Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, September 18, 2011

Trái tim của một đứa trẻ


·    

"Ngày mai, tôi sẽ phẫu thuật tim cho cậu...", bác sĩ nhẹ nhàng nói với cậu bé.
"Ông sẽ thấy Chúa Giêxu ở đó.", cậu bé cắt ngang.
Bác sĩ ngẩng đầu lên, khó chịu "Tôi sẽ mổ tim của cậu," ông nói tiếp "để biết được trái tim của cậu đã bị tổn thương như thế nào..."
"Nhưng khi ông mổ tim cháu, ông sẽ thấy Chúa Giêxu ở đó đó", cậu bé nhắc lại.
Vị bác sĩ nhìn cha mẹ cậu bé, họ vẫn đang im lặng trong hồi hộp, lo âu. "Sau khi tôi biết được trái tim cậu bị tổn thương ra sao, tôi sẽ may tim và lồng ngực cậu lại, và tôi biết sẽ làm gì tiếp theo."
"Nhưng chắc chắn ông sẽ thấy Chúa Giêxu trong trái tim cháu mà. Kinh Thánh nói rằng Ngài sống ở đó. Cả những bài Thánh ca cũng nói vậy nữa. Ông sẽ tìm thấy Chúa trong trái tim của cháu đấy."
Bác sĩ cảm thấy bực mình với bệnh nhân cứng đầu của mình "Tôi sẽ cho cậu biết tôi thấy gì trong tim của cậu. Tôi sẽ thấy phần cơ bị hư, lượng máu cung cấp không đủ và những mạch máu đang yếu dần. Và tôi sẽ tìm cách chữa trị để cậu có thể bình phục lại."
"Và ông cũng sẽ thấy Chúa Giêxu ở đó. Ngài đang sống ở đó." Cậu bé khẳng định lần nữa.
Bác sĩ rời khỏi phòng bệnh. Ông về văn phòng và ngồi ghi chép lại những ghi chú cho ca mổ, "tổn thương động mạch chủ, tổn thương tĩnh mạch phổi, thoái hóa cơ lan rộng. Không có hy vọng cấy ghép, không còn hy vọng cứu chữa. Cách điều trị: uống thuốc giảm đau và nghỉ ngơi. Tiên lượng bệnh: ông dừng lại một chút rồi tiếp "tử vong trong vòng một năm."
Ông dừng ghi chép, một luồng suy nghĩ xuất hiện trong ông. "Tại sao vậy?", ông nói một mình, "Tại sao Ngài lại làm thế? Ngài đặt để cậu bé vào thế giới này, Ngài đặt để cậu ta trong bệnh tật đau đớn, Ngài để cho cậu bé chết khi cậu ta còn quá nhỏ. Tại sao thế?"
Chúa Giêxu đã trả lời ông, "Đứa trẻ, con chiên nhỏ của Ta, không thuộc về đàn của ngươi, nhưng là một phần trong đàn của Ta, và sẽ mãi mãi thuộc về đàn ấy. Ở đó, nó sẽ chẳng bị đau đớn, nó sẽ nhận được sự yên ủi mà ngươi chẳng thể hình dung được. Cha mẹ của nó một ngày kia rồi cũng sẽ gặp lại con trai mình, họ sẽ kinh nghiệm được sự bình an thật, và đàn của Ta sẽ vẫn tiếp tục lớn mạnh thêm lên."
Những giọt nước mắt nóng hổi trào ra từ khoé mắt vị bác sĩ, nhưng cơn giận dữ của ông có lẽ còn nóng hơn, " Ngài tạo ra cậu bé này, và Ngài cũng đã tạo ra môt trái tim bệnh hoạn cho cậu ấy. Cậu bé rồi sẽ chết trong nay mai. Tại sao lại như vậy?"
Chúa Giêxu trả lời, " Đứa trẻ, con chiên bé nhỏ của ta, sẽ trở về cùng bầy chiên của Ta. Nó đã làm xong những việc mình cần làm: Ta không để chiên ta lạc vào bầy của ngươi, nhưng sẽ tìm kiếm và đem về những con chiên bị lạc mất."
Vị bác sĩ nghẹn ngào ... ông khóc!
...Vị Bác sĩ ngồi bên giường bệnh của cậu bé, phía bên kia giường là ba mẹ của cậu bé. Câu bé thức dậy và nói một cách yếu ớt, "Ông đã mổ tim cho cháu chưa?" "Đã mổ rồi", vị bác sĩ trả lời. "Ông thấy gì trong đó?" cậu bé hỏi. " Tôi đã thấy Chúa Giêxu ở đó", vị bác sĩ trả lời.
Câu hỏi suy gẫm
Người khác có nhìn thấy Chúa trong đời sống của bạn hay không?
Mỗi tuần một câu Kinh Thánh
Mat Mt 5:16
Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.
**

Sự nhầm lẫn hoàn hảo
Ông ngoại Nybakken của tôi rất yêu đời - đặc biệt là khi ông lừa được ai đó. Những lúc như vậy, ông cười to hòa với cái giọng ồm ồm gốc Na-uy, ông giả vờ ngây thơ và ngạc nhiên kêu lên "Ồ, lại nữa rồi!" Nhưng có một ngày thứ bảy lạnh lẽo ở thành phố Chicago, ông ngoại cảm thấy Chúa đã "lừa" mình, và lần này ông không thể nào cười nổi.
Ông ngoại tôi làm nghề thợ mộc. Vào cái ngày đáng nhớ ấy, ông đang đóng một số thùng để đựng số quần áo mà Hội Thánh ông chuẩn bị gửi đến một cô nhi viện ở Trung Quốc. Trên đường từ nhà thờ về nhà, ông rờ lên túi áo tìm cặp kính, nhưng nó đã biến mất lúc nào không hay. Ông nhớ là hồi sáng mình đã cất nó vô túi áo, thế là ông lái xe quay lại nhà thờ để tìm, nhưng cuối cùng vẫn không tìm thấy.
Khi ông nhẩm nhớ lại xem quá trình làm việc từ sáng đến giờ, ông hình dung được chuyện gì đã xảy ra. Cặp kính đã tuột khỏi túi áo lúc nào không hay biết, và rơi vào một trong những cái thùng đựng quần áo mà ông vừa mới niêm phong lại. Vậy là cặp kính mới toanh của ông đang trên đường đến Trung Quốc!
Sự chán nản của ông ngoại lên tới tột độ. Ông nghĩ tới sáu đứa con mà mình còn đang phải lo lắng, nuôi nấng ở nhà. Ông vừa mới mua cặp kính này ngay buổi sáng hôm đó với giá hai mươi đô-la!
"Thật là không công bằng," ông nói với Chúa một cách bực dọc khi đang lái xe về nhà. "Con đã trung tín dâng thời gian và tiền bạc để hầu việc Chúa, và bây giờ thì Chúa để cho chuyện như vầy xảy ra với con."
Nhiều tháng sau đó, ông giám đốc của cô nhi viện nọ có một kỳ nghỉ phép ở Hoa Kỳ. Ông muốn thăm hết tất cả những Hội Thánh đã giúp đỡ công việc Chúa ở Trung Quốc. Vào một buổi tối Chúa nhật, ông đến thăm và nói chuyện tại Hội Thánh nhỏ của ông ngoại tại Chicago. Hôm đó, ông ngoại và cả nhà vẫn ngồi ở hàng ghế quen thuộc, giữa hội chúng thưa thớt.
"Nhưng điều quan trọng hơn hết," ông nói, "tôi phải cảm ơn về cặp kính mà quý vị đã gửi cho chúng tôi năm ngoái. Quý vị thấy đó, chính quyền đã lục soát cô nhi viện, phá hủy mọi thứ, kể cả cặp kính của tôi. Lúc đó tôi thật sự tuyệt vọng."
"Thậm chí nếu như tôi có tiền, lúc đó cũng chẳng thể nào mua được cặp kính như vậy. Vì không thể nhìn rõ ràng, nên tôi cứ bị chứng nhức đầu hành hạ suốt ngày. Các cộng sự của tôi và tôi đã cầu nguyện rất nhiều về việc này. Rồi thì những thùng đồ của quý vị gửi đến. Khi nhân viên của tôi mở ra, họ thấy cặp kính nằm ngay phía trên."
Vị giáo sĩ ngừng lại ở đó khá lâu, đủ để lời nói của ông thấm vào lòng mọi người. Rồi vẫn với cái giọng rất lôi cuốn về điều kỳ diệu đó, ông nói tiếp: "Thưa quí ông bà anh chị em, khi tôi thử cặp kính đó, cứ như là nó được làm dành riêng cho tôi vậy! Tôi muốn cảm ơn quý vị thật nhiều về điều này!"
Mọi người lắng nghe, ai nấy đều cảm thấy rất hạnh phúc về cặp kính kỳ diệu đó. Nhưng mọi người nghĩ có lẽ vị giáo sĩ đã nhầm lẫn Hội Thánh của họ với một Hội Thánh nào khác. Vì thật ra chẳng có cặp kính nào nằm trong danh sách những đồ cứu trợ được gửi ra nước ngoài cả.
Ngồi im lặng ở phía sau, với dòng nước mắt chảy dài trên má, ông ngoại tôi - một người thợ mộc bình thường - nhận ra được Người Thợ Cả đã sử dụng cuộc đời ông một cách lớn lạ thể nào.
Câu hỏi suy gẫm
Bạn có bằng lòng để Chúa sử dụng cuộc đời mình theo ý Ngài muốn không?
Bạn có bao giờ kinh nghiệm được sự trả lời mầu nhiệm của Chúa trên đời sống bạn chưa? Xin hãy chia sẻ kinh nghiệm đó để khích lệ anh em chúng ta trong Chúa.
Mỗi tuần một câu Kinh Thánh
EsIs 64:8
Hỡi Đức Giê-hô-va, dầu vậy, bây giờ Ngài là Cha chúng tôi! Chúng tôi là đất sét, Ngài là thợ gốm chúng tôi; chúng tôi thảy là việc của tay Ngài.
**

Câu chuyện về một gia đình giàu có
Tôi không bao giờ quên được mùa Phục Sinh năm 1946. Lúc đó tôi 14 tuổi, em gái tôi - Ocy thì 12, và chị Darlene thì 16. Chúng tôi sống với mẹ và phải thường xuyên sống trong sự thiếu thốn. Cha tôi qua đời năm năm về trước, chẳng để lại gì cho mẹ tôi ngoài bảy đứa con đang tuổi đến trường.
Vào khoảng năm 1946, hai chị lớn của tôi đi lấy chồng. Rồi hai người anh lớn cũng rời gia đình. Khoảng trước lễ Phục Sinh một tháng, ông mục sư của nhà thờ chúng tôi đã thông báo với Hội Thánh rằng sẽ có một buổi dâng hiến đặc biệt trong mùa lễ năm nay, và tất cả số tiền đó sẽ dùng để giúp một gia đình nghèo khó trong Hội Thánh. Ông kêu gọi mọi người hãy để dành và rộng lòng dâng hiến.
Sau lời kêu gọi của ông mục sư, chúng tôi về nhà và bàn bạc rất sôi nổi xem mình nên làm gì cho việc này. Chúng tôi quyết định sẽ mua năm mươi pao (pound) khoai tây để cả nhà ăn trong một tháng. Làm như vậy, chúng tôi có thể tiết kiệm được hai mươi đô-la trong tiền mua thực phẩm. Rồi chúng tôi còn quyết định là sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng đèn điện trong nhà, cũng không nghe radio nữa, như vậy lại có thể để dành thêm một khoảng từ cái hóa đơn tiền điện. Chị Darlene thì cố gắng nhận thêm việc giúp việc nhà, dọn dẹp vườn... Còn hai đứa tôi thì nhận giữ trẻ cho mọi người bất cứ lúc nào có thể. Với mỗi mười lăm xen (cent), chúng tôi có thể mua đủ chỉ cotton để đan thành ba miếng lót bình trà và bán với giá một đô-la. Chúng tôi kiếm được hai mươi đô-la nữa trong công việc này. Tháng đó thật sự là một tháng tuyệt vời nhất trong cuộc đời chúng tôi.
Mỗi ngày chúng tôi đếm xem mình đã để dành được bao nhiêu tiền. Buổi tối, chúng tôi ngồi trong bóng tối và nói chuyện với nhau về gia đình nghèo khó kia, họ sẽ vui mừng như thế nào khi nhận được số tiền mà Hội Thánh giúp đỡ. Hội Thánh chúng tôi có khoảng tám mươi thành viên, chúng tôi nhẩm tính xem số tiền mà Hội Thánh sẽ giúp gia đình kia, có lẽ nó phải gấp hai mươi lần số tiền của chúng tôi.
Trong lúc đó, mỗi sáng Chúa nhật, ông mục sư của chúng tôi đều nhắc nhở mọi người để dành cho việc dâng hiến sắp tới.
Đêm truớc lễ Phục Sinh, cả nhà chúng tôi rất háo hức trong lòng nên rất khó ngủ. Chúng tôi cũng chẳng quan tâm đến việc mình sẽ không có quần áo mới cho dịp lễ Phục Sinh năm nay; Chúng tôi đã có bảy mươi đô-la để dâng hiến. Cả nhà ai cũng sốt ruột chờ đến giờ đi nhóm. Vào sáng Chúa nhật, mưa như trút nước. Chúng tôi cũng không có một cây dù nào, và nhà thờ thì cách xa chỗ chúng tôi khoảng hơn một dặm, nhưng dường như điều đó chẳng có ý nghĩa gì với chúng tôi lúc này cả. Chị Darlene nhét một miếng giấy carton vô giày để che các lỗ thủng lại. Đi được một lúc, tấm giấy thấm nước và rách ra, thế là chân chị ấy ướt nhẹp.
Ở trong nhà thờ hôm đó, chúng tôi ngồi một cách rất hãnh diện. Tôi nghe một vài thiếu niên đang bàn luận về những bộ quần áo cũ của chúng tôi đang mặc. Tôi nhìn họ trong những bộ quần áo mới, và tôi vẫn cảm thấy mình giàu có.
Khi hộp tiền dâng được đưa đến, chúng tôi đang ngồi ở hàng ghế thứ hai trong nhà thờ. Mẹ tôi bỏ tờ mười đô-la vào hộp, và mỗi đứa chúng tôi thì bỏ tờ hai mươi đô-la.
Chúng tôi đã hát suốt trên đường từ nhà thờ về nhà. Buổi trưa hôm đó, mẹ tôi tạo một sự ngạc nhiên cho chúng tôi, bà mua một chục trứng và thế là chúng tôi luộc trứng Phục Sinh để ăn với khoai tây chiên! Vào lúc xế chiều, ông mục sư lái xe đến thăm chúng tôi. Mẹ ra mở cửa, nói chuyện với ông một lúc, và trở vào với một cái phong bì trên tay. Chúng tôi hỏi mẹ cái gì thế, nhưng mẹ chẳng nói tiếng nào. Khi mẹ tôi mở phong bì, một xấp tiền rơi ra: ba tờ hai mươi đô-la mới toanh, một tờ mười đô-la và mười bảy tờ một đô-la.
Mẹ tôi cất số tiền vào lại phong bì. Chúng tôi không nói tiếng nào, chỉ ngồi và nhìn xuống sàn nhà. Chúng tôi đã rơi từ cảm giác mình là triệu phú xuống thành người nghèo nhất. Những đứa trẻ chúng tôi đã có một đời sống quá hạnh phúc đến nỗi chúng tôi cảm thấy tội nghiệp cho những người không có mẹ và ba như chúng tôi, không có ngôi nhà với đầy đủ anh chị em và những đứa trẻ khác thường xuyên thăm viếng. Tôi biết rằng gia đình tôi không có nhiều thứ như những gia đình khác, nhưng thật tình tôi không bao giờ nghĩ rằng chúng tôi nghèo!
Chính ngày Phục Sinh hôm đó, tôi đã biết rằng chúng tôi là những người nghèo. Ông mục sư đã đem tiền đến tặng chúng tôi, vì thế chắc chắn chúng tôi phải là người nghèo rồi, tôi nghĩ. Tôi không thích mình là người nghèo! Tôi nhìn lại bộ quần áo đang mặc, rồi cởi đôi giày ra - và tôi cảm thấy xấu hổ -thậm chí tôi không muốn đi nhà thờ nữa. Mọi người có thể đều đã biết chúng tôi là người nghèo nhất Hội Thánh rồi!
Tôi nghĩ về việc đến trường. Tôi đang học lớp chín và luôn đứng đầu lớp học với hơn một trăm học sinh. Tôi tự hỏi không biết bọn trẻ trong trường có biết chúng tôi là người nghèo không? Tôi quyết định có thể mình sẽ nghỉ học bởi vì tôi đã học xong lớp tám. Lúc đó, nhà trường cho phép làm vậy.
Chúng tôi ngồi trong im lặng rất lâu. Rồi trời tối dần, và chúng tôi lên giường ngủ. Cả tuần đó, mấy đứa chúng tôi chỉ đi học rồi về nhà, và ai cũng ít nói hẳn đi. Cuối cùng, ngày thứ bảy đến, mẹ hỏi rằng chúng tôi muốn làm gì với số tiền đó? Những người nghèo làm gì với số tiền như thế? Chúng tôi chẳng biết nữa. Chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ là mình nghèo cả.
Cả ba đứa chúng tôi đều không muốn đi nhà thờ vào Chúa nhật hôm đó, nhưng mẹ tôi bảo phải đi nhà thờ. Dù trời hôm đó nắng ấm áp, chúng tôi đi mà chẳng ai nói với ai câu nào. Thế rồi mẹ bắt đầu cất giọng hát, nhưng chẳng có ai hát chung theo cả, mà mẹ tôi cũng chỉ hát được có mỗi một câu.
Hôm đó có một vị giáo sĩ đến giảng ở nhà thờ chúng tôi. Ông kể rằng ở Châu Phi có nhiều nhà thờ đang được xây dựng bằng gạch, nhưng họ đang thiếu tiền để mua vật liệu cho mái nhà thờ. Ông nói rằng một trăm đô-la là số tiền đủ để làm một cái mái cho nhà thờ. Ông giáo sĩ nói thêm, " Chẳng lẽ chúng ta không thể hy sinh để giúp đỡ những người nghèo ở đó hay sao?" Chúng tôi nhìn nhau và mỉm cười lần đầu tiên suốt một tuần qua.
Mẹ lấy ví tiền, rồi rút hết tiền trong cái phong bì ra. Mẹ chuyền cho chị Darlene, chị Darlene đưa cho tôi, và tôi đưa nó cho Ocy. Ocy bỏ vào trong hộp tiền dâng.
Và khi kiểm tra số tiền dâng, vị giáo sĩ thông báo rằng đã thu được "hơn một trăm đô-la một chút". Và ông tỏ ra rất vui. Ông không mong đợi một số tiền lớn như vậy ở một nhà thờ nhỏ như nhà thờ của chúng tôi. Ông nói, "chắc hẳn trong nhà thờ quý vị phải có những người giàu có." Câu nói bất ngờ đã đánh trúng vào sự mặc cảm của chúng tôi! Chúng tôi đã dâng tám mươi bảy đô-la trong số "hơn một trăm đô-la một chút" kia. Chúng tôi là mộ gia đình giàu có