Một hôm một em nhỏ đói, ở trường về, ngừng trước một tiệm bánh, thèm thuồng nhìn những ổ bánh mì nóng và những bánh ngọt phết kem.
Người bán hàng thấy vậy, đi ra, hỏi:
- Sao? Em thấy có vẻ ngon lắm, phải không?
Em nhỏ Hòa Lan đó đáp:
- Nếu tấm kính không dơ thì còn có vẻ ngon hơn nữa.
Người bán hàng bảo:
- Em nói đúng. Em chùi nó được không?
Thế là em Edward Bok lãnh được việc làm đầu tiên trong đời em. Mỗi tuần người ta trả em có năm cắc, nhưng đối với em thì bấy nhiêu là cả một kho tàng rồi! Cha mẹ em nghèo tới nỗi ngày nào em cũng phải đi lượm những mảnh than vụn từ trên xe cam nhông rớt xuống đường, xuống rãnh.
Em nhỏ đó, Edward Bok, không biết một tiếng Anh nào khi đặt chân lên đất Mỹ, và nghe thầy giáo giảng bài, em không hiểu gì hết. Em chỉ học có sáu năm, vậy mà sau này làm giám đốc một tạp chí, đã thành công nhất trong nghề làm báo ở Mỹ.
Edward Bok thú rằng ông không biết chút gì về sở thích của phụ nữ, mặc dầu vậy, ông đã sáng lập một Tạp chí phụ nữ lớn nhất thế giới mà số trang và số in cứ mỗi ngày một tăng. Ngày mà ông giao công việc quản lý cho người khác để về nghỉ, thì tạp chí in hai triệu số mỗi tháng và nội tiền quảng cáo cũng đã đem cho ông một triệu Mỹ kim mỗi kỳ rồi.
Edward Bok làm chủ nhiệm tờ Ladie's Home Journal trong ba chục năm. Khi ông thôi làm báo, ông viết tiểu sử ông trong cuốn The Americazination of Edward Bok.
Sau khi chùi kính cho tiệm bánh mì, ông làm đủ các nghề khác nhau, ta có thể nói là ông sưu tập mọi nghề một cách hăng hái như thanh niên sưu tập cò vậy. Sáng thứ Bảy ông bán báo. Chiều thứ Bảy và ngày Chủ Nhật ông đem nước chanh và các đồ giải khát cho những du khách du lịch ở các bến xe ngựa. Tối Chủ Nhật ông viết truyện tình cho một tờ báo trong miền. Tóm lại, ngoài giờ học, ông làm mọi việc để kiếm tiền từ sáu tới hai chục Mỹ kim mỗi tuần. Lúc đó ông mười hai tuổi và qua ở Mỹ chưa được sáu năm.
Mới mười ba tuổi mà ông đã phải thôi học, vào làm chân sai vặt trong phòng giấy ở hãng Western Union. Nhưng không lúc nào ông không học thêm, ông nhất định tự học, Ông đi bộ tới hãng cho khỏi tốn tiền xe, và nhịn bữa trưa để mua một cuốn Tự điển danh nhân Hoa Kỳ. Rồi ông làm một việc lạ lùng: ông đọc tiểu sử những danh nhân đương thời và cả gan viết thư xin họ cho biết chi tiết về tuổi thơ của họ. Ông viết cho đại tướng James A. Garfield, lúc đó ứng cử chức tổng thống, hỏi đại tướng có phải hồi nhỏ đã phải kéo tàu buồm nhỏ trên các kênh không. Ông lại viết cho đại tướng Grant hỏi về một trận nào đó. Grant vẽ một bản đồ cho coi, còn mời thằng nhãi mười bốn tuổi tới ăn cơm và nói chuyện trọn buổi với mình nữa.
Thành thử cậu bé kiếm được sáu đồng hai cắc rưỡi đó làm quen được với những người nổi danh nhất đương thời. Cậu lại thăm Emerson, Philip Brooks, Oliver Wendell Holmes, Longfellow, phu nhân Lincoln lúc đó đã góa, thăm Louia, May Alcott và tướng Sherman.
Sự quen biết các danh nhân đó ảnh hưởng quyết định đến sự biến chuyển của Edward Bok. Một người rất có thiên tư mà không được sống gần các giới chỉ huy, có khi phải đợi rất lâu mới tiếp xúc được với những người biết nhận tài năng của mình. Điều này còn tai hại hơn: có thể rằng chính người đó không biết mình có tài, không ngờ nổi mình làm việc này việc nọ, thành thử uổng sức trong những năm trẻ trung để làm những việc tầm thường, rồi về già mới được thi thố tài năng, nếu không chết sớm mà phí cả một đời. Sáng kiến của Edward Bok tỏ rằng ông không chịu đứng lâu một chỗ, khi chỗ đó không xứng với tài ông. Tức khắc ông làm quen được với những người chỉ huy thế giới, hiểu được cách họ nhìn đời, sự quen thuộc đó quý báu vô cùng đối với một ông chủ báo.
Một hôm ở ngoài đường, Edward Bok thấy một người mở một bao thuốc lá, rút tấm hình ra coi rồi liệng đi. Bok thấy là hình người, lượm lên xem, thì ra một chính khách có danh, phía sau để trắng. Ông nghỉ:
"Nếu chép ở sau tấm hình ít hàng tiểu sử của nhân vật thì có lẽ hình không bị liệng như vậy".
Ông bèn nảy ra một ý. Hôm sau ông bỏ bữa cơm trưa, đi ngay lại nhà xuất bản đã in những hình đó. Ông thuyết người chủ, giọng hăng hái và quyết tín đến nỗi người đó xiêu lòng, nhờ ông viết cho một trăm tiểu sử danh nhân, mỗi tiểu sử một trăm chữ, tiền nhuận bút là mười Mỹ kim. Chẳng bao lâu người đó cậy ông viết nhiều quá, ông phải kiếm vài người cộng tác, trả cho họ một nữa tiền, nghĩa là năm Mỹ kim mỗi tiểu sử.
Rồi ông bỏ luôn chân gác cửa, nhào vô nghề xuất bản.
Năm ông đi Philadelphie để lãnh việc nhận quản lý tạp chí Ladie's Home Journal. Ông đúng hai mươi sáu tuổi. Năm ông đóng cửa phòng giấy của ông lần cuối cùng và bảo:"Thôi, từ nay không trở lại đây nữa" thì ông đúng năm mươi sáu tuổi, đương lúc tinh thần còn tráng kiện.
Trong ba chục năm đó, ông đã tự tạo được một địa vị độc nhất trong nghề làm báo ở Hoa Kỳ. Ông đã giàu lớn, nhưng không phải chỉ vì ông nhiều tiền mà gọi ông là thành công được.
Nào ta thử xét xem Edward Bok đã giúp mỗi người Hoa Kỳ được những gì.
Trước hết, thức ăn được tinh khiết hơn là nhờ những bài báo của tạp chí ông hô hào sự kiểm soát thực phẩm. Thành phố Hoa Kỳ sạch sẽ hơn, hợp vệ sinh hơn nhờ ông đã bỏ tiền ra gây một dư luận mạnh mẽ chống sự chất rác thành đống trong châu thành. Nhà cửa ngày nay xây cất và trang hoàng cũng đẹp hơn xưa nhờ những bài mạt sát kiểu nhà vừa xấu vừa đắt tiền của thế kỷ trước.
Ông thành công đến nỗi Tổng Thống Theodore Roosevelt khen rằng: Edward Bok là người độc nhất mà tôi biết đã dùng phương pháp cải thiện mà thay đổi hẳn cách ở của cả một dân tộc.
Mười năm cuối trong đời ông, sau khi về nghĩ rồi, ông lập vườn, mua hàng ngàn củ uất kim hương ở quê hương ông là Hòa Lan đem trồng hai bên đường cho vui mắt khách qua đường. Ông cho trồng hồng lên những bãi cỏ chung quanh các ga xe lửa.
Nhưng lâu đài nổi danh và lâu bền nhất của ông là ngôi tháp lạ lùng Singing Tower ở Floride. Chỗ mà hồi xưa chỉ là một khoảng cát khô khan trên một ngọn đồi cao nhất ở Floride thì bây giờ thành nơi ẩn náu của loài chim, thành một vùng xanh mướt, có hàng trăm ngàn cây lớn nhỏ. Và vượt lên rừng cây đó là một ngôi tháp có chuông cao khoảng sáu chục thước, xây bằng cẩm thạch hồng, tháp đó in bóng lên mặt hồ trong veo, mát mẻ ở dưới chân.