Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, August 3, 2011

Enrico Caruso

Enrico Caruso


Khi Enrico Caruso mất năm 1921, hồi bốn mươi tám tuổi, hàng triệu người buồn rầu, vì giọng hát của thời đại đã bặt hẳn từ ngày đó. Ông đã tắt nghỉ trong tiếng vỗ tay khen ông ở khắp thế giới văng vẳng bên tai ông. Ông làm việc quá sức, bị cảm hàn nhẹ, nhưng ông coi thường không thèm chữa, và suốt sáu tháng ông can đảm chống cự với thần chết, trong khi một triệu tín đồ yêu ông cầu nguyện cho ông qua khỏi.
Giọng hát mê hồn của Caruso không phải là do trời cho mà là phần thưởng của nhiều năm gắng sức, kiên nhẫn luyện tập, giữ vững quyết định.
Mới đầu giọng ông nhỏ quá, nhẹ quá đến nỗi thầy dạy hát bảo ông:"Anh không thể hát được. Anh không có giọng. Anh hát như tiếng gió thổi vào cửa lá sách vậy".
Trong nhiều năm giọng ông vỡ ra và một lần ông bị thính giả huýt còi. Ít người đã được uống cạn ly rượu thành công như ông, vậy mà hồi danh thịnh nhất, nhớ lại ngày xưa đã thất bại, ông thường đau đớn đến sa lệ.
Má ông mất khi ông mười hai tuổi và từ đó, bất kỳ đi đâu, ông cũng mang theo một tấm hình của bà cụ.
Bà cụ sanh hai mươi mốt lần mà chỉ nuôi được có ba người con. Vốn quê mùa cụ có biết gì khác ngoài sự làm ăn khó nhọc và nhẫn nhục đau khổ, vậy mà cụ có linh tính bảo rằng một người con trai của cụ có thiên tài, danh tiếng sẽ vang lừng, và không có việc nào ích lợi cho con, mà cụ không làm, dù phải hy sinh rất lớn. Caruso thường vừa khóc vừa nói: "Má tôi nhịn mua giày dép, đi chân không, để tôi có tiền học hát".
Hồi ông mới mười tuổi, thân phụ ông bắt ông thôi học, cho ông vào làm trong một xưởng. Mỗi tối, sau khi làm việc xong, ông học đàn, nhưng mãi đến năm hai mươi mốt tuổi, ông mới được vui vẻ ca hát từ giã xưởng.
Người ta cho ông hát trong một quán cà phê, không chịu trả công ông mà chỉ cho ông ăn bữa tối. Ông vồ ngay lấy cơ hội ấy.
Sau cùng ông được hát trong một nhạc kịch trường. Lần đó mới thực là lần may mắn đầu tiên của ông. Trong lúc diễn thử, ông bị kích thích quá, thành thử giọng ông bể ra như những mảnh kính. Ông thử đi thử lại mấy lần, nhưng kết quả chỉ tai hại, ông khóc mướt, chạy về nhà.
Lần đầu ra sân khấu, ông lảo đảo, tới nổi thính giả huýt còi phản đối. Lần đó ông chỉ đóng một vai tạm để thay thế vai chánh. Một tối, vai chánh thình lình đau mà ông không có mặt ở rạp. Người ta bảo đi tìm ông khắp đường phố. Sau cùng người ta thấy ông trong một tiệm rượu, gần say khướt. Hay tin, ông chạy một mạch về rạp, tới nơi ông hết hơi, người nóng bừng vì rượu và vì không khí trong phòng thay quần áo. Rồi thình lình trái đất quay như chong chóng. Và khi Caruso bước ra sân khấu, ông hát bậy bạ như điên, cả rạp nhao nhao lên phản đối.
Sau buổi hát đó, ông bị đuổi. Hôm sau ông đau lòng quá, thất vọng quá, muốn tự tử.
Trong túi chỉ còn mỗi một đồng, đủ để mua một chai rượu. Ngày hôm đó ông nhịn đói. Và đúng lúc ông đương nghĩ nên tự tử cách nào thì một người nhạc kịch trường sai tới đẩy cửa bước vào, la:
- Caruso! Về rạp ngay đi! Thính giả không muốn nghe ca sĩ đó nữa. Họ huýt còi đuổi hắn ra khỏi sân khấu rồi. Họ la đòi anh ra. Đòi anh cho kỳ được!
Caruso đáp:
- Đòi tôi! Họ khùng hở? Tại sao lại đòi tôi? Họ có biết tên tôi là gì đâu mà đòi tôi?
- Họ không biết tên anh thật. Nên họ bảo gọi cái anh say rượu hôm qua ra. Thì là anh chứ còn ai nữa!
Khi Enrico Caruso mất, ông có mấy triệu bạc. Chỉ riêng một việc hát để người ta thu thanh vào đĩa, ông cũng kiếm được bốn trăm ngàn Anh kim rồi. Nhưng vì nhớ lại cảnh nghèo hồi bé, nên ông mới cần kiệm ghi hết thảy những chi phí bất kỳ lớn nhỏ vào một cuốn sổ cho tới khi ông chết.
Có lẽ phút vui nhất trong đời ông là lúc ông được bồng đứa con gái ông lần đầu. Ông nói đi nói lại hoài rằng ông chỉ cần đợi khi nào con gái ông lớn một chút, chạy lăng xăng trong nhà, và mở được cửa phòng ông mà vô là ông mãn nguyện rồi. Và một hôm, ở Ý, ông đứng bên cạnh chiếc dương cầm, thì sở nguyện của ông thực hành được: con gái ông chạy vô, ông bồng nó lên, rồi nước mắt dòng dòng, ông nói với vợ: "Mình còn nhớ không, anh chỉ mong mỏi được thấy lúc này?".
Không đầy một tuần sau ông mất.