Khi anh ta tán tỉnh cô Rose Gabrielian, theo cách của người Ạc-mê-ni.
Khi anh ta cân nhắc những lời tiên tri “không có ý nghĩa rõ ràng”
Khi anh ta và Rose đối diện với sự mất mát bi thương về đứa con gái nhỏ.
Khi anh ta đối phó với tiếng kêu khóc của công việc, khi anh khám phá một căn bệnh truyền nhiễm ghê gớm trong các bầy bò sữa của mình, đương đầu với sự chống đối của gia đình trong khi tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho đời sống mình.
Câu chuyện về cuộc đời của Demos chia sẻ một bí quyết mạnh mẽ mà hết thảy những người tin Chúa cần phải biết để sống còn qua những giờ phút khó khăn. Để khám phá được cách trở thành những người hạnh phúc nhất trên trần gian này.
Lời Nói Đầu
Vào một ngày u ám giữa tháng mười hai 1960, chúng tôi lái chiếc xe trung của mình lùi vào cạnh chỗ đậu xe cuối cùng nằm phía trước khách sạn President ở Thành phố Atlantic.
Vài giây sau một chiếc Cadillac du lịch sờn cũ mang biển số California quẹo vào chỗ trống cạnh bên chúng tôi và một người đàn ông to lớn với chiếc nón cao bồi rộng vành bước ra. Ông ta chìa bàn tay to, đầy sẹo vì lao động ra, và nói.
“Tôi là Demos Shakarian”
Ông ta đi vòng qua phía bên kia xe và giữ cánh cửa cho một phụ nữ xinh xắn có mái tóc màu sẫm bước ra “còn đây là vợ tôi, Rose”
Chúng tôi giải thích cho họ biết rằng chúng tôi là những phóng viên của tờ báo Guidefosts được phân công để tìm hiểu việc nói tiếng lạ, chúng tôi cũng lẹ làng nói cho họ biết rằng chúng tôi đến đây “chỉ để xem qua”.
Chúng tôi đã có một cuộc xem qua “ra trò”. Khách sạn President là hiện trường của tuần lễ hội đồng giáo hạt của một tổ chức được gọi là Hội Thông Công Trọn Vẹn Quốc Tế Của Các Doanh Nghiệp Cơ Đốc, (Full Gospel Business Men’s Fellowship International) là tổ chức mà Demos là người sáng lập và là chủ tịch.
Hàng ngàn người ở vùng bờ biển phía đông đã đến thành phố Atlantic, một số thì để gặp gỡ con người xuất thân từ trang trại với màu da rám nắng trong chiếc nón rộng vành, một số muốn trao đổi những câu chuyện về điều Đức Thánh Linh đang làm việc trong đời sống họ, và một số người khác, cũng như chúng tôi chỉ để xem qua, có một chút kính sợ nhưng với hoài nghi nhiều hơn.
Hãy coi chừng chủ nghĩa cảm xúc, chúng tôi cảnh giác nhau việc kêu lớn tiếng, đưa tay cao, những lời làm chứng cuồng nhiệt, là những kỹ thuật hao tốn thời gian để đẩy một đám đông vào tình trạng kích động.
Chúng tôi đã theo dõi... Song chẳng có điều nào thuộc loại kích động ấy xảy ra. Từ phía trước phòng khiêu vũ của khách sạn, ông Demos hướng dẫn buổi nhóm với sự nhạy cảm im lặng của một người nghe được tiếng nói mà chúng tôi không thể nghe. Thay vì những lần lộn lạo mà chúng tôi đã chờ đợi, một sự vui mừng được kiềm chế và trật tự đang điều khiển buổi nhóm. Tự mình bọc giáp lấy mình để phòng chống những loại kích động đã chẳng thấy xảy đến, chúng tôi chẳng có lý do gì để chống lại tình yêu thương đã thật sự chạm đến và làm mềm lòng chúng tôi, thế là cùng với hàng trăm người khác, chúng tôi bắt đầu bước đi trong Thánh Linh. Trong vòng mười lăm năm kể từ tháng mười hai năm ấy, chúng tôi đi theo phong trào Ngũ Tuần đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, bởi vì chúng tôi tìm thấy đây chính là những câu chyện tốt đẹp, là những sự phấn khích, những đời sống được thay đổi rất thực tế trong hội thánh ngày nay. Và chúng tôi bắt đầu chú ý một điều thú vị. Bất cứ nơi nào chúng tôi trò chuyện với những người có đức tin sống động như những người nam, người nữ, người trẻ tuổi hoặc lớn tuổi, người Thiên Chúa Giáo La mã và hội Mennonite, từ giờ này sang giờ khác, câu chuyện luôn luôn bắt đầu với nhóm các doanh nhân lạ thường này là một nông gia nuôi bò sữa xuất thân từ Downey Bang California tên là Demos Shakarian.
Làm thế nào điều đó có được, chúng tôi tiếp tục tự hỏi, điều gì đã khiến cho một người hay cả thẹn, diễn đạt không trôi chảy, với một nụ cười dịu dàng từ tốn, một người đàn ông dường như chẳng khi nào vội vàng, dường như ngày hôm nay chẳng bao giờ phải biết rằng ngày mai mình sẽ ở đâu, lại có một ảnh hưởng trên hàng triệu người? Chúng tôi quyết định phỏng vấn con người đó để tìm ra sự thật.
Nói dễ nhưng làm lại rất khó. Ông Demos có lẽ đang sống ở Boston, Bangkok hoặc Bá Linh và ông thường không trả lời thư từ. Nhưng suốt bốn năm qua chúng tôi đã thu xếp một số chuyến viếng thăm. Ông Demos và bà Rose đã đến miền Đông để gặp gỡ chúng tôi, và về sau chúng tôi gặp nhau trong căn nhà gỗ của một người bạn ở Thụy sĩ. Chúng tôi đã làm việc tại Conaco và Palm Springs. Chúng tôi trò chuyện trong những xe hơi, ở những sân bay và trong những nhà hàng Ạc-mê-ni. Thú vị nhất là thời gian chúng tôi ở lại với ông Demos và bà Rose tại nhà của họ ở Downey, cũng chính là ngôi nhà nhỏ mà họ đã xây năm 1934 khi đứa con đầu tiên của họ ra đời. Ngôi nhà của thân phụ ông Demos kế bên, đã trống vắng từ khi cha ông qua đời. Đó là căn nhà rộng lớn với nhiều phòng hơn, nhưng Demos và bà Rose - vâng, chắc chắn đã có nhiều kỷ niệm trong ngôi nhà nhỏ này.
Dần dần chúng tôi đã bắt đầu hiểu rõ bí quyết của ông Demos.
Một phần trong ngôi nhà đó gia đình ông đã mang theo từ Ạc-mê-ni. Quốc gia Cơ đốc giáo cổ nhất này, cũng là một đất nước đã chịu đau khổ nhiều nhất vì niềm tin của mình. Và bởi cớ sự chịu đựng đau đớn họ đã hiểu biết Chúa cách sâu xa.
Đó là một sự hiểu biết sâu xa hơn bất cứ một quốc gia hay dân tộc nào. Đó là một bí quyết mà mỗi người trong chúng ta cần phải biết, bởi vì khi thực hiện bí quyết đó, như lời ông Demos nói “dầu cho hoàn cảnh của thế giới xung quanh chúng ta có ra sao, chúng ta vẫn sẽ là những người hạnh phúc nhất trên trần gian này”
Tháng mười một , năm 1975
John và Elizabeth Sherrill
Tuyển tập Lilncoln , Virginia
Sứ Điệp Từ Bên Kia Dãy Núi
Một buổi sáng nọ, Rose và tôi đang trên đường lái xe xuyên qua thành phố Los Angeles trở về nhà, bất chợt tôi có một khao khát muốn ra khỏi xa lộ và chạy ngang qua nhà nơi nội tôi, ông Demos, đã sống khi ông đến Hoa kỳ lần đầu tiên.
Sau bốn mươi hai năm chung sống, Rose đã quen với những ước muốn bất chợt nầy, vì vậy dầu đã một giờ sáng, nàng vẫn không nói một lời khi tôi quẹo xuống đoạn đường dốc và chạy vào khu vực thường được gọi là khu chung cư Los Angeles. Căn nhà tô xi măng vuông vức nay không còn tọa lạc ở số 919 đường Boston nữa. Ngồi một lát trong xe, chúng tôi nhìn ra chung quanh ngôi chung cư mới đã thay thế hàng xóm xưa cũ. Đoạn tôi quay xe lại và hướng thẳng ra xa lộ.
Nhưng những kỷ niệm miên man về ông nội đã theo tôi suốt buổi tối với thời tiết nóng bức tại California. Tôi biết vì sao đêm nay tôi cần phải thực hiện chyến đi vòng ấy. Chính vì một lời tiên tri mà Rose và tôi đã được nghe trước đấy vào buổi chiều. Chúng tôi đã dự buổi nhóm của Hội Thương Gia Phúc Âm Trọn Vẹn (Full Gospel Business Men) tại Beverlig Hills, nơi có một người đã nói tiên tri, tuyên bố rằng đang nói ra chính những lời của Đức Chúa Trời, cho biết một cơn bách hại lớn cho các Cơ đốc nhân chẳng bao lâu sẽ xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả Liên Bang Hoa kỳ.
Chúng ta hiểu thế nào về một lời tuyên bố như vậy? Gia đình tôi đã hiểu gì về một sứ điệp tương tự cách đây một thế kỷ? Bởi vì lúc đó cũng từng có một lời tiên tri như vậy, và kể từ đó mọi sự đã xảy ra trong cuộc đời của ông nội tôi, cuộc đời của cha tôi và tôi đều là kết quả của việc đã coi trọng lời tiên tri ấy.
Đã hai giờ sáng khi tôi rẽ vào lối đi trong sân nhà mình tại Downey, giờ trăng sáng tỏa khắp thật thú vị cho giấc ngủ. Tôi là một người hay thức khuya mà Rose không thể đợi nỗi.
Vì vậy nàng lên giường khi tôi kéo chiếc ghế cũ kỹ ở phòng khách lại gần cửa sổ, và ngồi xuống đó trong đêm tối, thả tâm trí lang thang trở về quá khứ.
Tôi chưa được biết ông nội Demos của mình, ông cụ đã qua đời trước khi tôi được sinh ra, nhưng tôi đã từng nghe cả ngàn lần những câu chuyện về ông. Tôi biết từng chi tiết tường tận đến nỗi khi đang ngồi đây nhìn ra những chiếc lá của cành cam ẩn bạc dưới ánh trăng, dường như tôi nhìn thấy phong cảnh ở một vùng đất khác, thật xa và thật xưa. Đối với một người Ạc-mê-ni việc ấy không có gì là khó. Chúng tôi là những con người của Cựu ước, quá khứ và hiện tại vì vậy dệt vào nhau đến nỗi điều đã diễn ra cách đây một trăm năm hoặc một nghìn năm, hai nghìn năm vẫn thực hữu đối với chúng tôi như những ngày tháng rõ ràng trên tờ lịch.
Tôi từng được nghe tả thường xuyên đến nỗi có thể thật sự tìm thấy ngôi làng nhỏ bé thuộc vùng Kara kala nằm vững chắc ở vùng đồi thấp, dưới chân ngọn Ararát là ngọn núi, mà Kinh Thánh cho chúng ta biết nơi chiếc tàu của Nô-ê đã tấp vào đó. Nhắm mắt lại, tôi thấy những ngôi nhà bằng đá, các chuồng gia súc, và những kho thóc, nhà trại một gian, nơi ông nội Demos của tôi đã sống. Trong gian nhà đó, năm cô con gái của ông được sinh ra, mà không có một cậu con trai nào cả, đó là nỗi ô nhục giữa vòng những người Ạc-mê-ni cũng giống như nỗi ô nhục giữa ruộng đồng những người Ysơraên kia.
Tôi hình dung ông nội đi bộ đến nhà thờ mỗi buổi sáng Chúa nhật cùng với năm cô con gái nhỏ. Mặc dầu phần đông người Ạc-mê-ni đều theo Chánh Thống Giáo, ông tôi và nhiều người khác ở tại Kara kala lại là những tín đồ của giáo hội Trưởng lão. Tôi có thể thấy ông lúc đang băng qua làng để đến nhà thờ nơi hội chúng đang nhóm lại trong ngày Chúa nhật đặc biệt đó, đầu ngẩng cao mang nỗi sỉ nhục thinh lặng.
Chính vì nhu cầu lớn lao của ông mà tôi dường như luôn ngạc nhiên vì ông cụ đã không thừa nhận ngay sứ điệp lạ lùng đang từ từ lan khắp vùng núi gần năm mươi năm. Sứ điệp ấy được những người Nga mang đến, ông tôi cũng khá ưa thích những người Nga, ông chỉ quá khôn ngoan để chấp nhận những câu chuyện của họ về những phép lạ. Người Nga đến trong những chiếc xe lưu động dài, với các toa có mui che. Họ ăn mặc cũng giống như người dân chúng tôi, trong những chiếc áo cao cổ dài đến đầu gối, thắt lưng bằng những dây gai có núm tua, những người đàn ông đã có gia đình trang điểm bằng cách để râu rậm. Người Ạc-mê-ni nghe hiểu được họ không có gì khó khăn, vì hầu hết người dân chúng tôi cũng nói tiếng Nga. Họ lắng nghe những câu chuyện về điều mà người Nga gọi là “sự tuôn đổ của Đức Thánh Linh” trên hàng trăm ngàn người Cơ đốc theo giáo hội Chánh Thống Nga. Những người Nga đã đến như những người mang theo những tặng phẩm. Tặng phẩm của Đức Thánh Linh, là điều họ muốn được chia xẻ. Tôi có thể nghe ông bà nội tôi trò chuyện đến khuya sau một trong những chuyến viếng thăm ấy, ông tôi chắc đã nói, người ta phải công nhận rằng mọi điều mà người Nga đang nói đều là những điều thuộc về Thánh Linh.
“Tôi muốn nói sự chữa lành có trong Kinh Thánh, việc nói tiếng lạ cũng có, lời tiên tri cũng vậy. Chỉ có điều là toàn thể sự việc nghe không có vẻ... Ạc-mê-ni chút nào”. Bằng câu nói ấy hẳn ông muốn nói đến sự đáng tin cậy, tính trung thực thực tế.
Và bà nội tôi, lòng lúc nào cũng nặng nề, hẳn đã nói “ông biết đấy khi ông nói về các lời tiên tri và sự chữa lành là ông đang nói đến phép lạ”.
“Phải”
“Nếu có bao giờ chúng ta được nhận lãnh Thánh Linh theo cách ấy, thì ông nghĩ rằng chúng ta có thể cầu xin một phép lạ chăng?”
“Bà muốn nói đến việc có một đứa con trai phải không?”
Thế rồi có lẽ bà tôi đã bật khóc. Tôi biết một điều, đó là vào một buổi sáng nắng đẹp tháng năm năm 1891, bà nội tôi đã khóc nức nở.
Qua nhiều năm một số các gia đình sống tại Kara kala đã bắt đầu thừa nhận sứ điệp của những người Nga theo Ngũ Tuần (Pentecostal) người em rể của ông tôi là Magardich Mushegan, lúc bấy giờ là một trong số những người ấy. Ông đã nhận báp tem bằng Thánh Linh và trong những chuyến thăm viếng thường xuyên ở tại trang trại Shakarian, hẳn ông đã nói về niềm vui mới mẽ trong đời sống mình, được đặt nền tảng trên Thánh Kinh.
Trong cái ngày đặc biệt đo, ngày 25 tháng 5 năm 1891. Bà nội tôi và các phụ nữ khác đang may vá trong một góc phòng của gian nhà trại. Bà vẫn cố gắng may, nhưng nước mắt cứ tiếp tục tuôn rơi trên mảnh vải đặt nơi lòng bà.
Bên kia gian phòng, kế bên cửa sổ, nơi có ánh sáng tốt, Magradich Mushegan đang ngồi với quyển Kinh Thánh mở rộng trên gối.
Thình lình, Magardich đóng sầm quyển Kinh Thánh lại, ông đứng lên và băng qua gian phòng. Ông đến đứng trước mặt bà tôi, hàm râu đen rậm động đậy lên xuống vì sự kích động.
“Goolisar”, ông Magardich nói “Đức Chúa Trời vừa phán cùng tôi!”
Bà tôi ngồi thẳng lên “vâng, sao cơ, Magardich?”
“Ngài phán với tôi một sứ điệp dành cho chị”. Ông nói “Goolisar, đúng một năm sau chị sẽ sanh một bé trai”
Khi ông nội tôi từ ngoài đồng trở về, bà tôi đón ông ở cửa với tin nóng bỏng về lời tiên tri lạ lùng. Lòng vui mừng muốn tin nhưng vẫn còn hoài nghi, ông tôi không nói gì cả, ông chỉ mỉm cười khẽ rùn vai, và đánh đấu những ngày tháng trên tờ lịch.
Ngày tháng trôi qua bà tôi đã có thai. Đến lúc này mọi người ở Kara kala đều đã biết lời tiên tri ấy. Cả làng hồi hộp chờ đợi. Thế rồi vào ngày 25 tháng năm, năm 1992, đúng một năm kể từ lúc lời tiên tri được ban ra, bà tôi sinh một bé trai.
Lần đầu tiên gia đình tôi chạm trán với Thánh Linh theo cách riêng tư như vậy. Mọi người ở tại Kara kala đều đồng ý rằng việc chọn tên cho cậu bé là đúng hoàn toàn: Cậu sẽ được gọi là Ysác, bởi vì cậu cũng giống như đứa con trai mong đợi lâu ngày của Ápraham, đứa trẻ của lời hứa.
Tôi quả quyết rằng ông tôi là một người đàn ông tự hào và hạnh phúc khi dẫn bộ cả gia đình mình đến nhà thờ mỗi Chúa nhật sau khi Ysác được sanh ra. Nhưng ông tôi vốn có tính cứng cỏi trong con người mình. Cũng như những người Ạc-mê-ni ông tự xem mình là người có một tâm trí quá cứng rắn để có thể dễ dàng chấp nhận rằng ông đã được chứng kiến một lời tiên tri siêu nhiên thuộc loại đã được đề cập đến trong Kinh Thánh. Có thể lời tiên tri của Magardich chỉ là một sự may mắn!
Và rồi tất cả chỉ trong vòng một ngày, những nỗi nghi ngờ của ông tôi đã biến mất. Chỉ một lần đủ cả.
Vào năm 1990, khi Ysác lên tám và em gái cậu là Hamas, bốn tuổi, có tin báo rằng một trăm Cơ đốc nhân người Nga từ bên kia núi đang trên đường đến đây trong những toa xe ngựa có mui che. Mọi người đều vui thích. Tại Karakala có tục lệ tổ chức tiệc mừng dành cho những Cơ đốc nhân mỗi khi họ viếng thăm một nơi nào đó. Mặc dầu không đồng ý với “Tin Lành Toàn Vẹn (Full Gospel) người Nga rao giảng, ông tôi vẫn coi những cuộc thăm viếng của họ là những thời gian được biệt riêng cho Chúa, và nhất định buổi tiệc đón mừng phải được tổ chức ở miếng đất rộng lớn bằng phẳng ngay trước ngôi nhà của mình.
Bấy giờ, ông tôi rất tự hào về đàn gia súc béo tốt của mình, nghe tin đoàn người Nga đang trên đường sắp đến nơi, ông đi ra ngoài bầy gia súc của mình và xem xét kĩ từng con. Hẳn ông đã chọn một con bò đực tơ tốt nhất, mập nhất cho bữa tiệc đặc biệt đó.
Thế nhưng rủi thay, con đực tơ mập nhất trong bầy lại có một khuyết tật khi được kiểm tra. Con vật bị đui một mắt.
Làm thế nào bây giờ? Ông tôi biết lời Kinh Thánh rất rõ: Ông biết mình không được dâng một con sinh có khuyết tật cho Đức Chúa Trời, há không phải LeLv 22:20 có phán rằng “các ngươi chớ dâng một con vật nào có tì vít , vì nó sẽ không được nhậm ” sao?
Thật là một tình thế khó xử! Không có con vật nào khác trong bầy lớn đủ để cho một trăm người khách dùng. Ông tôi nhìn quanh. Không ai để ý cả. Có lẽ ông đã tự tay giết con vật to béo ấy và chỉ việc giấu cái đầu có tì vít đi. Phải, đó là điều ông đã làm! Ông tôi dẫn con thịt chột mắt vào kho chứa rơm, tự mình mổ thịt nó và vội vàng bỏ cái đầu vào một cái bao rồi đem giấu dưới đống lúa mì đã đập trong một xó tối.
Ông tôi kịp đúng giờ, vì khi vừa chuẩn bị xong con thịt, ông đã nghe thấy tiếng rầm rầm của các toa xe ngựa tiến vào Kara kala. Thật là một cảnh tượng thú vị! Những toa xe móc nhà lưu động dài quen thuộc đang tiến vào con đường bụi đỏ, mỗi chiếc do bốn con ngựa đẫm mồ hôi kéo. Bên cạnh người đánh ngựa của đoàn xe thứ nhất, là vị giáo trưởng với bộ râu trắng, ngồi thật thẳng, oai vệ như bao giờ, ông ta là người lãnh đạo và là tiên tri của đoàn khách. Ông nội tôi và cậu bé Ysác chạy lên đường để đón mừng các vị khách của họ.
Khắp nơi, sự chuẩn bị cho bữa tiệc đều đã sẵn sàng. Chẳng bao lâu con thịt lớn được quay bằng một cái xiên trên bếp lửa than khổng lồ. Chiều hôm đó mọi người tụ tập lại quanh những chiếc bàn dài làm bằng các tấm ván, ai nấy mong chờ và đều đói bụng. Tuy nhiên, trước khi bữa ăn bắt đầu, thức ăn phải được chúc phước.
Những Cơ đốc nhân thời đó sẽ không dâng một lời cầu nguyện nào cả, dầu là lời cầu nguyện cảm tạ ngắn trước mỗi bữa ăn, cho đến khi nào họ nhận được điều mà họ gọi là sự xức dầu. Họ sẽ chờ đợi trước mặt Chúa cho đến khi nào, theo lối nói của họ, Thánh Linh đổ trên thức ăn. Họ tuyên bố rằng, (đó cũng là một điều khá ngộ nghĩnh đối với ông tôi) họ có thể thật sự cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Khi việc đó xảy ra, họ sẽ đưa tay lên và nhảy múa vui mừng.
Như thường lệ, trong dịp nầy, những người Nga chờ đợi sự xức dầu bằng Thánh Linh. Khi không còn nghi ngờ gì nữa, theo như mọi người đã để ý, thì người thứ nhất và người tiếp theo sẽ nhảy múa trong chỗ thích hợp. Mọi sự diễn tiến như thường lệ. Chẳng bao lâu đến giờ chúc phước cho thức ăn, và bữa tiệc được bắt đầu.
Nhưng thật bất ngờ đối với ông tôi, khi vị Giáo trưởng đột nhiên đưa tay lên, không phải dấu hiệu của sự chúc phước mà là một cách ra dấu để bảo tất cả phải dừng lại. Đưa mắt nhìn ông tôi bằng một cái nhìn xuyên suốt lạ lùng, người đàn ông cao lớn râu tóc trắng bước ra khỏi bàn không nói một lời.
Đôi mắt của ông tôi theo dõi từng bước chân của vị giáo trưởng khi ông băng qua khoảng sân và vào bên trong kho chứa rơm. Sau một hồi, ông xuất hiện, trong tay ông giữ chiếc bao mà ông nội tôi đã giấu bên dưới đống lúa mì.
Ông tôi bắt đầu run. Làm sao ông cụ biết được! Không ai nhìn thấy ông cơ mà. Những người Nga thậm chí còn chưa giáp bờ làng khi ông giấu cái đầu ấy. Bấy giờ vị giáo trưởng đặt chiếc túi biết nói ở trước mặt ông tôi và mở rộng ra cho mọi người nhìn thấy cái đầu bò với một con mắt trắng bệt.
“Có điều gì cần xưng ra không, anh Demos?” vị giáo trưởng người Nga hỏi.
“Vâng, tôi có,” ông tôi trả lời, người vẫn còn run. “Nhưng làm thế nào mà ông biết được?”
“Đức Chúa Trời đã nói cho tôi biết” ông nói thật đơn giản “anh vẫn không tin rằng ngày nay Ngài cũng phán với dân sự Ngài như trong những ngày trước. Đức Thánh Linh đã ban cho tôi lời hiểu biết ấy vì một lý do đặc biệt, hầu cho anh và cả nhà anh hẳn sẽ tin. Anh vẫn đang chống lại quyền năng của Thánh Linh. Hôm nay là ngày anh thôi chống cự nữa”
Trước mặt những người dân lân cận và các vị khách trong buổi chiều tối hôm đó, ông tôi đã xưng ra mọi dối gạt mà ông đã cố làm. Với những giọt nước mắt lăn xuống má hòa lẫn vào hàm râu lởm chởm, ông xin họ tha thứ. Ông nói với nhà tiên tri: “Hãy chỉ cho tôi biết, làm thế nào để tôi cũng nhận được Thánh Linh của Đức Chúa Trời.”
Ông tôi quỳ xuống và trưởng lão người Nga đặt đôi bàn tay xương xẩu vì lao động lên đầu ông. Ngay lập tức, ông tôi bật lên lời cầu nguyện vui mừng trong một ngôn ngữ mà cả ông lẫn những người đang có mặt không ai hiểu được. Những người Nga gọi loại phát biểu bày tỏ trạng thái cực kỳ sung sướng đó là “tiếng lạ” và coi đó như một dấu hiệu cho thấy Đức Thánh Linh đang hiện diện với người phát biểu. Tối hôm đó, bà nội tôi cũng đã được nhận “báp tem Thánh Linh”
Đó là khởi đầu của sự thay đổi lớn lao trong đời sống của gia đình chúng tôi, và một trong những điều đầu tiên đó là sự thay đổi trong thái độ đối với một công dân nổi tiếng nhất Kara kala. Nhân vật này nổi tiếng khắp cả vùng dưới danh hiệu “cậu bé Tiên Tri” mặc dầu vào lúc sự việc cái đầu con thịt xảy ra thì cậu bé Tiên Tri đã năm mươi tám tuổi rồi.
Tên thật của ông ta là Efim Gerasemovitch Klubniken gia đình ông ở giữa vòng những người theo giáo phái Trưởng Lão đầu tiên vượt biên giới, đến cư ngụ lâu dài tại Kara kala. Từ thuở thiếu thời, Efim đã cho thấy ông có ân tứ cầu nguyện, thường xuyên tiếp tục những kỳ kiêng ăn kéo dài, cầu nguyện suốt ngày đêm.
Như mọi người ở tại Kara kala đều biết, khi Efim lên mười một, cậu nghe Chúa một lần nữa kêu gọi cậu bước vào một trong những kỳ cầu nguyện thức canh. Lần này cậu đã kiên trì cầu nguyện trong suốt bảy ngày đêm, và trong thời gian đó cậu đã nhận được một khải tượng.
Khải tượng này tự nó không có gì là phi thường. Quả thật, cũng như ông tôi vẫn thường hay làu bàu, bất cứ ai hoặc không ăn uống hoặc không ngủ nghỉ một thời gian lâu như vậy thì chắc chắn sẽ thấy một cái gì đó. Nhưng điều cậu Efim có thể làm được suốt trong bảy ngày ấy thật không dễ để mà giải thích.
Efim không hề biết đọc hoặc biết viết. Tuy nhiên, khi cậu ngồi trong căn nhà nhỏ bằng đá tại Kara kala cậu đã nhìn thấy trước mặt mình một khải tượng về các biểu đồ và một sứ điệp viết tay thật đẹp. Efim xin một cây bút và một tờ giấy. Rồi trong suốt bảy ngày ngồi nơi chiếc bàn ván gồ ghề chỗ gia đình ngồi ăn, cậu đã khó nhọc viết lại hình dáng của các chữ viết và các sơ đồ đã hiện ra trước mặt cậu.
Khi hoàn tất, bản viết tay được giao cho những người biết đọc trong làng. Hóa ra cậu bé mù chữ này đã viết ra một loạt những huấn thị và lời cảnh cáo bằng tiếng Nga. Cậu bé đã viết rằng, vào một thời điểm nào đó không xác định trong tương lai, mọi Cơ đốc nhân ở Kara kala sẽ phải gặp khó khăn khủng khiếp. Cậu nói trước một thời kỳ bi thảm không tả xiết xảy ra cho cả vùng, khi hàng trăm ngàn người nam, nữ và con trẻ sẽ bị tàn sát man rợ. Cậu cảnh cáo thời kỳ sẽ đến khi mọi người trong vùng phải chạy trốn, họ phải đi đến một vùng đất bên kia biển. Mặc dầu chưa bao giờ nhìn thấy một cuốn sách về địa lý. Cậu bé Tiên Tri đã vẽ một bản đồ chỉ rõ chỗ mà những Cơ đốc nhân chạy trốn phải đến đấy. Trước sự sửng sốt của những thanh niên, khối nước được mô tả rất chính xác trong bản vẽ không phải là vùng biển Đen bên cạnh, không phải biển Caspian, cũng không phải Địa Trung Hải xa xôi mà là bờ biển Đại Tây Dương (Atlantic) xa tít mù mà không thể hình dung ra được! Không còn nghi ngờ gì nữa, cả vùng đất nằm bên cũng được nhận ra: Bức họa đồ đã chỉ rõ ràng vùng bờ biển phía đông của Hoa kỳ.
Nhưng những người tị nạn không định cư ở đó, lời tiên tri tiếp tục, họ phải tiếp tục hành trình cho đến khi tiến đến tận miền Tây của vùng đất mới. Cậu bé viết, tại đó Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho họ và làm cho họ được thạnh vượng, và khiến cho dòng giống của họ trở thành một nguồn phước cho các dân tộc.
Cách ít lâu sau, Efim cũng viết một lời tiên tri thứ hai, mà hết thảy mọi người đều biết rằng lời tiên tri ấy có liên hệ đến khoảng thời gian trong tương lai còn xa hơn nữa, là khi dân chúng một lần nữa sẽ phải chạy trốn. Efim yêu cầu cha mẹ niêm phong lời tiên tri ấy trong một phong bì, và lập lại những huấn thị mà cậu đã nhận được qua lời tiên tri đó. Cậu cũng được báo cho biết trong khải tượng đến đó rằng chỉ có một vị Tiên Tri trong tương lai, được Đức Chúa Trời chọn cho công tác nầy, mới được mở chiếc phong bì đó mà đọc lời tiên tri cho hội thánh. Bất cứ ai mở chiếc phong bì trước thời hạn phải chết.
Vâng, nhiều người ở tại Kara kala đã cười vào những điều mà người ta cho rằng tưởng tượng của cậu bé. Chắc hẳn phải có một số những lời giải thích nào đó về bản viết tay “kỳ lạ” của cậu bé. Người ta cho rằng có lẽ cậu đã bí mật tự học, đọc và viết, chỉ nhằm để làm trò lừa bịp dân làng.
Tuy nhiên, những người khác đã bắt đầu gọi Efim là cậu bé Tiên Tri và không dám cho rằng sứ điệp ấy không thật. Mỗi khi có những tin tức về những sự lộn xộn chính trị mới lan đến vùng đồi núi yên tỉnh xung quanh rặng núi Ararát, thì họ lại lôi những trang giấy lúc này đã vàng ố ra và đọc lại. Những vụ rắc rối giữa những người Hồi giáo Thổ nhĩ kỳ với các Cơ đốc nhân người Ạc-mê-ni dường như đang gia tăng kịch liệt. Vào tháng 8 năm 1896, bốn năm trước khi ông tôi làm thịt con vật bị mù mắt, há không phải một đám đông hỗn tạp người Thổ nhĩ kỳ đã giết hại hơn sáu ngàn người Ạc-mê-ni trên những đường phố Constantinople sao?
Nhưng Constantinople thì ở quá xa, và năm tháng đã trôi qua kể từ khi lời tiên tri được ban bố. Thật ra những lời tiên tri trong Kinh Thánh thường đến rất nhiều lần, thậm chí hàng trăm năm trước khi biến cố xảy ra. Nhưng hầu hết dân chúng ở tại Karakala, ông tôi cũng ở trong số đó, đều tin rằng những ân tứ về việc nói tiên tri đích thực đã chấm dứt kể từ khi Kinh Thánh đã được hoàn tất.
Thế rồi không lâu sau những năm đầu thế kỷ, Efim loan báo rằng đã gần đến thời điểm ứng nghiệm những lời mà ông đã viết cách đây gần năm mươi năm. “Chúng ta phải lánh sang Hoa kỳ. Hết thảy những ai còn ở lại sẽ phải bỏ mạng”
Đây đó ở tại Kara kala, những gia đình theo giáo phái Ngũ Tuần khăn gói rời khỏi mãnh đất và nhà cửa đã từng một thời là tài sản của tổ tiên để lại. Efim và gia đình ông ở vào số những người đầu tiên ra đi. Khi có một nhóm người theo Ngũ Tuần nào rời bỏ Ạc-mê-ni, thì họ lại bị những người còn lại chế nhạo. Những lớp người hoài nghi và không tin, kể cả nhiều Cơ đốc nhân không chịu tin rằng Đức Chúa Trời có thể ban bố những huấn thị thật chính xác cho con người hiện nay trong thời đại nầy.
Nhưng những huấn thị đó đã được chứng minh là đúng vào năm 1914, một giai đoạn khủng khiếp không thể tưởng tượng nỗi đã xảy đến cho xứ sở Ạc-mê-ni với một sức lực không thể suy giảm, người Thổ nhĩ kỳ bắt đầu tiến hành một công việc đẫm máu đó là đánh đuổi hai phần ba dân cư khỏi nơi họ đang sống để đưa họ vào sa mạc Mêsôpôtami. Hơn một triệu người, cả nam lẫn nữ và trẻ con đã chết trong những cuộc hành trình khủng khiếp đó, kể cả mọi cư dân ở tại Kara kala. Nửa triệu người khác đã bị tàn sát tại các làng mạc của họ trong một cuộc thảm sát, mà sau này cung cấp cho Hitler ý đồ của ông ta nhằm hủy diệt người Do thái “Thế giới đã không hề can thiệp khi người Thổ nhĩ kỳ xóa sạch người Ạc-mê-ni” ông ta đã nhắc nhở những kẻ theo mình “ngày nay Thế giới cũng sẽ không can thiệp đâu”.
Một số ít những người Ạc-mê-ni trốn ra khỏi những khu vực bị bao vây đã mang theo những câu chuyện về sự dũng cảm, anh hùng của những người Ạc-mê-ni còn kẹt lại. Họ thuật lại rằng nhiều khi những người Thổ nhĩ kỳ đã cho các Cơ đốc nhân một cơ hội để chối bỏ đức tin của mình hầu đổi lấy mạng sống. Một tiến trình ưa chuộng nhất là nhốt tất cả các Cơ đốc nhân vào một chuồng chứa gia súc hoặc chứa thóc và châm lửa đốt: “Nếu chúng mày chịu nhận Môhamét thế cho Đấng Christ, chúng tao sẽ mở cửa”. Cứ như thế, không biết bao nhiêu lần, những Cơ đốc nhân đã chọn cái chết, những bài Thánh ca tôn ngợi Chúa được cất vang lên khi ngọn lửa phủ chìm họ.
Những người đã lưu tâm đến lời cảnh cáo của cậu bé Tiên Tri và tìm được nơi ẩn náu ở tại Hoa kỳ đều choáng váng khi được tin.
Ông nội Demos của tôi thuộc trong vòng những người đã lánh thoát. Sau kinh nghiệm xảy ra với vị Trưởng lão người Nga, ông tôi không còn dám coi nhẹ giá trị pháp lý của lời tiên tri nữa. Vào năm 1905 ông đã bán đi nông trại từng thuộc về gia đình từ nhiều đời, chấp nhận với bất cứ giá tiền nào ông có thể có được. Đoạn, ông chọn những đồ vật mà gia đình có thể mang theo trên lưng, kể cả tặng vật của riêng ông là chiếc ấm Samôva đồng đun bằng củi. Thế rồi cùng với vợ và sáu cô con gái, Shushan, Esther, Siroon, Magga, Yerchan, Hamas, và niềm tự hào của ông, cậu bé Ysác mười ba tuổi, lên đường tìm đến đất Mỹ.
Cả gia đình đã đến Nữu ước bình yên, nhưng vì cớ lưu ý đến lời tiên tri, nên đã không định cư tại đó. Để giữ đúng theo huấn thị đã được viết ra, họ tiếp tục hành trình băng qua vùng đất mới rộng lớn hoang vu, cho đến khi đến được Los Angeles, ở đó, thật vui mừng, họ tìm được một khu vực có người Ạc-mê-ni, dầu nhỏ bé nhưng đang phát triển, là nơi có một số bạn hữu từ Kara kala đến và hiện đang sinh sống.
Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn nầy, ông tôi đã đi tìm nhà ở “khu chung cư” là khu vực rẻ nhất ở Los Angeles, dầu vậy chính vì việc có thêm hai gia đình khác mới đến mà ông phải dọn gia đình mình đến căn nhà hình vuông có tô xi măng ở tại số 919 đường Boston.
Chuyến đi bằng tàu thủy, cuộc hành trình băng qua đất Mỹ, và việc chia xẻ căn hộ mới đã làm hết sạch số tiền bán được nông trại ở quê nhà, vì thế ông tôi lập tức tìm kiếm việc làm. Không thành công. Tình trạng suy thoái trầm trọng vào những năm cuối thế kỷ 19 vẫn còn đè nặng trên California, là nơi không tìm được việc làm, đặc biệt đối với những người mới đến, là người không nói được chữ nào trong thứ tiếng nầy. Mỗi buổi sáng ông tôi thường đi đến chỗ thuê người, để rồi mỗi chiều lại trở về, bước chân có phần nặng nề hơn ngày hôm trước.
Nhưng có một thời giờ trong mỗi một tuần lễ, khi mà tất cả những nỗi lo lắng đều được dẹp qua một bên, đó là buổi nhóm thờ phượng ngày Chúa nhật. Căn nhà tại thành phố Boston có một phòng khách phía trước đã nhanh chóng trở thành nơi nhóm chung. Buổi nhóm giữ theo các thói lệ của hội thánh tư gia trước đây ở tại Kara kala. Ở giữa là một chiếc bàn rộng trên đó để một quyển Kinh Thánh mở ra. Một bên phòng dành cho những người nam, ngồi theo thứ tự tuổi tác, người lớn tuổi hơn ngồi gần nhất, tiếp theo là những người trẻ hơn và cuối cùng là các cậu bé, bên kia phòng, luôn luôn như vậy dành cho các người nữ, cũng xếp theo thứ tự tuổi tác. Những người lớn tuổi vẫn tiếp tục để những bộ râu đen rậm, mặc dầu đôi khi một người nam trẻ tuổi hơn cũng làm mọi người bực mình vì chỉ để râu mép. Trong hội thánh vẫn bắt buộc những người nam phải mặc những chiếc áo dài đến gối màu sáng, còn phụ nữ thì mặc váy dài có thêu và khăn trùm đầu đan móc bằng tay, là loại y phục được truyền lại qua nhiều thế hệ. (Hầu như các ngày còn lại trong tuần thì không bắt buộc như vậy)
Ông tôi hẳn đã nhận được một sự yên ủi đặc biệt khi nhờ cậy nơi sự nâng đỡ về mặt thuộc linh từ tập thể Cơ đốc này. Họ có một sự khao khát từ khi biết rằng Chúa có thể phán trực tiếp với họ qua Kinh Thánh. Với nhu cầu về công việc làm luôn mang nặng trong tâm trí, ông tôi hẳn đã quỳ gối trên tấm thảm đông phương đã được đem từ quê nhà để cầu xin “một lời phán”. Sau đó toàn thể hội chúng hẳn sẽ bắt đầu cầu nguyện thầm thì, thường là trong những thứ tiếng không ai hiểu, trong trạng thái vui sướng được gọi là tiếng lạ. Cuối cùng, một trong những người lớn tuổi sẽ bước đến chỗ quyển Kinh Thánh đặt tay mình vào phân đoạn Kinh Thánh nói đến sự cứu chuộc. Những lời ấy dường như luôn phán thẳng vào nhu cầu. Có lẽ đó là những lời nói về sự thành tín của Chúa hoặc về những ngày đượm sữa và mật như lời cậu bé Tiên tri đã phán trước. Vâng, hội thánh nhỏ bé của người Ạc-mê-ni đang chờ đợi những ngày đó xảy đến, nhưng ít nhất là trong khi chờ đợi, họ cũng có những giờ phút thông công đẹp đẽ.
Ngày nọ có một sự khích lệ khác. Tình cờ ông tôi và người em rể, Magardich Mushegan (là người đã nói tiên tri về việc Ysác được sanh ra) đang đi bộ trên đường phố Sanpedro tại Los Angeles, tìm việc làm ở các chuồng nuôi ngựa thuê. Khi đi qua một con đường phụ gọi là Azusa, họ đột nhiên dừng lại. Cùng với mùi ngựa và mùi da để làm yên cương họ nghe những âm thanh không thể nào lầm lẫn được của những con người đang ngợi khen Đức Chúa Trời bằng tiếng lạ. Họ không hề hay rằng một nơi ở Hoa lỳ lại có những người thờ phượng giống như họ vậy. Họ vội vàng tiến về phía chuồng ngựa đã được cải tạo, từ nơi đó những âm thanh vang vọng ra, ông tôi gõ cửa, lúc này ông đã thu thập được một ít từ Anh ngữ.
“Chúng tôi vào...được không?” ông hỏi.
“Được chứ!” Cánh cửa được mở tung ra. Có những cái ôm, những bàn tay đưa lên cảm tạ ca hát và ngợi khen Chúa. Ông tôi và Magardich trở về phố Boston với tin tức: Ngũ Tuần cũng đã đến với cả vùng đất xa xôi ở bên kia đại dương. Lúc ấy không ai biết rằng phố Azusa sẽ trở thành một địa danh nổi tiếng. Có một cuộc phấn hưng tiếp tục diễn ra trong khu chuồng nuôi ngựa thuê, là nơi phát xuất một sự đổi mới có sức lôi cuốn ở nhiều nơi khác nhau khắp cả địa cầu. Vào giây phút mà ông tôi nhìn thấy một tập thể các Cơ đốc khác thì cũng đơn giản như một sự đón mừng sự xác nhận lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ làm một điều gì đó mới mẻ và kỳ diệu tại California.
Điều mới mẻ ấy là gì, ông tôi đã không còn sống để mà nhìn thấy, công việc đều đặn mà ông chờ đợi từ lâu, cuối cùng đã đến, và cũng đã kết thúc trong bi thảm.
Một ngày trong năm 1906, ông tôi trở về nhà với dáng đi nhẹ nhàng.
“Ông đã tìm được việc làm” bà tôi nói
“Phải, tôi có việc làm”
Cả gia đình xúm lại xung quanh trong khi ông tôi cho biết tin tức quan trọng. Tận bên Nevada một tiểu bang khác, tiếp giáp với California, ngành đường sắt đang thuê người.
Nụ cười biến mắt trên gương mặt bà. Bà đã từng nghe nói đến Nevada, đó là vùng sa mạc, nơi nhiệt độ lên đến 49 độ C và người ta đã ngã chết khi cố thực hiện công việc nặng nề là đặt đường ray dưới sức nóng ghê tởm đó.
“Mình quên rồi sao,” ông tôi phản công “tôi là một nông dân và tôi đã quen làm việc ngoài đồng dưới ánh nắng. Hơn nữa Goolisar, mẹ thằng Ysác à, chúng ta còn sự lựa chọn nào nữa đâu?”
Vì vậy ông tôi mời gọi các trưởng lão trong hội thánh đến và nhận sự chúc phước theo truyền thống trước khi lên đường. Thế rồi với một bộ quần áo để thay đổi cuộn trong một chiếc mền, ông hướng thẳng đến vùng sa mạc. Chẳng bao lâu sau, người đưa thư cứ hàng tuần phát một lá thư chuyển tiền cho căn hộ ở phố Boston.
Rồi một buổi chiều mùa hạ, bức điện tín mà bà nội tôi luôn sợ hãi đã đến. Vào một ngày nắng nóng như thiêu như đốt, ông tôi đã ngã gục đang khi làm việc trên tuyến đường. Thi thể ông có lẽ đã được đưa về bằng tàu hỏa.
Bởi cái chết của ông nội. Cha tôi, cậu bé Ysác đã phải bước vào công việc khi cậu chưa sẵn sàng, mới mười bốn tuổi cậu phải đứng đầu gia đình.
Suốt nhiều tháng bố tôi phải đi bán báo ở một góc phố tại khu trung tâm Los Angeles. Ông kiếm được gần mười mỹ kim một tháng, đó là một sự đóng góp có giá trị lớn nếu ông nội còn sống, nhưng thật chật vật để đủ nuôi mẹ và sáu chị em gái. Ngay cả những thời điểm trọng đại của ngành làm báo, như trận động đất ở tại San Francisco năm 1906, khi ông bán được sáu chồng báo Extras trong vòng một tiếng đồng hồ, thì cũng chỉ thêm được một ít xị sữa trên bàn ăn mà thôi.
Cha tôi cũng không bao giờ lấy món tiền mà mình không khó nhọc để làm ra. Trong những năm đầu thế kỷ, những đồng tiền vàng vẫn còn lưu hành, đó là đồng tiền vàng Nam Mỹ có kích thước như đồng kên trị giá năm xu Mỹ. Một ngày kia một khách hàng vội vã nhét một đồng tiền vào tay bố, nhận ba xu thối lại và phóng nhanh ra đường, bố đã toan thả đồng tiền vào chiếc tạp dề xanh của cậu bé bán báo có in hàng chữ LOS ANGELES TIMES ở phía trước, nhưng khi chợt liếc xuống và nhìn thấy đồng “5xu” mà mình đang cầm trong tay là đồng tiền vàng năm mỹ kim.
“Ông ơi!” Bố tôi kêu lên nhưng người ấy đã vượt xa một khối nhà rồi. Bố tôi chặn chồng báo lại, và bắt đầu đuổi theo người đàn ông. Một chiếc xe điện trờ tới. Không suy nghĩ đến lần thứ hai, bố tôi nhảy lên trả tiền tàu lấy trong số tiền quý báu do chính mình kiếm được và lần theo người khách. Cuối cùng, ông bắt kịp người khách, bố nhảy xuống khỏi xe điện.
“Thưa ông!” Người đàn ông bấy giờ mới quay lại “thưa ông, đây không phải là đồng năm xu ạ?” Bố nói bằng tiếng Anh còn hơi ngập ngừng, ông xòe bàn tay ra và đồng tiền vàng lấp lánh dưới ánh nắng.
Tôi vẫn hay nghĩ đến người khách hàng ấy, người đã nhận lại đồng tiền vàng với một giọng nói ấm ức, biểu lộ sự vô tình nhỏ nhất để thừa nhận đồng tiền. Tôi thích nghĩ rằng giá như ông ta nhìn thấy những khuôn mặt đói khổ chờ đợi từng đêm ở cửa nhà số 919 Phố Boston, thì hẳn ông sẽ bảo cậu bé bán báo hãy giữ cả đi.
Mười mỹ kim một tháng chẳng đủ thiếu gì cho một gia đình. Vào những buổi chiều sau giờ làm việc, bố tôi bắt đầu dạo quanh những chỗ thuê người, cũng như bố ông cũng đã từng trước kia. Nhưng nếu công việc dành cho đàn ông đã hiếm hoi thì công việc dành cho những cậu bé lại càng khó hơn. Cuối cùng cậu hay được rằng có một chỗ trống trong xưởng làm bộ yên cương. Tiền lương thấp, chỉ mười lăm mỹ kim một tháng, nhưng dẫu sao cũng khá hơn là bán báo, vì vậy, bố tôi nhận làm.
Một ngày vào năm 1908, khi bố đã mười sáu tuổi, ông từ xưởng thợ trở về và nghe những lời rất ngạc nhiên của bà nội.
“Ysác, thật là một tin mừng!” Bà nội nói:
“Chúng ta thì có liên quan gì?”. Bố tôi trả lời qua chiếc khăn tay ông thường giữ nơi miệng. Bụi lông mịn của da thuộc ở xưởng làm yên cương đã chui vào hai lá phổi của ông và khiến ông ho liên tục.
“Mẹ đã tìm được một việc làm” bà nói
Bố tôi không tin là mình đã nghe đúng. Không có phụ nữ Ạc-mê-ni nào làm việc để kiếm tiền. Trong xứ sở của ông trước kia, người đàn ông phải chu cấp cho gia đình của họ, ông nhắc nhở bà tôi điều đó khi bà lau sạch lớp lông bụi bám trên tóc ông lúc ở ngoài nhà bếp.
“Nhưng Ysác nầy, con không thấy việc mang gánh nặng của mình như vậy là quá sức sao? Con thì ốm như cái xiên nướng thịt. Mẹ cũng đã nghe con gắt gỏng với Hamas hôm qua”
Bố tôi đỏ mặt lên song vẫn giữ lập trường của mình “mẹ không được nhận việc làm đâu”
“Mẹ nhận rồi. Một gia đình tốt bụng ở công viên Hollenbeck cần giặt ủi, chỉ là việc quét dọn nhỏ thôi mà”
“Vậy thì con sẽ đi thu xếp” bố đáp nhẹ nhàng, rời bếp ông lên căn phòng riêng của mình, bà tôi theo sau. Bà đứng ở bên cửa trong lúc ông cuộn một ít áo quần vào bọc “có mẹ đi làm rồi con không cần ở đây nữa”
Ngày hôm sau bà tôi đành phải báo cho những người ở công viên Hollenbeck, rốt cuộc bà không đến chỗ giặt ủi được.
Nhưng ở tại xưởng làm yên cương, bệnh ho của bố tôi lại càng trở nên tệ hại hơn. Căn bệnh chẳng khá hơn ngay cả khi ông được bầu làm người đốc công vào năm sau, mà nhiều lúc còn phải nằm liệt giường. Bà tôi thường kể rằng bà thức giấc, nằm nghe tiếng bố ho suốt cả đêm. Cuối cùng bà đã thuyết phục ông đi gặp bác sĩ, vị bác sĩ đã khẳng định điều mà mọi người trong gia đình đều phải biết: Nếu bố tôi không bỏ xưởng làm yên da, ông sẽ không sống hết tuổi thanh niên tức là dưới hai mươi tuổi.
Vấn đề bây giờ là: Ông có thể trợ giúp mẹ và các chị bằng cách nào khác đây? Và như gia đình vẫn luôn ở trong những giây phút bối rối. Bố tôi tìm đến hội thánh.
Những người Ạc-mê-ni Ngũ Tuần không còn thờ phượng tại phòng khách của căn hộ ở Boston nữa. Khi những người nam đã tìm được những công việc đây đó, thì điều đầu tiên họ làm đó là xây dựng một nhà thờ.
Đó là một công trình có hình dáng nhỏ thôi, nằm trên Phố Gless, khoảng hai mươi thước chiều dài và mười thước chiều rộng, với những băng ghế không có lưng tựa để có thể đẩy sát vào tường khi sự vui mừng của Chúa cảm động hội chúng nhảy múa trong Thánh Linh. Ngay đầu phòng là bàn ăn theo truyền thống.
Tôi có thể hình dung bố bước đến bên bàn như cha ông đã từng làm rất nhiều lần. Ông quỳ gối trên tấm thảm nhỏ màu nâu sậm và nói lên nhu cầu của mình, trong khi phía sau ông, những người đứng tuổi nhóm lại, có cả Magardich và người con trai của Magardich là Aram Mushegan, là người theo lời kể lại, mạnh đến nỗi có thể nhấc một chiếc xe ngựa lên khỏi mặt đất để bạn sửa bánh xe. Chính Aram là người đã đã đặt ngón tay của ông lên quyển Kinh Thánh lúc bấy giờ và đọc lớn những lời lạ lùng và đẹp đẽ này:
Ngươi sẽ được phước ở trong thành , và được phước ngoài đồng ruộng . Bông trái của thân thể ngươi , hoa quả của đất ruộng ngươi , sản vật của sinh súc ngươi , luôn với lứa đẻ của bò cái và chiên cái ngươi , đều sẽ được phước ...
Đất ruộng ư? Cha tôi tự hỏi. Bầy súc vật ư? Những lời kỳ diệu trong Phục Truyền Luật lệ ký đoạn 28 vẫn tiếp tục:
Đức Giêhôva sẽ khiến phước lành ở cùng ngươi tại trong kho lúa và trong các công việc ngươi , Ngài sẽ ban phước cho ngươi trong xứ mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi đã ban cho ngươi .
Và khi lắng nghe, bố tôi nhận ra rằng chỉ có một điều trên thế gian nầy ông thật muốn làm, điều mà ông suốt ngày mơ ước bên những máy cắt. Ông muốn được làm việc với bầy bò cái và những thứ tươi tắn, xanh mởn mọc lên ở ngoài đồng.
Nhưng phải có nhiều tiền mới mua được đất, ông tự nhắc mình mỗi khi suy nghĩ đến đó. Bấy giờ, lời hứa trong Kinh Thánh vang vọng bên tai ông đã đem đến một quyết định trong đầu. Bố đưa đơn xin nghỉ việc ở xưởng đóng yên cương, và trong vòng hai tuần, không có một việc làm nào cả.
Và dường như ông đã lập tức chú ý đến một việc. Hoa quả và rau cải được bày bán ở các cửa hàng chung quanh thành phố không những quá đắt để các gia đình như gia đình ông có thể mua được, mà chúng còn thường nhỏ bé và trông héo úa nữa, mặc dầu khi được hái, nó rất xanh tươi. Ông tự hỏi, nếu như ông đi lấy các thứ rau cải thật tươi từ vùng nông thôn và đưa về Thành phố để bán từ nhà này sang nhà kia thì sẽ thế nào nhỉ.
Vì vậy, chính ông đã dấn thân vào công việc do mình nghĩ ra. Phía đông và nam của Thành phố Los Angeles có các nông trại nhỏ, phần nhiều trong số đó do người Ạc-mê-ni làm chủ, là nơi sản xuất ra những loại hoa quả và rau cải có chất lượng nhất trên thế giới. Cha tôi lấy một số tiền ông đã dành dụm từ tháng này qua tháng kia để làm của hồi môn cho các chị em gái của mình, và với số tiền đó, ông mua hai thứ. Một chiếc xe ngựa có thùng phẳng, và một con ngựa hai tuổi, sắc nâu đỏ tên là Jack.
Ngày hôm sau, bố tôi đánh con Jack và chiếc toa trần ra chỗ ga đầu mối xe lửa nhỏ gọi là Downey. Thời ấy chưa có khu phố ở ngoại ô, nhưng có một thị trấn nhỏ cách đó mười lăm dặm trong vùng đồng quê. Mỗi chuyến đi mất ba giờ đồng hồ, nhưng bố tôi yêu từng phút trong cuộc hành trình đó. Bầu không khí trong sạch tươi mới, tràn ngập hai lá phổi đang bị đe dọa của ông như đang được chữa lành.
Giấc mơ bắt đầu lớn lên trong tâm trí của bố tôi: Một ngày kia ông hẳn trở thành một nông gia. Ông sẽ có những con bò của riêng mình, ông sẽ là một người làm việc trong trại bò sữa. Là người chủ trại bò sữa hảo hạng trong vùng.
Nhưng trong lúc này ông phải làm việc đã. Ngày hôm đó, tại Downey, bố tôi đi từ nông trại này đến nông trại khác, thâu nhặt rau díp ở chỗ này, cam và bưởi ở chỗ kia, cà rốt ở chỗ nọ, bất cứ những thứ trái cây hoặc loại rau cải nào đang trong mùa. Thế là thùng xe chất đầy những sản phẩm ngon nhất ông đánh xe về Los Angeles. Khi con Jack khua móng lóc cóc, lọc cọc trên các ngã đường Thành phố, thì bố tôi rao mời các món hàng của mình: “Dâu tây chín đây! Cam ngọt đây! Bó xôi mới hái đây!” Hàng của ông đều ngon, giá lại vừa phải, và lần kế tiếp khi ông đến đã thấy các bà nội trợ đang mong đợi ông.
Một năm nữa lại trôi qua. Bố tôi lúc này đã mười chín tuổi, hãnh diện để bộ ria mép hợp thời, số tiền hồi môn đã được đặt lại chỗ cũ và còn thêm nhiều hơn nữa. Với sức khỏe đã hồi phục và công việc làm ăn nay đã trôi chảy, bố tôi bắt đầu nghĩ đến việc lập gia đình.
Ông đã chấm cô gái mà ông muốn sau này sẽ trở thành vợ mình rồi, một thiếu nữ mắt đen, tóc đen mười lăm tuổi, tên là Zarouhi Yessayian, ông chưa quen biết cô Zarouhi một cách cá nhân. Theo tục lệ của người Ạc-mê-ni, không cô cậu nào được chuyện trò với nhau cho đến khi cha mẹ họ đã đồng ý với nhau về việc hôn nhân. Bố chỉ biết rằng khi ông đi ngang qua căn nhà của gia đình họ Yessayian ở số 6, Phố Gless thì tim ông đập rộn ràng trong lồng ngực.
Bởi vì cha ông đã qua đời, nên một Trưởng lão ở hội thánh đã tiến hành thủ tục cầu hôn Zarouhi cho bố tôi. Với những người nhà Yessayians, ông bày tỏ triển vọng của bố: Ngay khi đã dành đủ tiền đặt cọc, bố sẽ làm lại công việc bán rau trái và mua đất nuôi bò sữa. Sau đó người thanh niên quả quyết rằng, không gì có thể ngăn trở anh thực hiện điều đó.
Thế là bố tôi lấy vợ. Chẳng bao lâu sau, ông và mẹ tôi đã mua được mười mẫu Anh các cánh đồng ngô, trồng cây bạch đàn, và vùng đồng cỏ ở trung tâm Downey, và tuyệt hơn cả là ba con bò sữa. Bằng chính tay mình, ông và mẹ tôi đã xây dựng một ngôi nhà nhỏ bằng loại ván gỗ chưa thành phẩm. Mẹ thường bảo đó là một căn nhà nhỏ dễ lau rửa. Bởi vì các tấm ván dưới bề rộng 12 inches hở nhau đến nỗi nước cọ rửa sàn chỉ việc chảy qua các khe hở thấm xuống nền đất bên dưới.
Với phần mở đầu, tôi nhận biết rằng đang khi ngồi hồi tưởng trong chiếc ghế phòng khách cũ kĩ bầu trời đã ửng nhạt đàng sau những hàng cây cam. Dầu vậy sự suy tưởng của tôi vẫn cứ vơ vẩn ở thời quá khứ ấy. Vào ngày 21 tháng bảy năm 1913, ngay trước khi bố mẹ tôi hoàn tất căn nhà nhỏ bằng ván tại Downey, đứa con đầu lòng của họ đã ra đời. Không giống như ông nội tôi, đã phải chờ đợi quá lâu để có một đứa con trai, đứa con đầu lòng của bố mẹ tôi là đứa con trai. Bố mẹ gọi tôi là Demos.
Bên cạnh tôi, trên bàn là chiếc ấm đun trà to bằng đồng, chính là chiếc ấm ông tôi đã mang trên lưng từ Kara kala, đang bắt lấy ánh sáng buổi sớm mai. Tôi quay nhìn nó, các mặt được đánh bóng kĩ vàng rực trong ánh rạng đông, và tôi tự hỏi không biết khi đặt tên tôi theo tên của ông nội, cha mẹ tôi có đoán định rằng vai trò của lời tiên tri huyền nhiệm và dường như có ảnh hưởng sâu rộng cũng sẽ phải xảy đến trong cuộc đời tôi chăng.
Tác giả: John & Elizabeth Sherrill