Trung Hoa có một họa sĩ lừng danh đời Hậu Lương thời Ngũ đại, tên là Kinh Hạo, khi còn trẻ đã từng ẩn vào trong núi vùi đầu tự học vẽ phong cảnh. Một hôm, vì mải tìm cảnh vẽ, Kinh Hạo lạc đường vào một thung lũng đá núi ngổn ngang, bất ngờ gặp một ông lão dáng vẻ quê mùa. Nhìn thấy Kinh Hạo mang các vật dụng vẽ tranh, ông lão hỏi rằng: “Thưa công tử, ngài có thật sự biết vẽ không?” Kinh Hạo đỏ mặt vì tự ái, bèn nói những lời phô trương và xấc xược với cụ già. Lạ thay! Ông lão không hề tỏ ra tức giận, chỉ ôn tồn nói: “Ta sống ở đây, thấy công tử hàng ngày đến khu núi nầy vẽ cảnh, không quản ngại mưa gió, tinh thần đó thật đáng khâm phục. Nhưng ngài chỉ có thể vẽ được cái cảnh bề ngoài, chứ chưa vẽ được cái thần của núi non.” Kinh Hạo nghe những lời ấy thì giật mình kinh ngạc, từ đó khiêm tốn học hỏi những điều hay của các danh họa khác, lắng nghe những ý kiến phê bình, và sáng tạo ra phong cách riêng của mình, để cuối cùng trở thành một danh họa chuyên vẽ phong cảnh, người nổi danh nhưng vô cùng khiêm tốn.
Tài năng và đức độ bao giờ cũng phải là tiêu đích mà một con người chân chính muốn vươn tới. Có đức độ mà thiếu tài năng thì không giúp ích được nhiều cho xã hội, có tài năng mà thiếu đức độ thì dù có làm được bao nhiêu công trình lớn lao vẫn trở nên vô nghĩa vì nó không chạm được đến cái chân, thiện, mỹ. Nếu phải chọn một trong hai, hoặc là tài năng, hoặc là đức độ, thì người ta luôn chọn người có đức mà ít tài cán hơn là nhân tài mà phi đạo đức. Kẻ tự phụ không nhận ra khuyết điểm của mình, dẫu có nhận ra, thì cũng tìm mọi cách để biện bạch. Người tưởng rằng chỉ có mình là tài giỏi, nên chẳng học được gì của ai. Khiêm tốn là cánh cửa mở cho tri thức của đạo đức, không phải tri thức của lòng tự tôn.
"Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi! … ” Hê-bơ-rơ 5:12a “Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em." Phi-líp 4:9