Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, September 12, 2011

CÁCH DÙNG TỪ NGỮ TRONG ĐỐI THOẠI HÔN NHÂN

CÁCH DÙNG TỪ NGỮ TRONG ĐỐI THOẠI HÔN NHÂN



   Trần Mỹ Duyệt
Đa số hay nói đúng hơn là tất cả những cuộc cãi vã, tranh chấp lớn nhỏ giữa vợ chồng với nhau trong gia đình, đều có một nguyên nhân duy nhất, đó là hiểu lầm, là không cảm thông được với nhau hay còn được gọi là miscommunication. 
Kinh nghiệm cho thấy ngay trong những giao tiếp thường ngày giữa cha mẹ và con cái, hiện tượng thiếu hiểu nhau này cũng xảy ra, nhất là khi con cái muốn nói gì với cha mẹ mà cha mẹ không hiểu. Những lúc như vậy, các em thường la lên, hoặc vùng vằng bỏ đi. Nhưng giữa vợ chồng với nhau thì khác, đa số đã không vùng vằng bỏ đi, mà còn muốn đứng lại, hoặc ngồi lại để ăn thua đủ. 
Đó cũng là lý do chúng ta cần phải khai triển thêm về đề tài cảm thông hay đối thoại trong hôn nhân qua việc xử dụng từ ngữ. Bao gồm, chữ dùng, âm điệu và cường điệu, ngôn ngữ cử chỉ, và ngôn ngữ hành động. 

CHỮ DÙNG:  

Về chữ dùng khi đối thoại và trao đổi giữa vợ chồng cần theo nguyên tắc mà cổ nhân đã dạy, là: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ai cũng muốn nghe những lời êm ái, ngọt ngào. Và cùng một tâm lý ấy, ta phải dùng lời nói êm ái, ngọt ngào để đối thoại, chia sẻ, và cảm thông giữa vợ chồng. 

Nhiều người vấp phạm sai lầm này, đó là chỉ dùng những lời nói êm ái, ngọt ngào để theo đuổi, hoặc để ngầm muốn đạt được một ý đồ gì. Sau khi đã có nhau trong đời, hoặc đạt được điều mình muốn, lập tức vốn liếng ngữ vựng tốt, dễ nghe trở thành nghèo nàn. Thay vào đó là những ngôn từ chua chát, thô lỗ, cộc cằn, và cay đắng. 
Để bào chữa cho hành động này, nhiều người thường nói: “Đã là vợ chồng với nhau rồi cần gì mà phải màu mè, khách sáo!”. Thật ra, sáo ngữ, màu mè và những lời êm ái, ngọt ngào hoàn toàn khác nhau và không liên kết gì với nhau. 
Trở lại tâm lý thích nghe những lời êm ái, dịu dàng, đó là mặc dù biết đôi khi người khác nói “xạo” hay “nịnh” mình, nói chỉ cốt để cho mình vui, người đời vẫn thích nghe những lời ấy hơn là những lời tuy “chân thật” nhưng lại chói tai, vụng về và thô lỗ. Trong một cuộc khảo cứu về giá trị của ngôn ngữ trong đời sống, các nhà khảo cứu tìm thấy yếu tố này, đó là những người có vốn liếng ngữ vựng cao, có khả năng dùng từ ngữ chính xác, và ở trình độ cao là những người có khả năng chinh phục, thu hút người khác. Trong công việc làm thường ngày, họ thường nắm giữ những chức vụ cao và quan trọng. 
 
Do đó, việc vợ chồng nên dùng những lời thế nào để làm cho nhau nghe mà cảm thấy thổn thức, xúc động, và nhận ra sự quan tâm của nhau. Nói để làm cho chồng hay vợ nghe cảm thấy xấu hổ, nhục nhã hay bị xúc phạm là cách nói của thành phần thiếu văn hóa, và thiếu giáo dục. Người nghe dù là chồng hay vợ không những không muốn nghe mà còn cảm thấy khó chịu, giận dữ. 
Một điều nữa là trong cách dùng từ ngữ, những người đối thoại ở tầm mức trí thức và hiểu biết thường chú trọng vào ý hơn chú trọng vào từ. Họ nói ít nhưng hiểu nhiều. Ngược lại, thành phần bình dân lại thích dùng từ nhiều mà ý tưởng thì thấp kém, thiếu tính thuyết phục. 
ÂM ĐIỆU VÀ CƯỜNG ĐIỆU: 

Ngoài việc dùng chữ, âm điệu và cường điệu trong lúc đối thoại cũng rất quan trọng. Điều này thường đưa đến một trong hai hậu quả:
Phía người nói:
Người nói mà nói trong tâm lý bất an, hốt hoảng, bực tức thường là không tự chủ được chính mình. Kết quả là nói những lời nói thiếu suy nghĩ, chín chắn và thận trọng. Nói cho đã cái miệng, nói cho bõ ghét, nói cho thỏa mãn tự ái. Nói như thế là để tự bào chữa. 
Ngoài ra, giọng nói trong lúc nóng giận thường trở nên lạc điệu, tắt nghẽn, hoặc la hét ầm ỹ. Cường điệu và âm điệu, vì thế, trở nên chói tai, khó nghe và khó chấp nhận.  
Phía người nghe: 

Phía người nghe đương nhiên là bị va chạm và cảm thấy khó chịu. Tốt nhất cũng là nhịn cho xong chuyện mà trong lòng ấm ức, khó chịu và không thấy kính nể. Nếu phản ứng tiêu cực hơn sẽ dẫn đến tranh cãi và khi hai cái tôi gặp nhau, sẽ đưa đến bất phân thắng bại vì cả hai đều muốn đề cao và bảo vệ cái tôi của mình. Cuộc nói chuyện lúc này đã biến thành cãi lộn và đôi co. 
Tâm lý tự vệ lúc này dẫn đến tư tưởng bào chữa và khỏa lấp bằng một tâm thức bất thường, đó là “khắc khẩu”. Tôi và vợ tôi, hoặc tôi và chồng tôi khắc khẩu không nói chuyện được với nhau. Và cũng để biện minh cho hai chữ khắc khẩu, người vợ hay người chồng quay sang đổ lỗi cho vấn đề tuổi tác. Vợ chồng khác tuổi và sinh ra trong năm những con vật xung khắc nhau. Thí dụ, chồng sinh năm mèo, vợ sinh năm chuột. 
Với cái nhìn tâm lý, ta không thấy có căn bản của sự khắc khẩu. Tại sao lúc mới quen nhau, cả hai đều thích nói chuyện với nhau, thích gặp gỡ, tâm sự hàng giờ với nhau. Và cũng không có cơ sở khi gán ghép cho việc vợ chồng cãi vã, tranh cãi vì không hợp tuổi. Thí dụ, tuổi dần hay tuổi tỵ… 
NGÔN NGỮ CỬ CHỈ: 

Từ ngữ chuyên môn gọi là body language, bao gồm những nụ cười, ánh mắt, những cát bắt tay thân mật, những nụ hôn, những âu yếm, vuốt ve… Trong lãnh vực tình cảm, và trong ngôn ngữ thường ngày, đây là những chữ viết của trái tim.  Nó cho người đối diện biết là mình đang yêu, đang thương hoặc đang ghét ai. Ngôn ngữ này vợ chồng dùng nhiều trong lúc thân mật, tình nghĩa mặn mà; đặc biệt, trong lúc hai người đang theo đuổi, chinh phục nhau.  
Nhưng đến khi sức nóng tình yêu nguộn dần, ngọn lửa tình yêu leo lét, và rượu nồng tình yêu trở nên chua chát, thì nó biết thành những ánh mắt của hận thù. Thay vì những cử chỉ vuốt ve âu yếm, là thái độ phùng mang, trợn mắt, bậm môi, mím miệng, khua chân, múa tay. Chỉ cần một lời nói hay một cử chỉ khiêu khích của bên này hay bên kia, cộng thêm sự thiếu cầm hãm, tự chủ, những dấu hiệu này biến thành thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Kết quả cả vợ lẫn chồng đều biến thành nạn nhân của thứ ngôn ngữ tiêu cực này.  
NGÔN NGỮ HÀNH ĐỘNG: 

“Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Thánh John Tông Đồ còn khuyên vợ chồng: “Đừng yêu thương nhau bằng môi miệng, nhưng bằng chân lý và việc làm” (1 John 3:18). 
Nếu thấy mình thiếu sót hoặc yếu kém về ngôn ngữ và cách thức biểu lộ bằng cử chỉ, thì lời nói bằng hành động là một ngôn ngữ có ảnh hưởng lớn nhất. Dần dần với tình yêu chân thật và hành động, người phối ngẫu cũng sẽ nhận ra tấm chân tình của mình.  
Nhưng đã không biết khéo nói, không thân thiện, mà lại còn ươn lười thì khi bước vào cuộc đối thoại, dù là đối thoại giữa chồng và vợ, nó sẽ trở nên vô duyên, thiếu hấp dẫn, nếu không muốn nói là một cuộc độc thoại hay cãi lộn. 
Điểm tâm lý khác biệt giữa đàn ông và đàn bà mà ta cần phải quan tâm khi đối thoại, đó là khả năng lý luận khác nhau. Người đàn bà nhìn vào những thực tế trước mắt, và người đàn ông nhìn vào những viễn ảnh và bao quát. Dùng hình ảnh, dùng việc làm chứng minh và trao đổi theo quan niệm này, người vợ trong lúc nóng giận có thể nói với chồng, đại khái: “Ông giỏi thì làm đi. Ông mà làm được thì tôi đã chẳng phải thuê thợ về làm…” Và khi nói vậy, người vợ đã nhìn và nhớ lại những lần mà người chồng đã nói mà không làm, hoặc làm mà không được như ý của mình.
Tóm lại, ngôn ngữ trong đối thoại là một lý thuyết có tính cách tâm lý, mà cũng là một ứng dụng thực tế trong giao tiếp vợ chồng. Không phải lúc đã trở thành vợ chồng rồi muốn nói gì thì nói, muốn nói sao thì nói. Hoặc ngược lại, khi nói không lại thì dùng sức mạnh để lấn át.  
Dù là vợ hay chồng, chúng ta cần phải lưu tâm đến điều này, đó là có những khoảng cách không thể vượt qua dưới nhiều góc độ từ thể lý, tâm lý và tâm linh giữa hai người. Cũng như ảnh hưởng giáo dục gia đình, trình độ hiểu biết, và khả năng kiến thức, nghề nghiệp. Để san bằng những khoảng cách ấy chỉ có một phương pháp duy nhất là phải nói và nghe nhau; người này phải chia sẻ và lắng nghe người kia. Và đó là lý do tại sao vợ chồng phải thường xuyên trao đổi, chia sẻ, lắng nghe nhau bằng thái độ cảm thông, yêu thương, và hiểu biết.