“Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” (Eyes are the window to the soul). Câu ví von bất hủ nầy bắt nguồn từ câu nói của nhà hiền triết Marcus Tullius Cicero (106-43 B.C.), cũng là một chính trị gia lỗi lạc, nhà hùng biện đại tài của La Mã: “Utimago est animi voltus sic indices oculi.” (The face is a picture of the mind as the eyes are its interpreter) – Khuôn mặt là chân dung của tâm hồn mà đôi mắt làm công việc diễn giải – Tâm hồn con người như căn nhà kín cổng cao tường, ai mà biết được trong đó chứa đựng những gì ? Muốn nhìn thử tâm hồn của một người chất chứa những gì ? Chỉ có nhìn qua “đôi mắt” mới có thể làm được điều đó. Tất cả tình cảm con người: Thương yêu, giận hờn, oán ghét, khổ đau… đều dồn cả vào mắt. Đôi mắt chừng như lúc nào cũng lặng thinh, không nói gì cả, nhưng thật ra đã nói rất nhiều, những lời trần tình “không lời”.
Trong văn học, đôi mắt đẹp đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều văn thi sĩ. Từ Á sang Âu, kể không hết những áng văn chương ghi lại cảm xúc của văn thi nhân về những đôi mắt đã gây ấn tượng mạnh và khó quên trong cuộc đời của họ. Khi diễn tả vẻ đẹp một giai nhân, hình như là không thể thiếu hay bỏ sót “đôi mắt” được. Đôi mắt đã được các thi nhân diễn tả bằng những hình ảnh trừu tượng hoặc cụ thể, huyễn hoặc hay chân thật. Dù là hình ảnh diễn tả như thế nào thì mỗi biểu tượng của đôi mắt cũng đều có sức hấp dẫn và âm hưởng riêng biệt. Mỗi hình ảnh tiêu biểu “cửa sổ của tâm hồn” đều mang những nét tinh tế, lúc nhẹ nhàng thanh tao, lúc tê tái não lòng, lúc lặng lẽ mơ màng… đã là nguồn cảm hứng vô tận cho thi nhân. Những đôi mắt được diễn tả trong thi ảnh rất tuyệt vời, rất thiết tha, rất da diết… tùy vào hoàn cảnh tâm sự và cảm nhận của mỗi thi nhân. Nhìn vào đôi mắt, thả hồn phiêu du vào cõi mộng, giao hưởng với sắc màu và âm thanh, dấn thân đi tìm tòi và khám phá những bí ẩn đàng sau cặp mắt đã làm mình rung động.
Trong ngũ quan của con người (lưỡi , mắt, miệng, mũi, tai ), có thể nói mắt hay thị giác là giác quan, quan trọng nhất. Nhờ vào cặp mắt, con người mới có thể nhìn thấy, thưởng thức và chiêm ngưỡng được vẻ đẹp vạn vật chung quanh. Hầu hết những sinh hoạt căn bản của một người ít hay nhiều cũng cần vào sự đóng góp của đôi mắt. Thiếu hay mất đi thị giác, mọi hoạt động căn bản của một người đều bị đình trệ. Giác quan nào cũng quan trọng với con người cả nhưng thí dụ chỉ có thể chọn để có một thì con người chúng ta sẽ chọn giác quan nào trong ngũ quan . M. Beinouk của Romania đã trả lời hộ chúng ta :
Chỉ Cần Đôi Mắt
Hãy cưa đôi chân của tôi đi
Để tôi khỏi lang thang
Hãy xẻo đôi môi của tôi đi
Để tôi không còn hôn em được nữa
Hãy chặt đôi tay của tôi đi
Để tôi không thể ôm em
Hãy đập vỡ trái tim của tôi
Để nó không làm tôi điên dại
Xin hãy để lại cho tôi đôi mắt
Để tôi khóc người tình
Đã mất hút của tôi …
(M. Beinouk – Phạm Viết Đào dịch)
Tôi tạm trích một số thơ về “mắt” dưới đây. Và xin nhường lại cho bạn đọc sự cảm nhận, sự hòa nhịp rung động của mình với cảm xúc các tác giả qua lời thơ tiếng nhạc.
Kiều càng sắc sảo, mặn mà,
So bề tài, sắc, lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
(Đoạn Trường Tân Thanh)
(Làn thu thủy, nét xuân sơn…. bắt nguồn từ câu chữ Hán: Nhỡn quang như thủy, my tự xuân sơn: Mắt trong như nước mùa thu, mày như núi mùa xuân.)
Vẻ phù dung một đóa khoe tươi,
Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,
Gấm nàng Ban đã lạt mùi thu dung.
Áng đào kiểm đâm bông não chúng,
Khóe thu ba rợn sóng khuynh thành
(Cung Oán Ngâm Khúc)
(“thu ba” là sóng mùa thu, khóe thu ba chỉ mắt của con gái lấp lánh trong sáng như sóng mùa thu .. )
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng…(Lưu Trọng Lư)
Vừng trăng lên mái tóc mây
Một hồn thu lạnh mơ say hương nồng
Mắt em là một giòng sông
Thuyền ta bơi lội trong giòng mắt em (Lưu Trọng Lư)
Buổi chiều vàng như thóc
Gạt xuống từng khe xanh
Đôi mắt nàng long lanh
Chất nồng nàn nắng quái
Nắng chiều như hoa chanh
Lung linh từng sợi tóc
Mắt em, thuyền độc mộc
Chèo lướt trong hồn ta
………
Ta trở thành cái cốc
Đọng nắng chiều long lanh
Đôi mắt thuyền độc mộc
Em thả xanh hồn ta (Phạm Thiên Thư)
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hát còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước (Văn Cao)
Cuối thu vàng núi quanh bờ
Nước non trong sạch ai ngờ thần tiên
Em cười, đôi ngọc mắt đen
Nửa in sắc nước nửa đen sắc trời (Xuân Diệu)
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ, đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay (Thâm Tâm)
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây (Quang Dũng)
Ôi ! cặp mắt của người trong tợ ngọc
Sáng như gươm và chấp chóa kim cương !
Mỗi cái ngó là một vì sao mọc !
Mỗi liếc yêu là phảng phất mùi hương .
Hai mắt ấy chói hào quang sáng ngợp
Dẫn hồn ta vào thế giới thiêng liêng,
Hớp nhiều trăng cho niềm trinh rất ngớp
Say nhạc hường nổi bổng giữa đào nguyên (Bích Khê)
Chuỗi ngọc chàng cho em, mất rồi !
Còn đây một chuỗi Tiếc – thương dài
Và đây, vạn giọt lòng ngưng đọng
Ý ngọc Tình châu chớp mắt rơi …. (Đông Hồ)
Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng
Có trời lau lách chỗ hư không
Em tìm âu yếm trong đôi mắt
Thấy cả vô cùng dưới đáy sông (Nguyên Sa)
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con (Bùi Giáng)
Đôi mắt người ngây thơ
Không hề vương vấn tội
Có chở tình ta theo
Tới cõi nào diệu vợi? (Nguyễn Tất Nhiên)
Ôi mắt xa xôi, ôi mắt dị kỳ.
Ta thấy đó một trời ta mơ ước.
Ta thấy cả một vừng trăng thuở trước.
Cả con đường sao mọc lúc ta đi.
Cả hoàng hôn mây phủ lối ta về.
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ… (Đinh Hùng)
Những con mắt tình nhân
Nuôi ta biết nồng nàn
Những con mắt thù hận
Cho ta đời lạnh câm
Những mắt biếc cỏ non
Xanh cây trái địa đàng
Những con mắt bạc tình
Cháy tan ngày thần tiên (Trịnh Công Sơn)
Trong văn học dân gian thì đôi mắt cũng được nhắc nhở đến rất nhiều. Một số câu ca dao diễn tả đôi mắt như :
Trời sinh con mắt là gương
Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài (CD)
Những người con mắt lá răm,
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền (CD)
Chín thương cô ở một mình
Muời thương con mắt có tình với ai…(CD)
Ai buồn ai khóc thiết tha
Tui vui tui cũng chan hoà giọt châu (CD)
Ai làm Nam Bắc phân kỳ
Cho hai giòng lệ đầm đìa nhớ thương (CD)
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua anh những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề … (CD)
Trong lĩnh vực ca nhạc thì đôi mắt cũng đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ sáng tác. Một số bài về mắt tiêu biểu như: Giọt Nước Mắt Ngà (Ngô Thụy Miên), Thu Trong Mắt em (Phạm Anh Dũng), Nước Mắt Rơi (Phạm Duy),Trong Đôi Mắt Em (Trần Quang Lộc), Đôi Mắt Người Sơn Tây (Phạm Đình Chương), Mắt Đêm (Hoài An), Mắt Đẹp (Tuấn Khanh), Đôi Mắt Người Xưa (Trúc Phương), Mắt Lệ Cho Người (Từ Công Phụng), Mắt Lệ Cho Người Tình (Phạm Mạnh Cương), Màu Mắt Nhung (Đức Huy), Mắt Biếc (Cung Tiến), Giọt Sương Trên Mí Mắt (Thanh Tùng), Đôi Mắt Nào Mở Ra , Những Con Mắt Trần Gian (Trịnh Công Sơn), Đôi Mắt Thuyền Độc Mộc (Võ Tá Hân, Nguyễn Tuấn), Tình Yêu Mắt Nai (Quốc Dũng), Mắt Em Vương Giọt Sầu (Đăng Khánh), Lệ Đá (Trần Trịnh- Hà Huyền Chi) …
Trong lĩnh vực hội họa thì nhà danh họa Leonardo da Vinci đã nổi tiếng với bức danh họa Mona Lisa, còn có tên là La Gioconda, mà điểm đặc trưng bức chân dung này là nụ cười và ánh mắt. Điểm khiến chúng ta chú ý và ngạc nhiên là mức độ thật của bức chân dung với nụ cười và đôi mắt có vẻ sống động, như một người thật đang chăm chú nhìn chúng ta. (She really seems to look at us and to have a mind of her own- Nicholas Pioch). Trong lĩnh vực tôn giáo, mắt cũng được dùng làm biểu tượng (như giáo phái Cao Đài). Và trong lĩnh vực khoa học huyền bí thì chúng ta thường nghe truyền tụng về “thuật điểm nhãn hay khai nhãn” của thầy pháp là mở mắt cho một vật nào đó từ vô tri trở nên linh thiêng. Theo giới y học cổ truyền, một vị thầy giỏi chỉ cần nhìn vào đôi mắt, là biết một người khoẻ hay bệnh. Đôi mắt có thể cho biết người đó sắp bệnh, đã bệnh, bị bệnh đã lâu… và bệnh gì…v.v. Nhìn vào đôi mắt, họ có thể biết người đó vui hay buồn, hận thù, đau khổ hay hạnh phúc…
Tương truyền, bốn đệ nhất mỹ nhân của Trung Hoa ngày xưa là Điêu Thuyền, Chiêu Quân, Dương Quý Phi và Tây Thi đều có đôi mắt rất đẹp, quyến rũ mê hồn. Điêu Thuyền thì đẹp lộng lẫy đến trăng nhìn “trăng phải thẹn”. Sóng mắt Điêu Thuyền đã làm say mê đắm đuối hai cha con Đổng Trác và Lữ Bố và Lữ Bố vì ghen đã giết chết nghĩa phụ của mình. Đôi mắt nhung huyền của Tây Thi như tỏa ra ngàn sợi tơ tình, điểm tô nhan sắc tuyệt trần của nàng thêm lộng lẫy, cộng thêm tài đàn ca múa hát đã làm cho Ngô Phù Sai mê mệt. Ngô Phù Sai vì say đắm nhan sắc Tây Thi mà bị mất nước và vong mạng. Đường Minh Hoàng cũng vì say mê sắc nước hương trời, “làn thu thủy, khóe thu ba” của Dương Quí Phi mà đất nước loạn lạc và dân chúng khổ đau. Chiêu Quân nổi tiếng với danh hiệu “trầm ngư lạc nhạn” (cá lặn chim sa), cũng có đôi mắt rất đẹp, nhưng bị Mao Diên Thọ vì tư thù cá nhân, đã thêm cái nốt ruồi vào dưới khóe mắt của bức chân dung và xàm tấu với vua Hán rằng Chiêu Quân tuy đẹp nhưng có cái nốt ruồi “thương phu trích lệ”, mà sách tướng gọi là nốt ruồi sát phu. Vua Hán nghe lời nên chẳng nghĩ gì đến Chiêu Quân, đến khi nàng vào ra mắt vua trước khi đem đi cống Hồ, nhà vua mới thấy và vô cùng hối hận, luyến tiếc nhưng tất cả đều muộn màng. Trong buổi chia ly đau đớn, những giọt lệ long lanh trên khóe mắt của trang quốc sắc thiên hương, nghẹn ngào thương khóc kiếp “hồng nhan bạc mệnh”… Bốn tuyệt thế giai nhân với những đôi mắt “đẹp” đã một thời gây bão tố trong cung đình các triều đại Trung Hoa cổ xưa. Nước mắt là một vũ khí rất là lợi hại của phái nữ và nam nhi thì đã mấy ai cầm lòng được với nước mắt của nữ nhi, nhất là khi người đó lại là người mình yêu thương. Cái câu: “Chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy đôi mắt của giai nhân” có lẽ vẫn luôn luôn đúng.
Nếu có những đôi mắt “đổ nước nghiêng thành” thì cũng có những đôi mắt có thể phân định được chính tà. Nguyễn Tịch trong nhóm “Trúc Lâm thất hiền” đời nhà Tấn có đôi mắt rất “lạ thường “. Gặp người hiền lương, đạo đức, tài giỏi, ngay thẳng thì mắt ông chuyển thành màu xanh. Còn gặp kẻ giả dối, lừa đảo, tham ô, ác độc mắt ông sẽ chuyển thành màu trắng. Điển tích “mắt xanh” phát xuất từ câu chuyện này. Ai lọt vào mắt xanh, người đó coi như “đạt tiêu chuẩn” và “xài” được.
Về mặt khoa học, những thập niên gần đây, sự tiến triển của khoa học kỹ thuật giúp con người hiểu rõ hơn về đôi mắt. Làm sao cặp mắt con người có thể cảm nhận chính xác về kích thước, hình dáng, vị trí, chiều sâu và màu sắc của sự vật bên ngoài. Càng hiểu thêm, các nhà khoa học càng hết sức thán phục những đặc tính và cấu trúc kỳ diệu của thị giác con người, một kỳ công của tạo hóa. Hiện nay khoa học đang tìm cách sử dụng những hiểu biết về thị giác để chế tạo mắt nhân tạo thay thế cặp mắt tự nhiên. Nhưng những máy móc tinh vi nhất hiện nay vẫn chưa thể thay thế khả năng thâu nhận, tổng hợp và phân tích của cặp mắt tự nhiên. Về nhiều phương diện chẳng hạn như khả năng phân biệt màu sắc và cường độ ánh sáng, cử động nhanh chậm, hình thể kích thước, khoảng cách xa gần của vật thể, mắt nhân tạo vẫn thua xa mắt tự nhiên.
Đôi mắt quý báu giữ một nhiệm vụ hết sức thiết yếu: Giúp ta nhìn thấy sự vật xung quanh. Nhưng mắt cũng có thể là… nguồn thông tin cho những ai quan sát được chúng, chủ yếu là cung cấp các manh mối trực giác về cảm xúc và… ý định của một người. Gần đây, hai nhà khoa học của trường Đại học Columbia, GS Shree Nayar và TS Ko Nishino, vừa phát hiện thêm một đặc tính khác của đôi mắt mà đến nay chưa một ai biết đến là đôi mắt có khả năng phản ánh lại thế giới xung quanh chúng. Họ đã phát minh một hệ thống thu và phân tích các bức ảnh được thể hiện thoảng qua trên các màng chiếu là… giác mạc (của đôi mắt con người.)
“Hệ thống hình ảnh giác mạc”, như cách gọi của họ, khi mới nghe qua chẳng có vẻ gì là sáng tạo: Về cơ bản, họ dùng máy chụp ảnh kỹ thuật số (digital) có độ phân giải cao để chụp cận cảnh khuôn mặt của người họ muốn “đọc ý nghĩ thông qua mắt”. Giai đoạn chính thật sự chỉ bắt đầu sau khi ảnh chụp được chuyển qua máy tính, nơi một nhu liệu (phần mềm – software) tinh vi được dùng để cô lập vùng tròng đen của mắt – nơi một màng rất mỏng của nước mắt phủ trên giác mạc phản chiếu lại hình ảnh của thế giới xung quanh, tương tự cảnh vật phản chiếu xuống mặt hồ. Đến lúc này, ta có thể tha hồ quan sát được tất cả mọi thứ mà người đó nhìn thấy khi bức ảnh được chụp. Tóm lại “chụp và phân tích” các hình ảnh được thể hiện trên giác mạc mắt có thể giúp cho việc đọc được nhận thức của một người .
Bắt đầu việc nghiên cứu này từ tháng 3/2003, Nishino và Nayar đã nhanh chóng nhận ra rằng “bức tranh toàn cảnh hình cầu” được phản chiếu trên mắt là bao quát hơn cái thật sự rơi vào võng mạc cho ta “nhìn thấy”. Điều đó có nghĩa: Nếu ta mã số hóa (coding) và lưu giữ hình ảnh mắt của mình trong một thời điểm nào đó, chúng ta có thể xem lại các hình ảnh mắt đó và quan sát được những gì mà ta đã bỏ sót trong khi đang tập trung cái nhìn của mình về một hướng khác. Để xác định được cái mà bạn đang thật sự nhìn vào, các nhà nghiên cứu trường Đại học Columbia sử dụng đặc điểm cấu tạo của mắt và một số thảo trình toán được xây dựng hết sức công phu, để có thể tính toán ra “hướng nhìn chằm chặp” của bạn và xác định được cái thật sự rơi vào trong võng mạc. Khả năng này làm cho những cái liếc trộm và những câu nói dối kiểu “tôi mà thèm để ý vào” của quý ông với vị hôn thê của mình khi đi ngang qua các cô nàng xinh đẹp không thể tái diễn được nữa (!). Sau khi làm việc dự án này, Nishino đùa rằng “Tôi phải tự xét lại mình, chứ có nhiều thứ tôi không được phép nhìn vào đâu”
Quy trình chụp ảnh giác mạc, từ trái sang:
(1) Ổ mắt: Sau khi dùng máy ghi hình kỹ thuật số có độ phân giải cao chụp ảnh của mắt, một phần mềm đặc biệt sẽ được dùng để cô lập phần giác mạc.
(2) Phản ánh toàn diện: Ảnh trên giác mạc phản ánh cho thấy một hình ảnh bao quát của cảnh vật xung quanh.
(3) Phạm vi quan sát: “Bức tranh toàn cảnh hình cầu” cho thấy nhiều sự vật hơn thực tế nhìn thấy.
(4) Tại tiêu điểm: Dựa vào kết quả trên, có thể tính toán cái mà đối tượng đang nhìn vào.
Tiềm năng là kỹ thuật có thể được sử dụng trong lĩnh vực an ninh. Nayar đã tỏ ý là không muốn phát minh này được dùng bởi các chính quyền độc đoán, chẳng hạn họ có thể sử dụng các kỹ thuật của ông lần ra các dấu vết, khi nhìn vào các tấm ảnh chụp mắt, những điều mà một người muốn che giấu. Tuy nhiên, người ta cũng có thể nghĩ tới việc áp dụng kỹ thuật này cho máy quan sát tại các trạm kiểm soát an ninh để theo dõi xem có ai đó đang nhìn quá chăm chú vào các khu vực trọng yếu hay không. Ít rắc rối và ít gây tranh luận hơn sẽ là trường hợp các nhà tâm lý học có thể dùng kỹ thuật này để biết được chắc chắn là đối tượng (thân chủ) đang nhìn vào cái gì trong một thời điểm xác định, nhằm nghiên cứu phản ứng của người này. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế giao diện cho máy tính có thể sử dụng phát hiện này để tạo ra một loại phần mềm, có khả năng cung cấp cho người sử dụng thông tin dựa trên cái mà họ đang nhìn vào trên màn ảnh (screen).
Cuối mùa hè này, Nishino và Nayar sẽ chuyển công trình của họ cho Siggraph, thuộc Công ty Woodstock, để thử nghiệm xem hệ thống này có thể trợ giúp đắc lực ra sao cho việc thực hiện phim kỹ thuật số. Trên lý thuyết, theo họ, khi phân tích các hình ảnh được phản chiếu trên giác mạc mắt, chúng ta có thể thêm rất dễ dàng một đối tượng vào một cảnh quay nào đó, hoặc thậm chí có thể thay thế một diễn viên bằng một nhân vật được dựng lên bằng máy tính trong khi vẫn tái tạo lại được chính xác trạng thái ánh sáng gốc. GS Nayar dự tính lật lại các ảnh phản chiếu của mắt từ các bức ảnh cũ và xem lại quang cảnh xung quanh được thể hiện qua cái nhìn của đối tượng được chụp ảnh ra sao. “Bạn có bao giờ tưởng tượng là ngày nay chúng ta có thể khám phá được cái mà mục sư Martin Luther King đang nhìn thấy khi bức ảnh của ông được chụp không?” – GS Nayar hỏi.
Với văn thi sĩ, mắt là cửa sổ của tâm hồn và hiện nay thì khoa học đã chứng minh mắt không những là “cửa sổ của tâm hồn” mà còn là “cửa sổ cả một thế giới “của một người. Mặc dầu còn nhiều bí ẩn, nhưng những khám phá và hiểu biết về hiệu năng của mắt trong nhiều thập niên qua, cho thấy cặp mắt con người không thể nào là một sản phẩm tình cờ của tự nhiên. Đôi mắt, một kiệt tác phẩm của tạo hoá ban cho loài người, một “Cánh cửa vô cùng, xin chớ bao giờ khép lại…. “
LÝ LẠC LONG