(Dân Việt) – Sinh ra không được may mắn như những đứa trẻ khác khi thiếu đi hai cánh tay, cô bé mười ba tuổi ấy đã phải sống trong sự kỳ thị vì bị coi là “con ma rừng”.
Nhưng rồi bằng khát khao sống mãnh liệt, cô bé Đinh Honh (học sinh lớp 5B, Trường tiểu học Đăk Smar, huyện Kbang, Gia Lai) đã chiến thắng hủ tục của buôn làng và làm được nhiều điều khiến mọi người phải khâm phục.
Đinh Honh là con đầu lòng của chị Đinh Thị En (SN 1976, trú làng Krối, xã Đăk Smar, huyện Kbang, Gia Lai) chào đời trong một đêm mưa gió. Không đi siêu âm nên chị không biết đứa con mình sẽ sinh ra như thế nào. Vả lại, với người Ba Na con là của Yàng cho, cho thế nào thì nhận thế ấy.
Sinh ra đứa con gái, mà nó không có cái tay. Chị En tủi quá. Ngay cả chồng chị là anh Đinh Đeng (SN 1971) cũng hoảng hốt. Khi thấy chị thét lên, anh Đeng chạy vội đến bên vợ thì không tin nổi khi nhìn thấy đứa con “kỳ dị” của mình. Mặc trời mưa tầm tã, anh vẫn chạy khắp làng báo tin cho mọi người đến xem thử có phải vợ mình vừa mới hạ sinh ra một “con ma rừng” hay không. Khi nhìn thấy đứa bé, mọi người phán rằng gia đình Đeng bị Yàng phạt nên mới sinh con như vậy. Mà theo luật tục, sinh ra “con ma” thì phải mang bỏ nó vào trong rừng sâu để nó không biết lối tìm về làng quấy phá mọi người, làm cho mọi người gặp điều xấu.
Suốt 3 ngày sau đó, chị En chỉ biết khóc vì thương đứa con tội nghiệp của mình. Anh Đeng thì buồn rầu: “Rồi nó cũng sẽ nằm im một chỗ cho đến cuối cuộc đời chứ không làm được gì”. Khi làng bắt phải mang bỏ đứa bé vào trong núi sâu, thương con quá nên cả hai vợ chồng En đều quả quyết nó không phải là “con ma” nhưng không biết làm sao chống được luật tục nghìn đời nay của người Ba Na ở mảnh đất này. May sao, khi đó các cán bộ y tế cơ sở đã đến vận động, tuyên truyền cho bà con trong làng hiểu để không bắt con của vợ chồng chị En bỏ vào rừng nữa.
Dù vậy, người làng vẫn sợ vì đứa bé “khác người Ba Na mình quá!”. Thế là cả một thời gian dài không ai dám đến nhà En nữa. Vợ chồng En buồn lắm. Những lúc nhìn con, Đeng và En chỉ biết ứa nước mắt vì không có tay thì sau này nó sống làm sao. Bây giờ còn sức, hai vợ chồng còn làm cái rẫy mà nuôi được. Chứ sau này già rồi, ai làm nuôi Honh nữa. Những đêm khuya vắng, người làng vẫn thường nghe thấy tiếng khóc tỉ tê bên nhà của vợ chồng Đeng và En: “Yàng ơi! Sao Yàng cho con tôi như thế này!” Nhưng rồi thương con, bao nhiêu tình cảm En và Đeng đều dành hết cho đứa con tội nghiệp của mình.
Đôi chân kỳ diệu
Honh viết chữ bằng chân rất đẹp
|
Mặc dù không có tay, Honh vẫn phát triển như những đứa trẻ khác nhưng cuộc sống sinh hoạt của Honh gặp muôn vàn khó khăn. Những năm tháng đầu tiên, Honh cứ trườn bò như con sâu đo trong lúc di chuyển. Tất cả mọi sinh hoạt của em đều do bố mẹ và người anh trai Đinh Ol (SN 1998) giúp đỡ. Nhưng ở đời Yàng chẳng bao giờ lấy hết của ai cái gì, khi “lấy” của Honh đôi tay thì bù lại, Yàng đã cho lại Honh một đôi chân cực kỳ khéo léo.
Khi lên 7 tuổi, với ý chí kiên định và sự quyết tâm của mình, Honh đã quyết tâm từ chối mọi sự giúp đỡ của người thân. Chỉ vài tháng sau, tất cả mọi việc từ mặc áo, chải đầu, đánh răng… Honh đều làm thành thạo từ đôi chân của mình. Thương cha mẹ và anh trai vất vả, Honh bắt đầu tập làm các việc nhà, từ việc kẹp cây chổi quét nhà bằng cổ, rồi nhen lửa nấu cơm, nước cho gia đình đến việc gom chén bát đi rửa… tất cả mọi việc Honh làm không thua kém một người có đôi tay lành lặn. Đáng khâm phục hơn, ngoài thời gian đi học, Honh còn giúp gia đình bằng cách nấu cơm, giặt đồ, xay gạo, cõng em… và đặc biệt là đi mót bắp. “Cây bắp nào cao to quá, Honh đạp ngã cây xuống, rồi dùng chân rứt quả bắp bỏ vào gùi mang về cho bố mẹ”, Honh hào hứng kể.
Honh quét nhà
|
Khi lên 8 tuổi, trong một buổi trưa, thấy anh trai đang làm bài tập ở nhà, cô bé đã tiến lại gần rồi tò mò và thích thú. Nuôi ước mơ được cắp sách đến trường, Honh nói với cha mẹ xin cho mình đi học. Vợ chồng Đinh Đeng ngỡ ngàng: “Con gái ơi, con không cầm bút được như các bạn làm sao con đi học được!” nhưng Honh bảo không có tay thì sẽ viết bằng chân. Thế rồi Honh mượn bút, vở của anh và dùng chân viết một số chữ cái khá thành thạo khiến cha mẹ phải ngạc nhiên.
Thấy con gái đam mê con chữ, ngày hôm sau, anh Đinh Đeng dẫn bé Honh đến trường mẫu giáo để xin học. Nhưng khi nhìn thấy Honh như thế, các thầy cô giáo đều ái ngại và từ chối không nhận. Không nản chí, anh Đeng mua sách vở về cho con gái mình tự học, khi Honh đã đọc thông viết thạo, một lần nữa anh lại đưa con đến trường tiểu học trong xã xin đi học. Khi thấy Honh viết bằng chân thành thạo và rất đẹp không thua gì các bạn trong lớp, thầy hiệu trưởng đã đồng ý.
Dù không có đôi tay, nhưng với sự chăm chỉ và lòng quyết tâm của mình, Honh không những không thua kém bạn bè mà cô bé còn có phần giỏi giang hơn các bạn: “Cô giáo chỉ cần nói một lần là Honh nhớ ngay”, Honh tâm sự. Ham học, năm nào Honh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi và hiện tại cô bé là một trong 3 học sinh giỏi nhất của lớp 5B, Trường tiểu học Đăk Smar. Không chỉ học giỏi, Honh còn có năng khiếu vẽ tranh rất đẹp và làm toán nhanh hơn các bạn khác.
Cô Lê Thị Tuyết – giáo viên chủ nhiệm lớp 5B – cho biết: “Tuy cơ thể bị khiếm khuyết nhưng Honh luôn là học sinh chăm ngoan nhất lớp, học không thua kém bất kỳ bạn nào, luôn đứng đầu lớp. Honh viết chữ lên tấm bảng giáo viên rất đẹp, đều và thẳng. Ngoài ra, Honh hát cũng rất hay. Năm nào Honh cũng nhận được học bổng trẻ em nghèo vượt khó của tỉnh Gia Lai. Đầu năm 2013 này, Honh đã được nhận thêm học bổng Việt – Nhật nữa!”.
Ước mơ trở thành cô giáo
Tạo hóa đã không cho em hoàn thiện một cơ thể sống bình thường như bao đứa trẻ khác, thế nhưng đã cho em một đôi chân kỳ diệu. Chia sẻ về ước mơ sau này, Honh bộc bạch: “Honh sẽ cố gắng học để sau này trở thành cô giáo dạy cho học sinh như cô giáo em bây giờ!”.
Nói về con gái của mình, anh Đeng cười tự hào: “ Cứ nghĩ Honh không làm được gì, nhưng ai ngờ con mình lại làm giỏi giống như người bình thường, bây giờ mình rất tự hào về con. Thấy nhà mình khó khăn, có nhiều người liên hệ xin đưa Honh về nuôi nhưng gia đình không đồng ý”.
Theo Dòng Đời