Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, September 21, 2011

Người Xây Dựng Hôn Nhân (4)

Người Xây Dựng Hôn Nhân (4)

Chương 4: HIỆP NHẤT TÂM HỒN

Truyền Thông hay “Tôi Làm Gì Khi Nổi Giận?”
Nhiều cuộc điều tra về những vấn nạn trong hôn nhân đã liệt kê vấn đề truyền thông như một trong những khó khăn đứng đầu trong mục “vấn nạn thông thường nhất”.
Nhiều cuộc điều tra về những vấn nạn trong hôn nhân đã liệt kê vấn đề truyền thông như một trong những khó khăn đứng đầu trong mục “vấn nạn thông thường nhất”.
Các cặp vợ chồng thường miêu tả như sau:

“ Chúng tôi không thể nói với nhau về những điều quan trọng mà không đi đến chỗ đánh nhau.”
 “ Mỗi lần tôi thử nói cho cô ấy nghe tôi cảm thấy thế nào, cô ấy đều tỏ ra thờ ơ và đôi lúc còn khích bác nữa”.
“ Anh ấy chỉ tránh các cuộc đối thoại giữa chúng tôi. Chúng tôi có thể thảo luận về chương trình nghỉ hè về việc học của tụi nhỏ, mua cái xe nào, nhưng anh ấy lãng tránh về mối quan hệ giữa chúng tôi”.
“ Cô ấy quá nhạy cảm. Cô ấy hoặc khóc hoặc gào thét hoặc càm ràm về chuyện gì đó. Tôi chỉ muốn né cô ấy thôi - như vậy dễ hơn”.
“ Cả hai chúng tôi cố nói chuyện về vấn đề của mình, nhưng điều ấy cũng chẳng làm cho chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Chúng tôi luôn cố thủ, luôn nóng nảy hoặc kết thúc còn xa nhau hơn lúc bắt đầu. Có điều gì đó không ổn”.
Nhiều người cố gắng truyền đạt nhưng thất bại trong việc giải quyết nan đề và thay vào đó lại tạo thêm xích mích. Mục đích của chúng ta trong chương này là xem xét qua các nguyên tắc để triển khai việc truyền thông hữu hiệu, loại truyền thông đưa người ta đến sự Hiệp nhất Tâm hồn. Chúng ta đã xác minh rằng nền tảng hữu hiệu cho một mối quan hệ hôn nhân theo Kinh thánh là một sự dấn thân hoàn toàn cho mục đích giúp đỡ. Mỗi thành viên phải sẵn sàng giúp đỡ nhu cầu của người kia dù đáp ứng có ra sao. Dù tất cả chúng ta đều thất bại trong việc thực hiện sự dấn thân ấy cách hoàn hảo, trách nhiệm của chúng ta là tự nhắc mình liên tục rằng mục tiêu cao quý nhất của chúng ta, những người vợ, người chồng là làm công cụ để thúc đẩy hạnh phúc tinh thần và riêng tư của người bạn đời - Bởi vì thiên hướng bướng bỉnh của chúng ta là theo đuổi những mục tiêu vận dụng và khả năng đáng nể của chúng ta khi ngụy trang chúng thành những mục tiêu xứng đáng, chúng ta phải duy trì sự chân thật đối với Thánh linh của Chúa khi Ngài cáo trách chúng ta mỗi khi chúng ta dại dột chuyển từ giúp đỡ sang vận dụng. Sự dấn thân để giúp đỡ không phải là chọn lựa, chúng ta không được mời đến “để xem xét khả năng“ tiếp xúc với cuộc hôn nhân của bạn theo cách này.

Đức Chúa Trời đã hướng dẫn chúng ta cách rõ ràng phải thuận phục nhau (Eph 5:21) - thuận phục nhu cầu của vợ bằng cách yêu thương và thuận phục nhu cầu của chồng bằng cách tôn trọng. Quá nhiều người truyền giảng phúc âm đọc những lời chỉ dẫn này, thừa nhận đó là trách nhiệm của mình, rồi sau đó lại bất chấp những điều đó trong cuộc sống gia đình. Những vấn đề truyền thông thường được hiểu là thất bại trong sự dấn thân giúp đỡ hoặc đơn giản hơn, trong mục tiêu sai lầm. Sự chẩn đoán này thì đơn giản nhưng không đơn giản. Các nhà tâm lý có khuynh hướng theo đuổi sự phức tạp chung quanh một chân lý rõ ràng cho đến khi sự đơn giản của chân lý biến mất.

Ví dụ: những hội thảo về truyền thông dạy những chiến lược bằng lời nói để chia xẻ và lắng nghe theo kiểu không tấn công và không cố thủ, nhưng ít khi họ đả động tới vấn đề chủ chốt là động cơ ích kỷ. Kỹ năng chia xẻ và lắng nghe rất quan trọng trong việc học, nhưng tôi cho rằng tốt hơn nên dùng cố gắng dạy những kỹ năng ấy vào việc thuyết phục người ta nên chấm dứt lối sống vị kỷ và trước hết nên tìm biết mục tiêu của Đức Chúa Trời. Ngay cả khi các giáo sư chuyên về truyền thông ấy nhận ra sự có mặt của sự vận dụng, họ cũng không tác động được việc xoay chuyển qua giúp đỡ nếu không có nguồn Phúc âm của Đấng Christ. Một sự hiếu biết dựa trên Kinh thánh về vấn đề truyền thông thì không đơn giản cũng chẳng phải không thích hợp. Sách Giacơ nói về vấn đề này với cái nhìn sắc sảo của một phân tích gia được Chúa cảm thúc: “Vì đâu sinh ra những cuộc chiến tranh, tranh chấp giữa anh chị em? Không phải do những ham muốn đang đấu tranh với nhau trong chi thể của anh chị em sao? Anh chị em tham muốn mà chẳng được gì; anh chị em giết người và ganh ghét mà không chiếm đoạt được; anh chị em vẫn tranh chấp và chiến đấu. Anh chị em không được chi vì không cầu xin; anh chị em cầu xin mà không nhận được vì cầu xin với ý xấu, chỉ nhằm thỏa mãn khoái lạc” (Giaco 4:1-3)
Sự dạy dỗ rõ ràng trong Kinh thánh là những nan đề truyền thông tất yếu sẽ xảy ra khi người ta theo đuổi những mục tiêu vị kỷ. Đa số chúng ta bước vào hôn nhân với niềm tin khờ khạo nhưng nghe rất hợp lý rằng chúng ta cần (chứ không phải ao ước, mong mỏi, khát khao mà là cần) người phối ngẫu đáp ứng cách thế nào đó để chúng ta thấy mình có ý nghĩa và an toàn. Chúng ta phải tin chắc vào sự đầy đủ của Đấng Christ tại nơi chúng ta chuyển mục tiêu từ vận dụng sang giúp đỡ người phối ngẫu. Điều này cũng đơn giản dễ hiểu như một khuôn mẫu có thể thực hiện trong mối quan hệ hôn nhân. Thế nhưng khi áp dụng lại là một vấn đề khác. Không có niềm tin nào lại dai dẳng cho bằng niềm tin cho rằng người phối ngẫu phải cư xử với tôi theo một phương cách nào đó. Chúng ta thường trưng dẫn Kinh thánh để bào chữa cho đòi hỏi của chúng ta mà người bạn đời đã cư xử khác. Và lẽ tất nhiên, có lẽ chúng ta đúng khi tin rằng Chúa muốn người bạn đời phải thay đổi.

 Nhưng rất khó cho chúng ta thừa nhận rằng mình không có quyền đòi hỏi gì nơi người bạn đời, hoặc chấp nhận rằng việc tôi dấn thân giúp đỡ không phụ thuộc vào thái độ hay hành vi của người bạn đời. Nó đòi hỏi một đức tin dời núi để tin rằng Đấng Christ là đầy đủ cho tôi và tôi có đủ sức để hiến dâng cho người bạn đời cho dù phải đau đớn vì bị khước từ. Kinh thánh xem đức tin là một phẩm chất tăng trưởng. Kiên trì với mục tiêu giúp đỡ khi người bạn đời làm nản lòng mình, đòi hỏi một đức tin trưởng thành và khéo nuôi dưỡng. Nhiều Cơ Đốc nhân chưa đạt đến mức phát triển thuộc linh tại nơi mục tiêu của họ là được yêu thương cách nhất quán. Tôi vẫn còn khó chịu khi vợ tôi không theo gương tôi để bày tỏ sự cảm kích về một điều tôi làm cho cô ấy. Và khi tôi bực bội (hoặc tổn thương hoặc thất vọng) thì rất khó để giữ vững mục tiêu giúp đỡ, sự kiện tôi bực bội cho thấy mục tiêu của tôi là vận dụng: tôi muốn vợ tôi chú ý đến tôi. Cần có nhiều công tác thánh hóa hơn nữa để nhiều người trong chúng ta theo đuổi mục tiêu giúp đỡ cách nhất quán. Nhưng trong lúc đó chúng ta làm gì? Chúng ta đang ngồi đây, những con người Cơ Đốc với những bực bội, tổn thương và sợ hãi, không thể thay đổi mục tiêu sai lạc của mình đủ nhanh, đủ thông suốt để làm biến mất những tình cảm tiêu cực. Nếu chúng ta thuật cho người bạn đời nghe những cảm nhận của mình, liệu điều đó có giúp chúng ta tăng tốc về phía Hiệp nhất Tâm hồn không hay chỉ tăng thêm sự tổn thương? Nếu chúng ta không nói ra những cảm xúc của mình, những tình cảm ấp ủ đó làm cho chúng ta xa nhau và mỗi lúc khiến chúng ta càng xa rời sự hòa hợp chúng ta kiếm tìm hay không?
Để triển khai sự truyền thông đưa đến sự Hiệp nhất Tâm hồn cần có 2 yếu tố:
1. Một sự dấn thân cho mục tiêu giúp đờ.
2. Một chiến lược xử lý những cảm xúc tiêu cực để vừa không vi phạm mục tiêu giúp đỡ vừa không tạo khoảng cách giữa vợ chồng.

Chương 3 đã giải quyết yếu tố 1. Phần còn lại của chương này sẽ đề cập đến yếu tố thứ 2.

I. Tôi phải làm gì với cảm xúc của tôi?

Dường như tôi có nhấn mạnh trong phần giúp đỡ tha nhân rằng tôi xem bất cứ sự chia sẻ tình cảm tiêu cực nào cũng là vi phạm mục tiêu giúp đỡ và như thế là sai. Nhiều Cơ Đốc nhân cho rằng bày tỏ những tình cảm không tích cực là tội lỗi. Những lời hướng dẫn như “Bạn không bao giờ nên giận” hoặc “Nếu bạn không nói được điều gì hay ho thì đừng nói” phản ánh hoàn cảnh bó buộc người ta làm cái áo khoác cứng nhắc của sự từ khước tình cảm. Vợ chồng thường làm ra vẻ thế này trong khi họ thực sự thấy khác. Mặt nạ cứ dính cứng tại chỗ vì niềm tin rằng những mối quan hệ Cơ Đốc phải luôn luôn là nụ cười hoan nghênh và bày tỏ tình yêu thương nồng thắm. Thật ra, những chiếc mặt nạ làm nhiệm vụ giữ chặt cái nắp hộp của Pandora trong đó chứa toàn tổn thương và hờn giận. Những người theo chủ nghĩa thế tục, không quan tâm lắm đến mệnh lệnh của Kinh thánh rằng phải bỏ những điều hung ác và đối xử với nhau cách nhân từ, đã phản ánh lại với sự dạy dỗ về sự đè nén bằng cách cho rằng cảm xúc tự nó cũng không tốt mà cũng không xấu, nó chỉ là nó thế thôi. Đối với họ, sự khôn ngoan trong việc diễn tả cảm xúc được đánh giá không qua những thuật ngữ đạo đức mà là chủ nghĩa thực dụng: “Tôi có khá hơn nếu bày tỏ chính mình?” hoặc “Tôi có quyền tự khẳng định bằng cách nói cho em biết tôi cảm thấy thế nào. Tôi sẽ làm thế nào nếu tôi muốn”. (*) Chúng ta phải đối đầu với hai chọn lựa”

1. Chúng ta có thể dồn nén những cảm xúc vào trong, rút lui khỏi những cảm xúc với nỗi hãi hùng thuộc linh.

2. Hoặc chúng ta có thể đổ nó trên người khác, tự nhủ rằng đã thoát được gánh nặng vì “tôi có quyền là tôi”.
Theo như tôi hiểu Kinh thánh, không sách nào được xem là thích hợp với hoạch định của Đức Chúa Trời để phát triển sự hoà hợp qua truyền thông cả. Xin xem lại khái niệm về Nền Tảng Chân lý trong chương 2.
Địa vị Thánh kinh về một chủ đề nào đó có thể xem như được thể hiện bằng một cái nền chật hẹp, trơn láng rất dễ ngã xuống bên này hoặc bên kia. Hình vẽ này miêu tả hai cách thức sai lầm trong xử lý cảm xúc.
XỬ LÝ CẢM XÚC
Chất lên “Những cảm xúc của tôi thật kinh khủng . Vì thế tôi sẽ giấu chúng dưới một vẻ ngoài ‘Cơ Đốc’ Dồn nén “Cảm xúc của tôi là một phần hợp lý của con người tôi . Tôi sẽ bày tỏ nó nếu tôi muốn ”.

(*) Quyển sách Responsible Assertive Behaviour khuyến khích bày tỏ ước muốn trên cơ sở : “…Người ta có quyền “muốn ” và cho rằng người khác tôn trọng quyền cá nhân của họ ” (trang 64). Tuy nhiên họ thừa nhận rằng “thắc mắc về nguyên cớ ... của quyền cá nhân chưa được giải quyết . Có quyền nào không thể chuyển nhượng không ? Có phải nó tồn tại chỉ vì chúng ta là con người không ? ... Tại thời điểm này , những vấn đề cơ bản này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng cho chúng ta ” (trang 64). Ở đây các tác giả thừa nhận rằng họ không có nền tảng cho trọng tâm của quyển sách . A. J .Lange and P.Jakubowski . Responsitive Behaviour (Champaign , III .Research Press, 1976).

Nếu chúng ta không giữ kín những cảm xúc cũng không tỏ bày cách bừa bãi, thế thì chúng ta có thể làm gì với chúng đây? Khi chồng bạn làm bạn ngượng ngùng trước mặt bạn bè, bạn làm gì với cơn giận của mình? Khi vợ bạn phản ứng với những ý tưởng của bạn theo kiểu chiếu cố, bạn làm gì với nỗi cáu của mình? Khi chồng bạn kỷ luật con quá khắt nghiệt chỉ vì ông ấy bực mình, bạn sẽ làm gì với nỗi sợ và cơn tức của mình? Khi vợ bạn cho biết cô ấy bị thu hút bởi một người đàn ông khác, bạn xử lý cơn ghen và sự tổn thương của mình như thế nào? Xin chọn những cách xử lý đặc thù sau đây:
Dồn nén : Tự nhủ rằng Đức Chúa Trời yêu bạn và rằng không cần người bạn đời phải thay đổi. Sau đó mỉm cười nồng hậu và nói nhẹ nhàng: “Em có thể làm gì để giúp anh thấy mình đặc biệt hơn?”

Chất lên (đổ lên ): Tự nhủ rằng vì Chúa yêu bạn, nên bạn là một người có giá trị, có quyền bày tỏ cảm xúc của mình. Nói cho người bạn đời biết cách chính xác bạn cảm thấy thế nào, như một cách để khẳng định sự trọn vẹn của bạn trong Đấng Christ. Cách xử lý thứ nhất sẽ may mắm lắm là tạo ra một sự giả dối thuộc linh đáng lo ngại. Có quá nhiều Cơ Đốc nhân có thiện chí lại nghiến răng và nói những lời lịch sự để che giấu những cảm xúc giận dữ. Sự đối kháng dần dần hình thành cho đến khi nó bùng nổ thành hoặc là một sự cáu kỉnh hoặc là bị viêm kết tràng. Cách xử lý thứ nhì sẽ tránh được cả hai nan đề căng thẳng thần kinh dẫn đến đau bao tử hoặc nổ bùng cơn tức tối. Nhưng chia sẻ cảm xúc tiêu cực với mục tiêu khẳng định quyền của mình sẽ không khi nào nâng cao người bạn đời cũng chẳng phản ánh sự khiêm nhường kính sợ Chúa trong bạn. Để có được quan điểm của Kinh thánh, chúng ta cần biết cách Đức Chúa Trời nhìn cảm xúc.
Có một trường hợp được ký thuật một cách Chúa nhìn sự biểu tỏ cảm xúc trong Êxê 24. Chúa báo cho Êxêchiên biết Chúa sắp cất mạng sống của vợ ông, người ông yêu tha thiết. “Hỡi con người, này thình lình ta sẽ cất khỏi ngươi sự con mắt ngươi ưa thích; nhưng ngươi sẽ chẳng than thở, chẳng khóc lóc và nước mắt ngươi chẳng chảy ra. Hãy than thầm, chớ phát tang cho những kẻ chết ...” (Exechien 24:16-17). Chúng ta thấy cái chết của người vợ yêu qúi thường là một dịp đau buồn, tiếc thương sâu sắc. Nhưng chú ý cách Chúa hướng dẫn Êxêchiên xử lý những cảm xúc của mình. Trong câu 17, Chúa bảo tôi tớ Ngài “than thầm”. Hai lẽ thật Chúa đựng trong lời chỉ dẫn này:

 Thứ nhất, Đức Chúa Trời thừa nhận rằng Êxêchiên sẽ có cảm xúc thật. Ngài không bảo ông phải cảm nhận khác những điều phải có. Sự kiện là chúng ta không đủ khả năng để trực tiếp thay đổi một cảm xúc. Chúng ta có hai sự lựa chọn để đáp ứng cho một cảm xúc: (1). Chúng ta có thể thừa nhận cảm xúc ấy hoặc vờ như nó không hiện hữu. (2). Chúng ta có thể bày tỏ hoặc không. Đức Chúa Trời hướng dẫn Êxêchiên than thầm tức là động viên ông thừa nhận cảm xúc của mình, từng trải nội tâm cái sức nặng của phản ứng đau đớn đối với một biến cố đau lòng. Chúng ta chú ý cảm xúc của Êxêchiên không phải là tội lỗi. Có những tình cảm phải bị xem là một bộ phận của sự tiếp xúc không chính đáng đến một nan đề và do đó bị xem là tội lỗi. Trong một quyển sách trước đây, tôi đã ngụ ý rằng những tình cảm tiêu cực nào ngăn chận lòng trắc ẩn có thể xem là tội, còn tình cảm tiêu cực nào không mâu thuẫn với lòng trắc ẩn thì không phải là tôi. (*)

(*) Effective Biblical Counseling (Grand Rapids:Zondervan, 1977). Cả hai thứ tình cảm tội lỗi (như ghen ghét, tham lam, tham dục) và không tội lỗi (như buồn rầu, âu sầu, hối hận) cần được xưng nhận trước Chúa. Nhưng thái độ xưng nhận đối với mỗi thứ tình cảm ấy phải khác biệt. Khi tôi kinh nghiệm một tình cảm đau khổ nhưng không phải là tội lỗi, tôi sẽ đến trước Chúa giải bày khúc nôi tôi trong sự khiêm cung phụ thuộc vào niềm an ủi và sự đầy đủ của Chúa. Tuy nhiên khi tôi kinh nghiệm một tình cảm tội lỗi, tôi phải đến với Chúa trong tinh thần hối hận, ăn năn,tin vào sự tha thứ và lời Ngài hứa làm trọn công việc Ngài trên tôi. Thực tế mà nói, điều này có nghĩa là tôi phải trung thực biểu tỏ tình cảm không chính đáng của mình trước Chúa với tinh thần khiêm cung xưng nhận. Điều này không chất chứa những lời cầu nguyện khách sáo như “Ôi Chúa xin tha thứ cho con vì con nổi giận” - Nhưng phải kêu lên: “Ôi Chúa con muốn điên lên vì tức! Con phát cáu lên rồi đây! Con biết như vậy là sai! Con muốn vâng theo lời Ngài và có đầy lòng trắc ẩn, nhưng ngay giờ đây con đầy dẫy cay đắng. Xin tha thứ cho con! Con xin vâng theo ý muốn Ngài!” Tôi đang nhấn mạnh rằng chúng ta không bao giờ đè nén bất cứ tình cảm nào, hoặc bằng cách chối bỏ sự hiện hữu của nó hay giảm thiểu sự bộc phát của nó.

 Thứ hai, Chúa chỉ dẫn Êxêchiên đừng phô bày trước công chúng nổi đau riêng. Êxêchiên phải thừa nhận bên trong cảm xúc ông có (than thầm), nhưng không được biểu hiện ra bên ngoài (câm lặng). Xin nhớ hai cách chọn lựa đối với tình cảm của mình: hoặc thừa nhận hoặc làm ngơ; và có thể biểu hiện hoặc không. Êxêchiên phải thừa nhận, nhưng không bày tỏ ra. Đối với những nhà tâm lý học nhấn mạnh việc vượt qua những tình cảm đớn đau, lời khuyên này có thể hứa hẹn một lời thỉnh cầu phi pháp. Chúng ta nhiều lúc được dạy rằng tình cảm - nhất là những tình cảm nặng nề như mặc cảm tội lỗi và hối hận - cần phải được tỏ bày thổ lộ ra nếu không nó sẽ chất chồng và làm phương hại đến tâm lý. Mặc khác, những người “khước từ tình cảm” vốn không thừa nhận rằng họ cảm nhận những tình cảm tiêu cực sẽ gặp rắc rối với lời khuyên của Chúa. Theo họ, thì giờ bỏ ra để tiếp xúc với tình cảm là phí phạm và sai trật, nhưng sự chỉ dẫn của Chúa rất rõ ràng: hãy thừa nhận, hãy tiếp xúc với những gì anh cảm nhận, nhưng đừng bày tỏ cảm xúc của anh cách công khai. Những câu tiếp theo trong Êxê 24 cho thấy Đức Chúa Trời có lý do chính đáng để bảo tiên tri của Ngài làm như thế. Không thực hiện phong tục than khóc là nhằm nhấn mạnh cho dân tộc bội đạo biết rằng một sự đoán xét nghiêm khắc về tội lỗi của họ sẽ nghiêm trọng đến mức chỉ có thể so sánh với cái chết của người vợ yêu qúi mà không có nước mắt thôi. Nói cách khác, sau khi chỉ dẫn Êxêchiên thừa nhận cảm xúc mình cách âm thầm, Chúa bảo ông kiểm soát sự biểu hiện tình cảm của mình theo sự bắt buộc vì một mục đích cao cả hơn. Theo tôi dường như mặc dù hoàn cảnh đặc thù của một tiên tri có kinh nghiệm như Exêchiên,một nguyên tắc rất ích lợi đã phát sinh từ mạng lịnh của Đức Chúa Trời về việc “khóc thầm”: Khi một tình cảm trổi lên trong chúng ta, chúng ta phải: 1/ Tự thừa nhận và xưng nhận với Chúa cảm nhận của chúng ta, để cho chúng ta thực nghiệm toàn bộ sự tuôn trào của tình cảm mình. 2/ Hãy dành sự biểu hiện tình cảm công khai tùy thuộc vào mục tiêu là để Chúa sử dụng chúng ta cho công việc Ngài. Do đó, thừa nhận tình cảm luôn luôn là chính đáng; bày tỏ tình cảm chỉ hợp pháp khi nào nó không mâu thuẫn với sự thực hiện ý định của Chúa. Tôi không bao giờ tự do chỉ để vứt gánh nặng khỏi mình (chất lên). Tôi phải thoải mái thừa nhận với mình và với Chúa điều tôi cảm nhận, tin chắc rằng ân điển công chính của Chúa sẽ đem cho tôi sự chấp nhận của Ngài dù tình cảm của tôi có ra sao. Tôi không được đè nén cảm xúc của mình. Sau đó tôi phải đánh giá xem liệu tôi biểu hiện cảm xúc mình với ai đó, ngoài Chúa ra, có phục vụ cho mục đích của Ngài không và dựa vào đó mà kiểm soát sự bày tỏ. Bây giờ chúng ta có thể định nghĩa chiến lược Kinh thánh để xử lý những tình cảm thuộc về Nền tảng của chân lý.

XỬ LÝ TÌNH CẢM

Thừa nhận hoàn toàn trong nội tâm , nhưng chọn lọc cách biểu hiện bên ngoài tùy theo mục đích của Chúa . Sau khi đã thừa nhận với chính mình rằng chúng ta cảm thấy tức giận hoặc tổn thương, chúng ta phải lập tức quyết định tiếp tục kiểm soát trọn vẹn những tình cảm chúng ta biểu hiện và cách chúng ta biểu hiện. Tôi có thể thêm rằng không có sự xung khắc cố hữu nào giữa sự biểu lộ có kiểm soát và biểu lộ tình cảm tự phát cả. Chúng ta có thể vun đắp sự kiểm soát trên những phản ứng tự phát của mình. Một khi nguyên tắc “thừa nhận trước tiên, sau đó biểu lộ có chọn lọc” đã được thiết lập, việc của chúng ta là hình dung xem khi nào biểu lộ cảm xúc của chúng ta lại phục vụ cho mục đích của Chúa trong sự giúp đỡ người bạn đời của mình. Để trả lời cho câu hỏi khó này cách thích hợp trước hết chúng ta cần hiểu một khái niệm nữa: sự khác biệt giữa mục tiêu và khao khát.

II. MỤC TIÊU ĐỐI KHÁNG NGUYỆN VỌNG.

Tôi đã lập đi lập lại về mục tiêu chủ yếu của việc truyền thông là để giúp đỡ. Nhưng nếu gợi ý để các ông chồng bà vợ có thể đạt được sự truyền thông tốt đẹp chỉ với cách chọn mục tiêu chính đáng là không thực tế. Cho dù chúng ta có kiên quyết đến mức độ nào trong việc dấn thân cho mục tiêu giúp đỡ người bạn đời, chúng ta cũng sẽ nếm trải một khao khát khôn nguôi được người bạn đời giúp đỡ cho mình. Khi tôi thất vọng, thái độ động viên của vợ tôi và những lời an ủi có ý nghĩa vô cùng đối với tôi hơn là tôi có thể diễn tả. Một bạn đồng lao mới đây kể cho tôi nghe việc ông trở về nhà mỗi tối với người vợ yêu dấu đem ý nghĩa đến cho ông biết bao, ông khao khát sự nồng nhiệt của bà quá đỗi dường như ông không thể sống thiếu điều ấy. Nhiều phụ nữ than thở với tôi họ khao khát tận đáy lòng được một sự bộc lộ tế nhị, cảm thông, yêu thương từ chồng họ. Dù chúng ta có dấn thân mạnh mẽ đến đâu để giúp đỡ và sự nương dựa của chúng ta vào Đấng Christ để nhu cầu mình được đáp ứng thì mỗi người vẫn mong mỏi một sự đáp ứng nào đó từ người bạn đời. Chúng ta phải làm gì với những nguyện vọng ấy? Chúng ta có phải chôn vùi nó dưới những sự tái dấn thân để phục vụ không? Chúng ta có phải giả vờ rằng vì Đấng Christ đủ cho mình rồi nên dù người bạn đời có đối xử ra sao cũng không thành vấn đề không?

Đức Chúa Trời hoạch định cho các đôi vợ chồng chung sống với nhau trong mối quan hệ thân mật hài hòa: chúng ta cần cảm nhận cách sâu sắc tác động của những thái độ và hành vi của người bạn đời. Việc chúng ta cảm biết mình được yêu thương bằng tình yêu hy sinh, được chấp nhận hoàn toàn bởi người bạn đời là điều rất quan trọng. Chúng ta thấy tổn thương khi người phối ngẫu hắt hủi và thấy yêu đời khi được chấp nhận vì chúng ta khao khát tình yêu của họ. Sự khao khát này rất tự nhiên và lành mạnh. Nó phản ánh rằng chúng ta không phải chỉ là những động vật, nhưng là con người mang hình ảnh Thiên Chúa, là những người thật, có khả năng tác động sâu sắc lên người khác. Nếu không có khao khát tình yêu của tha nhân, chúng ta không có khả năng tiếp nhận sự chấp nhận của người khác với niềm vui tràn trề. Nhưng - đây là điểm then chốt - Nguyện vọng này không bao giờ được phép trở thành mục tiêu của chúng ta . Hãy vẽ một vòng tròn làm biểu tượng cho sự an toàn và ý nghĩa của chúng ta. Vòng tròn thứ hai bên ngoài biểu trưng cho nguyện vọng hợp lý được cảm nhận cách sung mãn sự an toàn và ý nghĩa trong mối quan hệ của chúng ta.

Chủ đề trọng tâm của quyển sách này là: Đấng Christ dư sức đáp ứng cho nhu cầu của chúng ta cách trọn vẹn. Nói cách khác, Ngài có đủ khả năng làm cho đầy vòng tròn phía trong của hình vẽ. Tuy nhiên, Ngài không hứa sẽ lấp đầy vòng tròn nguyện vọng bên ngoài. Thế nhưng những ước ao về sự nồng ấm, nhân từ, hiểu biết, cảm thông, tôn trọng và chung thủy từ người bạn đời đều nằm trong vòng tròn bên ngoài. Chúng ta dường như cảm thấy an toàn và có ý nghĩa khi những nguyện vọng này được thỏa mãn, nhưng Chúa lại không hứa sẽ ban những điều ấy cho chúng ta. Khi những nguyện vọng này không được thỏa mãn, chúng ta cảm thấy đau khổ cách hợp lý. Có điều gì tốt lành đã thiếu hụt ở đây. Chúa đã chọn người phối ngẫu giúp chúng ta làm công cụ giúp đỡ chúng ta kinh nghiệm cách đầy trọn hơn về ý nghĩa của việc được yêu và thấy mình quan trọng. Khi nhu cầu của chúng ta được thỏa đáp, chúng ta thấy an toàn và có ý nghĩa. Khi khát khao không được thỏa mãn, chúng ta thấy bị tổn thương. Nhưng do nhu cầu được làm người có giá trị được đáp ứng trong Đấng Christ cho dù chúng ta có cảm thấy hay không, chúng ta có thể chọn tiếp tục giúp đỡ người bạn đời dù người đó thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Bây giờ tôi có thể định nghĩa thuật ngữ tôi dùng. Mục tiêu là mục đích nằm trong tầm kiểm soát của tôi . Khi đạt đến mục đích mà chỉ cần dựa trên sự sẵn sàng làm của tôi, thì điều đó có thể gọi là mục tiêu. Theo định nghĩa này, giúp đỡ một người bạn đời là mục tiêu mà một Cơ Đốc nhân có thể mong đạt được tốt hơn bất cứ ai. Cơ Đốc nhân được an toàn và có ý nghĩa trọn vẹn trong Đấng Christ dù người ấy có cảm thấy hay không và có đủ khả năng để hoạt động từ sự trọn vẹn. Người ấy có thể cho vì có điều để cho. Người không tin Chúa cảm nhận sự an toàn và ý nghĩa không cùng một nguồn gốc nên điều họ cho không có nền tảng đích thực. Vì người ấy trống rỗng, người không tin Chúa không thể theo đuổi mục tiêu giúp đỡ theo cách Chúa vui lòng. Một nguyện vọng là mục đích nhắm mà tôi có quyền ao ước cách tha thiết và hợp lý nhưng không thể tự mình cố gắng đạt được . Để đáp ứng một nguyện vọng, đòi hỏi sự cộng tác không chắc chắn của người khác. Muốn chồng hợp lý hơn trong sự kỷ luật con cái là một nguyện vọng hợp lý , nhưng lại là một mục tiêu không hợp lý . Mặc dù người vợ có thể tác động lên người chồng để ông ấy đối xử với con cái dịu dàng hơn, nhưng bà ta không có đủ uy lực để bảo đảm rằng ông ấy sẽ thay đổi. Bà ấy có thể thay đổi khả năng của việc ông ta trở nên biết điều hơn, nhưng bà lại không thể ép buộc ông ta cư xử khác đi. Nếu mục tiêu của bà là thay đổi chồng, bà đã lạm dụng cái uy lực mà bà không có. Khi chọn mục tiêu để theo đuổi, bà phải nghĩ đến sự đáp ứng của mình với chồng hơn là nghĩ đến phản ứng của ông với người khác. Đối với bà, phong cách đối xử với con cái của ông phải vĩnh viễn nằm trong danh mục nguyện vọng. Tùy chúng ta nhận thức mục tiêu là mục tiêu hay là nguyện vọng mà có sự khác biệt lớn lao trong cách chúng ta hành động. Mục tiêu của tôi là chiều nay sẽ mưa, nhưng vì tôi không thể điều khiển được mưa nắng, nên mục tiêu ấy chỉ là nguyện vọng, vì vậy tôi không tham gia vào những cố gắng vô ích để làm mưa. Chúng ta đừng bao giờ thừa nhận trách nhiệm thỏa mãn những nguyện vọng của mình. Tất cả điều chúng ta cần làm là cầu xin Đấng nắm quyền chủ tể cho phép mục tiêu của chúng ta được hiện thực. Nếu tôi nhận thức mục tiêu mưa là của mình, tôi sẽ tìm cách làm cho có mưa, nhưng vì tôi không có khả năng điều khiển mưa nắng, tôi chỉ kinh nghiệm sự bực bội và tức giận mà thôi. Tuy nhiên, một mục tiêu hợp lý có thể đạt được nhờ cố gắng của tôi. Vì thế tôi có trách nhiệm hành động thế nào đó để thực hiện mục đích của mình. Có thể tôi không cảm thấy thích làm những điều bắt buộc để đạt mục tiêu, nhưng tôi có thể làm được nếu tôi muốn. Thảm cỏ của tôi bị khô. Tôi ao ước có mưa, nhưng mục tiêu của tôi là cỏ được tưới nước. Tôi có thể chọn cách mua vòi xịt để xịt nước lên cỏ. Tôi có thể không muốn lái xe ra tiệm và tốn tiền, nhưng giả dụ tôi có thì giờ và có tiền, tôi có thể chọn làm như thể nếu muốn đạt mục đích. Thế thì đáp ứng đúng đắn cho nguyện vọng là cầu nguyện. Đối với một mục tiêu, đáp ứng thích hợp nhất là một loạt những hành động có trách nhiệm. Nếu chúng ta lẫn lộn giữa mục tiêu và nguyện vọng, đáp ứng của chúng ta sẽ không chính xác. Có quá nhiều người cầu nguyện cho mục tiêu của họ (“Lạy Chúa, xin giúp con đối xử với vợ cách tử tế hơn”) và thừa nhận trách nhiệm đối với nguyện vọng của mình (“Em yêu, đừng quấy rầy anh nữa nhé?”) Nguyên tắc cần nhớ là: cầu nguyện cho nguyện vọng của mình và nhận trách nhiệm cho mục tiêu . Nhận rõ đâu là mục tiêu đâu là nguyện vọng rất quan trọng và khó khăn, nên chúng ta phải phân biệt rõ ràng hơn. Xem một điều gì đó mà bạn ưa muốn là đích nhắm - Nếu đích nhắm ấy là nguyện vọng, hãy cầu nguyện về điều đó. Nếu đó là mục tiêu, bạn phải bận rộn làm cho nó thực hiện.
Để xác định một đích nhắm là mục tiêu hay nguyện vọng, chúng ta sẽ hỏi hai câu hỏi:
1) Mục tiêu chính xác là gì? Tôi muốn thấy điều gì được thực hiện?
2) Với cố gắng của mình, không cần ai hỗ trợ, mục tiêu này có thể thực hiện không? Nếu câu trả lời của câu hỏi hai là được, thì đích nhắm là một mục tiêu hợp lý và không phải là nguyện vọng. Nếu câu trả lời là không, đích nhắm ấy không thể xem là mục tiêu vì bạn sẽ thừa nhận trách nhiệm; đó là một nguyện vọng mà bạn phải cầu nguyện. Bạn hãy suy nghĩ về những thí dụ sau đây.

Mỗi câu sau đây là một câu trả lời cho câu hỏi 1. Mục tiêu là gì? Hãy xác định xem đâu là mục tiêu, đâu là nguyện vọng bằng cách hỏi câu hỏi thứ 2: Tôi có thể điều khiển để mục tiêu này hoàn thành không? 1. Tôi muốn chồng tôi cảm thông với điều tôi cảm nhận. 2. Tôi ước ao vợ tôi thấu rõ được là tôi yêu cô ấy. Cô ấy quá bất an. 3. Tôi sẽ trở lại với chồng tôi nếu anh ấy tỏ ra âu yếm hơn. 4. Tôi rất muốn cảm thấy rạo rực hơn với chồng tôi. Tôi thật chẳng muốn ái ân chút nào . 5. Tôi cần phải làm ra nhiều tiền hơn trong năm nay để chu cấp cho gia đình. 6. Tôi muốn Chúa sử dụng tôi và vợ tôi để trong năm nay ít nhất chúng tôi cũng có thể làm chứng về Chúa cho một trong những láng giềng của chúng tôi. Mỗi đích nhắm trên đây là nguyện vọng, chứ không phải là mục tiêu. Không có trường hợp nào ở trên được cá nhân người ấy với cố gắng của mình bảo đảm mục tiêu sẽ được thực hiện. Trong những câu sau đây, đích nhắm của 6 ví dụ trên được chuyển đổi từ nguyện vọng sang mục tiêu.
1/ Tôi sẽ viết cho chồng tôi một lá thư nói cho anh ấy biết tôi cảm nhận như thế nào. Hy vọng rằng anh ấy sẽ hiểu (nguyện vọng), nhưng đích nhắm của tôi là bộc lộ con người mình được chừng nào tốt chừng ấy (mục tiêu).
2/ Vợ tôi rất bất an. Dù tôi không biết cô ấy có cảm thấy được yêu hay không (nguyện vọng), tôi sẽ liệt kê 5 điều tôi cần làm trong tuần mà tôi tin rằng chúng sẽ phản ánh tình yêu tôi dành cho cô ấy và thực hiện chúng (mục tiêu).
3/ Tôi sợ muốn chết khi quay lại với chồng tôi. Nếu anh ấy không thay đổi, tôi không biết tôi có chịu nổi không (nguyện vọng). Nhưng vì tin rằng Đức Chúa Trời truyền cho tôi phải sẵn lòng sống với anh ấy như vợ chồng, tôi sẽ chọn quay về và trở thành người vợ tài đức nhất theo khả năng của mình (mục tiêu).
4/ Tôi rất thích cảm thấy được hấp dẫn bởi chồng tôi (nguyện vọng), nhưng vì cớ tôi không thể trực tiếp điều khiển xem tôi có cảm thấy muốn ân ái hay không, tôi sẽ tự xét lòng mình xem có chút phiền giận nào đối với chồng - Tôi sẽ tìm cách cư xử ngọt ngào với anh ấy, và sẽ dần dần cải thiện mức độ âu yếm với anh (mục tiêu).
5/ Cùng với sự lạm phát, tiền nẹp răng và học phí trường dân lập, gia đình tôi thật sự cần chi những số tiền quá mức (nguyện vọng). Tôi sẽ gửi bảng tóm tắt kinh nghiệm và năng lực đến một số công ty. Tôi tình nguyện làm thêm giờ, sẽ sắp xếp thì giờ để gặp chuyên gia tài chánh và để ra 10 phút mỗi ngày cầu nguyện cho tình hình tài chánh của chúng tôi (mục tiêu). 6/ Tôi rất thích có một công tác truyền giảng hữu hiệu ở khu vực tôi sinh sống (nguyện vọng). Vì thế tôi sẽ ghi tên tham dự chương trình huấn luyện truyền giảng ở nhà thờ và đạt chỉ tiêu là tự giới thiệu mình với ít nhất một người láng giềng chưa quen (mục tiêu). Rõ ràng trong từng trường hợp sự hoàn thành mục tiêu gia tăng khả năng thực hiện nguyện vọng. Nếu người đàn ông trong trường hợp 5 tình nguyện làm thêm giờ (mục tiêu) thì có khả năng ông ta có thêm thu nhập (nguyện vọng). Lẽ dĩ nhiên không có gì sai khi cứ cần cù làm việc hướng tới mục tiêu trong niềm hy vọng nguyện vọng mình thành hiện thực, nhưng tâm hồn bạn không được chăm chú quá vào việc đạt được nguyện vọng.
Kinh thánh dạy chúng ta trước hết phải tìm kiếm nước Đức Chúa Trời, chất chứa của cải trên Thiên đàng - nói cách khác, hướng tâm hồn mình đến mục tiêu thờ phượng, phục vụ và ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Nhờ ân sủng tiếp sức của Chúa, mục tiêu này sẽ có thể thành tựu cho dù chúng ta ở trong hoàn cảnh nào đi nữa. Ông Phaolô viết rằng ông đã học được bí quyết thỏa lòng (Philip 4:10-13). Dù hoàn cảnh chung quanh ông vui vẻ hay thảm sầu ông cũng biết cách thỏa lòng. Bí quyết của ông được ghi lại trong câu 13: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”. Mục tiêu của Phaolô là làm vui lòng Chúa, trở nên ngày càng giống thầy mình. Chắc chắn nguyện vọng còn bao gồm giảng dạy trong những Hội thánh ông yêu thương, thông công với anh chị em và vui hưởng một số tiện nghi vật chất. Nhưng cho dù nguyện vọng của ông được đáp ứng hay không, ông vẫn luôn có thể hoàn tất những gì ông định làm - mục tiêu sống cho Chúa - và vì vậy ông thỏa lòng.

III. KHI NÀO CHÚNG TA NÊN THỔ LỘ CHO NGƯỜI BẠN ĐỜI CẢM NHẬN CỦA MÌNH.

Với khái niệm về mục tiêu và nguyện vọng rõ rệt trong đầu, chúng ta có thể trả lời cách đúng đắn câu hỏi chính trong chương này: khi nào chúng ta nên biểu lộ cảm xúc của mình với người bạn đời? Bạn có còn nhớ nguyên tắc được minh họa trong kinh nghiệm của Êxêchiên không? Trước hết hãy tự thừa nhận từng trải cảm xúc của mình, rồi với Chúa và sau đó dành sự biểu lộ cảm xúc của bạn cho mục đích của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã thấy mục đích theo Thánh kinh của những người đã có gia đình là giúp đỡ người bạn đời. Vì vậy, giúp đỡ trở thành mục tiêu , nhưng vì cớ chúng ta sẽ kinh nghiệm nhiều hơn giá trị của mình trước khi người bạn đời giúp đỡ chúng ta, nên chúng ta rất muốn họ yêu và tôn trọng chúng ta. Điều hiển nhiên là không ai có thể kiểm soát được cách đối xử của người bạn đời đối với mình. Cho nên đích nhắm là được chồng hay vợ yêu thương và tôn trọng phải được xem là nguyện vọng . Tôi chỉ có thể cầu nguyện cho vấn đề ấy mà thôi. Giả sử tôi lẫn lộn giữa mục tiêu và nguyện vọng như bao nhiêu người khác - có lẽ hầu hết - các cặp vợ chồng thường có khuynh hướng này. Tôi đặt mục tiêu là vợ tôi sẽ chào đón tôi nồng thắm khi tôi trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Nếu tôi lại được chờ đón ở cửa bởi một phụ nữ cau có, dấm dẳng hỏi tôi vì sao về trễ thì mục tiêu của tôi bị chận đứng. Tôi nổi giận. Tôi có nên chia sẻ cơn giận của mình với vợ? Nếu tôi phản ứng lại thái độ thù nghịch của cô ấy bằng sự bực bội của mình (”Này, sau một ngày vất vả, tôi cũng mong đợi một nụ cười chớ!”), mục tiêu của tôi lúc ấy có thể là trả đũa hoặc làm cho cô ấy ngậm miệng hoặc tạo ra đủ mặc cảm tội lỗi để cô ấy thay đổi. Không có động cơ nào trong số ấy lại tương hợp với mục tiêu giúp đỡ. Những động cơ này toàn là nhằm vận dụng thế nên chúng đều mắc tội. Thế thì tôi nên làm gì với cơn giận của mình?
Xin xem xét trường hợp sau đây:
Bước 1: Hãy chậm giận.
Kinh thánh nhắc đi nhắc lại rằng chúng ta cẩn thận trong khi nổi giận. Rất dễ cho chúng ta để lộ sự bực bội cách nhanh chóng vì mục đích sai lầm và từ đó đi đến chỗ phạm tội.
Bước 2: Thừa nhận cơn giận . Dù tôi cố giữ không biểu lộ cơn giận bất thần, không kiềm chế được nhưng tôi không giả vờ như không có gì.
Bước 3: Suy nghĩ kỹ mục tiêu . Tôi phải nhìn nhận rằng khi mục tiêu lại bị chận đứng thì cơn giận thường xảy ra. Tôi phải tự hỏi xem mục đích của mình là gì. Nếu người bạn đời của tôi có thể chận đứng mục tiêu, thì nó không thể được xem là mục tiêu. Tôi cần đặt cho đích nhắm của tôi tên đúng là nguyện vọng (“Tôi mong được vợ chào đón cách nồng thắm”) và xác nhận sự dấn thân cho mục tiêu giúp đỡ.

Bước 4: Thừa nhận trách nhiệm cho mục tiêu chính đáng. Để sự dấn thân được thực tế, tôi phải quyết định xem cần giúp đỡ vợ như thế nào. Mục tiêu giúp đỡ luôn chiếm ưu thế hơn là san sẻ nỗi đau của nguyện vọng bị phá ngang. Có lẽ tôi có thể bày tỏ sự cảm thông đối với sự bực dọc của vợ (“Em yêu, anh biết em giận lắm vì anh làm hỏng kế hoạch cơm chiều của em”) rồi biểu lộ lòng cảm kích trước công khó của cô ấy (“Anh rất cảm kích trước sự nhọc nhằn của em chịu vì chuẩn bị thức ăn, giặt giũ và lo toan mọi sự”)
Bước 5: Biểu lộ cảm xúc tiêu cực nếu điều ấy đem lại kết quả tốt . Có thể lúc này (hoặc hai phút hay hai giờ sau) tôi đối với vợ tôi y như cách tôi bị đối xử tại cửa nhà. Nếu tôi ý thức được tinh thần cay đắng của mình, tôi phải cho cô ấy biết để cố gắng gạt bỏ mọi sự thối lui do cơn giận của tôi gây nên. Tôi cũng có thể bày tỏ cơn giận của mình nếu tôi làm như thế sẽ khiến cô ấy nhận ra tác động cô ấy đã gây ra cho tôi. Nếu cố ấy muốn giúp đỡ tôi (như tôi ao ước) thì tôi san sẻ cảm nhận của mình trước cách xử sự của cô ấy để cô có thể đạt được mục tiêu giúp đỡ của mình cách tốt hơn. Nếu tôi biểu lộ cảm xúc tiêu cực sau khi đã đi từ bước 1 đến bước 4 với mục đích không để cho sự cay đắng bén rễ hoặc để vợ hiểu tôi hơn (và do đó càng dễ bị tổn thương hơn) khi ấy sự biểu lộ tình cảm có thể xem là giúp đỡ. Vợ tôi có thể cứ giận tôi, cô ấy có thể ghẻ lạnh với tất cả buổi tối hoặc càm ràm suốt. Tôi không thể kiềm chế hành động của vợ tôi. Nếu vợ tôi phản ứng lại bằng cơn giận dai dẳng, cô ấy sai phạm còn tôi bị tổn thương và tức giận. Nhưng tôi có trách nhiệm duy trì sự dấn thân giúp đỡ cô ấy. Mục tiêu san sẻ cảm nhận của tôi khi không nào là phục thù hay thay đổi người bạn đời.

IV. TÓM TẮT
Vì nhu cầu của chúng ta được Đấng Christ thỏa đáp, chúng ta không cần phải xem Hôn nhân như một môi trường để lấp đầy nhu cầu của mình, nhưng phải xem đó là một cơ hội để giúp đỡ một con người ý thức trọn vẹn tình yêu và mục đích của Đức Chúa Trời. Trong vai trò người bạn đời trong Hôn nhân, mục tiêu của chúng ta phải là giúp đỡ người phối ngẫu của mình. Nhưng vì chúng ta ước ao người bạn đời giúp đỡ mình nên chúng ta khó tránh khỏi đau đớn khi vợ hay chồng không được như chúng ta mong mỏi. (*) Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất chúng ta có thể học là đáp ứng với sự chấp nhận (không nhất thiết phải đồng ý) khi người bạn đời biểu lộ những cảm xúc tiêu cực.
 (Theo Lary Crabb)