Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, May 3, 2012

Có nên cưới anh chàng hà tiện?






 
Xin chào chị Thanh Bình,
Em mong chị tư vấn giúp em vấn đề này tuy không quá nghiêm trọng nhưng lại khá bế tắc.
Em 32 tuổi, anh 46 tuổi đã từng li dị vợ. Em gần như chỉ có 1 mối tình thời đi học. Ít gặp ai, quen ai, cho đến khi gặp anh. Chúng em làm cùng công ty, khác bộ phận. Em làm tại văn phòng Việt Nam, anh là Việt Kiều hơn 10 năm làm tại văn phòng ở Mỹ. Em làm việc tốt, tính tình dễ thương và trông cũng dễ nhìn. Anh tính tình hiền lành, nhẹ nhàng, sống hơi khắc khổ.

Anh về Việt Nam khoảng 4 lần trong 2 năm. Em cũng từng qua Mỹ 1 lần để tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống của anh.
Sau khi qua Mỹ về thì em quyết định chia tay vì thấy tính cách, quan niệm sống của anh không hợp với mình. Cũng cứ chia tay, anh năn nỉ, rồi quay lại vài lần. Một phần tuổi lớn, một phần bạn bè, gia đình thúc, em cũng sợ ế, nên quyết định đám cưới với thỏa thuận 2 bên: anh sẽ về Việt Nam sống.
Anh sống khá ky bo, chi li. Có thể cuộc sống ở Mỹ dạy người ta như thế. Về Việt Nam chơi hay ở Mỹ, hằng ngày anh đều liệt kê cặn kẽ tiền gởi xe bao nhiêu, ăn sáng bao nhiêu, cho em mượn mua gì bao nhiêu. Em tự lo visa, mua vé bay sang Mỹ để thăm anh, ở nhà người quen. Nhưng những bữa đi chơi ăn uống hàng ngày ở Mỹ vẫn là kiểu ngầm ai ăn người đó trả. Chúng em cũng vậy, anh trả trưa, thì anh im lặng để em trả tối. Anh đã trả điểm tham quan này, thì điểm tiếp theo anh im lặng để em trả.
Nếu cả 2 đi chơi xa, cần mua trái cây, thức ăn, nước uống, em chưa đủ tiền mượn của anh. Em có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ.


Anh chỉ đưa em đi đến những quán cơm phở bún của người Việt kiểu như quán bình dân ở đây. Trong khi lương anh rất khá so với những người khác. Bạn bè em lương rất bình thường nhưng luôn đưa em đến những chỗ nhà hàng ngon, thậm chí có cả sơn hào hải vị, để cho biết, và nhất định không cho em trả tiền. Có những bữa anh đi cùng gia đình em, xong bữa ăn, em giành trả tiền với chị gái, anh vẫn ngồi im lặng, tóm lại anh rất không thoáng trong mắt gia đình em. Em cũng thẳng thắn nói ra những điều này, anh bảo xin lỗi, không chú ý, để tâm vấn đề ai trả tiền, anh sẽ dần dần khắc phục.
Sau một thời gian tiếp xúc, em thấy anh sống rất kham khổ.
Ở Mỹ, anh chỉ thuê một căn phòng 3m x4m sống hơn 10 năm nay. Anh chỉ mua một chiếc xe cũ, không có máy lạnh.


Và rồi tụi em quyết định cứ cưới, hi vọng cuộc sống hôn nhân sẽ cảm hóa 2 bên. Anh sẽ sống thoải mái hơn. Nhưng rồi thấy không hợp cả tiền bạc, lẫn quan hệ sinh hoạt vợ chồng và quan điểm sống. Sống ở Việt Nam, anh than vãn về thái độ cư xử của một số người không văn minh, đường xá đầy ổ gà, kẹt xe, môi trường ô nhiễm, không thích cách làm việc của chính quyền. Em giục anh làm hồ sơ kiếm việc ở đây, nhưng anh cũng không muốn, vì anh cảm thấy không thích hợp sống ở đây.


Đi ăn uống ở đâu, anh cũng than vãn đắt đỏ, mặc dù đa số em trả tiền. Nên em cũng không dám vào những quán trung bình mà trước đây từng đi ăn, mỗi lần đi ăn ngoài phải kiếm quán nào thường thường, rẻ rẻ, để không phải nghe chữ ‘mắc quá’ của anh.


Sống ở nhà em, gần như mọi chuyện trong nhà em lo hết chi phí sinh hoạt. Anh bảo anh đang thất nghiệp không có tiền. Tiền trước đây anh làm ra thì phải để giành bên Mỹ, để lỡ về lại thất nghiệp có tiền sống. Em hiểu và không thấy nặng nề vấn đề này lắm, vì thật sự không bao nhiêu, không có anh, em cũng phải tự chi tiêu khoảng tiền như thế.
Anh không muốn chia sẻ về vấn đề tiền bạc. Cứ nghĩ vợ chồng thì cần biết của nhau, em rất thoải mái cho anh biết những gì em có. Anh bảo ở Mỹ thậm chí sống chung nhà, vợ chồng cũng không biết tài khoản của nhau. Anh cứ bảo anh hết tiền xài, lâu lâu lại xách ở đâu đó về một số tiền, mà hỏi thì anh không muốn chia sẻ.


Em cũng có tình thương với anh, nhưng những điều trên ngày qua ngày nó làm em cảm thấy mệt mỏi. Sau 5 tháng sống cùng nhau, anh đã quyết định sang giữa tháng sau sẽ quay về Mỹ. Nếu em có muốn đi theo anh qua đó, thì sẽ làm giấy tờ ngay để sau 2-3 năm sẽ đoàn tụ bên kia. Em cần cho anh quyết định sớm trước khi anh đi.


Thật sự em đang có một vị trí khá cao ở công ty nước ngoài, nên em chưa thể nghĩ tới được trong 2-3 năm nữa, mình bước qua đó làm việc như bán siêu thị, hay nail hay đưa báo hay may mắn là 1 chân phân phát giấy rơi, nghe điện thoại ở một công ty nào đó. Em chưa nghĩ ra được. Em thật sự bế tắc, không biết thế nào. Em chỉ cảm thấy anh cũng thương em, nhưng em có cảm giác vấn đề về tiền bạc và sự an toàn của anh lớn hơn tình cảm giành cho em.
Em thì sợ cái sự chia tay ở tuổi này. Đang sống 2 người, sống 1 người sẽ rất buồn. Rồi dư luận nói ra vào. Rồi muốn kiếm một người cũng không dễ khi mình đã từng có 1 đời chồng. Em mong anh ở lại thêm thời gian đề xây dựng tình cảm, hiểu nhau hơn, vì trước khi cưới, thật sự quá ít cơ hội hiểu nhau. Nhưng anh quyết tâm sang lại, làm việc tại công ty của tụi em. Chị tư vấn giúp em với. 
Cảm ơn chị Thanh Bình.


Trả lời:
Cảm ơn em đã tin tưởng gửi thắc mắc về chuyên mục Tư vấn tình yêu online. Qua thư, chị có thể cảm nhận em là một người con gái phóng khoáng, tốt bụng. Em và anh ấy đang tìm hiểu nhau để đi đến quyết định hôn nhân. Bởi em và anh ấy đều là tập 2 của nhau nên cả em và anh ấy đều muốn nhanh chóng diễn ra việc này.
Hôn nhân là chuyện đại sự, em không nên nhanh vội. Em hãy chọn cho mình người đàn ông tôn trọng em và biết tự trọng, những người yêu em thực sự sẽ chẳng bao giờ tính toán thiệt hơn với em.





Từ trước đến nay, người ta vẫn gắn nam giới với sự phóng khoáng, rộng rãi nên sự chặt chẽ trong chi tiêu của đàn ông thường gây ác cảm với phụ nữ. Thực tế, tính bủn xỉn, ky bo ở nam giới có thể do một nguyên nhân sâu xa nào đó, như trước kia họ đã trải qua cảnh đói nghèo hoặc từng chứng kiến những người không có tiền phải sống khổ sở nên luôn lo xa, tìm mọi cách tích lũy tiền, hạn chế chi tiêu.


Và đúng như em thấy, anh ấy rất “kỹ” trong cuộc sống của mình về nhà cửa, phương tiện xe hơi mặc dù lương anh ấy không hề thấp. Theo chị thấy, ky bo là bản tính ích kỷ, sợ tiêu tốn, lúc nào cũng chỉ quan tâm tới mình. Dù vì lý do gì, khi yêu người đàn ông chi tiêu dè sẻn thái quá, em cần tìm hiểu kỹ xem liệu tính cách ấy mình có chấp nhận được khi sống chung hay không. Bởi tính cách này một khi đã ăn sâu, thành thói quen, cách sống của một ai đó thì rất khó thay đổi.
Điều đáng nói là, khi yêu, người phụ nữ thường ít đòi hỏi về vật chất hoặc tự an ủi mình, “tình cảm là chính, tiền bạc không quan trọng”... nên không đặt nặng chuyện này. Khi yêu, em sẽ hay thương, tự biện minh "do anh ấy khó khăn", "anh ấy tiết kiệm" hay bào chữa là "chuyện tiền bạc không quan trọng"... nên cố lờ chuyện.


Tuy nhiên, trong hôn nhân, kinh tế đóng vai trò rất quan trọng. Khi lập gia đình, do cả hai phải thu về một mối, cùng có trách nhiệm, mục tiêu chung nên nếu không có sự chia sẻ và thống nhất về tài chính sẽ rất dễ dẫn đến xung đột, đổ vỡ. Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng phải độc lập, tự chủ về tài chính, không phụ thuộc hay ỉ lại vào chồng, để tránh gánh phải những bi kịch hôn nhân nếu lỡ lấy phải người đàn ông quá yêu tiền. Do đó, để tránh những sai lầm đáng tiếc, em nên suy nghĩ thật kỹ trước khi đi đến quyết định quan trọng nhất của đời mình.
Chúc em hạnh phúc!