Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, August 1, 2012

ĐỂ CẢM THÔNG NHAU--4


ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CẢM THÔNG
CHÚNG TA PHẢI THỪA NHẬN SỰ KHÁC BIỆT RẤT LỚN VỀ PHÁI TÍNH.



Ngoài những khác biệt về bản tính, chúng ta phải nói đến những điểm khác biệt về phái tính. Đàn ông và đàn bà vốn khác nhau, khác hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Đó là lý do cả hai điều có nhiều khó khăn để hiểu nhau và đó cũng là lý do khiến họ cần nhau để giúp nhau tăng trưởng. Tôi dám nói rằng một người đàn ông không bao giờ có thể hiểu hoàn toàn một người đàn bà, và ngược lại.


Đàn ông có óc thiên về lý thuyết trong người đàn bà thì chú ý đến con người. Đôi khi tôi đang nói về một vấn đề tổng quát với vợ tôi, thảo luận về hai ý tưởng mâu thuẫn nhau thì nàng liền hỏi tôi “Anh đang nói về ai vậy?” Tôi đâu có đề cập đến người nào. Tôi đang khai triển một ý tưởng. Nhưng vợ tôi cảm thấy cần phải đồng hóa quan điểm đó với một cái gì cụ thể, với một người nào đó. Người đàn bà nghĩ về con người và trong ý nghĩa con người. Ngược lại, chúng ta hãy nhìn đàn ông khi họ xúm lại đánh bài hay uống cà phê với nhau. Họ trình bày, họ giải thích những lý thuyết cao đẹp theo đó thế giới phải được cai trị và làm thế nào để thế giới có được hòa bình và sống chung trong tình huynh đệ. Những lý thuyết này hoàn toàn trừu tượng, xã hội, không mảy may liên hệ đến tình trạng hiện tại. Nếu một bà vợ nào có mặt ở đó bà ta sẽ cười mỉa mai và nói “Tốt hơn anh nên về nhà giúp em lau chén hay coi thằng con nó học hành ra làm sao để em khỏi mất công chạy thầy chạy thuốc cho nó”. Như vậy nhờ người đàn bà và dưới ảnh hưởng của nàng, người đàn ông có thể đạt được một cảm nhận về con người. Văn minh chỉ do người đàn ông xây dựng nên sẽ giữ mãi tính cách lạnh lùng, trừu tượng, máy móc, phi nhân thiếu tính chất con người.
Người đàn bà suy nghĩ đến chi tiết. Nàng chú trọng đến tiểu tiết hơn là những ý tưởng tổng quát. Nàng có một nhu cầu kể lễ. Nàng muốn nói hết mọi việc xảy ra trong ngày khi ngồi xuống bên chồng. Nàng kể người bạn này đội nón gì, người kia mặc áo gì, anh gác dan hoặc người bán hàng đã nói điều gì với nàng và nàng đã trả lời ra làm sao. Chẳng bao lâu người chồng sẽ không còn chăm chú nghe nữa vì anh không hiểu sao vợ anh xem những chi tiết như vậy lại quan trọng đối với nàng đến thế. Đối với anh, tất cả những điều đó có vẻ nhỏ nhặt và nhạt nhẽo. Khi người vợ cảm thấy chồng không còn lắng nghe mình nữa và anh đang chăm chú vào tờ báo với những vấn đề lớn của thế giới, thì nàng cảm thấy hết sức cô đơn. Càng cô đơn nàng sẽ đâm ra càng chú tâm đi sâu hơn vào những chi tiết mà nàng luôn cho là quan trọng như nói hành, ganh tị với người hàng xóm, so sánh giá cả ở chợ. Một người đàn bà như thế sẽ trở nên nhiều chuyện hơn, lắm lời hơn, nhưng đó chỉ là độc thoại. Để đáp lại thỉnh thoảng người chồng sẽ khẻ nhún vai. Sự nhàm chán, kẻ thù số một của hôn nhân, sẽ càng lúc càng tăng trong gia đình. Rõ ràng là người đàn ông cần phải học hỏi từ vợ mình sự quan trọng của cái cụ thể và những chi tiết cá nhân. Vì thiếu chúng những ý tưởng tổng quát sẽ không khác gì hơn là những lý thuyết rỗng tuếch. Một khi anh hiểu như vậy anh có thể mở rộng chân trời trong đầu óc vợ anh, làm giàu cho sự suy nghĩ của nàng, nâng cao sự hiểu biết của nàng. Sự nhàm chán mà một ngày nào đó anh sẽ lên tiếng than phiền chính là điều anh có trách nhiệm, vì chính anh là người phải mang đến cho vợ anh những ý tưởng sâu sắc hơn và có kết quả hơn.
Lời nói tự nó mang một ý nghĩa khác đối với đàn ông hơn là đàn bà. Qua lời nói người đàn ông diễn tả tư tưởng và tuyền thông tin tức. Đàn bà nói để diễn tả cảm xúc, tình cảm. Điều này giải thích cho ta biết tại sao một người vợ có thể kể đi kể lại cả chục lần một kinh nghiệm nào đó của nàng. Nàng nói mãi như vậy không phải để cho chồng biết, chàng ngắt ngay “Thôi, anh biết chuyện đó rồi”. Em đã nói chuyện đó với anh rồi”. Nhưng nàng vẫn cần nói đi nói lại để giải tỏa đề giãn xả sự căng thẳng tình cảm mà kinh nghiệm ấy đã tạo nên trong lòng nàng. Có nhiều người đàn ông chẳng bao giờ diễn tả tình cảm của họ ngay cả bằng câu nói rằng “Anh yêu em”. Một câu nói mà người thích nghe hàng trăm lần. Nàng hỏi “Anh có yêu em không?” Chàng đáp “Em biết anh yêu em kia mà”. Không phải là nàng không biết. Nhưng là nàng thích nghe điều đó được chồng nói lên một lần nữa. Nếu chồng nàng không bao giờ nói điều đó với nàng thì nhu cau này của nàng lại càng lớn hơn nữa.
Anh bày tỏ cảm xúc của mình bằng những cách khác: Một cái ve vuốt, một cái nhìn, hoặc có khi bằng tiếng gầm gừ khó nghe trong cổ họng. Mặt khác anh có thể bày tỏ tình cảm của mình bằng một lối gián tiếp mà vợ anh cần phải học để hiểu. Tôi nhớ rõ một người đàn bà rất đau khổ chỉ vì không được nghe một lời âu yếm nào từ miệng chồng nàng thốt ra. Một ngày nọ nàng đến gặp tôi với vẻ tức giận. Chồng nàng đã kêu thợ đến trang trí lại phòng của nàng mà không một lời báo trước cho nàng. Cả nhà lộn xộn, dơ bẩn, đồ đạc dồn đống trong lối đi. Nàng đổ quạu. Tôi nói với nàng “Mọi người nói chuyện theo một cách riêng của mình! Đó là cách chồng chị nói cho chị biết rằng anh ấy yêu chị. Hãy dang tay ra ôm lấy anh ấy nếu chị hiểu được ngôn ngữ của anh ấy. Hãy nói cho anh ấy là chị biết anh ấy đã yêu chị như thế nào, đến nỗi chịu bỏ tiền ra như thế để có một căn nhà xinh xắn hơn cho chị”.
Nhiều cặp vợ chồng sống trong sự xung đột liên tục giữa những quyền lợi về nghề nghiệp và gia đình. Điều này đặc biệt xảy ra khi công việc của người chồng vừa quan trọng vừa thách thức. Hãy nghĩ đến vị bác sĩ giải phẫu của chúng ta ở Nữu Ước thì biết. Tôi đã để ý đến một tình trạng giống như vậy trong một số lớn gia đình không phải chỉ ở trong những gia đình người chồng làm bác sĩ mà cũng ở trong những gia đình mục sư giáo sư và thương gia. Người vợ không hiểu nghề nghiệp của chồng quan trọng đối với anh thế nào. Nàng lấy con người của anh chứ không phải sự kêu gọi (Nghề nghiệp) của anh. Vì vậy, ngay từ đầu sở thích của họ xung đột nhau. Người đàn ông lúc nào cũng bận rộn với công việc của mình. Anh không nói năng nhiều về công việc với vợ chính vì anh cảm thấy sự bực mình của nàng. Công việc của anh đem anh xa khỏi vợ. Nàng chỉ thấy những nan đề, những lo lắng trong công việc làm chồng nàng mệt mõi và làm cho cá tính khó chịu khi anh về đến nhà. Nàng chỉ thấy những bữa tiệc bàn chuyện làm ăn mà nàng không được dự, những chuyến đi xa, sự làm thêm giờ của chồng ở sở, những cú điện thoại khẩn cấp quấy rầy. Người chồng cằn nhằn khi đặt mạnh ống nghe xuống có vẻ giận dữ trước mặt nàng. Nàng không thấy được cảnh chồng nàng bên cạnh một bệnh nhân vài phút sau đó. Nàng không thấy tận mắt sự nhiệt thành, sự chăm sóc tận tình, sự quan tâm lo lắng mà một bác sĩ phải đảm trách đối với bệnh nhân.
Vì vậy, một người vợ trẻ có thể rất không thích chức nghiệp của người chồng trong khi đối với chàng đó là một thách thức lớn lao lý thú nhất. Họ sống trong hai thế giới khác nhau. Nàng khó chịu khi nói đến “Sở của anh”. Nàng cảm thấy nàng bị bỏ bên lề đời sống thực của chồng. Nàng phải ngửa tay xin mới thỉnh thoảng nhận được vài mẫu bánh vụn!!! Mặt khác nàng có thể trả thù bằng cách tạo một thế giới riêng ở quanh nàng, một thế giới mà nàng sẽ nói năng mỗi lúc một ít đi vì chồng nàng xem những sở thích của nàng là điên dại, ngu xuẩn. Áo quần của nàng, những tổ chức, đoàn thể của nàng đối với chàng không ý nghĩa gì cả, nó hoàn toàn vô bổ.
Để cảm thông nhau, chồng cũng như vợ mỗi người phải quan tâm đến những điều người kia quan tâm và phải tìm hiểu tại sao họ phải quan tâm đến những điều đó. Người đàn ông chỉ có thể nói về sở thích của mình khi anh cảm thấy người kia thật sự quan tâm đến và chỉ khi nào anh nói ra những sở thích đó thì người khác mới có thể hiểu rõ hơn tính chất của những điều anh quan tâm. Bằng con đường này chúng ta thấy một chân trời rộng mở cho cả hai vợ chồng thay vì bị khép lại dần.
Sự cảm thông thật luôn luôn kéo theo sự cởi mở, kéo mọi người thoát ra khỏi vỏ ốc của mình. Như thế gia đình có thể phục vụ như một nền tảng cho chức nghiệp cá nhân. và chức nghiệp có thể làm phong phú cho đời sống gia đình. Sự xung đột gây đau khổ cho nhiều cặp vợ chồng có thể giải quyết được. Những điểm khác biệt chia rẽ người đàn ông với người đàn bà lại được tìm thấy trong chính cái đêm họ lại với nhau. Đó là Tình Yêu.

ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CẢM THÔNG
CHÚNG TA CẦN PHẢI THỪA NHẬN NHỮNG ĐIỂM BẤT ĐỒNG 
CỦA CHÚNG TA TRONG CHÍNH TÌNH YÊU.


Một nhà tâm lý đã có lần ví đời sống hôn nhân với đời sống sân khấu, đã ghi lại như sau “Đối với đàn bà tình yêu là vở kịch - đối với đàn ông, nó là phút giải lao giữa hai màn”. Tôi cho sự so sánh đó đúng. Đối với đàn ông tình yêu là một sự thôi thúc rất mạnh đầy tình dục và ham muốn rồi qua đi rất nhanh. Sau đó đầu óc của anh bị những vấn đề khác lôi cuốn khiến vợ anh có cảm tưởng nàng bị bỏ quên. Dĩ nhiên tôi đang nói đến những người rất khỏe mạnh, còn những người khác là nhưng người chỉ lưu tâm đến tình yêu thôi thì không thể nhận xét như vậy được.
Tôi nhớ một chuyện ngắn rất hay, của một tác giả tôi không nhớ tên. Truyện mô tả một cặp vợ chồng trở về nhà sau tuần trăng mật. Trong mấy tuần lễ họ không hề rời nhau. Nhưng rồi ngày hôm sau đó người chồng đi làm trở lại. Người vợ trẻ ngồi xuống chiếc ghế trong nhà bếp và khóc “Bây giờ ta hoàn toàn cô đơn hoàn toàn cô đơn”. Chúng ta hy vọng có một ngày người vợ trẻ này sẽ đứng dậy khỏi chiếc ghế và sẽ nấu nướng, nàng sẽ lau nhà, nàng sẽ rửa chén. Lý do thúc đẩy nàng làm việc là tình yêu, và đối với người đàn bà tình yêu là toàn thể đời sống.
Người đàn ông trái lại, lưu tâm đến công việc của anh vì chính công việc. Vì những vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết, vì sự cạnh tranh của nghề nghiệp và vì muốn thành công. Tình yêu chăng? Được, anh sẽ nghĩ đến nó khi anh về với vợ ở nhà. Nhưng ngay lúc ở nhà cũng có sự khác biệt, người vợ có một nhu cầu tình cảm mà người chồng không nhận thức được. Nàng cần, nghe những lời êm dịu, nàng cần được đi chơi với chồng để chia xẻ sự vui thích với chồng khi cùng ngưỡng mộ một điều gì để kinh nghiệm một sự hiệp nhất với chồng một cách sâu xa trong sự yên lặng của một giây phút sản khoái. Với nàng tình yêu có nghĩa một tình cảm cao độ và thường xuyên. Đó là lý do khiến nàng muốn chồng lúc nào cũng ở luôn bên nàng. Nàng đếm từng giờ chồng đã dành cho nàng từng ngày chủ nhật chàng ở nhà, từng buổi tối chàng đưa nàng đi giải trí. Đối với nàng đó là một cách bày tỏ tình yêu. Nếu chồng nàng đi xem đá bóng nàng sẽ phàn nàn “Anh không còn yêu em nữa”. Nếu chàng tỏ ra quan tâm đến cái gì khác thì lập tức nàng cho rằng vì chàng không còn chú ý đến nàng nữa.
Thường thường người vợ không thể kinh nghiệm được sự khoái lạc tột đỉnh trừ khi kinh nghiệm chăn gối được đi đôi với sự hòa hợp của sự hiểu nhau cảm thông nhau và của sự tương quan liên tục về mặt tình cảm đối với nhau. Đường biểu diễn tình dục trong người đàn ông cho thấy nó tiến nhanh đến cao điểm sau đó sụt xuống cũng nhanh chóng như vậy. Bởi vì tự bản chất, tình yêu của người đàn ông là nặng về sinh lý và bộc phát ồ ạt nhất thời. Đó là lý do nhiều lần người vợ có thể nói “Anh không yêu em, chỉ chỉ ham muốn em”. Nàng nói như vậy có nghĩa là nàng vừa không hiểu vừa không chấp nhận cách thể hiện yêu thương của giống đực, bộc phát và ngắn ngủi. Nàng thích chồng yêu như cách nàng yêu, âu yếm, dịu dàng và liên tục. Thiếu sự hiểu biết như thế có thể đưa người vợ đi xa đến chỗ chán ghét sự chăn gối. Chồng nàng muốn có sự chăn gối với nàng ngay khi cuộc cải vả giữa hai vợ chồng chưa nguôi, điều này khiến nàng thấy không thể nào hiểu được.
Cũng vậy, nhiều người vợ lấy làm khó hiểu tại sao chồng mình có thể bị cám dỗ, trong chuyện tình dục. Một người đàn ông rất tiếng tăm, rất khả kính rất thông minh lại có thể rơi vào sự cám dỗ tầm thường và thấp hèn như vậy. Trước việc này người vợ hết sức tức giận. Nàng nghĩ rằng nếu chồng nàng thật sự yêu nàng anh sẽ không nghĩ đến một người đàn bà nào khác. Trong khi đó rõ ràng là vì yêu nàng anh cố gắng hạn chế chăn gối với nàng. Anh cảm thấy bị hiểu lầm, bị lên án, bị khinh rẻ. Anh rút về với cõi lòng riêng tư. Từ đó anh tránh không thố lộ những điều thầm kín như vậy cho vợ nữa. Vì chúng chỉ gây sóng gió cho sự hòa hợp của vợ chồng.
Họ có biết đâu những sự che giấu dưới hình thức im lặng có thể nguy hại cho cuộc hôn nhân của họ nhiều hơn là sự ham muốn tình dục của người chồng. Cách bảo vệ hay nhất chống lại sự cám dỗ tình dục là người chồng có thể bày tỏ việc đó một cách thành thật và với sự cảm thông nhưng không đồng lõa của người vợ tìm sự giúp đỡ hữu hiệu để thắng sự cám dỗ đó.


  ĐỂ CẢM THÔNG
CHÚNG TA CẦN CẢM THÔNG ĐỂ GIÚP ĐỠ NHAU



Vấn đề đi sâu hơn. Trong toàn thể lãnh vực của tình dục cũng như trong những lãnh vực khác như kiêu ngạo hay thành thật thì nói chung người đàn bà công chính hơn đàn ông. Tôi nhấn mạnh chứ “nói chung” vì không có gì sai lầm hơn và nguy hiểm hơn là làm những sự so sánh về đạo đức giữa người với người. Chúng ta không bao giờ có thể quên lời của Chúa nói “Người đầu sẽ trở nên rốt, người rốt sẽ trở nên đầu”, không có gì sai lầm hơn là tự khoác loác về những hành vi đạo đức của mình hoặc tin rằng mình không vi phạm những tội lỗi mà mình lên án người khác.
Dầu vậy, thông thường trong vấn đề đạo đức tôi cho rằng thường thường chồng ít công chính bằng vợ hay ít ra đàn ông có ý thức về tội lỗi của mình nhiều hơn đàn bà. Anh rất ý thức về sự ham muốn tình dục của anh, về sự nói dối với vợ hoặc với đối thủ của anh, về sự gian lận thuế khóa của anh hoặc về sự kiêu hãnh thái quá trong công việc của anh. Có lẽ đây là một lý do khiến anh ít muốn đi nhà thờ hơn vợ anh. Anh cảm thấy một chút giả dối trong sự phô bày lòng mộ đạo của mình trước mặt mọi người như vậy, vì anh biết rõ những việc không đúng trong đời sống thực của anh cũng như những điều anh không cảm thấy có khả năng giữ đúng. Có lẽ đây cũng là một lý do chúng ta thấy đa số đàn ông trong Hội thánh thường là những người ít mạnh mẽ, ít phải đấu tranh trong đời sống, như công chức, giáo sư, là những người có thể sống một đời sống gương mẫu hơn.
Giống như những người đàn ông đó, đàn bà thường ít ý thức được tội lỗi của họ. Ví dụ như ganh tị chẳng hạn. Một người đàn bà có thể hành hạ con dâu của mình một cách tàn nhẫn mà không hề biết rằng bà bị thúc đẩy bởi lòng ganh tị. Nếu bạn nói cho bà biết là bà ganh tị với con dâu bà sẽ thấy bị tổn thương nặng nề. Trái lại bà hoàn toàn yên chí rằng bà hành động vì lòng thương yêu. Bà nghĩ rằng vì tình yêu thương đối với con dâu của bà mà bà la mắng nàng về những khuyết điểm là bà thấy nơi nàng và bà cố gắng giúp nàng sửa đổi. Bà muốn con trai và con dâu của bà hạnh phúc! Bà có thể lắng nghe những bài giảng cảm động về tình yêu thương và lòng bà chịu sự cảm động mà lương tâm bà không cáo trách tí nào. Bà không hề nhận biết rằng mình hung dữ và thù hằn, con dâu mình là người phải nhận những lời khuyên tốt đẹp của bà với thái độ ấy! Có lẽ đây là một lý do cho thấy tại sao có nhiều người đàn bà có vô số tật xấu mà lại hay đi bới móc lỗi nhỏ nhặt vì họ quên không thấy những lỗi lầm khác.
 
Nói chung, kết quả là người chồng bị đè trên người một gánh nặng hơn nữa về cảm giác tội lỗi. Nó khiến anh khó nói chuyện thành thật với vợ hơn nữa. Vì nàng có vẻ đạo đức hơn dưới mắt anh cũng như dưới mắt nàng thì làm sao nàng có thể hiểu anh khi đời sống của nàng xứng đáng hơn nhiều. Anh sợ rằng nàng miệt thị anh. Đối với anh nàng xuất hiện như một cảnh sát, hiện thân của luật lệ đạo đức. Điều này có thể giải thích tại sao anh cảm thấy nói chuyện với một mục sư lại càng khó khăn hơn nữa. Dưới mắt anh họ cũng là hiện thân của luật đạo đức vì vậy anh chỉ có thể bày tỏ dễ dàng với một người đàn bà kém hơn anh về văn hóa và xã hội. Nàng có thể là một người tự do hơn, một người anh kính trọng hơn vợ anh, nhưng là người làm anh cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Nàng ngưỡng mộ và chấp nhận anh đúng với thực trạng của anh, dầu đó là phần cá tính mà chính anh lấy làm hổ thẹn.
Đây là động lực thúc đẩy sự ngoại tình của chồng mà người vợ đạo đức nghiêm khắc lên án khi nàng khám phá ra. Tại đây nàng vẫn đinh ninh rằng nàng bị thúc đẩy bởi động lực tình yêu đối với chồng nhưng nàng không biết là nàng chỉ đặt thêm viên đá cuối cùng vào bức tường ngăn cách vợ chồng nàng. Theo quan điểm đạo đức hành động của người đàn bà là hành động theo lẽ phải. Nàng có cả thế giới làm chứng cho sự công chính nàng. Nếu tôi cả gan đề nghị nàng hãy cố gắng tìm hiểu chồng nàng, nàng sẽ kết luận là tôi đứng theo phe chồng nàng, chống lại đạo lý.
Tuy nhiên, bởi vì anh đã thất bại trong việc tìm cảm thông nơi vợ mình từ lâu nên anh đã buông mình vào con đường mà ngay chính bản thân anh cũng lên án. Nhưng mặc cảm về tội lỗi của anh cũng như phản ứng rút lui và trốn chạy của anh cần được nhấn mạnh. Trong mỗi trường hợp, ngoại tình có thể không phải luôn luôn là một vấn đề xác thịt, ngay trong những cám dỗ xác thịt cũng như trong sự không thành thật hoặc thiếu khiêm nhường, người đàn ông chỉ có thể được giúp đỡ nếu anh cảm thấy được cảm thông và được chấp nhận như chính con người của anh với tất cả những nỗi khổ đau của anh. Một sự chấp nhận độ lượng như vậy đối với anh là sự phản ảnh của lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời yêu chúng ta không phải vì những đức tính của chúng ta mà vì nhu cầu của chúng ta, như Chúa Giê-xu phán: “Ai không bệnh thì không cần thầy thuốc, chỉ có người bệnh mới cần thầy thuốc”.
Chúng ta cần thấy căn bệnh phổ biến đó. Căn bệnh mà vô số đàn ông, đàn bà bị đè nặng bởi những lo sợ đau khổ, buồn phiền, thất vọng về tội lỗi của họ. Chúng ta cần phải hiểu sự cô đơn cùng cực họ thấy trong chính mình. Họ có thể tham gia trong đời sống xã hội, có thể đóng vai trò lãnh đạo ở đó, chủ tọa những buổi họp mặt ở câu lạc bộ đạt được những giải vô địch thể thao, đi xem giải trí với vợ con. Nhưng điều gậm mòn trong lòng họ là họ có thể sống hàng năm mà không tìm được người tri kỷ đủ tin cậy để trút đổ gánh nặng của mình.