Mời các bạn và các em thưởng thức ca khúc Để Gió Cuốn Đi, sáng tác: Trịnh Công Sơn , ca sĩ Hồng Nhung, PPS của NNS, clip You Tubecủa Phan Thới Hòavà đọc một bài viết hay cùng tựa đề Để Gió Cuốn Đi của thầy giáo Nguyễn Văn Nhân (Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM)
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi”. Ca từ của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã ám ảnh tôi từ thuở tóc còn xanh cho đến tận hôm nay “gió heo may đã về”.
Một tấm lòng, nghe thì dễ, mà nhiều khi thấy sao khó quá, giữa dòng đời va đập từng phút từng giây. Dạy học hơn ba chục năm, đi tới đi lui trong giảng đường mấy mươi đôi giày há mõm. Hai lá phổi chắc cũng hao gầy chút ít. Tôi vẫn nhắc mình cần có một tấm lòng, để khỏi vấp ngã. May, chưa vấp. Đó là nhờ hình ảnh một người Thầy mà phúc phần mình quá lớn mới gặp được – GS.TS Đặng Đình Áng.
Dân tỉnh lẻ, bỡ ngỡ bước chân vào thánh đường đại học, Thầy đã choáng ngợp hồn tôi với những tiên đề, định lý đẹp như những khúc Đường thi. Ngọn lửa thiêng Thầy chắt chiu truyền lại cho sinh viên chúng tôi, kẻ ít người nhiều, đến giờ vẫn âm ỉ cháy. Dù có người không theo nghiệp toán, kẻ bán phở, đứa bán xăng…, vẫn cho con học toán, như mối duyên nợ truyền đời. Những năm cuối thập niên bảy mươi, đất nước khốn khó trăm bề, sinh viên nội trú chúng tôi bữa ăn bo bo, bữa bột mì luộc chấm nước muối. Thầy đi giảng ở nước ngoài về, được mua hàng ở Intershop, dúi vào tay tôi mấy hộp sữa bò. Sau này, tôi chưa bao giờ được uống lại một ly sữa nào ngon như ly sữa ngày ấy. Tốt nghiệp, đi dạy, tôi vẫn hằng tuần về trường cũ học với Thầy. Tiếp tục dò dẫm bước vào con đường khảo cứu. Đọc sách chuyên khảo, đọc bài báo khoa học, suy nghĩ xem có cải tiến được gì không. Chẳng hề nghe Thầy đá động gì đến học phí. Rồi nợ áo cơm. Không đủ tiền photo sách, phải chép tay mấy chục cuốn, và khó quá, tôi bỏ học. Ít lâu sau, Thầy nhắn bạn bè kêu về học lại. Rồi lại nợ áo cơm. Thẹn. Ngày nhà giáo hằng năm không dám đến thăm Thầy. Lòng quặn đau.
GS Đặng Đình Áng (thứ 3 từ trái qua, hàng trước) với nhiều thế hệ học trò
Mười mấy năm sau, lại có phước được về học chương trình sau đại học với Thầy, lúc tóc trên đầu đã chớm hơi sương. Thầy chẳng hề phiền giận. Mỗi sáng được đến nhà Thầy, đứng chờ trước cửa, đúng giờ giật chuông, vào nghe Thầy giảng đạo Toán, thỉnh thoảng được khuyến mãi mấy khúc sáo tây, một chai bia lạnh, vài mẩu chuyện đời. Có lần tôi làm bài sai quá, Thầy rầy hơi nặng, rồi nhìn lại tôi Thầy sực nhớ không còn là cậu sinh viên đại học ngày xưa, Thầy dúi cho tôi ít tiền bảo ra đầu hẻm uống cà phê, như một lời an ủi. Một lần, Thấy lấy đôi giày đang mang tặng tôi với lời chúc giản dị: “Mong con đi khắp thế gian”. Đôi giày đã đưa tôi đến vài trường đại học, đã sưởi ấm lòng tôi những ngày cô đơn nơi xứ lạ.
Dấu ấn Thầy gieo vào lòng sinh viên chúng tôi quá lớn. Cái nhìn đúng sai toán học giúp chúng tôi khỏi lạc lối giữa đường đời muôn phần trắc trở. Mười mấy năm trở lại đây, cứ vào sinh nhật Thầy, chúng tôi lại đến nhà uống với Thầy dăm chén rượu, nhắc chuyện xưa. Học trò có người tóc còn xanh, có người đầu đã bạc, vẫn kính cẩn nghe Thầy dạy đạo làm người.
Rất mong những tấm lòng như Thầy (chắc không phải ít), gió sẽ cuốn mang đi, đến với muôn lòng. Nếu có kiếp sau, ước gì lại được học với Thầy, lại được mài mòn đời mình cùng bảng đen phấn trắng.
.
Nguyễn Văn Nhân
( Theo Người Lao Động)