Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, August 1, 2012

ĐỂ CẢM THÔNG NHAU --3


ĐỂ ĐƯỢC CẢM THÔNG
CHÚNG TA CẦN PHẢI YÊU THƯƠNG

Rõ ràng là giữa tình yêu và sự cảm thông có một sự nối kết rất mật thiết. Nó mật thiết đến nổi chúng ta không bao giờ biết lúc nào cái này chấm dứt và cái kia bắt đầu, hoặc cái nào là nguyên nhân, cái nào là hậu quả. Hễ ai yêu thì cảm thông và hễ ai cảm thông thì yêu. Người nào cảm thấy được cảm thông thì cảm thấy được thương yêu. Và người nào cảm thấy được thương yêu thì chắc chắn cảm thấy được cảm thông.

Người đàn ông cần biết mình được yêu thương rất đậm đà để có thể chia xẻ những bí mật sâu kín đầy cảm xúc của mình. Chẳng hạn anh có thể kể lại kinh nghiệm kỳ lạ đã xảy ra trong đời sống của anh một ngày nào đó, kinh nghiệm đó đối với anh là một sự can thiệp kỳ diệu của Đức Chúa Trời trong đời sống của anh. Và anh cũng có thể bày tỏ những lý tưởng cao cả mà anh hằng ôm ấp. Hoặc anh có thể nói về một sự kêu gọi từ bên trong như là một sứ mạng anh phải hoàn thành trên thế gian này. Đối với anh dường như anh không dám thố lộ điều đó cho một người nào khác. Anh e rằng người ta sẽ thấy điều đó buồn cười hoặc vô ích. Và đột nhiên không hiểu tại sao, khi sự tương giao với một người khác đạt đến một mức độ khiến anh đã tâm sự với người điều bí mật mà anh đã giấu kín lâu nay.
Giãy bày tâm tư tình cảm là việc làm rất khó và rất hiếm. Hàng ngàn nỗi lo sợ giữ chúng ta lại. Trước tiên là nỗi lo sợ xúc động, sự sợ phải khóc nhất là sợ người khác không cảm thấy được tầm quan trọng lớn lao của vấn đề đã chất chứa đầy trong ký ức và tình cảm của ta. Thật đau đớn biết bao khi một sự chia xẻ khó khăn như vậy rơi vào tai của những người thờ ơ, hoặc diễu cợt, tai của những người mà trong trường hợp nào họ cũng không hiểu được ý nghĩa những điều chúng ta nói.
Điều này có thể xảy ra giữa vợ chồng. Khi người vợ hoặc người chồng bày tỏ những nỗi niềm riêng tư của mình mà không được thông cảm thì sẽ dội lại và rơi vào một sự cô độc tình cảm khủng khiếp. Anh có thể ngã bệnh về việc đó. Trong những hoàn cảnh như vậy có người sẽ tìm đến mục sư, linh mục, có người tìm đến bác sĩ của họ. Họ cần tìm một người có thể cảm thông. Trong một số trường hợp chữa trị, sự giúp đỡ của một bác sĩ hay một tôi tớ Đức Chúa Trời có thể cần thiết, nhưng thường thì người vợ có thể đem lại sự giúp đỡ đó cho chồng hoặc chồng có thể mang lại cho vợ, nếu phương cách chữa trị là lắng nghe như mục sư, bác sĩ, nhà tâm lý học lắng nghe bệnh nhân.
Khi vợ chồng học giúp đỡ nhau như thế thì đấy quả là một kinh nghiệm đẹp đẽ, lớn lao và có tính cách giải phóng. Chúng ta không thể không nhấn mạnh đến nhu cầu lớn lao là con người phải được lắng nghe, được quan tâm và được thông cảm. Giáo hội luôn luôn biết rõ điều này, tâm lý học hiện đại khiến chúng ta lưu ý rất nhiều đến điều này. Trọng tâm của khoa tâm lý trị liệu là nhằm tạo một mối tương quan trong đó bệnh nhân có thể kể hết mọi việc y như một em bé kể lễ mọi điều cho mẹ nó. Không ai có tể phát triển một cách tự do trong thế giới này và tìm được một đời sống phong phú mà không cảm thấy ít nhứt được một người thông cảm. Khi bị hiểu lầm người ta liền mất niềm tự tin, mất niềm tin trong đời sống mất ngay cả niềm tin nơi Thượng Đế. Anh bị phong tỏa và rút lui về với nội tâm.
Có một điều bí mật lạ lùng hơn nữa là không ai có thể hiểu biết được chính mình qua sự tự xét hoặc trong sự sống cô đơn với cuốn nhật ký của mình. Nhưng ta hiểu được bản thân mình qua sự đối thoại, qua sự gặp gỡ với người khác. Chỉ bằng cách bày tỏ lòng tin của chúng ta với người khác ta mới trở nên cảm thông với họ. Ai muốn thấy rõ chính mình thì phải cởi mở với một người thân tín do mình tự chọn rồi mình tin cậy để phó thác tâm sự. Người đó có thể là một người bạn, một bác sĩ hoặc cũng có thể là người bạn đời của chúng ta.


Hôn nhân vì vậy trở thành một cuộc phiêu lưu lớn, một cuộc khám phá không ngừng về chính mình và về người bạn đời của mình. Mỗi ngày nó càng mở rộng chân trời của ta. Nó trở thành một cơ hội để học hỏi những điều mới mẻ về đời sống về sự sinh tồn của con người, về Thiên Chúa. Đó là lý do mà từ đầu Kinh Thánh Đức Chúa Trời đã nói “Con người ở một mình không tốt”. Con người cần sự thông công, ta cần một người bạn đời, một cuộc chạm trán thật với người khác. Ta cần hiểu người khác và cần cái cảm giác được người khác hiểu mình.
 
Theo Kinh Thánh đây chính là mục đích của Đức Chúa Trời khi thiết lập định chế hôn nhân. Sống độc thân con người ngồi đếm thời gian và trở nên khuôn phép cố chấp theo lối riêng của mình. Khi phải đối đầu nhau trong hôn nhân, ta phải vượt ra khỏi chính mình, phải phát triển lớn lên tiến dần đến trưởng thành. Khi hôn nhân suy thoái thành chỉ còn là một thứ cọng sinh giữa hai người luôn luôn che giấu lẫn nhau, thì cuộc hôn nhân đó đã hoàn toàn mất đi mục đích của nó. Sự thất bại đó không chỉ là sự thất bại của hôn nhân nhưng của cả vợ lẫn chồng. Họ đã thất bại trong sự làm người. Thất bại trong sự hiểu biết người bạn đời của mình là thất bại trong sự hiểu biết mình, chính bản thân mình. Nó cũng là thất bại trong sự tăng trưởng và trong sự chu toàn những khả năng làm người của mình.

Những nhà tâm lý chuyên nghiên cứu về tương quan hôn nhân đã làm sáng tỏ cho chúng ta rất nhiều về điểm này. Họ nói đến ba thời kỳ khác nhau.
Thời kỳ thứ nhất là “Thời kỳ trăng mật”. Vợ chồng cảm thông hiểu nhau rất nhiều và rất dễ dàng. Bạn có thể nghe người vợ nói “Nhà em có cùng chung một sở thích như em trong mọi vấn đề. Chúng em giống nhau lắm. Chúng em đồng ý với nhau về mọi vấn đề và chúng em có thể nói mọi việc với nhau. Ngay cả trước khi em bắt đầu nói điều gì thì anh ấy cũng đã nghĩ đến điều đó,. Anh biết mọi ước muốn của em và anh hiểu mọi tình cảm của em”.
Trong những năm đầu tiên của hôn nhân chúng ta vẫn sống trong thời kỳ trăng mật, vẫn có cảm giác đồng thông cảm hiểu biết nhau và hoàn toàn giống nhau. Do bản năng, chúng ta đã chọn người bạn đời bổ túc cho ta, những gì ta đã dồn nén trong thời niên thiếu ta lại tìm thấy nơi người bạn đời của mình. Vì vậy chúng ta có một cảm giác tuyệt diệu về sự hoàn toàn trong đời sống chung nhau.
Đến thời kỳ thứ hai của hôn nhân, thường vào giữa khoảng năm thứ 5 đến năm thứ 10 sau khi cưới nhau. Trong giai đoạn này người này nhận thấy rằng người kia không hợp lắm với mình như mình đã nghĩ. Ta khám phá ra những lỗi lầm trước đây ta không chú ý hoặc những lỗi lầm mà ta từng tin chắc sẽ mất đi do những kết quả hạnh phúc hôn nhân mang lại. Giờ đây những lỗi lầm này trở nên không thể chịu được. Nào là tính nóng nảy, ích kỷ, nói dối tham lam, hung dữ, lỗ mãng, say sưa.. Thật là thất vọng! Chúng ta bắt đầu cảnh cáo nhau một cách nhẹ nhàng, rồi đến sự trách cứ, tra gạn và cuối cùng là hăm dọa nhau. Nhưng chẳng cách nào mang lại kết quả cả. Thế là tiếp đến là lời than vãn ai cũng biết “Tôi không hiểu anh ấy”. Tiếp theo sau đó là sự cám dỗ lui về với mình để làm giảm mối nguy xung đột, sự cám dỗ buông xuôi, bỏ cuộc. Đến đây là bắt đầu giai đoạn thứ ba. Nó sẽ phát triển theo chiều hướng của giai đoạn thứ hai. Nó có thể là buông trôi dần dần không còn chịu tranh đấu cho hạnh phúc nữa, chúng ta tức giận, cay đắng và chống nghịch nhau. “Chồng tôi không phải người mà tôi đã nghĩ trước đây...” “Vợ tôi chẳng giống như điều tôi tưởng...” “Tôi đã phạm một lỗi lầm khủng khiếp...”. Tới đây thì họ có thể bắt đầu nghĩ đến ly dị. Bằng không thì họ tiếp tục sống trong sự cải cọ bất tận mà chẳng bao giờ giải quyết được gì. Hoặc họ có thể đi đến một thỏa thuận là một người chịu hàng phục người kia, hy sinh nhân cách của mình! Hoặc cũng có thể đi đến một thỏa thuận tệ hại hơn nữa là mỗi người rút lui về sống riêng rẽ, mỗi người tự lo tổ chức đời sống riêng mình cách âm thầm chẳng ai cần nói gì với nhau nữa cả!
Đó là chiều hướng giải quyết thứ nhất. Chiều hướng thứ hai là chiều hướng can đảm. Nó có nghĩa là chấp nhận sự thật một cách can đảm. Nhìn người bạn đời mình đúng với thực trạng của họ, lột bỏ lớp áo hào nhoáng mà ta đã khoác cho họ. Nó có nghĩa là một nỗ lực thực sự đạt đến sự hiểu biết người bạn đời chẳng hấp dẫn này. Thật ra anh ta có những lỗi lầm, anh có những nan đề mà anh không thể giải quyết được. Anh không hiểu mình và anh phản ứng một cách không thể chấp nhận được khi người ta chỉ cho anh thấy những lỗi lầm của anh. Anh phản ứng như vậy chính là vì anh không cảm thấy mình không thể thắng được những lầm lỗi của mình. Tuy nhiên anh có thể được giúp đỡ bằng một cách khác bằng cách yêu thương anh. Yêu thương không phải vì anh tốt nhưng vì những nan đề của anh. Anh chỉ có thể được giúp đỡ bằng cách cảm thông với anh. Cảm thông những điều anh mất mát trong thuở ấu thơ và những điều anh hiện còn đang thiếu bằng cách làm sao lấp đầy nhu cầu đó.
Như thế vấn đề là đối diện với những nan đề hơn là trốn tránh, cùng nhau đối phó với chúng cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho chúng, bằng cách tìm hiểu và cảm thông sâu sắc hơn bản thân mình và người bạn đời của mình. Cuộc hôn nhân nào cũng đều có những nan đề. Bác sĩ Weatherhead là một Mục sư và là nhà tâm lý học nổi tiếng, viết trong một cuốn sách của ông về một cặp vợ chồng đến nói với ông “Ồ, chúng tôi chẳng bao giờ cãi nhau!” Ông Weatherhead nói ông tự nghĩ rằng: “Vậy hoặc một trong hai người đang nói dối hoặc một trong hai người đã lần lượt đè bẹp người kia rồi”.
Trong thời kỳ đính hôn thì không thể tưởng tượng được những nan đề này. Có lần tôi nói chuyện về sự xung đột trong hôn nhân cho một khóa học dành cho những cặp thanh niên vừa mới đính hôn. Tất cả thính giả của tôi đều nhất quyết rằng họ sẽ không bao giờ đương đầu với những xung đột như thế. Đây là lý do khiến người ta thất vọng ê chề khi những khó khăn xảy đến, là lý do khiến ta than thân trách phận, khiến ta tin tưởng thành thực và ngây thơ rằng tất cả xung đột đều là những việc không may bất thường mà thôi. Một cặp vợ chồng được thở ra nhẹ nhõm khi nghe chúng tôi nói “Ông bà có những nan đề phải không? Chuyện đó là bình thường. Vợ chồng nào cũng có vấn đề cả. Thật ra đó là một điều tốt. Những người thành công trong hôn nhân là những người biết cùng nhau đối phó với vấn đề và chiến thắng. Những người thiếu can đảm đối diện với vấn đề của mình là những người thất bại trong hôn nhân”. Hai vợ chồng này sẽ được giúp đỡ nhiều hơn khi chúng ta nói cho họ biết về những khó khăn của chúng ta, về những vấn đề trong hôn nhân mà chúng ta đã giải quyết, về những cuộc khủng hoảng như thế là cần thiết và về những thay đổi sâu xa mà chúng ta trải qua để đạt đến sự hiệp một thực sự mà vẫn tôn trọng những khác biệt của nhau.
Có những điểm khác biệt về cá tính về sở thích, về thói quen, về thành kiến, và về niềm tin buộc chúng ta phải hết sức cố gắng để hiểu nhau. Cũng chính những điểm khác biệt này lại làm cho cả hai tăng trưởng hơn. Tôi tìm thấy một ý phù hợp với quan điểm đó trong nhật ký của bà Tolstoy vợ của đại văn hào Nga Léon Tolstoy. Bà viết “Chỉ khi nào vợ chồng tôi giận nhau thì tôi mới viết nhật ký”, có nghĩa là sự xung đột vợ chồng đã thức tỉnh bà khơi dậy trong bà nhiều ý tưởng để bà viết vào nhật ký. Dĩ nhiên sáng ngày hôm sau, khi vợ chồng bà ngồi lại với nhau, mọi việc xảy ra dường như không còn quan trọng như bà đã nghĩ. Luôn luôn có một vài yếu tố của sự thật trong những giây phút xao động tình cảm do cuộc xung đột gây ra. Vì vậy điều quan trọng là ngày hôm sau cùng nhau mổ xẻ vấn đề một cách trầm tĩnh. Đây là lúc sự cởi mở với nhau, sẽ đem đến cho họ ánh sáng mới nhờ đó có thể thấy được những nguyên nhân sâu kín. Tuy nhiên có nhiều cặp vợ chồng yêu nhau trở lại sau lúc xung đột mà không học được điều gì từ cuộc xung đột đó cả. Họ đã dẹp qua một bên cuộc đối diện để đối thoại cần thiết, cho việc hiểu nhau, cho đến khi sự khủng hoảng tái diễn dưới hình thức mãnh liệt và tai hại hơn.
Chúng ta cần phải can đảm đối diện với mỗi vấn đề gây ra do sự kết hợp hoàn toàn của hai cá tính. Người ta không ai giống ai. Đây là một sự kiện đơn giản cần phải nhìn thấy. Tuy nhiên, ít ai chịu chấp nhận sự kiện này nhất là khi nó là một vấn đề của chồng mình hoặc của vợ mình. Nếu anh có những sở thích khác, những tình cảm khác, những kỳ vọng khác lập tức anh sẽ bị phản ứng lại như thế đó là một thách thức, một sự tấn công, hay một sự khước từ đối với vợ anh. Chúng ta nhìn thấy một phản ứng tương tự với cha mẹ, khi họ khám phá nơi con cái mới lớn của họ những khuynh hướng mà họ rất ghét. Trong trường hợp vợ chồng để hiểu và chấp nhận sự khác biệt của nhau thì cần phải có sự tăng trưởng cá nhân rất nhiều.
ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CẢM THÔNG
CHÚNG TA CẦN PHẢI CHẤP NHẬN NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT TỰ NHIÊN.



Tôi đang nghĩ đến một vài người bạn. Người chồng là một giáo sư đại học và là một tác giả nổi tiếng. Những nhà tư tưởng và những thi sĩ cần nhiều giây phút yên tĩnh để suy tư. Những giây phút bên ngoài có vẽ như họ không làm gì cả, nhưng thực ra đó là những giây phút làm cho tư tưởng của họ được có hiện ra rõ ràng. Người vợ là một bà nội trợ bận rộn cắt ngang dòng suy tưởng của ông khi bà nói “Anh đang ở không! Anh ra đây giúp em bắt cái thang để hái mấy trái táo đi”. Ở đây chúng ta thấy sự xung đột giữa hai tính khí - một người trầm mặc, một người hiếu động. Người bạn giáo sư của chúng tôi cảm thấy mình không được thông cảm.
Vợ một người đàn ông khác không thể hiểu rằng chồng bà cần vận động tay chân sau một ngày ngồi yên ở sở. Nếu ông cầm cái cưa lên thì bà sẽ chỉ thấy công việc mình phải làm là phải quét nhà sau đó nên phản đối. Thế là ông chồng đâm ra dè dặt, ông chưa hiểu được rằng vợ ông đồng hóa mình với căn nhà đến độ cho rằng nếu nhà bẩn là chính bà bị bẩn.
Bởi vì thất bại không hiểu nhau mà người ta rơi vào tình trạng nguy hiểm là làm ngơ trước những nhu cầu của nhau đặc biệt là người này nhận thức được tầm quan trọng lớn lao của những nhu cầu đó đối với người kia. Người ta có thể chế nhạo những nhu cầu này, coi nhẹ những sở thích kia. Ví dụ như sở thích chơi tem của chồng hoặc tranh sơn dầu của vợ. Coi nhẹ những điều này là gây ra những vết thương đau đớn. Một lời nói đùa giữa hai người yêu có thể rất dễ thương, những sự bông đùa thiếu hiểu biết có thể làm họ thương tổn nặng nề.
 
Cũng có những điểm bất đồng căn bản giữa những loại người: Những người có tính hướng ngoại yêu thích đời sống xã hội, vui vẻ và xông xáo. Những người hướng nội thích tìm kiếm sự yên tĩnh và đắm mình trong suy tư. C.J.Jung đã mô tả họ và cho chúng ta thấy rằng lý trí và tình cảm như là hai cực đối nhau, trực giác và thực tế cũng vậy. Theo bản năng thì một người đàn ông rất lý trí sẽ lập gia đình với một người đàn bà rất tình cảm. Sự bổ túc cho nhau của họ lúc đầu sẽ tạo nên một phản ứng nồng nhiệt trong người đàn ông. Nhưng sau đó anh muốn làm cho nàng phải nghe theo những lý lẽ khách quan của anh. Anh sẽ bực mình khi thấy thất bại trong việc này. Anh sẽ cố gắng chứng tỏ cho nàng thấy rằng nàng không hợp lý trong những bộc phát tình cảm của nàng. Còn nàng thì chẳng quan tâm gì đến điều này tí nào cả. Về phần nàng sẽ lên án chồng về cách đối xử qua lý trí, lạnh lùng như nước đá của chồng. Nó làm tê cứng đời sống. Cũng vậy một đầu óc thiên về trực giác và một đầu óc thiên về khoa học sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sự cảm thông nhau. Đối với người có óc trực giác, sự vật không phải là những gì như chúng hiện hữu cách khách quan, nhưng chẳng qua là những biểu hiệu của những giá trị khác mà anh tưởng tượng và liên kết với chúng. Còn đối với người có óc khoa học thì sự việc là những gì rõ ràng như chúng hiện hữu, không phải là cái gì khác hơn cái có thể cân đo. Dù vậy, những người có bản tính khác nhau được dựng nên để bổ túc cho nhau. Người này qua đời sống của người kia có thể khám phá rất nhiều về những điều họ không biết hoặc không cảm thấy được trước đây. Đó là một trong những lý do của hôn nhân.