Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, July 25, 2012

TẠI SAO CÓ ĐAU KHỔ VÀ ĐIỀU ÁC? -4


 Món quà nguy hiểm của tự do ý chí  
Đầu tiên, điều ác là một phần tất nhiên của ý chí tự do. Như J. B. Philips trình bày:
Điều ác vốn gắn liền trong món quà đầy rủi ro của sự tự do ý chí. Đức Chúa Trời có thể tạo ra chúng ta như những bộ máy, nhưng nếu Ngài làm như vậy, chúng ta sẽ bị tước đoạt mọi tự do lựa chọn quý báu của mình, và chúng ta không còn là con người nữa. Thi hành sự chọn lựa theo chiều hướng tội ác mà chúng ta gọi là sự sa ngã của loài người (tội lỗi của A-đam trong vườn Ê-đen) là lý do cơ bản của điều ác và đau khổ trong thế gian. Đó là trách nhiệm của loài người chớ không phải của Đức Chúa Trời. Ngài có thể hủy diệt tội ác và đau khổ, nhưng nếu làm như vậy, Ngài cũng sẽ tiêu diệt luôn tất cả chúng ta. Điều đáng ghi nhận là toàn bộ quan điểm của Cơ đốc giáo chân chính không nằm trong việc xen vào vấn đề con người có quyền lựa chọn, nhưng ở việc tạo ra thái độ sẵn sàng chọn điều thiện chứ không phải điều ác. (3) 


Nếu mỗi cá nhân không ảnh hưởng gì đến người khác thì vũ trụ nầy sẽ trở nên vô nghĩa. Điều đó chẳng khác gì chơi một ván cờ mà cứ thay đổi luật chơi sau mỗi nước cờ. Không ai có thể sống như một ốc đảo, vì như thế đời sống sẽ trở nên vô nghĩa.
Thứ hai, phần lớn những sự đau khổ trong thế giới có thể suy ra trực tiếp từ những chọn lựa xấu xa mà con người tự chọn. Sự đau khổ thường là hậu quả hợp lý của những sự lựa chọn này. Khi một tên cướp nhà băng giết một người nào đó thì chúng ta thấy rõ hành động gian ác, nhưng khi có một quyết định tai hại trong chính phủ hay trong kinh doanh có thể đem lại sự thiếu thốn và đau khổ cho nhiều người thì những người quyết định đó không hề biết đến. Ngay cả đến hậu quả của nhiều thiên tai đôi khi cũng do sự sơ xuất đáng trách của con người, vì họ khinh thường những lời cảnh cáo của việc sắp xảy đến.
Thứ ba, có vài sự đau khổ chứ không phải tất cả được Đức Chúa Trời cho phép xảy ra như là sự đoán xét hay trừng phạt. Đây là việc có thể xảy ra nhưng chúng ta phải luôn luôn để ý quan sát. Đức Chúa Trời đôi khi cho phép những sự hoạn nạn như vậy với mục đích phục hồi hay đào tạo cá tính con người, và những người chịu khổ vì việc làm của mình thường hiểu điều đó (Hê-bơ-rơ 12:7-8,11).
Thứ tư, Đức Chúa Trời có một kẻ thù luôn thù hận và căm giận khôn nguôi là Sa-tan, dù đã bị đánh bại tại thập giá nhưng nó vẫn tự do gieo rắc những điều ác cho đến kỳ phán xét cuối cùng. Cho nên căn cứ vào lời mạc khải của Đức Chúa Trời và vào kinh nghiệm, thì rõ ràng là trong thế giới tồn tại một quyền lực tội ác mạnh hơn con người. 
Thứ năm, chính Đức Chúa Trời là thống khổ nhân vĩ đại và đã giải quyết dứt khoát vấn đề tội lỗi qua quà tặng là chính con Ngài, bằng một giá đắt và sự đau khổ của chính Ngài. Hậu quả của tội lỗi trong cõi đời đời đã vĩnh viễn được cất bỏ khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-xu Christ. Tội lỗi chúng ta đã được tha, chúng ta tiếp nhận một cuộc đời mới và năng lực để chọn lựa điều tốt nhất Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Ngài hướng dẫn chúng ta và ban thêm năng lực cho chúng ta, tái tạo tính cách của chúng ta ngày càng trở nên giống với Chúa Giê-xu. 
Cuộc thử nghiệm lớn nhất của đức tin
Có lẽ cuộc thử nghiệm lớn nhất của đức tin cho Cơ đốc nhân ngày hôm nay là tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành. Có nhiều điều trong cuộc sống và nền văn hóa của chúng ta, nếu tách rời ra, chúng ta sẽ nghĩ ngược lại. Helmut Thielecke cho biết nếu dùng một kính hiển vi quan sát một tấm vải thì chúng ta sẽ thấy rất rõ ở chính giữa nhưng mờ ở ngoài bìa. Nhưng nhờ thấy rõ ở chính giữa, chúng ta biết chắc chắn rằng ngoài bìa cũng rõ như vậy. Rồi ông nói, chúng ta nhìn vào cuộc sống giống như nhìn một tấm vải.
Chung quanh bìa của cuộc sống chúng ta dường như mờ ảo, nhiều sự kiện và hoàn cảnh chúng ta không thể nào hiểu được. Nhưng chúng ta có thể giải thích đúng đắn những hoàn cảnh ấy nhờ sự rõ ràng chúng ta thấy ở phần trung tâm - chính là thập tự giá của Đấng Christ. Đừng nhìn vào những mảnh vụn thông tin rời rạc mà phán đoán sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Ngài đã bày tỏ rõ ràng sự tốt lành của Ngài và chứng minh đầy ấn tượng cho chúng ta trên thập tự giá. "Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với con ấy cho chúng ta sao?" (Rô-ma 8:32). Đức Chúa Trời không bao giờ đòi hỏi chúng ta phải hiểu nhưng chỉ phải tin cậy nơi Ngài y như chúng ta đòi hỏi con cái chúng ta tin tưởng nơi tình yêu và sự chăm sóc khi chúng ta dắt chúng đến bác sĩ. Chúng ta sẽ được bình an khi nhận thức rằng trong cuộc đời nầy chúng ta không có bức tranh hoàn chỉnh. Nhưng thấy được ngoài bìa cũng đủ tốt đẹp cho chúng ta rồi.
Chúng ta có thể tin chắc, với niềm vui và sự bình an: "mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (8:28).
Đôi khi chính phản ứng của chúng ta đối với sự đau khổ sẽ quyết định từng trải chúng ta gặp là phước hạnh hay tai họa, hơn là chính bản thân sự đau khổ. Cùng sức nóng mặt trời làm chảy bơ nhưng cũng làm đất sét cứng thêm.
Khi nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nhìn đời qua ống kính đức tin vào tình yêu của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể khẳng định như Ha-ba-cúc: “Vì dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho, cây ô-li-ve không sanh sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ ăn; bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa. Dầu vậy, tôi sẽ vui mừng trong Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi tôi" (Ha-ba-cúc 3:17-18).