điều xấu mà Satan và kẻ xấu có thể làm cho chúng ta.
Ngày nào cũng có đau khổ, nhưng hãy nghĩ về hạnh phúc vĩnh hằng ở Nước Trời mai sau. Randy Alcorn viết: “Số phận của chúng ta không lệ thuộc vào những người kiện cáo, hoặc những chính trị gia, luật sư, giáo viên, huấn luyện viên, sĩ quan quân đội, hoặc chủ nhân. Họ có thể chống lại chúng ta – và Chúa hoàn toàn có thể chuyển những điều xấu thành điều tốt nhất cho chúng ta”.
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ OnceDelivered.net)