Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, July 24, 2012

TẠI SAO CÓ ĐAU KHỔ VÀ ĐIỀU ÁC? -2


Giải pháp tối hậu của Đức Chúa Trời
Trong tình huống tuyệt vọng này, Đức Chúa Trời yêu thương đã làm một việc lạ lùng, tốn kém và hiệu quả nhất có thể được, tức là ban Con Một của Ngài để chịu chết thay cho những người gian ác. Loài người có thể thoát được cơn đoán phạt phải có đối với tội lỗi và điều ác. Loài người cũng có thể phá vỡ quyền lực của tội lỗi bằng cách bước vào mối quan hệ cá nhân với Chúa Giê-xu Christ. Ở mức độ cá nhân, giải pháp tối hậu cho nan đề tội ác, được tìm thấy trong sự hy sinh của Chúa Giê-xu Christ.


Suy đoán về nguồn gốc của điều ác thì vô tận. Không ai có được một câu trả lời đầy đủ. Nó thuộc loại "những điều bí mật thuộc về Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời chúng ta" (Phục 29:29).
Hugh Evan Hopkins quan sát:
Vấn đề (về điều ác) được đặt ra phần lớn do niềm tin Đức Chúa Trời tốt lành sẽ thưởng cho từng người tùy theo công việc họ và Đức Chúa Trời toàn năng sẽ không gặp khó khăn gì thực hiện những điều này. Sự kiện thưởng và phạt, trong hình thức của hạnh phúc và tai họa, bị phân phối bừa bãi trong cuộc đời này đã khiến nhiều người nghi vấn hoặc về sự tốt lành của Đức Chúa Trời hay về quyền năng của Ngài. (1) 
Nhưng nếu Đức Chúa Trời phải đối xử với mỗi người đúng theo cách ăn nết ở của người ấy, thì Ngài có tốt lành không? Bạn cứ suy xét xem điều đó có ý nghĩa gì với bạn!
Toàn bộ Phúc Âm được trình bày trong Cựu Ước và được tuyên bố rộng rãi trong Tân Ước là sự tốt lành của Đức Chúa Trời không chỉ bao gồm trong công nghĩa của Ngài nhưng trong cả tình yêu, sự thương xót và sự nhân từ của Ngài nữa. Chúng ta và tất cả mọi người biết ơn Ngài biết bao vì "Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không đoán phạt chúng tôi tùy sự gian ác chúng tôi. Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu" (Thi thiên 103:10-11).
Một quan niệm như vậy về sự tốt lành của Đức Chúa Trời cũng dựa trên định kiến sai lầm rằng hạnh phúc là điều tốt nhất trong cuộc đời. Người ta thường cho rằng được sống yên vui, đầy đủ là hạnh phúc rồi. Tuy nhiên hạnh phúc thật sự, chân chính, sâu xa là một cái gì sâu nhiệm hơn những niềm vui phù du thoáng qua trong khoảnh khắc. Và đau khổ không hề ngăn trở hạnh phúc thật. Nhiều khi trong sự khôn ngoan vô hạn của Ngài, Đức Chúa Trời biết rằng chỉ có đau khổ mới tạo được điều hay trong cá tính của chúng ta. Bảo vệ chúng ta khỏi những sự đau khổ ấy, tức là tước đoạt của chúng ta những điều tốt đẹp nhất. 
Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc đến điều này khi ông nói: “Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng và thêm sức cho" (I Phi-e-rơ 5:10).
John Stuart Mill cho biết nếu muốn thấy kết quả hợp lý của quan niệm chính xác về việc ban thưởng chúng ta chỉ cần quay sang Ấn Độ giáo. Luật nghiệp báo (karma) dạy rằng mọi hành động trong đời này là hậu quả của những hành động trong kiếp trước. Mù lòa, nghèo khổ, đói khát, tàn tật, bỏ rơi và mọi khó khăn xã hội đều là những hình phạt thực tiễn cho những hành động gian ác trong kiếp trước.
Tiếp đó người ta cho rằng mọi cố gắng làm giảm bớt những đau khổ và hoạn nạn là can thiệp vào đường lối công chính của Đức Chúa Trời. Chính quan niệm này đã khiến cho những người theo Ấn Độ giáo từ lâu nay rất ít làm gì để giúp đỡ những người bất hạnh của họ. Một số người Ấn Độ giáo tiến bộ ngày nay đang bàn luận và tiến tới những thay đổi và cải tạo xã hội, nhưng họ vẫn chưa hòa giải được quan niệm mới này với giáo lý nghiệp báo rõ ràng từ cổ xưa, vốn là nền tảng cho tư tưởng và sinh hoạt của người theo Ấn Độ giáo.
Tuy nhiên, quan niệm nghiệp báo đó đã được dùng làm một lời giải thích gọn gàng, đơn giản và dễ hiểu về sự đau khổ: sự đau khổ là kết quả của những việc làm xấu xa lúc trước, tiền kiếp. Douglas Groothuis thực hiện một cuộc khảo sát sâu sắc: nếu một đứa trẻ chết vì bệnh bạch cầu chịu đau khổ vì trong kiếp trước cô bé giết những người vô tội, cô bé sẽ chẳng biết gì về nó. Và cũng sẽ chẳng học được gì từ tình trạng của cô cả.
Nhưng có phải Cơ đốc nhân cũng cho rằng sự đau khổ là hình phạt từ Đức Chúa Trời? Tất nhiên là trong tâm trí nhiều người nghĩ như vậy. "Tôi đã làm gì đến nỗi phải chịu như thế này?" thường là câu hỏi đầu tiên trên môi một người đau khổ. Và bạn bè của họ, dù có nói ra hay không, vẫn thường có cùng một định kiến đó. Cách giải quyết cổ điển về vấn đề chịu khổ và điều ác trong sách Gióp chứng minh rằng các bạn bè của Gióp đã chấp nhận định kiến độc ác nầy như thế nào. Nó càng chất thêm đau khổ lên sự đau đớn vốn chồng chất trên Gióp.
Rõ ràng theo những lời dạy dỗ của Cựu Ước và Tân Ước, sự đau khổ có thể là hình phạt của Đức Chúa Trời, nhưng cũng có nhiều trường hợp khác hoàn toàn không liên quan gì đến những việc làm sai trái của cá nhân. Định kiến máy móc về tội lỗi và hậu quả hình phạt là hoàn toàn không xác đáng.
Đức Chúa Trời không phải là một người cha nhạy cảm ở trên trời với thái độ “Con cái thì vẫn là con cái”. "Ai gieo giống chi lại gặt giống ấy" (Ga-la-ti 6:7) là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với ai dám đùa giỡn với Đức Chúa Trời bằng thái độ ngạo mạn. "Một lý do làm cho tội lỗi và sự đau khổ phát triển là kết quả từ việc người ta đối xử với tội lỗi như cây kem ngọt thay vì những con rắn độc”. (2) 
Hiển nhiên là có mối quan hệ giữa đau khổ và tội lỗi, nhưng rõ ràng là không phải lúc nào cũng vậy. Chúng ta đã có những lời chắc chắn của Đức Chúa Trời về vấn đề này. Những môn đệ rõ ràng là hậu thuẫn cho việc chịu đau khổ là do phải trả giá. Một ngày nọ khi họ thấy người đàn ông bị mù từ lúc sinh ra, họ muốn biết ai đã phạm tội để dẫn đến tình trạng mù loà này - của chính người ấy hay cha mẹ anh ta. Nhưng Chúa Giê-xu chỉ ra rõ ràng rằng không ai chịu trách nhiệm về tình trạng đó“nhưng ấy là để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người"(Giăng 9:1-3).
Khi nghe tin có mấy người Ga-li-lê bị Phi-lát giết, Ngài đã vạch rõ rằng không phải chỉ vì số người đó có tội nặng hơn những người Ga-li-lê khác. Ngài bảo rằng 18 người đã chết vì bị tháp Si-lô-ê đổ xuống đè lên cũng không phải phạm tội nhiều hơn những người khác trong thành Giê-ru-sa-lem. Rồi từ hai biến cố bất ngờ đó, Ngài kết luận: “Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy" (Lu-ca 13:1-3).
Nếu giải thích rằng bất cứ tai họa hay sự đau khổ nào ập đến là hình phạt của Đức Chúa Trời thì rõ ràng chúng ta đã quá hấp tấp khi kết luận một cách máy móc về trường hợp của chính mình hay của người khác. Hơn nữa, như Hopkins đã nhận định, dường như các ví dụ của Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy rõ ràng là nếu sự hoạn nạn của một người là kết quả của việc làm sai trái, thì chắc chắn người chịu đau khổ nhận biết rằng sự hoạn nạn đó chính là hình phạt dành cho mình.

Còn Tiếp