Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, September 15, 2011

NGƯỜI PHỤ NỮ CAN ĐẢM

NGƯỜI PHỤ NỮ CAN ĐẢM



Somaly Mam, khoảng 36 tuổi, đã bị bán làm nô lệ tình dục từ lúc 14 tuổi. Hiện chị dành cả thời gian để giúp đỡ hàng ngàn trẻ em Campuchia chịu số phận nghiệt ngã ngay tại quê hương. Có những em mới chỉ 5-6 tuổi đã bị bán làm nô lệ tình dục!
Cuốn The road of lost innocence (Con đường đánh mất sự thơ ngây), do chị viết, vừa được xuất bản đầu tháng 10-2007 tại New
Zealand.


Somaly nghĩa là “vòng hoa đeo cổ bị mất trong rừng nguyên sinh”. Tên này do một “người chú” đặt cho chị, vì chị không biết cha mẹ mình là ai và không biết tên thật, tuổi thật của mình. Dù nguy hiểm thường trực, chị vẫn hành động để bảo vệ và giúp đỡ 
hàng ngàn trẻ em nô lệ tình dục tại Campuchia.
Công nghệ mại dâm trẻ em ở Campuchia hoạt động đủ kiểu, làm băng hoại cả cảnh sát và công lý. Đa số các em gái bị bán làm nô lệ tình dục bởi chính gia đình các em, thường là để lấy tiền trả nợ. Một khi đã bị bán vào nhà thổ, các em không được trở về nhà, bị canh giữ rất chặt, sống cực khổ như địa ngục.

Trong những căn phòng chật chội, nhơ nhớp, ngột ngạt, các em gái phải bán dâm với giá vài xu mỗi lần đi khách. Giá cả còn tùy vào tuổi tác và ngoại hình, càng trẻ giá càng cao, nếu còn trinh thì giá cao hơn. Somaly nói: “Các chủ chứa may màng trinh cho các em để bán với giá cao như còn trinh. Họ cho người mổ sống, các em rất đau đớn. Trong số đó, có em chỉ mới 5 tuổi”.

Các em bị đánh đập, bỏ đói, đem bán cho các chủ chứa khác, nếu không còn xài được nữa thì có thể các em bị giết. Nhiều chủ chứa ép các em sử dụng và nghiện ma túy để dễ sai khiến. Khoảng 1/3 gái mại dâm Campuchia bị HIV dương tính, càng trẻ càng dễ nhiễm. Có một số khách ảnh hưởng phim ảnh thống dâm và ác dâm đang hoành hành ở Đông Nam Á, họ không chỉ muốn làm tình với các cô gái mà còn muốn hành hạ các em đó. Có những em bị đánh đập, bị cắn và bị rạch bằng dao đầy mình.

Somaly nói: “Tại sao có tình trạng này? Người ta vẫn bảo tôi sang nước họ để thuyết trình, họ cho tôi ở khách sạn năm sao. Người ta khóc khi nghe tôi kể chuyện. Họ trao huy chương cho tôi. Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra. Tôi muốn người ta hành động!”.
Somaly sinh ra ở một làng xa trên cao nguyên bắc Campuchia, bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, được bà ngoại nuôi dưỡng. Khi ngoại cô chết, một người đàn ông tự xưng là ông của chị đến đưa chị đi. Khi đó Somaly mới 14 tuổi. Ông ta nói đã tìm chồng cho chị. Chú rể là một người lính ngoài 20 tuổi, bản tính hung bạo. Kết hôn được một năm, anh ta bán Somaly cho một nhà chứa ở Phnom Penh.

Chủ chứa là hai phụ nữ. Người khách đầu tiên của Somaly là một cảnh sát. Có đêm 2-3 lượt, có đêm nhiều hơn. Thu nhập ít nên chủ chứa lại lôi Somaly ra đánh đập và bỏ đói. Phải mất hai năm Somaly mới thoát khỏi chốn địa ngục đó.
Một người đàn ông Thụy Sĩ tên là Dietrich thấy mến Somaly nên muốn cứu. Ông trả tiền cho chủ chứa để đưa chị về một tổ chức phòng chống AIDS của châu Âu có văn phòng ở Phnom Penh. Rồi ông trở về Thụy Sĩ.

Năm 1991, khi Somaly khoảng 20 tuổi, chị gặp một người Pháp tên Pierre Legros, họ cùng mở quán trên bờ sông Phnom Penh, Somaly làm người phục vụ. Chị được lĩnh lương tháng đầu. Chị nói: “Đó là những đồng tiền trong sạch đầu tiên mà tôi kiếm được”. Pierre đã cưới Somaly làm vợ. Chị nói: “Tôi làm việc suốt ngày mà đêm vẫn mất ngủ. Ý nghĩ luôn hướng về những cô gái bị cưỡng hiếp và bị đánh đập dã man. Tôi thấy mình có thể giúp họ vì tôi biết rõ thế giới đó và biết cách liên lạc với họ”.

Tổ chức của Somaly là AFESIP (Acting For Women In Distressing Circumstance). Somaly nhờ các tổ chức của phương Tây ở Campuchia hỗ trợ, nhưng các văn phòng của EU ở Phnom Penh trả lời: “Không có mại dâm ở Campuchia”. Chị nói: “Họ không biết những gì đang xảy ra ở đất nước chúng tôi”.
Nhưng tổ chức từ thiện Save the children của Anh đã lắng nghe, họ cấp cho chị một căn nhà và một khu đất ở tây bắc Phnom Penh. Chị và Pierre làm việc ngày đêm để cứu các em gái bị nô lệ tình dục. Cuối năm đầu tiên, có 20 em sống ở đây. Ngày nay có năm nhà với 200 em. Ước tính ở Campuchia có khoảng 40.000 nô lệ tình dục đem lại lợi nhuận gần 1 tỉ USD mỗi năm cho các chủ chứa.

Somaly kể có một bé gái 8 tuổi bị bắt cóc ngoài đường và bị một nhóm thanh niên say rượu thay nhau hãm hiếp. Được đưa đến chỗ của Somaly, chị cho em đi điều trị và tìm lại cha mẹ cho em. Nhưng cha mẹ không muốn đón em về. Thật bất hạnh! Bọn côn đồ bị xét xử nhưng tòa án đã bị mua chuộc nên chúng được trắng án vì tòa án cho rằng 8 tuổi còn quá trẻ để hồi phục vết thương! Somaly nói: “Tham nhũng xảy ra khắp Campuchia, cảnh sát cũng xấu như bọn ma cô. Đôi khi chính cảnh sát bảo kê cho nhà chứa. Tôi không biết nói sao nữa!”.

Chị thường xuyên bị hăm dọa, bị khinh bỉ và lạm dụng. Hai năm trước, đứa con gái lớn của chị là Ning, 15 tuổi, bị bắt cóc, bị chích ma túy và bị hãm hiếp. Chúng đưa Ning đến biên giới bắc Thái Lan để bán. May mà Somaly đã cứu được con gái.
TRẦM THIÊN THU 
(Chuyển ngữ từ Women’s Weekly)