Quý thính giả thân mến,
Tuần trước chúng ta đã kết thúc Chương thứ 9 của quyển sách Bí Quyết Để Có Một Đời Sống Hạnh Phúc, nói về việc biết tha thứ, và Cách Bỏ Qua Quá Khứ. Qua đó chúng ta được khuyến khích rằng chúng ta cần nên:
- Trân trọng việc hàn gắn hơn là đúng,
- Giữ lương tâm nhạy bén,
- Ngừng đổ lỗi,
Và hãy nhớ rằng chúng ta
- Được giải thoát để hướng tới tương lai
Tha thứ giải thoát chúng ta để có thể hướng tới tương lai thay vì trói buộc với quá khứ. Tha thứ thêm sức và giúp chúng ta trở thành con người như Chúa muốn. Đức Chúa Trời không hề muốn bạn phải sống trong ngục tù! Ngài đã định trước bạn sẽ được tự do mọi điều về quá khứ vốn là những điều cho phép thái độ thiếu tha thứ cầm giữ bạn. Liệu bạn có thể bởi đức tin thu hết can đảm và năng lực thuộc linh để chỉ nói rằng: “Lạy Chúa, con tha thứ cho chồng con” không? Bạn có thể tha thứ cho vợ, mẹ, cha, cấp trên hay bất cứ ai đã khiến bạn luôn bị cầm giữ trong những cảm xúc cay đắng và thù nghịch không? Bạn có thể đơn giản nói rằng “Lạy Chúa, con cầu xin Chúa ban cho con đức tin, ân điển và lòng thương xót để bỏ qua mọi điều” không?
Khi đã bỏ qua những điều xấu, tiêu cực mà bạn đã chịu trong quá khứ, bạn sẽ bắt đầu trông giống như một thành viên thực thụ trong đại gia đình của Đức Chúa Trời. Hãy nhớ rằng một trong những đặc tính tuyệt vời của Cha thiên thượng của bạn là quyền năng để tha thứ - nhiều đến nỗi “Ngài đã ban Con một của Ngài hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Chúa đã giải thoát bạn khỏi sự kiềm hãm của thái độ không tha thứ. Giờ đây, khi tha thứ cho những người làm lỗi cùng bạn, bạn đang nhận lấy một đặc tính của Cha thiên thượng.
Chẳng phải điều này không đáng giá hơn là bám mãi với quá khứ vẫn luôn cầm giữ bạn hay sao?
Kính thưa quý thính giả,
Hôm nay chúng ta sẽ cùng bước vào xem chương 10 Trở Thành Một Người Hạnh Phúc
Các nhà khoa học về hành vi đã nhận thấy rằng những ai sống theo tín ngưỡng tôn giáo của mình thường sống thỏa lòng, hạnh phúc với cuộc sống của mình hơn là những người sống không có niềm tin. Những tín ngưỡng (vốn được vâng giữ cách mạnh mẽ) giúp trả lời những câu hỏi khó, những câu hỏi sẽ làm khuấy động cuộc sống êm ấm của chúng ta nếu không có niềm tin.
Một cuộc khảo sát do Tổ chức Gallup thực hiện đã đưa ra kết luận rằng có chưa đến 10% những Cơ đốc nhân thực thụ trong dân số Mỹ. Nhưng theo Tổ chức Gallup, những người nằm trong nhóm này có thể được xếp vào nhóm những người có ảnh hưởng và hạnh phúc. Khi gọi họ là “nhóm được biệt riêng”, tổ chức Gallup cũng lưu ý rằng nhóm này thường khoan dung với những người có nhiều gốc khác nhau; họ là những người hay tham dự vào các hoạt động từ thiện cũng như thường xuyên cầu nguyện hơn. Là một Cơ đốc nhân thực sự tận hiến, tôi rút ra những câu trả lời từ Kinh thánh, đặc biệt chú ý vào câu hỏi triết lý vẫn luôn khiến nhiều người bất hạnh bối rối đó là: “Tại sao Đức Chúa Trời lại để điều này xảy ra?” Việc tìm ra câu trả lời đúng đắn sẽ giúp bạn được biệt riêng ra như một thành viên của nhóm “những người hạnh phúc”.
Giải Quyết Đau Khổ
Đau khổ không miễn trừ một ai. Đau khổ xảy ra với tất cả mọi người - người hạnh phúc cũng như người bất hạnh. Những điều bất hạnh xảy đến với người tốt dù định nghĩa về điều tốt của bạn có là gì chăng nữa cũng như những điều bất hạnh xảy ra với người xấu, dù bạn có định nghĩa từ xấu là gì chăng nữa. Câu hỏi vẫn thường đến trong tâm trí mỗi khi chúng ta đau khổ, chính là “tại sao lại là tôi?” Những người xung quanh chúng ta cũng đưa ra câu hỏi “Tại sao Đức Chúa Trời lại để điều này xảy ra?” Quanh tôi, mọi người vẫn thường đưa ra câu hỏi này và tôi phải nhìn nhận rằng một số điều xảy ra hoàn toàn khó hiểu, nghịch lý và gây nhiều bối rối. Trong vai trò là mục sư cho khoảng hơn 5.000 người, hầu như mỗi tuần, tôi đều đối diện với những khủng hoảng mà hoàn toàn không có câu trả lời.
Bạn sẽ nói gì với một người đang đau đớn vì bị phản bội, ly hôn, hay do sẩy thai và cái chết gây ra? Không một cách thức sáng tạo nào có thể an ủi những người đang trong đau đớn. Thế nhưng tôi đã nhận biết rằng việc cố trả lời câu hỏi “tại sao lại là tôi?” hay “tại sao Chúa lại để điều này xảy ra?” là vô ích. Thay vì vậy, một câu hỏi khác mà chúng ta có thể đặt ra, đó là: “Làm thế nào để tôi thoát khỏi sự đau khổ?” Đau khổ không phải lúc nào cũng là điều tiêu cực. Đau khổ có sức mạnh khuyến khích chúng ta hành động, giúp chúng ta vượt qua những sóng gió của cuộc đời và đưa đến một tương lai tốt đẹp hơn. Trong Rô-ma 5:3-4, sứ đồ Phao-lô nói: “Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy”.
Sự trông cậy hay hi vọng là một trong những “liều thuốc” của Đức Chúa Trời chữa trị bi kịch, những nỗi đau không thể chịu nổi, những bối rối về mặt tình cảm và tâm lý. Mặc dù hi vọng vẫn luôn có sẵn nhưng lại thường bị bỏ quên cho đến khi nỗi đau trở nên không thể chịu đựng được nữa. Tác giả C.S. Lewis của quyển sách The Problem of Pain (tạm dịch Vấn Nạn Của Sự Đau Khổ), đã viết: “Đức Chúa Trời thì thầm với chúng ta trong niềm vui hạnh phúc, Ngài phán với chúng ta qua lương tâm nhưng hét lớn với chúng ta trong nỗi đau. Đau khổ chính là chiếc loa của Ngài để thức tỉnh thế giới đang bị điếc.” Như một con dao hai lưỡi, đau khổ đem lại những niềm đau không thể tả hết nhưng cùng lúc, lại khiến tấm lòng chúng ta quay lại về với niềm hi vọng mà Đức Chúa Trời ban cho. Khi chạm vào nỗi đau, chúng ta cũng thường nối kết với Đức Chúa Trời.
Cả hai lĩnh vực triết học và y học đều ủng hộ cho nhu cầu của nỗi đau. George Wald, người thắng giải Nobel đã nói: “Khi không trải qua nỗi đau, thì cũng thật khó để bạn hiểu được niềm vui”. Một số nhà khoa học nói rằng đau đớn là công cụ cảnh báo của con người, báo cho chúng ta biết trước về nguy hiểm sắp xảy ra hay giúp chúng ta phản ứng thích hợp sau khi là những nạn nhân của hiểm nguy. Tiến sĩ Paul Brand, một chuyên gia nổi tiếng về bệnh cùi và là một bác sĩ y khoa tại trại cùi ở Carville, Louisiana, đã nhận được trợ cấp nhiều tỉ đô-la để thiết lập ra hệ thống đau đớn nhân tạo. Ông biết rằng những người mắc bệnh cùi và bệnh tiểu đường đều có nguy cơ bị mất ngón tay, ngón chân, thậm chí cả chi thể vì hệ thống cảnh báo đau đớn của họ không lên tiếng.
Mặc cho những lợi ích của đau khổ, mỗi người vào một thời điểm nào đó đều tự hỏi mình hay tuyệt vọng dâng lên cầu nguyện Đức Chúa Trời ở đâu khi đau khổ xảy ra? Tôi đưa ra câu hỏi này không phải vì nghi ngờ sự tốt lành của Đức Chúa Trời hay chỉ trích đường lối của Ngài mà đúng hơn, là để giúp chúng ta tìm kiếm sự hiện diện và sự giúp đỡ của Chúa trong những lúc khổ đau. Thay vì tập trung vào những nguyên nhân tại sao Chúa cho phép đau đớn xảy ra, tôi muốn mời bạn cùng khám phá một câu hỏi thực tế hơn chính là làm thế nào để chúng ta nhận ra Chúa qua khổ đau. Lúc này, chúng ta không còn hỏi “tại sao” nữa, mà thay vào đó sẽ là câu hỏi: “khi đối diện với đau khổ, chúng ta có thể làm gì?” Câu hỏi tại sao không đưa ra câu trả lời cho chúng ta mà chỉ dẫn đến nhiều câu hỏi nghịch lý khác, vốn lại tiếp tục đưa đến thái độ bất mãn với cuộc đời và với Chúa.
Câu trả lời của Chúa Giê-xu với câu hỏi “Đức Chúa Trời ở đâu khi đau khổ xảy ra?”
Có thể chính bạn cũng đã trải qua một chuyện buồn trong cuộc sống và khiến bạn tự hỏi: “Đức Chúa Trời đã ở đâu khi đau khổ xảy ra?” Một số người trong thời của Chúa Giê-xu cũng đưa ra câu hỏi tương tự để chất vấn Ngài như đã được chép trong sách Lu-ca:
Cũng lúc ấy, có mấy người ở đó thuật lại cho Đức Chúa Jesus nghe về việc Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lẫn với của lễ họ. Đức Chúa Jesus cất tiếng đáp rằng: Các ngươi tưởng mấy người đó vì chịu khốn nạn dường ấy, có tội lỗi trọng hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy. Hay là mười tám người bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết kia, các ngươi tưởng họ có tội lỗi trọng hơn mọi kẻ khác ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy. (Lu-ca 13:1-5)
Năm câu Kinh thánh này nêu ra một nghịch lý đã làm bối rối nhiều cộng đồng tín ngưỡng qua hàng thế kỷ. Phân đoạn này cho thấy những người trong thời của Chúa Giê-xu thường xem tội lỗi hay làm điều sai trật là nguyên nhân của đau khổ. Chúa Giê-xu đã đưa ra hai bi kịch riêng biệt để đưa ra một cái nhìn đầy đủ về sự đau khổ của con người. Trong bi kịch đầu tiên, quan tổng trấn độc ác Phi-lát đã giết không thương xót một số người Ga-li-lê trong khi họ đang tham dự giờ thờ phượng. Bi kịch thứ nhì là một bi kịch chung của mười tám công nhân xây dựng bị chết khi tháp mà họ đang xây dựng tại Si-lô-e vô tình đè chết họ. Thế nhưng Chúa Giê-xu đã nhanh chóng xem nhẹ tội lỗi của các nạn nhân là nguyên nhân gây ra cái chết của họ. Trên bề mặt, câu trả lời của Ngài “Ta nói cùng các ngươi, không phải; song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy” (câu 3,5) dường như không thể áp dụng ở đây. Tuy nhiên, khi phân tích câu trả lời của Chúa Giê-xu, bạn sẽ khám phá ra bốn câu trả lời cho câu hỏi mang tính thực tiễn này Đức Chúa Trời ở đâu khi chúng ta đau khổ. Những câu trả lời ẩn chứa trong phân đoạn này gồm có: (1) bi kịch sẽ khiến những người bất cẩn bàng hoàng; (2) đau khổ là tiếng gọi tỉnh thức; (3) hi vọng trong tương lai, và (4) đau khổ là lời kêu gọi đến sự ăn năn.
Tiến sĩ David D. Ireland