Đây là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp, làm giảm
chất lượng cuộc sống của người bệnh và cả gia đình của họ. Trầm cảm cũng là
một trong số những nguyên nhân dẫn đến những ý nghĩ và hành vi tự sát.
Phụ nữ có dễ bị trầm cảm hơn nam giới?
Phụ nữ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới gấp hai lần: Nếu tính
chung ở nam giới, tỷ lệ người có ít nhất một lần bị mắc chứng trầm cảm
trong đời là 10% thì tỷ lệ này ở phụ nữ là 20%. Các tiêu chí để chẩn đoán
trầm cảm đều giống nhau ở cả hai giới, tuy nhiên người ta nhận thấy rằng
các biểu hiện của trầm cảm ở phụ nữ thường là lo âu, mặc cảm có tội và thay
đổi khẩu vị cũng như thói quen ăn uống. Nguyên nhân của sự khác biệt này giữa
nam và nữ vẫn chưa được biết rõ; tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng có
thể có sự liên quan giữa nồng độ các nội tiết tố sinh dục nữ với chứng trầm
cảm.
Trầm cảm có những triệu chứng biểu hiện như thế nào?
Các triệu chứng biểu hiện của trầm cảm từ lâu đã được biết
rõ và ta có thể kể ra sau đây một số biểu hiện chính thường gặp:
- Cảm giác buồn bã, thất vọng và thường dễ khóc
- Mất đi sự quan tâm, hứng thú và không cảm thấy vui với những
thứ mà trước đây vẫn từng cảm thấy thích thú (việc này bao gồm cả những hứng
thú với chuyện chăn gối vợ chồng)
- Cảm thấy mình vô dụng, không có giá trị hoặc mặc cảm có lỗi
- Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự sát
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Mất cảm giác ăn ngon, sụt cân, hoặc ngược lại có thể rối
loạn thói quen ăn uống kèm theo sụt cân hoặc tăng cân không theo chủ định
- Thường xuyên có cảm giác uể oải, mệt mỏi
- Khó tập trung suy nghĩ và khó đưa ra những quyết định
- Có triệu chứng đau nhức trong cơ thể nhưng không đáp ứng với
điều trị thuốc giảm đau thông thường
- Cảm thấy bất an, bức rức và dễ bực bội, nổi nóng
Nếu bạn thấy mình có một vài trong số những triệu chứng nêu
trên kéo dài thường xuyên trong hơn 2 tuần, điều đó báo động cho thấy bạn
có thể đang bị trầm cảm và bạn cần được thăm khám bởi một bác sĩ chuyên
khoa tâm thần.
Nguyên nhân nào gây ra chứng trầm cảm?
Trạng thái trầm cảm có liên quan đến sự mất cân bằng của các
chất hóa học có vai trò trong sự dẫn truyền thần kinh trong não bộ.
Trầm cảm cũng có thể được kích hoạt bởi một số các sự kiện
gây stress trong đời sống; vì thế nó có thể xảy ra sau những sự kiện như:
cái chết của một người thân, vợ chồng ly hôn hoặc sau một sự chuyển đổi chỗ
ở (ví dụ: trầm cảm xảy ra ở những người trẻ mới trưởng thành rời quê nhà
lên thành phố học đại học hoặc làm việc...)
Trầm cảm cũng có thể có tính di truyền. Yếu tố di truyền có
thể được thấy rõ trong trường hợp những gia đình có những người mắc trầm cảm
ở các thế hệ khác nhau.
Trầm cảm cũng có thể xuất hiện khi dùng một số thuốc chữa bệnh,
khi lạm dụng các chất gây nghiện (rượu, ma túy) hoặc khi bị mắc những căn bệnh
mãn tính lâu ngày...
Một số phụ nữ có thể có tình trạng giao động khí sắc trong
thời gian vài ngày sau khi sinh con. Họ có thể cảm thấy hơi bị trầm uất,
khó tập trung, ăn mất ngon và khó ngủ ngay cả khi đã cho em bé ngủ. Tình trạng
này có thể diễn tiến nhẹ dần và mất đi trong vòng 10 ngày sau khi sinh. Tuy
nhiên, ở một số phụ nữ có thể có biểu hiện ngày càng nặng hơn và diễn tiến
thành trầm cảm thực sự - y học gọi đây là chứng trầm cảm sau sanh
(postpartum depression).
Sự khác biệt giữa trầm cảm ở phụ nữ so với trầm cảm ở nam giới
Bảng so sánh dưới đây sẽ cho thấy sự khác nhau giữa trầm cảm
ở nam và nữ:
Các biểu hiện của trầm cảm
|
Sự khác biệt ở nữ khi so với nam
|
Tỷ lệ mắc trầm cảm
Tuổi khởi phát bệnh
Thời gian kéo dài một đợt trầm cảm
Diễn tiến bệnh
Liên quan với các sự kiện gây stress
Các triệu chứng không điển hình của trầm cảm như ngủ nhiều,
ăn nhiều...
Độ nặng của trầm cảm do người bệnh tự đánh giá
Cảm giác có lỗi
Hành vi tự sát
Liên quan với chứng lo âu, ám ảnh sợ hoặc những cơn hoảng
sợ
Rối loạn ăn uống
Kèm theo lạm dụng rượu, ma túy
Kèm theo bệnh ở tuyến giáp (bướu cổ)
Kèm theo bệnh đau nửa đầu (migraine)
Có liên quan đến các rối loạn nhân cách (ví dụ: nhân cách
chống xã hội, nhân cách ái kỷ hoặc nhân cách ám ảnh...
Ảnh hưởng của các nội tiết tố sinh dục nữ đối với tâm trạng
|
Ở nữ là 20% (nam chỉ 10%)
Sớm hơn
Dài hơn
Các đợt trầm cảm dễ xảy ra, hay tái
phát
Thường hơn
Nhiều hơn
Thường tự đánh giá
là nặng hơn
Thường xảy ra hơn
Ý tưởng tự sát thường xảy ra hơn,
nhưng hành vi tự sát thành công thì ít hơn
Hay đi kèm vói các rối loạn này nhiều hơn
Nhiều hơn
Ít hơn
Nhiều hơn
Nhiều hơn
Ít hơn
Nhiều hơn
|
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng độ nặng của trầm cảm ở phụ nữ
Có thể kể ra một số yếu tố sau
đây:
- Trong gia đình đã từng có người bị trầm
cảm
- Bản thân đã từng có lần bị trầm cảm,
đặc biệt là khi điều này xảy ra rất sớm trong giai đoạn mới dậy thì
- Bị mất một hoặc cả hai cha và mẹ từ
trước khi lên 10 tuổi
- Lúc còn nhỏ bị bạo hành thể xác hoặc
xâm hại tình dục
- Đang sử dụng thuốc viên ngừa thai uống
mỗi ngày, đặc biệt là loại thuốc có hàm lượng progesterone cao.
- Đang sử dụng thuốc kích thích rụng trứng
để điều trị vô sinh
- Thường xuyên có những yếu tố gây
stress trong đời sống, vì dụ như mất việc làm hoặc xung đột trong hôn nhân
chẳng hạn...
- Thiếu những nguồn lực hỗ trợ từ gia
đình và xã hội
Trầm cảm được chữa trị như thế
nào?
Có hai phương pháp điều trị trầm cảm,
hoặc được thực hiện đơn lẻ từng phương pháp hoặc cũng có thể phối hợp cả
hai cùng lúc; đó là: điều trị bằng thuốc (hóa dược) và tâm lý trị liệu.
1. Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm
(Antidepressants)
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được sử
dụng để điều trị chứng trầm cảm. Người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại
thuốc này mà nhất thiết phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ
chuyên khoa.
Thời gian điều trị cũng cần phải được bảo
đảm thực hiện đầy đủ. Tùy theo đợt trầm cảm xuất hiện lần đầu hay là đợt
tái phát mà thời gian điều trị thuốc có thể thay đổi từ 6 tháng cho đến vài
năm. Cần theo dõi và khám định kỳ trong thời gian dùng thuốc để bác sĩ có
thể đánh giá hiệu quả của việc dùng thuốc cùng các tác dụng phụ của thuốc nếu
có. Đặc biệt ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, việc dùng thuốc cũng phải
hết sức thận trọng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Nếu dùng thuốc có hiệu quả, người bệnh
có thể cảm thấy ăn ngủ tốt hơn, tái lập dần các hứng thú với cuộc sống và
có cái nhìn tích cực hơn về tương lai cũng như về bản thân. Mặc dù hiệu quả
của thuốc có thể bắt đầu nhận thấy sau một tuần điều trị, tuy nhiên hiệu quả
đầy đủ nhất do tác dụng của thuốc chỉ có thể đạt được sau 8-12 tuần dùng
thuốc.
2. Tâm lý trị liệu (Psychotherapy)
Tâm lý trị liệu là phương pháp chữa trị
bằng cách dùng các kỹ thuật tiếp cận và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Liệu
pháp nhận thức – hành vi (CBT : Cognitive Behavior Therapy) thường
được sử dụng để giúp người bệnh trầm cảm hình thành những suy nghĩ tích cực
hơn về bản thân mình, về thế giới xung quanh và về tương lai.
Bên cạnh đó, một số các biện pháp hỗ trợ
khác về tâm lý – xã hội, ví dụ: huấn luyện nâng cao kỹ năng giao tiếp, hóa
giải xung đột... cũng có thể giúp người bệnh hội nhập tốt hơn vào đời sống
và thích nghi hơn với công việc.
Trường hợp phụ nữ bị trầm cảm kèm theo
bối cảnh có các vấn đề xung đột quan hệ vợ chồng, mâu thuẫn gia đình... có
thể phải cần đến tham vấn hôn nhân hoặc trị liệu gia đình...
Một số điều ‘‘Nên’’ và ‘‘Không nên’’ khi bị trầm cảm
Đừng tự cô lập bản thân. Nên cố gắng
duy trì sự tiếp xúc với những người thân, nếu có thể thì nên nói chuyện với
bác sĩ của bạn, với bạn bè, đồng nghiệp, hoặc thậm chí có thể tìm đến một
chuyên viên tham vấn tâm lý.
- Đừng vội vã thực hiện những quyết định
quan trọng chẳng hạn như ly hôn hoặc ly thân, bởi vì bạn khó có thể suy
nghĩ sáng suốt khi đang trầm cảm.
- Đừng tự trách bản thân vì mình bị trầm
cảm vì bạn đã không tự gây ra căn bệnh này cho mình.
- Đừng thất vọng vì mình không thể cảm
thấy cuộc sống một cách tốt đẹp; cần phải kiên nhẫn với căn bệnh này. Việc
chữa trị cần có thời gian để bệnh cải thiện.
- Đừng bỏ cuộc
- Nên tập thể dục thường xuyên, vì việc
này giúp cải thiện sức khỏe và giúp bạn lấy lại năng lượng cho tinh thần của
mình
- Tập lại thói quen ăn uống điều độ và
thành phần thức ăn cân đối giữa các chất
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nếu bạn đang được tham vấn hoặc trị
liệu tâm lý, bạn cần duy trì mối quan hệ và các cuộc làm việc với nhà tham
vấn hoặc nhà trị liệu.
- Thiết lập từng bước những mục tiêu
nho nhỏ để bạn có thể cố gắng thực hiện. Bắt đầu thực hiện bằng những việc
nhỏ để bạn ít bị tổn hao nang lượng tâm trí, gia tăng khả thành công và
giúp bạn lấy lại các suy nghĩ tích cực về bản thân.
- Cố gắng tự khích lệ bản thân trong
khi thực hiện những mục tiêu ấy.
- Bạn cần tiếp thu đầy đủ những thông
tin có liên quan đến căn bệnh trầm cảm và cách thức chữa trị nó.
- Gọi điện thoại hoặc tiếp xúc ngay với
bác sĩ đang điều trị cho bạn hoặc gọi điện cho một chuyên viên (hoặc một
trung tâm) tham vấn khủng hoảng khi bạn có ý nghĩ muốn tự sát.
- Những thân nhân trong gia đình của bạn
cũng cần biết rõ những điều trên đây giống như bạn.
Khi nào phải nhập viện để điều trị?
Phần lớn những trường hợp trầm cảm nhẹ
có thể được chữa trị ngoại trú, dù người bệnh được điều trị bằng thuốc, bằng
tâm lý trị liệu, hoặc phối hợp cả hai phương pháp cùng lúc. Một số trường hợp
trầm cảm nặng không đáp ứng với thuốc có thể phải dùng đến liệu pháp choáng
điện.
Một số trường hợp cần phải nhập viện để
chữa trị như những trường hợp sau :
- Trầm cảm nặng ảnh hưởng nhiều đến sức
khỏe chung và chất lượng cuộc sống của người bệnh
- Trầm cảm có ý tưởng tự sát, nhất là
đã có lần toan tự sát thực sự
- Trầm cảm không đáp ứng với thuốc
- Trầm cảm kèm theo tình trạng loạn thần,
người bệnh khi ấy có thể có thêm triệu chứng ảo giác và hoang tưởng, không
thể kiểm soát bản thân cả về suy nghĩ lẫn hành vi.
Phòng tránh
Trầm cảm cần được phát hiện và chữa trị
sớm. Việc giải quyết tốt các nhu cầu và thách thức của đời sống, của công
việc cũng góp phần giảm bớt các yếu tố gây stress – một yếu tố góp phần làm
tăng khả năng trầm cảm ở phụ nữ.
Việc rèn luyện các kỹ năng sống, đặc biệt
là các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan hệ xã hội... cùng với việc xây dựng
các nhận thức đúng đắn và các thái độ sống tích cực sẽ góp phần gia tăng khả
năng thích nghi và ứng phó của bản thân mỗi người đối với các nhu cầu và
thách thức của đời sống, từ đó gia tăng khả năng ‘‘đề kháng’’ với các rối
loạn tâm thần nói chung cũng như với trầm cảm nói riêng.
|