Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, May 12, 2018

Cân Đo Đong Đếm




Image result for cái cân xách
Anh Thanh, một thành viên trong nhóm cao niên, có thói quen sau khi mua hàng,  về nhà hay “hạo” lại, tức là anh dùng cân kiểm lại trọng lượng món hàng, dùng thước đo lại khúc vải để biết chắc là đúng tiền, đúng vật. Lúc nhỏ, anh Thanh sống gần chợ, nên thấy và biết những trò gian lận của con buôn.  Anh biết một bà dùng cái lon đặc biệt đong gạo. Cái lon này có đáy làm lõm vô hay lồi ra theo ý. Khi mua vô, bà ấn cho đáy lon lồi, để thu được nhiều gạo hơn; khi bán lại, bà làm cho đáy lon lõm, người mua sẽ nhận gạo ít hơn.  Hôm nay, trong buổi họp mặt, anh kể chuyện xưa “Cái cân thủy ngân” của vợ chồng người buôn bán gian giảo, dùng cái cân xách có ngầm đổ một muỗng thủy ngân vào cán cân (rỗng ruột). Khi mua hàng, ông ta trút đầu cán xuống, để thủy ngân chảy về phía cán thành “cân già”, hàng 1 ký lô bây giờ cân chỉ 900 gr.  Khi bán hàng, ông điều khiển cho thủy ngân chạy về phía tay xách, người mua 1 ký lô hàng, về nhà hạo lại, thấy chỉ là 900 gr (cân non). Vợ chồng này do làm ăn gian lận nên giàu có, nhưng bị quả báo là sanh 2 đứa con trai, gốc là 2 con quỷ sứ…

Anh nhắc câu ca dao về cân già, cân non:
Trồng hoa cho biết mùi hoa,
Cầm cân để biết cân già, cân non.
Mọi người như được truyền cảm hứng đóng góp ý kiến về cân, đo, đong, đếm.    Những động từ này cho chúng ta hình ảnh và khái niệm về sự sòng phẳng cần phải có trong việc trao đổi, buôn bán giữa người với người và cũng nói lên sự công bình, công lý của người cầm quyền. Thành ngữ “cầm cân, nẩy mực” chỉ hành động xét xử
của quan chức, cần liêm khiết và chí công vô tư.
Các tòa án thường có hình “Bà Đầm Công Lý” (Lady Justice) có nguồn gốc từ thần thoại La Mã.  Tay mặt bà cầm cái cân, tay trái cầm gươm. Cân có hai dĩa tượng trưng sự công bình của ngành tư pháp.  Tòa án cân nhắc, xét xử hai bên nguyên cáo, bị cáo một cách kỹ lưỡng và hợp lý. Cây gươm bên tay trái tượng trưng cho quyền hành của quan tòa không phải bị đe dọa hay bị ảnh hưởng bởi thế lực nào. Từ thế kỷ 15, người ta còn cho bà Công Lý chiếc khăn bịt mắt, để không vì bề ngoài của kẻ nọ người kia mà mất sự khách quan.   Có nơi còn cho chân bà đạp lên con rắn, tượng trưng cho công lý nghiêm minh, thẳng tay với kẻ ác để cứu dân lành thấp cổ bé miệng.
Anh Minh đóng góp 2 câu chuyện trong Kinh Thánh:
Ông Phi-lát (Pontius Pilate) khi xử án Chúa Giê-su dù biết Chúa Giê-su vô tội, nhưng vì áp lực của quần chúng, đi đến quyết định không công bình là đóng đinh Chúa trên thập giá.
Cựu Ước ghi chuyện Bên-xát-sa, vua Ba-by-lôn đã phạm thượng với Đức Chúa Trời.  Lúc ngồi ăn tiệc với hàng ngàn quan thần, thì một bàn tay xuất hiện viết lên tường hàng chữ: Mê-nê, Mê-nê, Tê-ken, U-phác-sin.  Câu nói này được nhà tiên tri Đa-ni-ên giải:  Mê-nê là: Đức Chúa Trời đã đếm nước vua và khiến nó đến cuối cùng.  Tê-ken là: Vua đã bị cân trên cái cân, và thấy là kém thiếu. U-phác-sin: nước vua sẽ bị mất và vua sẽ chết.  Vua Bên-xát-sa bị Đức Chúa Trời đếm và cân. Kết quả là thấy thiếu,
nghĩa là kém về giá trị đạo đức vì nhà vua ngạo mạn, phạm thượng.  Và quả thật, ngay đêm đó, vua Bên-xát-sa bị giết.
Trên đời, khi làm ăn người ta hay tìm những lổ hổng để phạm luật mà không bị tội.  Dầu lưới luật đời có thể qua được nhưng lưới trời thì không thể lọt. "Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu"*: lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt.
Hay gì lừa đảo kiếm lời,
Cả nhà ăn uống, tội trời riêng mang.
Chi bằng ăn ở lương thiện, thành thật và nếu có thể được tập tinh thần rộng lượng, hào phóng, như ca dao nhắc nhở:
Khôn ngoan chẳng đọ thật thà,
Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy.
Kinh Thánh (Luca 6:37b-38) còn dạy chúng ta vượt quá sự sòng phẳng, hãy ban cho nhiều hơn thì sẽ nhận lại nhiều hơn:
“Hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ.  Hãy cho, các con sẽ được cho lại; người ta sẽ lấy đấu lớn đong đầy, nhận xuống, lắc cho đến khi đầy tràn, rồi đổ vào vạt áo các con; vì các con lường cho người ta mực nào, thì các con sẽ nhận lại mực ấy.”