Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, June 30, 2013

Cuộc Gọi Lúc Nửa Đêm



“Đôi khi sự yêu thương được thể hiện toàn vẹn và sâu sắc nhất là khi hai người ngồi kề bên nhau, miệng im lặng, tai lắng nghe và tim thấu hiểu.”
Câu chuyện dưới đây về cuộc gọi lúc  0 giờ  minh chứng cho sức mạnh vô cùng và ý nghĩa tốt đẹp của việc lắng nghe  kể cả  nghe một người xa lạ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu  người  con gái đó trong giờ phút tuyệt vọng nhất của mình không gọi và  nếu người nhận cuộc gọi biết là nhầm số  mà không lắng nghe? 
HỌC CÁCH LẮNG NGHE
Thủ bút của Thầy Nhất Hạnh
Nửa đêm. Chuông điện thoại reo vang làm người mẹ thức giấc. Như chúng ta biết, ai nghe điện thoại reo lúc nửa đêm cũng bực mình nhìn đồng hồ và lẩm bẩm… Nhưng buổi đêm đó thì khác, người mẹ  ấy cũng khác.
Nửa đêm. Những ý nghĩ lo lắng bỗng tràn đầy trong đầu óc của người mẹ. Và người mẹ nhấc máy “Alô ?”. Bỗng bà nghĩ đến con gái mình. Bà nắm ống nghe chặt hơn và nhìn về phía người bố, lúc này đã tỉnh dậy xem ai đã gọi điện cho vợ mình.
- Mẹ đấy ạ? – Giọng nói trên điện thoại cất lên, như đang thì thầm, rất khó đoán là người gọi bao nhiêu tuổi, nhưng chắc chắn là cô gái đó đang khóc. Rất rõ. Giọng thì thầm tiếp tục:
- Mẹ, con biết là muộn rồi. Nhưng đừng nói … đừng nói gì, để con nói đã. Mẹ không cần tra hỏi đâu, đúng con vừa uống rượu. Con mới ra khỏi đường cao tốc và…
Có cái gì đó không ổn. Người mẹ cố im lặng…
- Con sợ lắm. Con chỉ vừa mới nghĩ là mẹ có thấy đau lòng không nếu một cảnh sát đến cửa nhà mình và bảo con đã chết vì tai nạn. Con muốn… về nhà. Con biết, một đứa con gái bỏ nhà đi quả thật là hư hỏng. Con biết có thể mẹ lo lắng. Lẽ ra con nên gọi cho mẹ từ mấy ngày trước, nhưng con sợ… con sợ…
Người mẹ nắm chặt ống nghe, nuốt tiếng nấc. Người mẹ nén những cái nhói lên đau đớn tận trong tim. Khuôn mặt con gái bà hiện rõ ràng ngay trước mặt bà. Bà cũng thì thầm: “Mẹ nghĩ…”.
- Không! Mẹ để con nói hết đã! Đi mẹ!
Giọng cô gái năn nỉ, lúc này giọng cô gái như một đứa trẻ không được che chở và đang tuyệt vọng. Người mẹ đành dừng lại, và bà cũng đang nghĩ xem nên nói gì với con. Giọng cô gái tiếp:
- Con là đứa hư hỏng, mẹ ạ! Con trốn nhà! Con biết con không nên uống rượu say thế này, nhưng con sợ lắm, mẹ ơi! Sợ lắm…
Giọng nói bên kia lại ngắt quãng bởi những tiếng nấc. Người mẹ che miệng, mắt đầy nước. Tay người mẹ chạm vào ống nghe điện thoại làm vang lên tiếng “cạch”, nghe như tiếng đặt máy, cô gái vội kêu lên:
- Mẹ còn nghe con không ? Con xin mẹ đừng đặt máy!
- Con cần mẹ, con thấy cô đơn lắm!
- Mẹ đây, mẹ sẽ không đặt máy đâu – Người mẹ nói.
- Mẹ ơi, con lẽ ra phải nói với mẹ. Con biết lẽ ra con phải nói với mẹ. Nhưng khi mẹ nói chuyện với con, mẹ chỉ luôn bảo con là phải làm gì. Mẹ nói mẹ đã đọc hết quyển sách tâm lý và biết cách dạy con, nhưng tất cả những gì mẹ làm là chỉ bắt con nghe thôi. Mẹ không nghe con. Mẹ không bao giờ để con nói với mẹ là con cảm thấy ra sao. Cứ như là cảm giác của con chẳng quan trọng gì vậy. Có phải vì mẹ nghĩ mẹ là mẹ của con và mẹ biết hết mọi lời giải đáp không ? Nhưng đôi khi con không cần những lời giải đáp. Con chỉ cần một người lắng nghe con…
Người mẹ lặng đi. Bà nhìn những quyển sách tâm lý bà để ở đầu giường.
- Mẹ đang nghe con – Người mẹ thì thầm.
- Mẹ ơi, khi ở trên đường cao tốc, con không điều khiển nổi xe nữa. Con nhìn thấy một cái cây to lắm chắn đường con. Con muốn đâm vào nó. Nhưng con cảm thấy như con đang nghe mẹ dạy rằng không thể lái xe khi vừa uống rượu. Cho nên con dừng lại đây. Mẹ ơi, vì con vẫn còn… muốn về nhà – Cô gái dừng lại một chút – con đi về nhà đây, mẹ, cho con về, mẹ nhé?
- Không – người mẹ vội ngắt lời, cảm thấy cơ thể như đông cứng lại – con ở yên đó! Mẹ sẽ gọi một chiếc taxi đến đón con. Đừng tắt máy, hãy nói chuyện với mẹ trong khi chờ taxi đến.
- Nhưng con muốn về ngay, mẹ ơi…
- Nhưng hãy làm điều này vì mẹ, hãy chờ taxi đi, mẹ xin con.
Người mẹ thấy cô gái im lặng. Thật đáng sợ. Không nghe cô trả lời. Người mẹ nhắm mắt, thầm cầu nguyện trong khi người bố đi gọi một chiếc taxi.
Cô gái im lặng rất lâu nhưng cô không tắt máy và người mẹ cũng vậy.
- Có taxi rồi mẹ ạ! – Tiếng cô gái bỗng vang lên và có tiếng xe ôtô dừng lại. Người mẹ bỗng thấy nhẹ nhõm hơn. – Con về nhà ngay đây, mẹ nhé!
Có tiếng “tích”, có lẽ là tiếng tắt máy điện thoại di động. Rồi im lặng.
Người mẹ đứng dậy, mắt nhòe nước. Bà đi vào phòng cô con gái 16 tuổi. Người bố đi theo, và hỏi:
- Em có nghĩ là cô bé đó sẽ biết là cô đã gọi nhầm số điện thoại ?
Người mẹ nhìn đứa con gái đang ngủ ngon trên giường, và trả lời:
- Có lẽ cô bé đã không gọi nhầm…
- Bố mẹ làm gì thế ? – Giọng ngái ngủ của cô con gái cất lên khi cô mở mắt và thấy bố mẹ đứng cạnh giường mình.
- Bố mẹ đang tập… – Người mẹ trả lời.
- Tập gì ạ ? – Cô bé lẩm bẩm, gần như lại chìm vào giấc ngủ.
- Tập lắng nghe – Người mẹ nói thầm và vuốt tóc cô con gái…
Sưu tầm từ mạng Internet

Lời Bình

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ ?
    Câu chuyện này đọng lại trong lòng tôi, lay động những tình cảm thầm kín, nhắc nhở tôi về ba điều.

Đầu tiên, giống như tựa đề câu chuyện, chúng ta phải học cách lắng nghe. Trong cuộc sống, chúng ta yêu thương và được yêu thương.       Nhiều người thể hiện sự yêu thương bằng cách lo lắng, chăm sóc, khuyên bảo, dặn dò người khác, họ nói với con, với  bạn họ những điều nào là tốt, là nên làm, những điều nào là cần tránh… Nhưng, đôi khi sự yêu thương được thể hiện toàn vẹn và sâu sắc nhất là khi hai người ngồi kề bên nhau, miệng im lặng, tai lắng nghe và tim thấu hiểu. Đôi khi lắng nghe là viên thuốc hữu hiệu nhất cho những người vừa vấp ngã, chứ không phải là những lời khuyên răn, an ủi. Có những người quyết định tự kết liễu đời mình chính vì họ cô độc trong cuộc đời này, họ không có ai ở bên để lắng nghe và chia sẻ. Chính vì vậy thượng đế cho chúng ta chỉ một cái miệng để nói mà đến hai chiếc tai để lắng nghe.


Điều thứ hai, tôi muốn các bạn hiểu rằng tất cả chúng ta đều được yêu thương và có nghĩa vụ yêu thương. Người mẹ trong truyện đã không dửng dưng trước những lời  nức nở của cô bé kia mặc dù cú điện thoại làm phiền bà và bà cũng không có trách nhiệm với cô bé đó. Bà mẹ đã không gác máy, bà đã lắng nghe và quan tâm. Bà đã yêu thương cả một người không hề quen biết. Và thử nghĩ xem, nếu bà mẹ ấy chỉ đơn giản nói:”Xin lỗi, nhầm số rồi!” và gác máy, cô bé kia sẽ tuyệt vọng, đau khổ biết nhường nào và rồi việc gì sẽ xảy đến sau đó!? Việc làm đó thật có ý nghĩa, bà mẹ đã nhắc nhở chúng ta rằng một việc tốt, một sự quan tâm dù rất nhỏ cũng chẳng bao giờ là thừa. Sẽ có những nụ cười , những niềm hạnh phúc nở hoa ngay cả từ việc làm rất nhỏ ấy. Vậy, hãy yêu thương!


Và điều cuối cùng, bạn hãy nhớ gia đình là nơi ấm áp nhất trên đời. Gia đình là nơi mọi đứa con muốn trở về khi gặp những nỗi buồn trong cuộc sống, là nơi luôn rộng cửa đón bạn về dẫu bạn thành công hay thất bại, là nơi duy nhất bạn có thể trở về khi bạn chẳng còn lối nào để bước tiếp…

.
Thân Thị Thu Hằng