TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÌNH CẢM
Sự bền vững của hôn nhân cũng như của các mối quan hệ khác đều tùy thuộc vào tình cảm.
Những giác quan của con người cần được nhìn như là những ân tứ tốt đẹp và hữu ích được Đức Chúa Trời ban cho nhân loại. Trong các giác quan đó có lẽ giác quan ít được chú ý nhất là xúc giác. Santie Gunasekara đã mô tả cách giao tiếp bằng xúc giác: “Hình thức giao tiếp cơ bản nhất giống như tiếng thì thầm, có thể tránh được sự dài dòng của lời nói mà vẫn diễn tả được cảm xúc của con người”. Xúc giác có thể nối liền những khoảng cách, vượt qua những rào cản trong mối quan hệ và thiết lập sự hòa hợp.
Việc tiếp xúc qua xúc giác có thể cũng hữu hiệu như việc trao đổi, chuyện trò.
Các bác sĩ nhi khoa thích dùng từ ngữ “vỗ về” hàm ý nhắc đến các em bé sơ sinh mới vừa chào đời và cách thức chúng đáp lại sự vuốt ve, trìu mến của cha mẹ. Các nhà tâm lý học cho biết rằng nhu cầu cần được vuốt ve, trìu mến vẫn còn tiếp tục trong suốt đời sống chúng ta. Nó có thể là những lời nói khích lệ hay việc trao đổi tâm tình, nhưng cũng có thể là một cái vỗ vai thân thiện, một cái xiết tay thật chặt hoặc một cái hôn thắm thiết.
Trong lớp học Kinh thánh của tôi có một phụ nữ Trung Hoa đã lớn tuổi và không nói một câu tiếng Anh nào, nhưng lại là một thành viên rất trung tín của nhóm học Kinh thánh.
Bà cụ có thể nhận thấy tình yêu nồng ấm của lớp học dành cho cụ khi các học viên ôm hôn cụ cuối mỗi buổi học.
Sự vuốt ve âu yếm có thể giúp nuôi dưỡng tình yêu, đem lại sự sảng khoái về mặt thể chất và bày tỏ sự nồng ấm của tình yêu.
Bất chấp tuổi tác, địa vị hay văn hóa khác nhau, chúng ta tất cả đều cần được vuốt ve trìu mến. Cử chỉ vuốt ve có thể có ý nghĩa “Tôi quan tâm đến bạn”. Lời nói “Anh yêu em lắm” cần phải được thể hiện bởi những cử chỉ yêu thương. Sự vuốt ve trìu mến là một trong những điều tối quan trọng nhưng lại thường bị chúng ta bỏ quên. Điều đó thật đáng buồn bởi vì có người đã nói rằng không một ai có thể tiếp tục sống nếu như người đó không còn cảm xúc nữa.
Chúng ta tất cả đều có chung nhu cầu này.
Mọi người đều thích được vuốt ve trìu mến. Không một ai không khao khát tình yêu. Một người không có khả năng bày tỏ tình yêu hoặc nhận lãnh tình yêu thì tâm hồn nghèo nàn biết bao.
Đời sống có thể trở nên trống rỗng nếu không hề biết đến sự yêu thương trìu mến !
Một lần có người đã hỏi Marilyn Monroe: “Cô có bao giờ cảm thấy mình được yêu thương khi sống với các gia đình nhận cô làm con nuôi không ?”
Trong khung cảnh hôn nhân, những cử chỉ âu yếm đáp ứng những khát vọng sâu xa được yêu thương và góp phần nối kết những khoảng cách về tình cảm. Một cái ôm hôn thắm thiết có thể có ý nghĩa: “Anh chấp nhận em”. Một cái xiết tay thật chặt có thể nói lên rằng: “Anh rất vui được biết em”.
Một cái bắt tay có thể đem lại sự bảo đảm về tình cảm và một cái hôn nhẹ trên má có thể thay cho lời nói: “Hôm nay em đẹp lắm”. Sự vuốt ve trìu mến có thể biểu lộ những tình cảm mà lời nói không thể trình bày hết được. Cử chỉ trìu mến có thể là một cách bày tỏ tình yêu và sự quan tâm chăm sóc mà chắc chắn sẽ được đáp lại một cách tích cực. Với những cử chỉ âu yếm và tấm lòng mở rộng dành cho nhau, vợ chồng sẽ cảm thấy tự do thoải mái hơn để bước vào giai đoạn ân ái. Những lời nói yêu thương và cử chỉ âu yếm thường xuyên được bày tỏ sẽ giúp cho đời sống vợ chồng càng thêm hạnh phúc. Những cái hôn dịu dàng và vòng tay âu yếm sẽ khiến cả hai vợ chồng cảm thấy an ninh và được chấp nhận.
Khi giảng dạy về tầm quan trọng của tình cảm, tôi được các học viên cho biết rằng trong văn hóa Á châu người ta thường ít khi bày tỏ những cử chỉ âu yếm. Chúng ta nên gìn giữ những điều tốt trong nền văn hóa và truyền thống. Tuy nhiên đối với Cơ Đốc nhân thì điều quan trọng và có giá trị hơn hết, chính là các nguyên tắc của Kinh thánh. Vâng theo và thực hiện Lời của Chúa là điều quan trọng hơn văn hóa hay phong tục - nhất là khi những phong tục đó trái với Cơ Đốc giáo.
Kinh thánh có chép: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót…“ (Eph Ep 4:32). Từ ngữ “nhân từ” ở đây bao gồm ý nghĩa yêu thương, cảm thông, nhạy bén.
Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ những tình cảm đó ? Chính là qua các cử chỉ âu yếm, trìu mến. Trong vấn đề hôn nhân sự nhân từ, dịu dàng có nghĩa là cư xử một cách đầy yêu thương đối với người bạn đời của mình.
Chúa Giê-xu đã thường rờ chạm đến người ta khi chữa lành cho họ. Dĩ nhiên Ngài chỉ cần phán một lời thì người ta được chữa lành. Nhưng Ngài đã quyết định rờ chạm đến những người bệnh. Ngài đã bày tỏ lòng yêu thương và sự quan tâm đối với con người và qua đó “quyền năng chữa bệnh đã được thể hiện”. Chúa Giê-xu đã dùng những cử chỉ rất cụ thể như nhổ nước miếng rồi trộn với đất bùn để bôi lên mắt người mù. Khi người đó cảm thấy sự rờ chạm của Chúa Giê-xu trên mắt thì đức tin ông được vững chắc và ông đã được chữa lành.
Chúa Giê-xu cũng rờ chạm đến những người bị bệnh phung. Ngài cũng đã phán về các con trẻ rằng: “Đừng ngăn trở các con trẻ, hãy để chúng đến cùng ta”. Ngài đã vui lòng để người khác rờ chạm đến mình như trong trường hợp người phụ nữ đã lấy nước mắt rửa chân Ngài và lấy tóc mà lau. Những cử chỉ âu yếm có thể là một biểu hiện của tình yêu, sự quan tâm và thân mật. Cử chỉ yêu thương cũng có thể là một phương pháp điều trị rất tốt. Mặc dù đây là một điều quan trọng nhưng cũng là điều ít được chú ý đến, đặc biệt là ở những quốc gia mà nền văn hóa không tạo sự thoải mái để người ta bày tỏ tình cảm.
Tôi là con út trong một gia đình có 11 anh chị em. Chúng tôi sống trong bầu không khí rất yêu thương và được trưởng dưỡng trong tình thương đó. Bày tỏ tình cảm là một điều rất tự nhiên và dễ dàng đối với tôi. Tuy nhiên không phải chúng ta ai cũng có thói quen biểu lộ tình cảm như vậy. Khả năng biểu lộ tình cảm cần phải được nuôi dưỡng và phát triển một cách liên tục từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.
Một người lớn lên trong hoàn cảnh thiếu tình thương vì lý do gia đình hoặc văn hóa có thể sẽ coi cách biểu lộ tình cảm như là điều bất thường hay kỳ lạ mà người đó cảm thấy không quen thuộc. Những người đó có thể cảm thấy bối rối, e ngại khi đón nhận một cử chỉ âu yếm. Họ cần phải học tập để có thể đón nhận và biểu lộ tình cảm.
Tôi đã có dịp tiếp xúc với những người gặp khó khăn rất lớn trong vấn đề này. Một trường hợp vừa khôi hài vừa đáng buồn có liên quan đến một người phụ nữ đã đến gặp tôi và tâm sự rằng mối quan hệ vợ chồng của chị trở nên rất lạnh lùng.
Người phụ nữ này nói: “Tôi yêu nhà tôi và muốn đem nhà tôi đến với Chúa”. Tôi liền hỏi: “Chị có hay bày tỏ tình cảm đối với chồng chị không ?”.
“Tôi không làm được như điều bà trình bày trong khóa học đâu.”
Tôi suy nghĩ trong giây lát rồi đề nghị: “Chị hãy thử bày tỏ tình cảm nhiều hơn nữa xem, vì như thế sẽ có thể chinh phục linh hồn anh cho Chúa được đấy.”
Người phụ nữ trả lời: “Nhà tôi rất lạnh lùng”. Rồi với một ánh mắt rất kiên quyết chị ta nói tiếp: “Nhưng tôi nhất định sẽ cố gắng”.
Một buổi tối kia khi người chồng đang ngồi đọc báo, chị liền pha một ly cà phê đúng theo sở thích người chồng và đem đến đặt trên bàn cùng với một dĩa bánh rất ngon. Rồi chị đứng bên cạnh hơi ngập ngừng và thầm cầu nguyện. Thế rồi rụt rè như một em bé, chị đã bước lại gần và vuốt nhẹ trên mặt người chồng. Người chồng giật mình nhìn lên và hỏi: “Ủa, em làm gì thế ?”
Trong sự hốt hoảng và bối rối, chị cố gắng hết sức vượt qua tình huống này bằng cách tiến đến gần hơn, vừa vuốt nhẹ trên má người chồng vừa hát một bài hát thiếu nhi “Em dậy sớm rửa mặt đánh răng, rửa mặt đánh răng…”.
Tôi được nghe kể có một vợ chồng giáo sĩ phương tây đến cư ngụ chung với một gia đình ở Srilanka. Mỗi ngày hai vợ chồng người Srilanka vẫn thường thấy ông bà giáo sĩ ôm hôn nhau mỗi khi người chồng đi đến văn phòng hoặc lúc trở về nhà. Nghỉ rằng những cử chỉ âu yếm như vậy rất hay nên một ngày kia người chồng Srilanka từ sở về nhà đã ôm lấy người vợ và hôn. Người vợ giật mình xô người chồng ra và vừa khóc vừa nói: “Ôi, thật là một ngày nặng nề quá. Con cái thì đau ốm. Chó thì đi lạc. Nồi cơm thì bị khét. Rồi bây giờ anh lại còn say rượu nữa chớ !”
Thời kỳ chúng tôi mới cưới nhau, nhà tôi hơi có vẻ dè dặt. Lúc đó chúng tôi sống bên Ấn độ và có thuê một hai người làm. Buổi tối đầu tiên khi nhà tôi từ nhà thờ trở về, tôi bước ra cửa và đón tiếp nhà tôi với một vòng tay thật ấm áp. Nhà tôi cũng ôm choàng lấy tôi nhưng hơi e ngại và chỉ hôn vội một cái.
Tôi nghe nhà tôi nói nhỏ: “Này em, phải cẩn thận đấy”
Tôi ngạc nhiên: “Cẩn thận về chuyện gì ?”
“Đừng để mấy người làm nhìn thấy”.
Tôi đáp: “Nhưng em muốn một nụ hôn mà”.
Nhà tôi gật đầu: “Dĩ nhiên, nhưng ở trong phòng chứ đừng đứng ngoài cửa như thế này !”
Sau đó chúng tôi chuyển qua sống bên Úc châu và nhà tôi vẫn còn dè dặt. Nhà tôi thường nói: “Này, em đừng làm thế. Hàng xóm họ nhìn thấy đấy !”
Tôi nói: “Tốt thôi, họ cũng cần nhìn thấy điều đó chứ !”
Có thể có một số đàn ông hơi dè dặt và chậm chạp trong việc biểu lộ tình cảm. Nhưng tôi tin chắc rằng cũng giống như các con trẻ, phần lớn quý ông sẽ học tập để biết đáp ứng và thưởng thức những nụ hôn và vòng tay âu yếm.
Tình cảm cần phải được vun trồng. Những ngày mới quen nhau các đôi trai gái thường nhiệt tình biểu lộ tình cảm, nhưng khi đã cưới nhau rồi người ta ít biểu lộ tình cảm hơn. Sự biểu lộ tình cảm thường càng ngày càng giảm sút thay vì phải tăng lên.
Người phụ nữ khôn ngoan biết cách vun trồng tình cảm của mình đối với chồng, hầu có thể duy trì một hôn nhân hạnh phúc. Hình thức giao tiếp hiệu quả và bền vững nhất chính là các cử chỉ yêu thương. Qua đó chúng ta muốn thốt lên: “Anh rất yêu và quý trọng em”. Những cử chỉ như vậy luôn luôn có giá trị.
Một cử chỉ âu yếm đúng lúc còn có tác dụng hơn hàng trăm lời nói hùng biện.
“Một cử chỉ âu yếm dịu dàng có giá trị hơn ngàn lời nói văn hoa mỹ miều”. (Desmond Morris)