ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CẢM THÔNG
CHÚNG TA CẦN BÀY TỎ CHÍNH MÌNH.
Nếu điều kiện tiên quyết để đạt được cảm thông là thiện chí, thì điều kiện thứ hai là sự bày tỏ chính mình. Ai cũng cần phải bày tỏ mình ra. Thiếu cơ hội bày tỏ người ta có thể trở nên bịnh hoạn. Dĩ nhiên không phải chỉ trong hôn nhân, chúng ta mới có thể bày tỏ chính mình. Cũng có những mối tương quan với người khác trong xã hội chúng ta như: Bạn hữu, anh em, chị em, bà con và v.v...
Tuy nhiên đối với một người đã lập gia đình nhu cầu bày tỏ lớn nhất của người đàn ông là bày tỏ cho vợ mình. Có những người đàn ông phàn nàn về sức khỏe yếu đuối của vợ mình mà không nhận thức được rằng vợ mình bịnh hoạn vì mình không bao giờ chịu lắng nghe vợ nói. Để bày tỏ chính mình cần phải cảm thấy có một sự lắng nghe và đón nhận thân ái ấm áp của người kia.
Mỗi người chúng ta dễ tìm thấy lý do để tránh né một cuộc đối đầu thật sự. Một bà vợ nói với tôi “khi tôi bắt đầu nói với nhà tôi về những vấn đề quan trọng thì ông ta đội nón lên và bỏ đi, ông đi thẳng một mạch đến phòng riêng của ông”. Tuy nhiên, lại cũng có những bà vợ có thể cắt ngang một câu chuyện quan trọng để đi làm những việc cần làm khác, là những việc mà bà có thể để lại làm sau khi ông đã đi tới sở làm. Chúng ta có thể dễ dàng tìm việc làm để tránh đối đầu với nhau trong những tương quan vợ chồng. Có nhiều người đã lập gia đình nhưng chạy trốn vấn đề, họ sợ phải bày tỏ những cái sâu kín của lòng mình! Họ không dành thì giờ cần thiết cho việc đó. Ngay cả trong các dịp nghĩ họ chạy nơi này nơi khác để tìm kiếm mọi thú vui chơi, họ mời về nhà những người bạn có thể giúp họ tránh được sự đối thoại trầm tĩnh và sâu kín giữa vợ chồng. Cần phải tốn thì giờ để xây dựng một cuộc hôn nhân chân thật, tốn nhiều hơn những buổi chiều thứ sáu mà người bạn đồng nghiệp của tôi đã dành cho vợ ông. Một cuộc đối thoại chân tình không thể diễn ra trong giây lát. Nó phải được chuẩn bị để hai người có thể ngồi chung trao đổi, thảo luận nhiều giờ với nhau.
ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CẢM THÔNG
CHÚNG TA CẦN CAN ĐẢM.
CHÚNG TA CẦN CAN ĐẢM.
Xác định như vậy chắc chắn sẽ làm kinh ngạc nhiều độc giả là những người tưởng rằng mình có thể cởi mở chính mình với người khác một cách thật dễ dàng. Tới một mức độ nào đó chúng ta có thể làm được nhưng không hoàn toàn. Một số người vui tính, hay diễu cợt về mình thì họ dễ có thể cởi mở, nhưng thật ra, đó chỉ là sự cởi mở bề ngoài. Sự thật bên dưới những lời lẽ tuôn ra như nước thì những tình cảm và ý nghĩ sâu kín nhất vẫn còn ẩn giấu. Họ chẳng khác gì với những người rút lui về với mình trong sự yên lặng. Phơi bày hoàn toàn ý nghĩ bên trong của ta, một điều tuyệt đối cần thiết để ta cảm thông sâu xa và chân thật, đòi hỏi ta phải có nhiều can đảm. Tôi đã nghe một bà nói với tôi về chồng của bà ta đôi ba lần. Bà nói nhiều về chồng hơn là chính bà. Và tôi nói với bà ấy “quả thật bà sợ chồng bà lắm”. Sự liên hệ của tôi với bà vững chắc đủ để bà dám trả lời cho tôi một cách thành thật “Phải, tôi sợ nhà tôi”. Chúng ta đừng vội cho rằng chỉ có vợ sợ chồng. Chồng cũng sợ vợ nữa. Người đàn ông kiêu ngạo hơn người đàn bà vì vậy họ khó có thể nhận là họ sợ vợ. Đây là một trong những điểm dị biệt giữa đàn ông và đàn bà. Đàn bà thường bày tỏ nỗi lo sợ của mình cách công khai trong khi đàn ông che giấu sự sợ hãi của mình. Tỉ như một người đàn ông sẽ che giấu sự sợ hãi của mình bằng cách sử dụng quyền uy. Ông ta nạt một tiếng, cắt ngang, không cho vợ ông nói nữa và chấm dứt sự đối thoại mà ông sợ. Hoặc ông đưa ra những lời giải thích vừa khoa học vừa thông thái cao siêu để khỏi nói ra tâm trạng riêng của mình. Ông nói nhiều để che giấu tâm trạng lo sợ mâu thuẫn. Nổi nóng hay làm thinh đều nhằm chung một mục đích là để che giấu điều mình sợ.
Sợ gì? Tôi tin sự lo sợ đó có hai phần: Thứ nhất, là sợ bị kết án, sợ bị phê bình. Đây là nỗi lo sợ phổ biến và có tầm mức to lớn hơn chúng ta thường nghĩ. Hơn nữa, những lời chỉ trích phê bình phát xuất từ vợ con, từ bạn bè thân thiết và nhất nhất, từ những người chúng ta ngưỡng mộ và yêu thương nhất khiến ta sợ nhất, là vì sự ngưỡng mộ và tình thương của họ có ý nghĩa rất lớn đối với chúng ta.
Tất cả chúng ta đều xét đoán chính mình chúng ta biết rõ ràng nếu chúng ta muốn sống cho thành thật hoàn toàn và để người ta nhìn thấy con người thật của mình. Muốn lột bỏ con người hấp dẫn giả dối mà chúng ta không ngừng cố gắng đóng trong đời sống thì chúng ta phải nói ra những điều mà chúng ta hổ thẹn. Những người gần gũi với chúng ta nhất là những người biết những yếu điểm của chúng ta nhiều nhất và là những người có đủ lý do để trách cứ chúng ta về những điều xấu hổ ấy. Đây là lý do khiến nhiều cặp vợ chồng chơi trò cút bắt. Họ sợ ăn nói thành thật hơn sẽ khỏi ra những vết thương rất nhạy cảm của mình. Những vết thương làm cho đau đớn hơn cả là những vết do chính người bạn đời thân cận nhất của mình làm.
Quả thật nhiều cặp vợ chồng rất nhanh mồm lẹ miệng khi xét đoán nhau, người này đoán xét qua người kia lên án lại. Mỗi người nhằm che giấu sự thất bại của mình thì đi chê trách khuyết điểm của người kia. Người ta ít ai chịu nhận sự thật là vợ hay chồng mình cư xử sống theo một cách thật rất khác với mình, biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe họ nói “Tôi không thể hiểu được chồng tôi” hoặc “Tôi không thể hiểu nổi vợ tôi”.
Một bà vợ tánh đa nghi thường mở thư của chồng. Chồng bà nói với tôi “Tôi không hiểu nổi hành động thiếu tự trọng như vậy”. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc của lòng thiếu tin tưởng và điều gì khiến bà làm như vậy. Một người cha nhất quyết đòi con học thành kỹ sư. Mẹ nó nói “thằng con đang phí thì giờ nó không có khiếu về ngành đó nó thích âm nhạc. Thế mà ông bắt như vậy. Tôi không thể hiểu nổi chồng tôi”. Điều quan trọng là chúng ta cần biết rõ những biến cố gì đã xảy ra trong đời sống cá nhân của người cha khiến ông quyết tâm cho con trở thành một kỹ sư.
Một ông chồng nói “Tôi không thể hiểu vợ tôi. Bà ta than mệt nhưng tối thì không chịu đi ngủ cứ đi lên đi xuống lăng xăng làm đủ chuyện vớ vẩn tôi bảo bà đi ngủ mãi mà chẳng bao giờ bà nghe. Thật là ngu xuẩn và dễ tức làm sao”. Điều quan trọng là chúng ta cần phải biết cái gì khiến bà vợ lăng xăng bất thường vào buổi tối như vậy. Một bà vợ khác than phiền “Tôi không thể hiểu tại sao chồng tôi sáng thức dậy khó khăn quá. Tôi cứ phải kêu mãi. Đến khi ông dậy, ông không còn thì giờ để ăn sáng rồi đi làm bị trễ. Cuối cùng là bị mất sở làm, thật vô lý. Điều chúng ta cần phải tìm hiểu là tại sao ông chồng thức dậy khó khăn như vậy. Có lẽ chính ông ta cũng không biết lý do. Điều ông biết rõ là mẹ ông đã la mắng ông về việc này hồi nhỏ nhưng mọi quyết định sửa đổi điều đã hoài công.
Ý nghĩa thật của câu “Tôi không thể hiểu” là “tôi không thể hiểu tại sao chồng tôi lại khác với tôi. Anh ấy suy nghĩ, cảm xúc và hành động một cách khác với tôi” vì vậy người chồng cảm thấy bị xét đoán, bị lên án, bị chỉ trích. Tất cả chúng ta đều sợ điều này, vì không ai bằng lòng với chính mình. Chúng ta đặc biệt bén nhạy với những lời chỉ trích về những khuyết điểm mà chính chúng ta cũng thấy là ngu xuẩn và chúng ta đã không bao giờ sửa đổi được mặc dầu chúng ta đã hết sức cố gắng.
Sự lo sợ thứ hai là nhận lời khuyên. Hãy lấy ví dụ của một người chồng đang gặp chuyện rối rắm ở sở. Lần đầu anh ta đem việc này nói với chị vợ nhưng chị quá sốt sắng giúp chồng ý kiến nên trả lời với chồng “Anh dứt khoát phải loại tên cộng tác viên vô dụng ấy mới được. Hãy mạnh dạn làm còn không hắn sẽ hại anh! Em đã nói với anh bao nhiêu lần rồi. Anh yếu đuối quá! Anh đi báo cáo việc này lên ban quản trị đi”. Nói cách khác, chị tuôn ra một hơi những lời khuyên không thể áp dụng được. Chị không nhận thức được sự phức tạp của vấn đề chồng chị đang đối diện, anh cảm thấy vợ đổ mọi trách nhiệm cho anh và xem anh như một đứa con nít.
Người chồng đã mở đầu bằng cách nói ra những băn khoăn lo lắng của mình, nhưng gặp phải những câu trả lời làm sẵn của vợ, anh đành rút lui. Hy vọng của anh bị đập tan trước khi có thể bày tỏ cho vợ mình thấy được tất cả những khía cạnh của vấn đề tế nhị này. Ý định của người vợ rất tốt, nhưng chị đã làm hỏng mọi việc khi chị trả lời quá hất tấp. Đáng lẽ chị nên lắng nghe lâu hơn và cố gắng để hiểu.
Nó bi đát vì người vợ đã cố giúp chồng nhưng giúp sai. Một trong những nhiệm vụ cao cả của một người vợ là an ủi chồng mình về những chuyện khó khăn chàng gặp ngoài đời. Tuy nhiên, không cần phải lắm lời mới an ủi được, lắng nghe cảm thông và yêu thương là đủ rồi. Hãy nhìn xem đứa bé chạy đến khóc bên chân mẹ nó. Bà mẹ không nói lời nào, nhưng chỉ trong giây lát những giọt nước mắt của nó biến mất. Nó nhảy xuống đất, gương mặt rạng rỡ vui cười rồi chạy biến đi vào trong thế giới chơi đùa của nó, nơi nó sẽ gặp những sự va chạm mới. Ở trong mỗi người, dù ngay cả những người mạnh mẽ và cứng rắn nhất vẫn còn giữ lại trong mình một chút trẻ con cần được vỗ về an ủi.
Cách đây mười năm người vợ nảy giờ chúng ta đang nói, đến gặp tôi tại văn phòng và nói rằng “Hễ khi nào chúng tôi có khách thì nhà tôi nói rất nhiều về công việc làm ăn của anh. Đây là cách duy nhất để tôi có thể biết về công việc của anh ấy. Tôi rất muốn biết. Nhưng mỗi khi chúng tôi ở một mình với nhau anh chẳng nói gì cả. Tôi thấy anh rất bận rộn lo nghĩ, tôi xin anh nói cho tôi biết công việc của anh thì anh nói tôi không bao giờ có thể hiểu được những vấn đề đó”. Người đàn bà này không nhận thức được rằng chính nàng đã làm hỏng khả năng trút bỏ gánh nặng trong lòng của chồng mình.
Người ta thường nhạy cảm nhiều hơn chúng ta tưởng. Đàn ông cũng dễ tổn thương như đàn bà, dù họ che giấu nó. Họ sợ bị tổn thương bởi những lời khuyên cũng như bởi những lời chỉ trích phê bình. Họ bực tức từng chút. Một bà thấy chuyện chi cũng có vẻ rõ ràng, đơn giản, nên tự tin và khuyên chồng phải làm thế này thế nọ, bất kể là việc gì. Một người đàn bà như vậy làm cho chồng có cảm tưởng vợ mình coi mình không có khả năng. Không một người chồng nào có thể chịu được điều này.
Lẽ dĩ nhiên trong trường hợp ngược lại người vợ cũng có cảm tưởng như vậy khi người chồng sẵn sàng đưa ra giải pháp ngay cho những vấn đề vợ mình tiết lộ. Có thể nàng đang xung đột với một người hàng xóm vì cái nhìn xỉa xói hoặc những lời nói chanh chua ở cầu thang. Chàng vội trả lời “Đừng đặt nó thành vấn đề! Chuyện đó có đáng quan trọng chi đâu. Em quá nhạy cảm!”. Người vợ cảm thấy mình bị chồng hiểu lầm. Có khi nàng cảm thấy chồng đứng về phía người hàng xóm thay vì bênh vực nàng. Vì vậy chắc chắn nàng càng trở nên bén nhạy hơn đối với những lời xúc phạm hàng ngày. Hoặc nàng có thể không còn thấy tự do trút bỏ gánh nặng của mình bằng cách thố lộ với chồng nữa.
Để thật sự cảm thông chúng ta cần phải lắng nghe chứ không phải chỉ trả lời. Chúng ta cần phải lắng nghe một cách chăm chú và kiên nhẫn. Muốn giúp một người nào đó bày tỏ tâm sự, tình cảm chúng ta phải cho họ có thì giờ. Chỉ đưa ra một ít câu hỏi thật cẩn thận để người ấy có thể giãi tỏ kinh nghiệm của họ dễ dàng hơn. Trên tất cả chúng ta phải tránh cho người ấy cái cảm tưởng rằng chúng ta biết nhiều hơn họ về những điều họ phải làm. Bằng ngược lại chúng ta sẽ đẩy họ rút lui. Phê bình nhiều quá cũng mang lại một hậu quả tương tự vì những cảm xúc nội tâm rất dễ vỡ.
Có những người chồng nói rằng “Tôi không muốn trút gánh nặng âu lo cho nhà tôi, tôi giữ lấy những nan đề của tôi”, người đó có thể thành thật nghĩ như vậy, nhưng họ đang tự lừa dối họ. Luôn luôn có những nguyên nhân sâu xa hơn ngăn trở lòng tín nhiệm. Dù trong trường hợp nào chăng nữa thì đó là dấu hiệu cho họ thấy sự chia xẻ trong hôn nhân đã thất bại. Một người đàn bà có thể mang được mối lo âu khi nàng cảm thấy mình được chồng nâng đỡ và sẽ đủ sức cùng chồng đương đầu với mọi khó khăn. Nỗi lo lắng tệ hại nhất cho một người đàn bà có lẽ là cái lo cảm thấy chồng mình mang nặng nhiều vấn đề mà chàng không chịu chia xẻ với mình. Có nhiều người bị hiểu lầm trên thế giới này, nhưng khi nhìn họ gần hơn chúng ta luôn luôn nhận thấy rằng ít ra họ cũng có một phần trách nhiệm. Nếu họ không được cảm thông, thì lý do là vì họ không chịu cởi mở.
Thế thì tại sao có nhiều người tới gặp tôi ở văn phòng và nói với tôi rằng “Với ông tôi có thể cởi mở vì ông thông cảm”. Sự thật hoàn toàn ngược lại. Tôi hiểu họ vì họ cởi mở. Đôi khi tôi hiểu họ nhiều hơn cả người bạn đời của họ, vì họ kể cho tôi nghe mọi việc, họ giấu với người bạn đời của họ. Vai trò của một bác sĩ thì trung lập hơn thế nữa, nghề nghiệp của ông càng ngày càng gạt bỏ khỏi ông cái ước muốn phê phán. Nghề nghiệp cho ông biết rằng khó có thể giúp đỡ một người nào bằng lời khuyên ấy, trừ khi người đó sẵn sàng làm theo lời khuyên ấy. Một bác sĩ chưa biết gì về bệnh nhân của ông thì ông ta tìm hiểu trực tiếp từ miệng của bệnh nhân. Dĩ nhiên, bác sĩ không thể bị lừa bởi sự trình bày có tính cách chủ quan của bệnh nhân dẫu đấy là những sự kiện có thật. Điều quan trọng trong đời sống không phải là những sự kiện mà là cách thức chúng ta nhìn và là giải thích những sự kiện đó.
Những người sống gần ta đã có sẵn trong đầu những hình ảnh về ta và những hình ảnh này luôn luôn có phần sai lệch. Cũng như nó làm sai lệch ít nhiều ý nghĩa những điều ta phải nói. Điều này rất đúng khi chúng ta chữa trị cho một bệnh nhân quá lâu đến lúc anh ta không còn sẵn sàng bày tỏ những cái kín nhiệm nữa. Anh không còn nói gì cho chúng ta nữa trừ ra những gì mà anh ta tin rằng chúng ta có thể hiểu biết. Một lần nữa nỗi lo sợ bị hiểu lầm lại xuất hiện trong anh. Chúng ta phải gạt bỏ cái hình ảnh chúng ta có về anh để anh có thể thấy dễ dàng cởi mở tấm lòng trở lại cho chúng ta như thể anh mới gặp chúng ta lần đầu.
Giữa vợ chồng cũng đúng như vậy. Mỗi người đều có một hình ảnh nào đó về nhau. Nó có phần đúng cũng như chắc chắn có phần sai. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào nó cũng là một thành kiến quá cứng ngắt (ít nhiều do họ gây ra) mà ta áp đặt trên họ do sự tưởng tượng của ta. Ai cũng biết nguyên nhân thông thường nhất gây ra những lầm lỗi trong việc định bệnh trong y khoa là sự quá tin của bác sĩ. Sự quyết đoán mà ông đặt lên bệnh nhân làm ông không còn thấy một lời giải thích nào khác của những triệu chứng nữa.
Một khi người chồng cảm thấy vợ anh đã có định kiến đạo đức đối với anh và nàng cứ khư khư như vậy thì tất cả mọi sự cởi mở thành thật, tất cả mọi bày tỏ sâu xa nhất về chính mình của anh sẽ khô cạn. Rồi chuyện có thể xảy ra là người chồng sẽ bắt đầu nói chuyện với vài cô gái anh gặp ở sở làm hay ở câu lạc bộ thể thao. Anh sẽ dễ dàng bày tỏ với cô ta nhiều điều mà anh không còn dám nói với vợ mình. Anh sẽ khám phá lại được cái cảm giác tuyệt diệu mà mọi người khao khát, cái cảm giác được cảm thông. Có lẽ anh sẽ nói với nàng những nan đề trong đời sống hôn nhân của anh. Người đàn ông dễ làm yếu lòng một người đàn bà bằng cách nói lên nỗi thất vọng trong cuộc sống gia đình của họ. Tại văn phòng của tôi có lẽ người chồng này sẽ nói “Tôi không thể sống thiếu người con gái ấy. Nàng hiểu tôi, trong khi vợ tôi không hiểu tôi”. Thảm kịch gia đình đang tiến nhanh đến đấy