Trước khi nhìn vào ảnh hưởng của người cha đối với con trai, chúng ta cần biết trách nhiệm của người cha trong gia đình là gì, người cha cần có mối quan hệ như thế nào với con trai của mình? Khi một người được Chúa ban cho một đứa con trai, người đó nhận được đặc ân và trách nhiệm từ nơi Chúa. Đặc ân và trách nhiệm đó là hướng dẫn con đến chỗ nhìn biết Người Cha Thiên Thượng, là Đức Chúa Trời. Một người cha có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với vợ và các con. Có người đã mô tả ảnh hưởng của người cha như sau:
Các ông cha luôn luôn để lại một ấn tượng sâu đậm trên đời sống con cái. Ảnh hưởng của người cha có thể ví sánh với hình ảnh một người đang ghi khắc những dấu vết vào một cái thân cây. Ngày tháng trôi qua, những dấu vết hay ấn tượng người cha để lại trên con cái ngày càng sâu đậm và rộng lớn. Những ấn tượng đó có thể giúp con lớn lên sống hài hòa với người chung quanh nhưng cũng có thể khiến con không có mối quan hệ tốt đẹp như đáng phải có
Có những người cha suốt những năm tháng sống gần con cái đã kiên nhẫn, cẩn thận để lại trong tâm hồn con những chứng tích yêu thương, khích lệ; với sự hướng dẫn trong kỷ luật vững vàng; chấp nhận con, yêu quý con. Nhưng cũng có những người cha đã dùng lời nói hay hành động làm tổn thương tâm hồn con và vì thế để lại trong lòng con những vết sẹo vô cùng sâu đậm. Thời gian có thể chữa lành đau đớn hoặc làm cho vết sẹo mờ nhạt đi, nhưng những ấn tượng về người cha không thể nào xóa nhòa hoàn toàn. Cái ấn tượng mà người cha để lại trong mỗi cuộc đời chúng ta có thể xấu tốt, lớn nhỏ, nhiều ít, khác nhau nhưng chắc chắn ấn tượng đó, ảnh hưởng đó ta không thể phủ nhận. Dù muốn dù không, người cha là vị thầy đầu tiên và là vị thầy quan trọng nhất trong cuộc đời con cái. Người cha dạy con bằng đời sống gương mẫu, bằng những lời khuyên dạy hoặc bằng những thất bại và thiếu sót của mình.
Đức Chúa Trời giao cho cha mẹ trách nhiệm dạy con nên Ngài truyền cho cha mẹ mạng lệnh sau:
Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm hay là khi chỗi dậy (Phục truyền luật lệ ký 6:6-7)
Chúa muốn, là cha mẹ chúng ta phải trước hết ghi nhớ và thực hành lời Chúa cho chính mình, rồi sau đó dạy lại cho con cái. Dạy trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc và mọi nơi. Dạy con là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của cha mẹ.
Người cha nào cũng muốn được con khâm phục, kính nể và người con trai nào cũng muốn kính trọng khâm phục cha của mình. Nếu để ý chúng ta thấy các cậu bé con 5, 6 tuổi hay 7, 8 tuổi thường khoe với bạn rằng bố mình là giỏi nhất, tài nhất, không ai bằng. Các em cũng thích bắt chước cách đi đứng nói năng của bố, và khi có ai hỏi, lớn lên con muốn giống ai, các em thường trả lời: con muốn giống ba con. Đây là một mong ước tốt đẹp nếu người cha là gương mẫu tốt đẹp cho con noi theo. Những đứa con trai trong gia đình cần có một người cha mạnh mẽ, can đảm, sống thật với chính mình nhưng cũng là người cha rất là người, tức là cũng có những lúc yếu đuối, vấp váp như mọi người khác. Các con trong gia đình cần nhìn thấy cha mình là một người bình thường, có ưu điểm lẫn khuyết điểm, có điểm mạnh cũng như điểm yếu. Như thế tốt hơn là, cha cách biệt với con cái, che giấu con người thật của mình nên được con tôn cao, xem như là thần tượng để rồi sau đó khi lớn lên thần tượng sụp đổ vì các em khám phá ra rằng cha mình không cao đẹp toàn hảo như mình tưởng.
Một người con trai nọ nói như sau:
Tôi kính trọng và ngưỡng mộ cha tôi vì ông sống thật với chính mình và với vợ con. Khi có lỗi, ông nhận lỗi; khi có điều sợ hãi, lo lắng, cũng như khi được thành công, vui vẻ, ông chia xẻ với gia đình chứ không che giấu. Khi cha tôi gặp thử thách hay khó khăn trong đời, ông không những biểu lộ trong cử chỉ, thái độ nhưng cũng nói ra cho mẹ tôi và anh em tôi biết, và ông cho biết ông đã học được điều gì qua những khó khăn đó. Cha tôi không bao giờ biết rằng ông đã dạy tôi rất nhiều qua những điều ông chia xẻ với chúng tôi. Cha tôi không toàn hảo nhưng ông rất chân thật, cởi mở, là người nhiều tình cảm và không ngại biểu lộ tình cảm của mình. Tôi ước mong các con tôi cũng thấy tôi là một người cha giống như vậy.
Người cha trong gia đình nói trên là người dạy con bằng chính đời sống của mình, ông là con người như thế nào thì bày tỏ ra như vậy, rất thật và rất gần với con cái. Đây là điều quan trọng chúng ta cần để ý nếu chúng ta muốn các con của mình, đặc biệt là những đứa con trai, lớn lên có đời sống tình cảm lành mạnh và quân bình. Một đứa bé phát triển bình thường là đứa bé được cha yêu thương, chấp nhận, và lớn lên có thể nói như sau về chính mình:
Tôi biết tôi là người có khả năng, có thể làm những việc bình thường người khác giao cho tôi. Tôi sẽ có lúc vấp váp nhưng không sao, tôi sẽ học hỏi và rút kinh nghiệm qua những vấp váp đó. Tôi là con của Chúa, Chúa yêu tôi và chấp nhận tôi, như thế là đủ cho tôi rồi. Tôi yêu thương người chung quanh và sẵn sàng nhận tình yêu người khác dành cho tôi. Tôi yêu thương và tôn trọng chính mình. Tôi biết tôi có thể bày tỏ con người thật của mình với cha mẹ và người thân yêu. Tôi có lúc vấp váp lầm lỡ nhưng không sao, người chung quanh vẫn yêu thương và chấp nhận tôi.
Tiến sĩ James Dobson, một bác sĩ y khoa, cũng là nhà tâm lý học Tin Lành nổi tiếng, chia xẻ điều sau đây trong một quyển sách nói về cách làm thế nào để giúp con cái tự tin và có cái nhìn đúng về chính mình. Ông nói: “Dựa vào lời dạy trong Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa ban cho con người sáu nguyên tắc sống quan trọng sau đây:
1. Kính yêu Chúa hết lòng2. Yêu thương đồng loại3. Tôn trọng thẩm quyền Chúa đặt trên chúng ta4. Tuân hành giới răn của Chúa5. Có tinh thần kỷ luật và tự chế6. Có tấm lòng khiêm nhường
Đây là sáu nguyên tắc đến từ Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng chúng ta, những nguyên tắc này tuyệt đối thích hợp cho mọi đời sống, trong mọi thời đại.” Người cha sẽ làm trọn vai trò của mình khi người đó sống theo sáu nguyên tắc trên và dạy cho con cái biết và thực thi những nguyên tắc căn bản đó.
Trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong Thánh vịnh, chúng ta nhìn thấy hình ảnh và vai trò của người cha trong gia đình, qua hình ảnh của Đức Chúa Trời, người Cha thiên thượng của chúng ta. Người Cha là người mang lại cho con cái những điều cần yếu sau:
1. Là nơi che chở, bảo bọc con
Theo Thánh Vịnh 3:3, Chúa là cái khiên che chở chúng ta, Ngài giúp chúng ta an tâm và có thể ngước đầu lên, đối diện khó khăn. Người cha trong gia đình cũng phải là nơi cho con nương tựa như thế.
2. Là ánh sáng soi lối và cứu giúp
Chúa Hằng Hữu là ánh sáng và là sự cứu rỗi tôi, tôi sẽ sợ ai? Ngài là đồn lũy của mạng sống tôi, tôi sẽ hãi hùng ai? (Thi Thiên 27:1)
Con cái trong gia đình cũng trông mong cha là người hướng dẫn giúp đỡ trong lúc gặp nguy biến, khó khăn.
3. Là người yêu thương, nhân từ, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của con
Chúa Hằng Hữu có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhân từ, Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi (Thi Thiên 103:8-10)
Trên hết, con cái của chúng ta cần có một người cha nhân từ yêu thương, chậm nóng giận và sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của con.
Cầu xin Chúa giúp chúng ta, các ông cha bà mẹ, đặc biệt là các ông cha, noi gương Chúa trong vai trò làm cha, để chúng ta thật sự là người che chở, hướng dẫn, giúp đỡ và nhất là yêu thương, tha thứ và thông cảm với những đứa con mà Chúa đã ban cho chúng ta (còn tiếp)
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành