Chuyện kể: Một thanh niên mới lập gia đình ít lâu mà rồi cái gia đình non trẻ đó sớm rơi vào cảnh “cơm không lành, canh không ngon”!
Anh đến tham vấn một bậc thầy. Thầy bảo:
- Anh hãy về và học lắng nghe từng lời vợ nói!
Anh nọ khắc ghi và thực hành lời thầy dạy. Kết quả thật không ngờ! Chỉ ít lâu sau thì cơm đã lành, canh đã ngon!
Một tháng sau anh đến tạ ơn thầy.
Thầy bảo:
- Vẫn chưa đủ! Anh hãy về và học lắng nghe từng lời vợ không nói!
LỜI BÀN
Ta để ý chữ “học” trong cụm từ: “học lắng nghe”. Tại sao lại phải học? Bởi vì anh chồng trẻ đó chưa có thói quen lắng nghe! Mà nào có phải chỉ riêng anh là như vậy! Người ta thường tình vốn như vậy! Một Thiền sư Nhật Bản nọ thường nhắc nhở đệ tử câu nầy:
Khi các bạn có cái miệng hay nói thì tức là các bạn không có đôi tai biết lắng nghe.
Khi các bạn có đôi tai biết lắng nghe thì tức là các bạn không có cái miệng hay nói.
Gẫm lại thì người ta thường tình hay rơi vào trường hợp trước! Tức là có cái miệng hay nói! Nay thử hỏi: Vì sao người ta thường tình có cái miệng hay nói như vậy? Câu hỏi đó không khó trả lời. Ấy là vì cái miệng đó là công cụ để thể hiện “cái ta”! Cái ta quyền uy hay nói để ra lệnh! Cái ta độc đoán hay nói để thuyết phục người theo ý mình! Cái ta khoe khoang hay nói để khoe khoang! Đại loại là như vậy.
Đa phần người ta thường tình có cái miệng hay nói là vì đa phần người ta thường tình vốn nặng lòng về cái ta ! Cũng nói là đa phần đều mang bệnh quy kỷ !
Đối lập với cái miệng hay nói là đôi tai biết lắng nghe. Người có đôi tai biết lắng nghe là người biết quan tâm đến người khác.Lắng nghe tâm tư của người khác. Lắng nghe nguyện vọng của người khác. Lắng nghe cảm nghĩ của người khác. Để mà chi? Để mà hiểu nhau. Hiểu nhau để có chữ « tương ». Tương tri, tương dung, tương thông, tương hợp, tương hòa, tương thân, tương ái.
Trở lại bài học : « lắng nghe lời vợ nói. » ! Ai nghe chuyện kể thì cũng ngầm hiểu: không chỉ riêng chồng phải học lắng nghe lời vợ nói !Vợ cũng phải học lắng nghe lời chồng nói. Nhưng hàm ý của câu chuyện còn mở rộng ra hơn nữa ! Ấy là còn phải học lắng nghe mọi người trong gia đình nói. Và học lắng nghe thân bằng, quyến thuộc, láng giềng ... cho đến tất cả những người mình giao tiếp. Và trong cuộc bang giao quốc tế thì cũng không khác!
Có thể thấy rằng lắng nghe là một quy tắc vàng trong mọi hình thức tương giao vậy! Tuy vậy, bài học của bậc thầy không dừng lại ở đó.Còn một vế xem chừng như thật bí ẩn : « lắng nghe từng lời vợ không nói » ! Người ta không nói gì mà cũng phải học lắng nghe !
Hỏi : Làm sao mà nghe được lời người ta không nói ?
Đáp : Nghe bằng trái tim mình! Bằng trái tim nhân ái !
Thế nhưng trái tim nhân ái vốn giống như một loài hoa quý ! Cần được quan tâm chăm sóc. Chính trái tim nhân ái đó cũng cần được ...lắng nghe! Bởi vì trái tim nhân ái không ăn to nói lớn. Bởi vì tiếng nói của trái tim nhân ái là thứ tiếng nói thật nhỏ nhiệm. Không lắng nghe tiếng nhỏ nhiệm đó thì không nghe ! Lắng nghe cần phải học là vì vậy.
Tuy vậy, lắng nghe không hề dễ dàng ! Thậm chí là khi chúng ta lắng nghe một cách chân thành ! Ngoài nhiều nỗi khó khăn còn đặc biệt có cái khó khăn nầy: lắng nghe mà không hiểu nổi ! Không hiểu nổi là vì sự thế sao như quá đổi đảo điên ! Lúc ấy thì cái tâm lắng nghe thường bị sụp đổ ! Thay vào đó là những tình cảm có tính tiêu cực - như là tức giận, như là chán nản, bi quan !
Vấn đề được đặt ra trong lúc nầy là : có cách nào vượt qua bước suy sụp đó ? Hỏi một cách khác : Phải làm gì khi lắng nghe cái không hiểu nổi ?
- Xin được gợi lên một ý : những lúc như vậy thì ngẩng lên Trời cao mà lắng nghe ! Ấy là lắng nghe Ý Trời vậy ! Theo cách mà người Ki-tô giáo nói thì là « lắng nghe Ý Chúa ». Nếu chăm chỉ, và chăm chỉ lắng nghe, thì sẽ có một ngày ta nghe được « Ý Chúa ». Cùng lúc ấy tâm ta mở rộng đến những chiều kích mới, vượt lên mọi mong ước riêng tư, vượt lên mọi khuôn khổ đời thường xã hội.
Cái tâm mở rộng đến mênh mông đó nhà Phật thấy gồm có bốn đức : « từ, bi, hỉ, xả » - gọi là « tứ vô lượng tâm ». Khi độ mở của tâm trở thành mênh mông vô lượng như vậy thì Trang Tử xưa đã có chữ để diễn tả : « Đại thông ».
- « Đại thông » là sao ?
Xin tạm dùng hình tượng thiên nhiên mà đáp : « Đại » thì giống như là bầu trời lộng gió, không bờ, không bến, không khuôn, không khổ ! « Đại thông » thì là thông với cái lớn như vậy.Do « đại thông » mà có thể vượt qua được vấn nạn « lắng nghe mà không hiểu » ! Lúc nầy thì mới có thể nói được là « luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu » !