Trong đời sống con người, không có một câu hỏi nào sâu sắc đòi hỏi một câu trả lời hơn là câu hỏi: Có Đức Chúa Trời không? Đây là một câu hỏi thách thức mỗi con người biết suy nghĩ, và câu trả lời liên hệ với mỗi chúng ta cho dù chúng ta đang ở đâu trong cuộc đời này.
Khi chúng tôi sống ở Dallas, một người quảng cáo cho quyển Những Tác Phẩm Lớn Của Thế Giới Phương Tây (Great Books of the Western World) thuyết phục chúng tôi mua trọn bộ 54 chương. Trong số 102 tư tưởng vĩ đại nhất, tôi bắt đầu với số 29, Đức Chúa Trời. Biên tập viên, Mortimer Adler, bắt đầu bằng lời giải thích: “Về phương diện tham khảo trọn vẹn, cũng như trong sự đa dạng, đây là chương sách dày nhất (của bộ giới thiệu đề tài tổng hợp). Lý do thật rõ ràng. Hậu quả của tư tưởng và hành động theo sau việc chấp nhận hay chối bỏ Đức Chúa Trời vốn được dành nhiều chỗ hơn là để giải đáp bất luận một câu hỏi căn bản nào khác”.
Adler tiếp tục liệt kê ra những ứng dụng thực tiễn: toàn bộ phương hướng của cuộc sống con người đều chịu ảnh hưởng của việc con người có tự xem mình như những hữu thể ưu việt trong vũ trụ hay nhận biết rằng có một hữu thể siêu việt hơn mà họ nhận thức đó là đối tượng của sự kính sợ hay yêu mến, một sức mạnh đang bị thách đố hay một Cứu Chúa phải thuận phục. Trong số những người chấp nhận có thần thánh, điều tối quan trọng là vị thần đó được hình dung như một ý niệm về Đức Chúa Trời đối tượng của suy lý triết học- hay là một Đức Chúa Trời hằng sống mà con người thờ phượng trong mọi hành động sùng kính bao gồm cả những nghi lễ tôn giáo. 1
Có Đức Chúa Trời trong ống nghiệm chăng?
Rõ ràng là chúng ta không thể xét nghiệm Đức Chúa Trời trong một ống nghiệm hay chứng minh về Ngài bằng phương pháp khoa học (scientific methodology) thông thường. Hơn nữa, chúng ta có thể nhấn mạnh tương tự rằng chúng ta cũng không thể chứng minh về Napoleon bằng những phương pháp khoa học được. Lý do nằm ở chính bản chất của lịch sử và trong sự giới hạn của những phương pháp khoa học. Muốn cho một việc gì có thể được chứng nghiệm bằng phương pháp khoa học, việc ấy phải được lặp đi lặp lại. Một nhà khoa học không tuyên bố cho cả thế giới biết về một khám phá mới chỉ dựa trên một thí nghiệm duy nhất mà thôi. Lịch sử trong chính bản chất của nó là không thể được lặp lại. Không ai có thể quay lại thời ban đầu của vũ trụ hay đem Napoleon sống lại hay lặp lại cuộc ám sát cố tổng thống Lincoln hay sự đóng đinh của Chúa Giê-xu. Việc các biến cố không thể được chứng minh bằng sự lặp lại không bác bỏ tính có thực của những biến cố đó.
Có rất nhiều sự thật nằm bên ngoài phạm vi của những phương pháp khoa học. Phương pháp khoa học chỉ hữu dụng với những vật thể có thể đo lường được mà thôi. Chưa có ai từng thấy một mét tình yêu hay hai ký lô công lý, nhưng nếu phủ nhận thực tại của chúng, thì người ấy phải là một tên điên. Cứ khăng khăng đòi phải chứng minh Đức Chúa Trời bằng phương pháp khoa học thì chẳng khác gì đòi dùng máy điện thoại để đo chất phóng xạ.
Sự vĩnh hằng trong tấm lòng của chúng ta
Có bằng chứng hiển nhiên nào về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời không? Những nghiên cứu của những nhà nhân chủng học đã chỉ ra rằng có một niềm tin phổ quát nơi Đức Chúa Trời trong hầu hết những dân tộc sơ khai nhất ngày nay. Trong những chuyện huyền thoại và những chuyện lịch sử xa xưa của mọi dân tộc khắp trên thế giới đều có một ý niệm nguyên thủy về một Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Dường như cả trong ý thức của những dân tộc ngày nay theo chủ nghĩa đa thần đều đã ý thức về sự hiện hữu một Đức Chúa Trời tối cao nguyên thủy. Dù có những sự thêm thắt khác vào một vị chúa không biết này, nhưng ý niệm về một Đức Chúa Trời vẫn còn đó.
Những nghiên cứu trong năm mươi năm trở lại đây đã thách thức quan niệm tiến hóa về sự phát triển của tôn giáo. Thuyết độc thần - quan niệm rằng có một Đức Chúa Trời - trở nên đỉnh cao của sự phát triển tiệm tiến bắt đầu bằng những quan niệm về thuyết đa thần. Càng ngày chúng ta càng thấy rõ rằng tín ngưỡng truyền thống ở khắp mọi nơi là niềm tin vào một Thượng Đế tối cao. (2) Tác giả của sách Truyền Đạo nói về Đức Chúa Trời là Đấng “khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người” (Truyền đạo 3:11).
Blaise Pascal, nhà toán học lỗi lạc của thế kỷ 17, viết về “khoảng trống có hình dạng của Đức Chúa Trời” (the God-shaped vacuum) trong mỗi con người. Augustine kết luận rằng: “Lòng của chúng ta không bao giờ yên nghỉ cho tới khi tìm được yên nghỉ trong Ngài”.
Có nhiều bằng cớ chứng tỏ rằng đa số con người trong mọi thời đại và ở mọi nơi luôn tin vào một loại thần hay các thần nào đó. Mặc dù việc này theo nghĩa nào đi nữa không phải là một bằng chứng mang tính kết luận, nhưng đây là một điểm liên hệ mở đầu đáng ghi nhớ khi chúng ta cố gắng giải đáp câu hỏi lớn.
Luật Nhân Quả
Để bắt đầu, chúng ta hãy xem xét về luật nhân quả. Không có nguyên nhân thì không bao giờ có hậu quả. Có một giấy nhắn trên cửa của bạn. Phải có ai đó để nó ở đó. Bức họa ở trên tường, ai đó đã vẽ nó. Không có cái gì bắt nguồn từ cái không có! Chúng ta là những con người và bản thân cả vũ trụ này là kết quả cần có của một căn nguyên. Chúng ta tiến đến một nguyên nhân không hề có căn nguyên, đó là Đức Chúa Trời.
Betrand Russell, người theo chủ nghĩa hoài nghi, đã nói một câu đáng kinh ngạc trong quyển Tại Sao Tôi Không Phải Là Một Cơ đốc nhân (Why I am Not Christian). Ông nói rằng khi ông còn nhỏ “Đức Chúa Trời” là câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi mà ông nêu lên để chất vấn về sự hiện hữu. Thất vọng quá, ông hỏi rằng: “Vậy thì ai tạo ra Đức Chúa Trời?” Khi không có câu trả lời nào thỏa mãn, ông nói rằng: “Toàn bộ đức tin của tôi bị sụp đổ”. Tiếc thay câu hỏi của ông là một kinh nghiệm rất thông thường nhưng nó lại không đáp ứng được câu hỏi đang bùng cháy.
Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, Đấng Đầu Tiên, theo định nghĩa là đời đời. Không ai tạo ra Ngài hết. Ngài tự hiện hữu. Nếu Đức Chúa Trời cũng là một tạo vật được sáng tạo, Ngài không thể là căn nguyên được, Ngài cũng chỉ là kết quả mà thôi. Ngài sẽ không là và cũng không thể là Đức Chúa Trời được.
R. C. Sproul, nhà văn và là một nhà diễn thuyết, giải thích rằng:
Là một Đấng đời đời, Đức Chúa Trời không phải là kết quả và vì Ngài không phải là kết quả, Ngài không đòi hỏi căn nguyên. Ngài không có căn nguyên. Điều quan trọng phải lưu ý phân biệt giữa một hữu thể không căn nguyên, tự hiện hữu đời đời với một kết quả tự tạo ra nó trong quá trình tự sáng tạo. (3)
Thời gian vô định cộng với sự ngẫu nhiên chăng?
Không ai lại có thể nghĩ rằng một máy vi tính có thể được hình thành mà không có một người vô cùng thông minh làm ra. Không thể nào một con khỉ được nuôi ở nhà in lại có thể sắp chữ rồi in bài diễn văn tại Gettysburg của Lincoln. Nếu chúng ta gặp một tập diễn văn như thế chắc chúng ta có thể kết luận rằng phải có một đầu óc vô cùng thông minh mới có thể in nó ra. Làm thế nào để chúng ta tin rằng cả vũ trụ này với tất cả sự phức tạp vô tận của nó có thể xảy ra bằng sự ngẫu nhiên?
Chẳng hạn, mọi người đều nhìn nhận rằng thân thể người ta là cơ thể vô cùng tuyệt diệu và phức tạp, một hệ thống tổ chức, một bản thiết kế và một hiệu quả mà ai cũng phải lấy làm ngạc nhiên. Cho nên chúng ta rất xúc động khi nghe lời tuyên bố sau đây của Albert Einstein: “Tôn giáo của tôi bao gồm việc hạ mình chiêm ngưỡng Đấng vốn là Thần Linh tối cao vô hạn đã tự bày tỏ chính Ngài trong những chi tiết nhỏ nhặt để chúng ta có thể hiểu được bằng tâm trí mong manh yếu ớt của mình. Niềm tin sâu xa do xúc động cho tôi biết về sự hiện diện của một năng lực tối thượng hữu lý, bộc lộ trong một vũ trụ không thể lấy lý trí lãnh hội được, đã tạo thành ý niệm của tôi về Đức Chúa Trời”. (4) Tuy vậy theo điều chúng ta biết, ông không bao giờ đạt đến việc tin nhận Đức Chúa Trời có thân vị.
Có hai sự lựa chọn mà Cơ đốc nhân và những người chưa tin giống nhau là: Vũ trụ và toàn bộ con người khởi nguồn bởi sự tình cờ hay bởi mục đích và theo sự thiết kế?
Những nhà khoa học từ lâu đã dựa vào thời gian vô hạn cộng với sự ngẫu nhiên để giải thích về nguồn cội của cuộc sống. Từ quan niệm này họ tránh được những kết luận không thể chấp nhận được về một căn nguyên mang tính thần thánh. Tiến trình nầy đòi hỏi một sự giả định trước và những điều kiện nào đó, hoặc giả định rằng không có sự sống nào có thể sinh ra nó. Vì lý do nầy, muốn có sự việc xảy ra chắc chắn phải có một món súp cơ bản được chuẩn bị một cách lý tưởng.
Bình điện phải được xạc thường xuyên, một khoảng thời gian vô hạn - hàng hàng niên kỷ. Phải có một công thức cuộc sống như thế thì có thể mới tiến hóa được. Tuy nhiên, những khó khăn mà lý thuyết này đưa ra quá lớn đến nỗi ngày nay những nhà khoa học đó đang thẳng thừng chỉ ra những nhược điểm của nó.
Phi hành gia lỗi lạc Sir Fred Hoyle đã đề xuất một bảng tương đồng để mô tả những khó khăn này. Ông hỏi: “Phải mất bao lâu một người bị bịt mắt mới giải được trò chơi quay khối rubic?” Nếu một người mỗi phút xoay chuyển một lần mà không ngừng nghỉ, Hoyle ước chừng rằng sẽ mất khoảng 3.5 nghìn tỉ năm! Do đó, ông kết luận rằng, khi xét tuổi thọ của một đời người thì một người bị bịt mắt không bao giờ có thể giải nổi trò chơi quay khối rubic.
Holye tiếp tục giải thích rằng khó khăn cũng xảy ra tương tự cho sự hình thành ngẫu nhiên của chỉ một cái trong số hàng chuỗi amino acid của một tế bào với khoảng 200.000 amino acid như vậy. Bây giờ nếu bạn tính toán thời gian cần thiết để tất cả 100.000 amino acid của một tế bào trong cơ thể con người liên kết lại với nhau bằng sự ngẫu nhiên, sẽ mất khoảng 293,5 lần số tuổi ước chừng của trái đất (lấy tiêu chuẩn 4,6 tỉ năm). Sự kỳ quặc cho phép việc này xảy ra còn lớn hơn việc một người bị bịt mắt giải được trò chơi Rubic.
Trong một bảng so sánh tương đồng khác Hoyle bênh vực sự tranh luận của mình. Ông ví nó với “kho chứa sắt, đồng vụn” (junkyard mentality) và hỏi: “Có sự ngẫu nhiên nào một cơn lốc xoáy thổi qua một kho đồng, sắt vụn, chứa các phần của chiếc 747 , ngẫu nhiên lắp chúng lại thành một chiếc máy bay sẵn sàng cất cánh?” Hoyle trả lời rằng: “Khả năng cho việc đó xảy ra quá nhỏ không đáng kể ngay cả khi cơn lốc xoáy đó có khả năng thổi qua đủ các kho đồng nát để lấp đầy cả vũ trụ này!”
Trong quyển sách rất ấn tượng của ông Vũ Trụ Tài Tình (The Intelligient Universe), Hoyle kết luận rằng: “Khi các nhà hóa sinh khám phá ra ngày càng nhiều sự phức tạp đáng kinh sợ của cuộc sống, họ nhìn nhận rõ ràng là sự sắp xếp tình cờ bởi ngẫu nhiên quá nhỏ đến nỗi có thể được loại bỏ hoàn toàn. Cuộc sống này không thể được nảy sinh từ sự ngẫu nhiên”. (5)