Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, September 20, 2011

Người phụ nữ của Chúa trong hôn nhân (2)

Người phụ nữ của Chúa trong hôn nhân (2)

Một người phụ nữ mới lập gia đình đã thốt lên: “Tôi phải thuận phục chồng mình sao ? Tôi là một con người tự do chứ nào có phải nô lệ của ai đâu !”
Một người khác nói với tôi như sau: “Đối với đa số đàn ông thì người phụ nữ chỉ là để đáp ứng nhu cầu tính dục mà thôi ! Trong hay ngoài Hội thánh thì cũng chẳng khác gì cả !”
VAI TRÒ THUẬN PHỤC CỦA NGƯỜI VỢ

Một người phụ nữ mới lập gia đình đã thốt lên: “Tôi phải thuận phục chồng mình sao ? Tôi là một con người tự do chứ nào có phải nô lệ của ai đâu !” Một người khác nói với tôi như sau: “Đối với đa số đàn ông thì người phụ nữ chỉ là để đáp ứng nhu cầu tính dục mà thôi ! Trong hay ngoài Hội thánh thì cũng chẳng khác gì cả !” Có thể quả quyết rằng sự tấn công của phong trào đòi bình đẳng cho nữ giới đã xâm nhập vào Hội thánh, và đôi khi cuộc tấn công đó mạnh mẽ chẳng kém gì ở ngoài xã hội. Nhưng ngược lại có một nguyên nhân nào đó đang gây nên sự tan vỡ của gia đình, sự gia tăng những vụ ly dị, tình trạng con cái ngỗ nghịch và những tệ nạn trong xã hội. Có lẽ chúng ta là những người của thời đại tân tiến cũng nên nghiên cứu xem Kinh thánh nói gì về điều này. Kinh thánh dạy dỗ rất đơn sơ và rõ ràng rằng để trở thành người phụ nữ của Đức Chúa Trời chúng ta cần chấp nhận địa vị thuận phục. Trong mối quan hệ hôn nhân, vai trò của người vợ và người chồng đều được xác định một cách rõ ràng bởi Lời Chúa. Tôi không chú ý đến chữ thuận phục nhiều lắm. Mặc dầu trong lời hứa của lễ hôn phối có nhắc đến từ ngữ vâng lời. Nhưng ý nghĩa của chữ vâng lời và thuận phục chỉ trở nên rõ ràng đối với tôi qua kinh nghiệm. Tôi thuộc loại người chỉ có thể học được sau những kinh nghiệm đau đớn. Do tính chất bướng bỉnh, ương ngạnh và kiêu ngạo của tôi nên khó khăn lắm, tôi mới học được nguyên tắc “yêu thương và vâng phục” của Kinh thánh. Nếu có người nào hỏi liệu tôi có vâng phục hay không thì câu trả lời của tôi là “Vâng, có vâng phục nhưng trong lòng đầy tức tối !” Có thể nêu một thí dụ, một lần kia tôi đã cảm thấy rất bực bội và tức giận khi chồng tôi thực hiện uy quyền của mình. Chúng tôi mới đến nhận quản nhiệm một Hội thánh và cả hai đều làm việc vất vả để xây dựng Hội thánh. Ngoài ra tôi còn phải chăm sóc bốn đứa con nhỏ dưới 11 tuổi mà đứa nhỏ nhất lại bị tàn tật. Rồi lại còn phải dọn dẹp tư thất, cùng vô số công việc trong Hội thánh như tổ chức nhóm phụ nữ, trường Chúa Nhựt và làm thư ký cho nhà tôi. Cũng trong khoảng thời gian này, tôi thường được mời làm diễn giả trong buổi nhóm ở các Hội thánh khác, và điều đó khiến tôi rất bận rộn và căng thẳng. Một hôm nhà tôi nói với tôi: “Em chỉ nên nhận lời chia xẻ mỗi tháng một lần và luôn phải được sự đồng ý của anh.” Trong một tích tắc tôi hầu như không còn tin ở tai của mình nữa. Nhà tôi dường như đã trở thành một người chồng độc đoán và quan liêu bất chấp các đức tính tốt khác. Tôi không nói gì cả nhưng trong lòng đầy bực bội và cố nén không bày tỏ sự bực tức ra ngoài. Tuy nhiên thời gian qua đi và với việc học hỏi Lời Chúa kỹ hơn, tôi nhận ra rằng nhà tôi đã sử dụng quyền bính mà Chúa đã ban cho mình với tư cách là một người làm chủ gia đình. Nhà tôi đã giúp cho tôi thấy rằng tôi đã quá lo lắng công tác hầu việc Chúa đến mức trở nên căng thẳng. Tôi cần có người giúp để có thể quân bình lại cuộc sống của mình. Với ý thức trách nhiệm về vai trò làm chủ gia đình mà Chúa đã thiết lập, nhà tôi đã không có ý kiểm soát tôi nhưng thực ra là cố gắng để giúp tôi tránh khỏi những gánh nặng quá đáng trong đời sống. Lúc đó tôi đã không sắp đặt những thứ tự ưu tiên một cách hợp lý. Sự can thiệp của chồng tôi đã đưa đến một kết quả tốt đẹp là cả hai chúng tôi sẽ cùng đồng ý với nhau về việc tôi có nên nhận một lời mời giảng dạy Lời Chúa hay không. “Vợ phải phục tùng chồng như vâng phục Chúa”. Và “Vợ phải thuận phục chồng trong mọi sự” (Eph 5:22,24). “Hỡi người làm vợ , hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo. Dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo” (IPhiero 3:1). Có người đã hỏi vị giáo sĩ đã nghỉ hưu sau mấy chục năm chức vụ và đã từng chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ rằng đâu là bí quyết để xây dựng một gia đình Cơ Đốc thực sự hạnh phúc ? Nhà truyền giáo và cũng là chủ một gia đình hạnh phúc, mà con cái đều tin kính Chúa đã trả lời: “Người cha phải là người chủ gia đình. Đức Chúa Trời thiết lập người cha trong gia đình với hai vai trò quan trọng. Trước tiên người cha là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Chính người cha có vai trò lãnh đạo và hướng dẫn vợ con về mặt thuộc linh. Tuy nhiên cũng quan trọng không kém là vai trò người cha trong việc gây dựng tình yêu thương. Điều đó có nghĩa là người làm chủ gia đình phải nêu gương mẫu về tình yêu thương một cách cụ thể. Nếu trong gia đình có điều gì căng thẳng hoặc mâu thuẫn, người cha cần phải nhờ Lời Chúa hướng dẫn để chấn chỉnh lại. Người cha chính là người lãnh đạo trong gia đình cũng như người thuyền trưởng trên một con tàu. Người cha cần phải trở thành người lãnh đạo vững chắc và đáng tin cậy nhưng không bao giờ được phép độc đoán”. Dầu từng trải và ý kiến của bạn về trách nhiệm làm chủ gia đình của người chồng có như thế nào chăng nữa, bạn có thể thấy qua câu trả lời của vị giáo sĩ rằng người chồng làm chủ gia đình chính là ý định và chương trình của Đức Chúa Trời. Trải qua nhiều thế kỷ, từ ngữ thuận phục trong Kinh thánh đã bị hiểu lầm và lạm dụng chỉ để đề cao người chồng. Còn người vợ thì phải thuận phục và vâng lời một cách vô điều kiện. Chúng ta cần phải trở về với ý nghĩa căn bản của sự thuận phục. Chúng ta cần phải tiếp tục giảng dạy mạnh mẽ về tình yêu thương và sự bình đẳng. Tuy nhiên vai trò thuận phục của người phụ nữ vẫn là nền tảng của một hôn nhân tốt đẹp. Những người phụ nữ Cơ Đốc cần phải hiểu rõ vấn đề thì mới chấp nhận vai trò của người chồng và làm tốt vai trò của mình với tư cách là người vợ, người mẹ trong gia đình.

Ý nghĩa của sự thuận phục là:

Vâng theo sự điều khiển và thẩm quyền của người khác. Nghe theo sự phán quyết và quan điểm của người khác Vâng lời, tuân hành Vâng phục, khiêm nhường
Sự thuận phục trong Kinh thánh có nghĩa là vâng phục lẫn nhau bởi lòng kính sợ Đấng Christ. “Những lời hứa nguyện trong hôn nhân đều có ý nghĩa như nhau đối với người chồng cũng như người vợ. Tình yêu thương trong gia đình là một tình yêu thương hỗ tương”.

Vâng phục trong tình yêu thương

“Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình” (IPhiero 3:1).
Khi chúng tôi còn ở bên Úc Châu, một người hàng xóm muốn mời tôi cùng đi chơi phố. Tôi trả lời: “Tôi cần phải hỏi ý kiến chồng tôi đã”. Người hàng xóm của tôi hơi bị bất ngờ trong một chốc và nói: “Chị chưa được giải phóng sao ?”. Việc hỏi ý kiến và cho nhà tôi biết tôi đi đâu chỉ đơn giản là giữ lịch sự đối với nhau. Tôi cũng muốn chồng tôi hỏi ý kiến tôi như vậy. Đó không phải là xin phép nhưng là ý thức mối quan hệ, sự hiệp nhất và trách nhiệm của chúng tôi đối với nhau. Khi bình luận về thơ Phierơ, William Barclay đã viết: “Sứ đồ Phierơ không yêu cầu những người vợ phải đứng lên giảng dạy hay biện giáo. Ông không yêu cầu những người phụ nữ phải chứng minh rằng không có sự khác biệt giữa nô lệ và tự do, người Do Thái và người ngoại bang, nam hoặc nữ, nhưng tất cả đều bình đẳng trong Đấng Christ. “Sứ đồ Phierơ chỉ kêu gọi những người vợ làm một điều rất đơn giản là hãy đóng vai trò một người vợ hiền. Dùng chính sự yêu thương của mình làm một bài giảng hùng hồn. Người vợ cần phải thuận phục. Đây không phải là sự thuận phục một cách tiêu cực nhưng như một tác giả đã định nghĩa rất đúng, đó là “sự tự nguyện từ bỏ bản ngã”. Đó chính là sự thuận phục đặt nền tảng trên sự từ bỏ kiêu ngạo và bản ngã và trên tinh thần phục vụ. Đây không phải là sự thuận phục do sợ hãi nhưng là “sự thuận phục trong tình yêu thương trọn vẹn”. Tình yêu thương đối với Chúa Cứu thế và đối với chồng mình ! Sứ đồ Phierơ đã dùng chữ “cũng vậy” là muốn ám chỉ đến gương mẫu của Chúa Giê-xu. Vâng phục như Chúa Cứu thế đã vâng phục trên thập tự giá để làm vinh hiển cho Đức Chúa Cha. Sự vâng phục của Chúa Giê-xu chính là sự vâng phục bởi tình yêu thương đối với Cha Thiên Thượng. Vâng phục không phải dựa trên địa vị người trên hay người dưới, nhưng là do hiểu rõ mối quan hệ và sự bình đẳng nhưng cũng khác biệt trong vai trò người vợ và người chồng. Vâng phục không có nghĩa là yếu đuối. Vâng phục trái lại có nghĩa mạnh mẽ, tích cực. Bởi vì đây là sự vâng phục bởi tình yêu thương ! Qua thơ thánh Phao Lô gởi tín đồ Cô-lô-se, chúng ta biết rằng nếp sống Cơ Đốc nhân trong gia đình sẽ giúp phát triển mối quan hệ vợ chồng trở thành mối quan hệ đầy yêu thương và chia xẻ trách nhiệm. Ngày nay, vị trí và quyền lợi của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội đã được công nhận. Điều này giúp ngăn chặn sự lạm dụng quyền hành của người đàn ông. Sự thuận phục đúng nghĩa của người vợ sẽ giúp duy trì và phát triển tình yêu thương.

Vâng phục quyền làm chủ gia đình chứ không phải vâng phục sự độc đoán

Lời Chúa trong Eph 5:22 và 5:28,29 chép ; “Vợ phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa”. “Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng, săn sóc nó như Đấng Christ đối với Hội thánh”. Vai trò làm chủ gia đình của người chồng chính là cơ nghiệp mà người đàn ông được thừa hưởng từ Chúa. Nhiều người đã từ bỏ vai trò này và không vâng theo ý chỉ của Chúa đặt để họ là người bảo vệ, chăm sóc và yêu thương vợ mình. Ngược lại họ đã trở thành những người cai trị độc đoán trong gia đình. Một số người hoàn toàn thoái thác trách nhiệm của mình hoặc thực hiện trách nhiệm đó một cách rất thụ động. Bởi vì vai trò của người vợ là phụ giúp nên người vợ cần khích lệ người chồng trong vai trò làm chủ gia đình. Hãy giúp người chồng thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Người vợ không nên làm giảm giá trị người chồng mà phải nâng đỡ người chồng. Nhiều người đã không thực hiện trách nhiệm làm chủ gia đình là do đã chịu ảnh hưởng của một người mẹ có tính tình độc đoán và cứng rắn, hoặc ảnh hưởng của một người cha có tính tình thụ động. Nếu một người nam có người mẹ tính tình cứng rắn và độc đoán, người đó có khuynh hướng muốn người vợ mình cũng có đặc điểm đó. Thực ra, trong hôn nhân người vợ cũng cần đóng vai trò của người mẹ trong mức độ nào đó. Chúng ta hãy nghe hai người phụ nữ chia xẻ về quyết tâm làm một người vợ đúng theo sự dạy dỗ của Kinh thánh. Họ đã thực hiện những điều mà họ đã học từ trong Kinh thánh. Cả hai người đều muốn giúp người chồng có tính tình mềm yếu trở thành người làm chủ gia đình và thừa hưởng vinh quang của Chúa. Một người giữ chức vụ lãnh đạo trong Hội thánh trong khi người chồng đã nghỉ hưu và không còn tích cực nữa. Bà chia xẻ với chúng tôi rằng bà là một người rất tích cực tham gia các công tác trong Hội thánh. Tuy nhiên bà cảm thấy Chúa muốn bà từ bỏ một số chức vụ trong Hội thánh. Bà muốn người chồng đóng một vai trò tích cực hơn trong Hội thánh và thực sự là chủ của gia đình. Trong tinh thần yêu thương và trách nhiệm, bà đã quyết định giúp đỡ để người chồng vươn lên giữ vị trí là người lãnh đạo trong gia đình và trong Hội thánh. Bà đã thành công. Hiện nay cả hai vợ chồng đều hầu việc Chúa một cách rất có kết quả ! Người phụ nữ thứ hai đã từng phải than thở về người chồng bởi vì bà phải quyết định mọi việc trong gia đình. Bà cảm thấy rất bực bội khi chính bà là người phải quyết định về việc có đi ăn cơm tiệm hay không và ăn khi nào ! Bà chia xẻ: “Trong suốt cuộc sống vợ chồng, tôi đã phải vừa đóng vai người mẹ vừa đóng vai người cha”. Tôi nhận trách nhiệm dạy dỗ con cái và tôi cũng là người phải trang trải những khoản chi tiêu trong gia đình. Chồng tôi là một người vô tâm vô tư. Khả năng đặc biệt nhất của chồng tôi ấy là gây ra những rắc rối để tôi phải giải quyết. Nếu có hỏa hoạn xảy ra, nhà tôi sẽ chết cháy nếu tôi không bảo ông ấy chạy ra khỏi nhà. Gia đình của bà sống theo kiểu vợ chồng đều làm việc và có quỹ riêng. Đồng lương của bà được dùng vào việc trang trải những chi tiêu cho bà và các con. Tuy nhiên một khi đã quyết định vâng theo sự dạy dỗ của Kinh thánh về hôn nhân, bà đã từ bỏ công việc để có thể ở trong vị trí tùy thuộc sự cung ứng tài chánh của người chồng. Khi cần phải quyết định điều gì, bà đã khéo léo hỏi ý kiến chồng mình. Vị mục sư đã khuyên bà như sau: “Chị hãy kiên nhẫn. Chúng ta sẽ rất vui nếu thấy những ý định của chúng ta thành công trong một thời gian ngắn nhưng sự thay đổi và chữa lành cần phải có thời gian. Và điều quan trọng hơn là niềm vui được nhìn thấy Đức Thánh Linh hành động để tạo nên mối liên hệ gia đình tốt đẹp”. Và quả nhiên điều đó đã xảy ra. Bà không những chỉ tin vào sự dạy dỗ của Kinh thánh về hôn nhân nhưng cũng đã bằng lòng thực hành những điều này. Bà đã chia xẻ: “Tôi không thấy mình bị lệ thuộc vào người chồng nhưng trái lại, tôi cảm thấy rất tự do. Vai trò phụ giúp của người vợ là một điều rất tốt đẹp. Chúng tôi đã hợp tác với nhau để đem lại vinh hiển cho Chúa !” Tôi muốn anh em đều hiểu rằng “Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn ông là đầu người đàn bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ” (ICo1Cr 11:3) Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Ngài sẽ làm công việc tốt đẹp trong người chồng của chúng ta. Nếu chúng ta bằng lòng vâng theo Lời Chúa về vai trò người vợ thì Ngài cũng sẽ ban thưởng và đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta sẽ được nhìn thấy người chồng vốn bản tính yếu đuối và nhút nhát sẽ trở thành người lãnh đạo trong Hội thánh và là người chủ gia đình. Khi chúng ta bày tỏ thái độ thuận phục đối với chồng, chúng ta sẽ khiến người chồng phát huy được bản năng của một người bảo vệ mà Chúa phú bẩm cho họ. Một người vợ cứng rắn sẽ làm khô héo mối liên hệ trong gia đình. Trước khi bạn lên tiếng phản đối, tôi đề nghị bạn xem lại các nguyên tắc của Kinh thánh. Nên nhớ rằng một tập thể luôn cần có một người lãnh đạo. Hãy nhìn nhận sự khôn ngoan của Đấng Tạo hóa khi thiết lập hôn nhân vừa là mối quan hệ giữa chồng với vợ và cũng là giữa vợ với chồng. Bạn có thể yên tâm rằng Đức Chúa Trời không bao giờ sắp đặt để người nam chiếm thế thượng phong trên người nữ và nếu họ có làm như thế thì họ đã phạm tội với Đức Chúa Trời.

Thuận phục một cách tự nguyện

“Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như đều đó theo Chúa đáng phải nên vậy” (Colose 3:18). Lời Chúa ở đây bảo đảm rằng chúng ta đang làm đúng ý Chúa khi thuận phục chồng. “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người ta” (3:23). Sự thuận phục của người phụ nữ là do sự tự nguyện. Chúng ta bằng lòng chấp nhận vị trí thuận phục là vì chúng ta muốn vâng theo Lời Chúa và làm đẹp lòng Ngài. Vì muốn tôn cao Chúa nên chúng ta bằng lòng từ bỏ quyền lợi của mình và tự đặt mình dưới thẩm quyền của người khác. Một hành động tự nguyện đòi hỏi sự vận dụng ý chí nên nó không hề có nghĩa là giảm giá trị của con người ! Thông thường người phụ nữ lập gia đình khi đã có sự nghiệp và đã từng đóng vai trò lãnh đạo. Vì thế người chồng chỉ cần một chút khôn ngoan cũng đủ nhận thấy mình được tôn trọng như thế nào khi người vợ chấp nhận vâng phục chồng. Nếu người chồng biết rằng vợ mình là một người hiểu biết và có cá tính thì chắc chắn phải đối xử với người vợ một cách dịu dàng và tử tế. Người chồng sẽ biết lắng nghe và tôn trọng người vợ. Như thế sự thuận phục là vấn đề của sự tự nguyện, khi người phụ nữ bằng lòng đặt mình dưới sự bảo vệ của người chồng. Phụ nữ cần nhận thấy rằng không phải Đức Chúa Trời đối xử bất công với phụ nữ, nhưng Ngài muốn bảo vệ phụ nữ. Chúng ta cần dành cho người chồng nhiệm vụ yêu thương, săn sóc chúng ta như họ phải làm đối với thân thể mình. Một sự vâng phục như vậy trước tiên và trong căn bản đòi hỏi tinh thần đầu phục Chúa. Chỉ khi nào chúng ta đặt Chúa lên trên hết thì sự thuận phục của chúng ta mới có ý nghĩa và không bao gồm một chút bực bội nào. Chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ hành động trong đời sống của chúng ta để chúng ta vừa muốn vừa có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

HÔN NHÂN LÀ MỘT MỐI LIÊN HỆ

Không phải tự nhiên mà có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hôn nhân tốt đẹp chỉ có thể là thành quả của những nỗ lực không ngừng của cả vợ lẫn chồng. Dầu cho người vợ hoặc người chồng có khả năng và trưởng thành đến đâu thì họ cũng không thể chỉ đóng vai khán giả trong cuộc hôn nhân của mìnhï. Họ cần phải tham gia một cách tích cực. Cả người nam và người nữ cần phải quyết định xem họ muốn đạt đến mục đích gì trong cuộc sống chung. Họ cần phải quyết định xem những điều gì cần phải tránh xa. Và họ cũng cần hợp tác với nhau để đạt đến mục đích. Rõ ràng điểm then chốt ở đây chính là sự giao tiếp, đối thoại !
Sự thông công, giao tiếp
Một khi chúng ta mở lòng mình cho một người khác ấy là chúng ta đã khai mở con đường để tình yêu tuôn chảy. Sự thông công đúng nghĩa sẽ giúp gây dựng mối liên hệ tốt đẹp. Thông công có nghĩa là chia xẻ với nhau chứ không phải là đòi hỏi, gây sức ép. Với tư cách là người phụ nữ của Đức Chúa Trời, là người được dựng nên để giúp đỡ, chúng ta được Chúa ban cho khả năng để đáp ứng những nhu cầu của người chồng về mọi mặt: Thể xác Tinh thần Tâm linh Chúng ta sẽ xây dựng mối liên hệ mật thiết với chồng mình một cách toàn diện ! Chúng ta sẽ thuộc về người chồng không phải như một đồ vật nhưng như là người thừa hưởng cơ nghiệp. Chúng ta đồng hưởng cơ nghiệp của Chúa với chồng mình. “Vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống” (IPhi 3:7). Chúng ta có một vai trò rất quan trọng. Đức Chúa Trời đặt sự thành công của hôn nhân cũng như hạnh phúc của người chồng trong bàn tay mỗi chúng ta. Điều hiển nhiên là bởi vì người nam và người nữ rất khác biệt nên cách đối xử của họ với nhau cũng khác biệt. Một vị bác sĩ đã nói rằng bà nhận thấy những người đàn ông rất khác với những điều bà đã nghỉ. Không những họ khác với phái nữ về thân xác nhưng cũng khác về tinh thần nữa. Các tế bào trong máu của người nam cũng rất khác và hệ thống thần kinh của họ cũng vậy. Điều này giải thích tại sao cách suy nghĩ và cách sống của họ khác với phái nữ. Một lần nữa, ở đây vấn đề nam nữ không còn là vấn đề phái nào quan trọng hơn, nhưng vấn đề chỉ là có sự khác biệt giữa nam và nữ. Nếu như người chồng và người vợ hiểu rõ sự khác biệt của nhau, thì họ sẽ có thể đối xử với nhau một cách đầy cảm thông. Không những chỉ cảm thông, nhưng cũng đầy trân trọng và biết ơn lẫn nhau. Sự khác biệt này thể hiện rất rõ trong cách thức bày tỏ tình cảm của người nam và người nữ. Một phụ nữ đã đến than phiền với tôi rằng người chồng của cô không chịu nói chuyện với cô. Anh ta đi làm về rồi trốn ở trong phòng hoặc bật ti vi lên xem. Người vợ cảm thấy rất chán nản và đã nghĩ đến chuyện ly hôn ! Chỉ thoáng nhìn qua căn nhà của ho,ï người ta cũng có thể thấy ngay bằng chứng về sự khéo tay của người chồng. Tuy nhiên, vì anh ta ít nói nên người vợ cảm thấy rất buồn bực. Người vợ rất có thể đã muốn nóng nảy đập vỡ hết tất cả những vật dụng dễ thương mà người chồng đã làm. Người phụ nữ này rất cần học để hiểu sự khác biệt của phái nam. Có thể nêu lên một ví dụ, người đàn ông thường rất khó bày tỏ tình cảm của mình qua lời nói. Họ thường bày tỏ tình cảm qua những món quà tặng hay qua việc chăm sóc gia đình và qua sinh hoạt tính dục. Ngược lại người phụ nữ lại muốn người chồng bày tỏ tình cảm của mình bằng những lời nói rất êm ái “anh yêu em lắm !”. Người phụ nữ rất thích được nghe những lời nói yêu thương và dịu dàng. Nếu như vợ chồng có thể học để bày tỏ tình cảm cả vui lẫn buồn, thì họ sẽ có thể xây dựng được một hôn nhân vô cùng tốt đẹp. Ở những lớp dự bị hôn nhân, người ta khuyến khích những cặp vợ chồng dù sống chung trong một mái nhà nhưng cũng nên viết thư trao đổi với nhau. Thư từ có thể giúp diễn tả ý tưởng một cách rõ ràng và là một phương cách để bày tỏ tình cảm, nhất là khi người phụ nữ có thể ở trong tâm trạng: “Tôi đã chán ngấy phải nói chuyện với một người im như thóc !”. Chúng ta có thể rơi vào ba hình thức rất tiêu cực trong mối thông công giao tiếp: Thái độ trả đũa Thái độ độc đoán quan liêu hoặc Thái độ xa lánh

Thái độ trả đũa

Người vợ bắt đầu có thái độ trả đũa khi cảm thấy bất an, không được yêu thương, thông cảm, bị lên án, bị bỏ quên, xem thường, hoặc khi không được đáp ứng các nhu cầu. Sự trả đũa lên đến cao điểm có thể biểu hiện qua hình thức chiến tranh lạnh, im lặng một cách lạnh lùng, tảng lờ như không biết, hoặc ở một thái cực khác thì sẽ la lối, trách mắng và có những cử chỉ gây hấn. Cả hai thái độ trả đũa như trên đều bị Kinh thánh lên án và đều gây ra xáo trộn trong gia đình. Để có được một gia đình hạnh phúc, tôi đề nghị nên dành một buổi tối đọc Lời Chúa trong Rôma 12. Thật là tuyệt vời nếu như cả hai vợ chồng cùng ngồi lại đọc Lời Chúa với nhau! Dưới đây là hình ảnh đẹp đẽ mà chúng ta đọc thấy trong thơ Rôma. Trong hai câu đầu tiên có nhắc đến bàn thờ là nơi chúng ta dâng hiến chính mình và tất cả những gì thuộc về mình. Sau đó từ câu 16 đến câu 21 mô tả đời sống được đổi mới của chúng ta, khi tính tình và nhân cách của chúng ta được thay đổi bởi Đức Thánh Linh. Chúng ta có thể ghi nhận những điều này qua đoạn Kinh thánh nêu trên.
Phải ở cho hiệp ý nhau
Chớ lấy ác trả ác cho ai
Phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người
Hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người
Đừng tự báo thù
Nếu kẻ thù của anh chị em đói hãy cho ăn
Có khát hãy cho uống
Hãy lấy điều thiện thắng điều ác.
Đây chính là tiêu chuẩn đạo đức của Cơ Đốc giáo. (Tôi chắc rằng chúng ta có thể áp dụng tiêu chuẩn này đối với chồng mình!)
Thật là một bức tranh tuyệt vời về hạnh phúc hôn nhân.
Thái độ thống trị
Thái độ thống trị là hậu quả hợp lý của thái độ trả đũa khi người chồng cứng cỏi nổi lên và chiếm giữ vai trò thống trị. Mối liên hệ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn khi một phía rút lui và tạo nên hình ảnh của mối liên hệ ảm đạm. Phía thống trị bắt đầu thể hiện các đặc tính quan liêu, ích kỷ, độc đoán, có thái độ bề trên và coi thường người bạn đời của mình. Ngược lại, người ở trong vai trò bị thống trị sẽ thể hiện một nhân cách đã bị thui chột, nín lặng, cứng cỏi, thụ động, và cũng coi thường người chồng của mình.Colose3:8-10 dạy chúng ta phải từ bỏ giận hờn, ghen ghét, nói hành và những lời tục tĩu xấu xa. Chúng ta cần phải từ bỏ người cũ và mặc lấy người mới đã được dựng nên theo hình ảnh của Đấng Christ.
Thái độ xa lánh
Thái độ thống trị chắc chắn dẫn đến thái độ xa lánh. Khi vợ chồng giữ thái độ xa lánh nhau thì hôn nhân chỉ còn là mối liên hệ bên ngoài, bằng mặt chứ không bằng lòng. Mỗi người đi một ngả giống như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Hôn nhân như thế khó lòng tránh khỏi tan vỡ, và nếu còn sống với nhau thì chẳng qua chỉ là giữ lễ mà thôi. Người ta chọn thái độ xa lánh để tránh phải đối đầu và tranh cãi cách mệt mỏi. Thay vào đo,ù họ lựa chọn thái độ nín chịu trong yên lặng. Thái độ xa lánh có thể là một cách đối phó với vấn đề nhưng nó cũng giết chết mối liên hệ tốt đẹp và hạnh phúc.
Sự trục trặc trong mối giao tiếp là dấu hiệu của những vấn đề trầm trọng !

Thông thường, những thái độ không vui vẻ trong mối giao tiếp chính là biểu hiện của một vấn đề trầm trọng hơn. Chẳng hạn những phụ nữ bị ức chế thường không thỏa mãn trong mối quan hệ tính dục và khiến cho người chồng cũng cảm thấy không thoải mái. Một người vợ đã thổ lộ với tôi: “Chồng tôi rất coi thường tôi trước mặt người khác. Tôi rất sợ phải có mặt chung với những đôi vợ chồng cùng lứa tuổi với chúng tôi. Anh ấy cố tình trêu chọc tôi bằng cách khen ngợi trang phục và vẻ duyên dáng của các phụ nữ khác và công khai chê trách tôi”. Tôi liền hỏi cô ta: “Thế còn mối quan hệ chăn gối với chồng cô thì sao ?” Tôi cảm thấy cô ta hơi khựng lại, nhưng cũng có thể thấy rằng cô ta hiểu là tôi rất muốn giúp đỡ cô. Pha một chút ngập ngừng, cô ta trả lời: “Nhà tôi thích chuyện đó hơn tôi nhiều”. Tôi hỏi tiếp: “Thế có khi nào chị từ chối chồng mình điều đó không ?” Cô hỏi lại là: “Không phải là phụ nữ nào cũng thường làm như vậy sao ?” “Vậy khi anh chị đến với nhau thì thái độ chị như thế nào ?” Chị ta đáp: “Thường thường tôi chỉ chịu đựng mà thôi”. Tôi ngừng lại và thầm cầu nguyện trong lòng. Rồi tôi nói với chị: “Đức Chúa Trời đã ban cho con người có khả năng tính dục và điều đó rất tốt đẹp trong hôn nhân. Tôi chắc rằng chồng chị không có gì bất thường về tính dục cả khi anh ta coi sự gần gũi về thân xác như là biểu hiện tình cảm thân thiết với chị”. Những giọt lệ bắt đầu lăn dài trên gương mặt của chị: “Khi chồng tôi tỏ thái độ bực bội với tôi trước mặt người khác. Điều đó có nghĩa là chồng tôi muốn trả đũa vì tôi từ chối chuyện đó không ?” Tôi trả lời: “Có thể hiểu như chị vừa nói. Nói đúng hơn anh ta cảm thấy bị từ chối và tổn thương và chỉ biết phản ứng bằng cách đó” Thông thường mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp đóng vai trò cầu nối quan trọng trong mọi mối quan hệ. Chúng ta cần phá vỡ những lớp băng và học tập để chia xẻ những suy nghĩ với nhau. Điều này đặc biệt khó khăn đối với nam giới. Họ thường không dễ dàng nói ra những suy nghĩ của họ. Điều có vẻ tự nhiên đối với phụ nữ lại là điều phải học tập rất khó khăn đối với người đàn ông. Những việc người vợ có thể nói ra rất thoải mái thì người chồng lại tỏ ra rất lúng túng, không biết diễn tả thế nào. Để có một cuộc hôn nhân tốt đẹp đòi hỏi người chồng và người vợ phải bày tỏ những suy nghĩ với nhau một cách chân thành và cởi mở. Một lần kia tôi đã nêu thắc mắc với chồng tôi về cách anh ấy bày tỏ tình cảm. Tôi nói với nhà tôi rằng tôi rất ngạc nhiên về sự bày tỏ tình cảm dễ dàng của nhà tôi khi xem phim, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, cụ thể là đối với con gái của chúng tôi, thì nhà tôi lại rất ít biểu lộ tình cảm. Tôi cảm thấy thắc mắc và băn khoăn về điều này bởi vì nó hơi khó hiểu đối với tôi. Để trả lời, nhà tôi đã kể lại một câu chuyện xảy ra trước đây. Anh ấy nhớ lại khi còn nhỏ, đã nhìn thấy cha của mình khóc về một việc có liên quan đến một trong những người em gái của ông. Điều này đã gây khó chịu cho nhà tôi. Chính vì thế, mặc dù nhà tôi rất thương các con gái nhưng lại không muốn biểu lộ cảm xúc của mình. Trao đổi với nhau về những việc như vậy sẽ giúp hiểu nhau nhiều hơn. Những cảm xúc được diễn tả bằng lời nói có thể giúp khai mở tâm trí và tấm lòng để chúng ta hiểu thấu được tâm hồn của nhau. Để người đàn ông có thể chia xẻ những tình cảm của mình với người vợ và phát triển một mối liên hệ sâu đậm, thì người chồng cần tin cậy hoàn toàn nơi người vợ và tình yêu thương cũng như sự cảm thông của người vợ. Các bạn cần hiểu rằng khi người đàn ông chia xẻ những cảm xúc của mình, họ có thể nghĩ rằng họ đãmất đi phần nào nam tính của họ. “Sự giao tiếp là yếu tố căn bản của một hôn nhân hạnh phúc. Trong nhiều trường hợp vợ chồng chỉ trao đổi với nhau về những chuyện lặt vặt, nếu nói thêm nữa sẽ dẫn đến cãi vã và lên án. Có những cặp vợ chồng nhận ra rằng họ không thể nói với nhau điều gì mà không có cãi vã, vì thế họ tránh không trao đổi với nhau và cứ để các mâu thuẫn như một ngọn lửa cháy âm ỉ”. Thông công giao tiếp là cởi mở chính tâm hồn của mình chứ không phải chỉ là trao đổi những thông tin. Sự thông công giao tiếp cần phải trở thành: Một điểm gặp gỡ để có thể thông cảm và nhận ra nhu cầu của nhau Một sự bộc lộ về con người của mình Một cái van an toàn để xả bớt những gánh nặng (một cách yêu thương và nhẹ nhàng) Một cơ hội để mỗi người có thể bày tỏ những cảm xúc của mình. Sự thông công giao tiếp đòi hỏi phải có thời gian, tấm lòng sẵn sàng và thiện chí để bắt đầu. Khi đặt ra các mục tiêu cho hôn nhân, chúng ta cũng cần đặt ra những mục tiêu cho sự thông công trong hôn nhân. Chúng ta không bao giờ nên cảm thấy tự thỏa mãn đến nỗi không còn muốn tìm hiểu thêm về người khác. Để có thể biết hơn về người khác và được người khác hiểu mình hơn, chúng ta cần phải thiết lập mối giao tiếp tốt đẹp. Đây chính là điều thiết yếu cho mọi mối quan hệ. Điểm then chốt trong sự thông công giao tiếp ấy là chúng ta phải đặt mình trong hoàn cảnh của người khác và sẵn sàng cởi mở tấm lòng của mình cho người khác. Chúng ta cần phải: Rất trong sáng (thành thật với chính mình và với người khác) Tìm cách phát triển sự hiểu biết Có tấm lòng tin tưởng nơi người đối thoại với mình.
“Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Giê-xu, Con Ngài làm sạch mọi tội chúng ta”. (IGiang 1:7)
Thông công giao tiếp theo tinh thần Cơ Đốc
Thông công giao tiếp theo tinh thần Cơ Đốc đòi hỏi phải có sự cam kết hay nói cách khác là phải thật lòng quan tâm đến người mà mình yêu thương. Chúng ta bày tỏ sự quan tâm yêu thương của mình bằng cách từ bỏ những kiểu giao tiếp theo thói thường của người đời, nghĩa là theo kiểu trả đũa, thống trị và xa lánh. Muốn xây dựng mối giao tiếp theo tinh thần Cơ Đốc, chúng ta cần phải Cố gắng tìm kiếm điều lợi ích cho người khác Tìm hiểu và sẵn lòng đáp ứng nhu cầu của người khác. Để đạt được điều này, chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ những quyền lợi của riêng mình và hết lòng đáp ứng các nhu cầu của người chồng hay người vợ của mình về mặt vật chất, tinh thần cũng như tâm linh. Tình yêu chính là biết chăm lo đến nhu cầu của người khác, chứ không đòi hỏi cho riêng mình. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng đó thật là một mục tiêu đáng cho chúng ta vươn tới. Để thực hiện được điều này cần phải có được mối thông công giao tiếp cởi mở và trong sáng.

“Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu xó lòng yêu mến và lòng thương xót, thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn.” (Philip 2:1-3). Đây là những lời chỉ dẫn quý báu để có được một hôn nhân tốt đẹp.
Chúng ta cần phải có sự cam kết với Đức Chúa Trời, với nhau và với chính hạnh phúc hôn nhân của mình Hôn nhân là một mối quan hệ dựa trên sự giao tiếp và sự cam kết hứa nguyện. Cả người chồng lẫn người vợ đều tự cam kết sẽ cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Nền tảng của mối liên hệ trong hôn nhân chính là sự cam kết hứa nguyện đối với Chúa. Nếu chúng ta đặt Chúa lên trên hết thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ giữ sự cam kết hứa nguyện của chúng ta với nhau. Trong một gia đình hạnh phúc, vợ chồng đều cam kết phục vụ lẫn nhau và đáp ứng những nhu cầu của nhau trong tình yêu thương. Những nhu cầu đó bao gồm:
Nhu cầu thuộc linh
Cầu nguyện cho nhau, cùng nhau thờ phượng và hầu việc Chúa
Nhu cầu thể chất
Mối liên hệ tính dục, tình cảm, cử chỉ, lời nói …..
Nhu cầu vật chất
Nhà cửa, lương thực, quần áo, tài chánh
Nhu cầu tinh thần
Nhận biết những sở thích của người chồng hay người vợ của mình
Nhu cầu tình cảm
Sự cảm thông, sự giao tiếp, quan tâm, chia xẻ, đồng cảm
Nhu cầu về xã hội
Thú vui, giải trí, sinh hoạt vui chơi với nhau
Các bạn có thể duyệt xét xem có điều gì thiếu sót trong hôn nhân của mình hay không. Có điều gì phải điều chỉnh lại để hôn nhân của bạn tốt đẹp hơn không ?