Giỏ Đầy Thứ Sáu: TÔI NGHĨ MỌI SỰ ĐỀU LÀ CỦA
TÔI
Hướng Về Một Đồng Vắng Khác
Giấc Mơ Không Thành Của Tôi
Cái Chết Đột Ngột Của Chồng Tôi
Nỗi Đau Để Lại Đàng Sau
Hướng Về Một Đồng Vắng Khác
“Tại sao việc này lại xảy ra? Sao tôi lại đến
nông nổi này? Sao tôi lại trắng tay và ra đi như dân di cư như thế này?
”
Tim tôi thổn thức trong nỗi buồn vô tận. Con trai út vừa tốt nghiệp Tiểu học của
tôi đang say mê ngắm nhìn những chiếc máy bay vì đó là chuyến đi bằng máy bay đầu
tiên của cháu. Tôi cùng các con sẽ sinh sống ra sao nơi xứ lạ quê người đây?
Tôi ước gì đó chỉ là một giấc mơ. Tôi nhìn lên bầu trời xanh và lau nước mắt
mình trong tiếng thở dài. Chính lúc ấy, Ngài đến bên tôi và nói chuyện với tôi,
“Con gái yêu dấu của ta, việc gì khiến con buồn lòng?”
“Chúa biết hết mọi sự, con đã mất tất cả.” Tôi trả lời Ngài trong lúc nước mắt
tuôn dài không dứt. Từ năm tôi hai mươi ba tuổi đến nay, đây là lần đầu tiên
tôi nói chuyện với Ngài một cách miễn cưỡng như thế.
“Con đã mất những gì?”
“Con mất chồng con, con gái con, bạn bè, sự giàu có, danh vọng và mọi điều
khác.”
“Ai bảo con rằng những điều đó thuộc về con? Con có chào đời với những điều mà
con nói đã bị mất không?”
“Ta ban cho con gia đình, một người chồng giỏi giang, sự giàu có và danh vọng.
Mọi sự đều từ Ta mà đến. Ta lấy lại những điều ấy vì muốn tốt cho con. Tại sao
con lại khóc lóc và nghĩ rằng con đã mất những điều con có?”
Ngài bảo tôi Ngài là Đấng Sáng Tạo và Ngài sở hữu mọi sự. Ngài cầm quyền trên sự
sống, sự chết, các phước lành và sự rủa sả của con người. Nhưng tôi không muốn
lắng nghe Ngài.
Tôi cố gắng lo cho gia đình tôi được trọn vẹn kể từ lúc chồng tôi qua đời năm năm
về trước. Còn giờ đây, tôi đang trên đường di cư mà không có gì hứa hẹn phía trước.
Tôi để lại bạn bè và mọi ký ức ở phía sau. Tất cả những gì tôi có là bảy trăm Mỹ
kim trong túi. Tâm hồn tôi quặn thắt với nỗi đắng cay không kiềm chế được.
Sau này, tôi mới thấy đó là phước hạnh cho tôi khi Ngài dạy tôi phải từ bỏ mọi
sự để chỉ ngửa trông nơi Ngài và sống với Ngài mỗi ngày trên con đường hẹp. Phải
mất hai mươi lăm năm tôi mới có thể khám phá ra rằng chính ân điển và tình yêu
của Chúa đã dẫn tôi qua đồng vắng đầy nước mắt ấy. Tôi và gia đình rời Đại Hàn đi
Los Angeles vào
tháng Hai năm 1973. Thời tiết vẫn còn giá lạnh vì đang là giữa mùa đông.
Giấc Mơ Không Thành Của Tôi
"Anh à, tháng Tư năm tới khi anh trở
thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Trường Đại Học, em muốn anh xây một nhà
nguyện nhỏ bên cạnh cái hồ nước trong sân trường để làm kỷ niệm."
Bộ Giáo Dục đã tán thành việc chồng tôi tiếp quản chức Chủ tịch Hội đồng Quản
trị của Trường Đại Học và ông đang đợi đến buổi lễ nhậm chức. Tôi xin chồng tôi
làm cho tôi việc đó và tôi thật sung sướng khi ông đồng ý.
Tôi rất vui vì đó là giấc mơ bấy lâu của chồng tôi, và giờ đây nó sắp thành hiện
thực. Tôi sắp là vợ của vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Trường Đại học. Kể từ
khi Trường được thành lập, tôi chỉ ao ước một điều, đó là một ngày nào đó ngôi
trường này không chỉ là nơi đào tạo sinh viên về mặt học thức mà còn là nơi
gieo mầm đức tin trong họ trong thời gian họ học tại đây. Khi rời nhà trường để
bước ra thế giới, các sinh viên sẽ không những được trang bị về mặt kiến thức
mà còn có cả Tin Lành. Tôi chẳng có mấy quan tâm đến việc điều hành Trường học,
nhưng mỗi khi giai đoạn tuyển sinh bắt đầu, tôi bao giờ cũng là người đưa ra
nhiều đề nghị để chồng tôi cân nhắc.
"Anh à, khi các sinh viên quá giỏi giang, họ sẽ trở nên ích kỉ và chúng ta
sẽ không trông cậy được gì nơi họ. Nhưng nếu họ không thông minh thì cũng vô
ích. Vì thế, anh hãy tuyển chọn những sinh viên có số điểm trên trung bình nhưng
hãy nhớ chọn những sinh viên Cơ-đốc xuất thân từ những gia đình nghèo."
Vào thời điểm ấy, Khoa Trồng trọt Chăn nuôi được nhiều người chọn thi vào nhất
vì tất cả sinh viên đều nhận được học bổng toàn phần. Chú tôi là người cung cấp
những học bổng này để thực hiện ý nguyện của ông nội tôi là muốn tái kiến thiết
tương lai của nền Nông nghiệp Đại Hàn. Vì vậy, tất cả sinh viên thuộc Khoa này đều
nhận được học bổng toàn phần.
Một ngày nọ, tôi đến thăm trường và thấy chú tôi đang khóc trong văn phòng của
ông. Tôi động lòng và hỏi chuyện gì đã khiến ông khóc. Ông nói, “Nếu muốn cải
thiện bộ mặt của đất nước thì các nông dân cũng phải được mở mang kiến thức.
Cháu biết điều đó phải không? Nhưng khi các sinh viên tốt nghiệp, họ không còn
muốn về vùng nông thôn nữa mà đi tìm việc làm ở thành phố. Mọi kế hoạch và nỗ lực
của chú trở nên luống công. Chú không còn mặt mũi nào để gặp mặt ông nội
cháu."
Tôi để ý thấy chiếc áo sơ-mi ông mặc đã trở nên cũ kỹ. Ông đã dành từng đồng để
đầu tư cho các sinh viên. Tôi biết đây là lúc tôi nên nói chuyện với ông, vì thế
tôi bắt đầu mở miệng.
“Chú yêu quý, dù cho sinh viên được tiếp nhận một lượng kiến thức nhiều bao
nhiêu, họ cũng trở nên vô ích nếu như họ không được mở mắt thuộc linh. Để có được
tình yêu đối với những người nông dân, với đồng ruộng và quê hương, họ cần được
giáo dục về mặt tâm linh. Tinh thần yêu thương chỉ có thể đến được từ đức tin Cơ-đốc.
Vì lẽ đó, chú hãy tuyển những sinh viên Cơ-đốc. Chú sẽ không phải hối tiếc đâu.”
Sau khi lắng nghe tôi, ông nói, “Cháu nói đúng. Từ đây trở đi, chú sẽ chọn những
sinh viên Cơ-đốc cho khoa Trồng trọt Chăn nuôi. Từ lúc ấy, có nhiều sinh viên Cơ-đốc
được tuyển chọn. Một vài người trong số các sinh viên đã tốt nghiệp hiện nay đang
thi hành chức vụ tại một số nhà thờ ở Đại Hàn.
Cái Chết Đột Ngột Của Chồng Tôi
“Thưa bà, xin hãy đi với tôi.”
Tài xế của chồng tôi về nhà và bảo tôi như thế với vẻ mặt buồn bã.
“Anh muốn đưa tôi đi đâu? Có chuyện gì vậy?” Ông không trả lời mà chỉ nói, “Xin
bà hãy vào xe.” Vào trong xe rồi, tôi lại hỏi ông một lần nữa và ông trả lời,
“Ông Kim đã bị đột quỵ trong lúc đang làm việc tại văn phòng sáng nay. Ông đã được
ngay tới bệnh viện.” Chuyện tồi tệ gì đang xảy ra thế này?
Vài ngày trước đó, chồng tôi than là bị nhức đầu. Vì thế tôi bảo ông hãy đi Bác
sĩ và làm thủ tục nhập viện để xin khám tổng quát. Người tài xế đưa tôi đến
Trung tâm Y Khoa của Đại Học Seoul. Tôi mở cửa phòng và thấy chồng tôi đang nằm
bất tỉnh trên giường bệnh. Bác sĩ nói sở dĩ chồng tôi bị đột quỵ là do biến chứng
của bệnh tiểu đường và bệnh cao huyết áp. Bác sĩ có dùng thuốc để hạ huyết áp
nhưng không có kết quả. Tôi ngồi xuống cạnh giường, nắm lấy tay chồng tôi và
khóc. Con tim tôi đau nhói. Nhiều tư tưởng chạy dọc ngang trong đầu tôi. Chồng
tôi đã lấy tôi làm vợ, một người nhỏ hơn ông tám tuổi.
“Nếu có ai đó muốn cưới một cô gái là con một trong gia đình thì tôi nhất định
khuyên người ấy đừng nên cưới." Ông thường nói như thế để ám chỉ về tôi. Lỗi
là ở tôi nên ông mới nói những điều như thế. Trong một thời gian dài, ông đứng
ra lo liệu mọi vấn đề tài chính từ nhỏ đến lớn liên quan đến việc thành lập Trường.
Ông không bao giờ hé răng cho tôi biết về bất cứ khó khăn nào của ông. Có một lần,
tôi hỏi ông về công việc ở Trường và ông đáp, “Anh không nói cho em biết vì có
biết thì em cũng không thể giúp được gì. Thà là để một mình anh chịu. Đừng lo
gì cả. Em cứ chăm sóc con cái chu đáo là tốt rồi. Là chồng, anh sẽ lo toan mọi
việc bên ngoài cho em.”
Thỉnh thoảng tôi nổi cáu với chồng tôi. Vào những lúc ấy, ông không đi làm ngay
mà thay vào đó, ông ngồi tại phòng khách và lắng tai nghe tôi trút hết những nỗi
phiền muộn của mình. Sau đó, ông đưa tôi đến một trong những nhà hàng mà tôi ưa
thích và nói, “Chắc em đã mệt vì phải than phiền quá nhiều. Giờ thì hãy ăn đi để
bù đắp cho lượng dinh dưỡng bị hao hụt.” Sau khi tôi ăn xong, ông đưa tôi tiền để
đi chợ và mua sắm, rồi ông đi đến văn phòng ở Trường Đại học.
Ông là một người chồng đáng yêu. Khoảng thời gian trước lúc cha tôi qua đời, chồng
tôi bảo tôi đến thăm cha và cho ông gởi lời thăm. Ông căn dặn tôi là phải nhớ
mua thịt bò khi đi tới thăm cha. Khi gia sư đến dạy cho con gái đầu của tôi,
ông bảo tôi phải để mắt tới hai thầy trò. Chồng tôi là người cha rất mực thương
con. Ngày mà con gái đầu của tôi sang Mỹ học, ông đã khóc như một đứa trẻ. Tình
yêu thương của chồng tôi lúc nào cũng ấm áp và nhẹ nhàng như một đám mây trắng.
Nhiều người muốn tiếp xúc với ông vì họ muốn được đám mây ấy bao phủ lấy. Nhiều
lần tôi thấy ông đổ nước mắt vì động lòng thương xót người khác. Ông kính trọng
cha mẹ, thương người nghèo. Ông quả là một người đáng kính.
Tôi khóc trong lúc xoa bóp đôi chân sưng lên vì bệnh tiểu đường của ông. Ông thường
nhờ tôi xoa bóp chân cho ông vì ông bị bệnh tiểu đường. Tôi xoa bóp chân cho
ông và trong lòng thầm nguyện rằng một ngày nào đó, ông sẽ đến với Chúa.
Mỗi lần tôi bảo ông đi nhà thờ thì ông lại nói, “Anh sẽ đi khi thời gian thong
thả hơn. Giờ anh bận bịu lắm.” Làm sao ông biết được đây là ngày cuối cùng của
ông đây? Chú tôi ngưỡng mộ kiến thức và khả năng trong việc quản lý và trong
quan hệ với người khác của chồng tôi. Hai người đã cật lực làm việc từ lúc Trường
mới được thành lập. Họ đã cống hiến tuổi trẻ, những giấc mơ và hoài bão của
mình cho việc thành lập Trường Đại Học.
Giấc mơ được vươn tới đỉnh cao của chồng tôi sẽ thành hiện thực vào tháng Tư năm
tới. Nhưng tất cả mọi khả năng, sự hiểu biết, sự tôn trọng, cá tính, việc lành
của chồng tôi không thể đem ông tới thiên đàng. Chỉ có một con đường duy nhất đó
là tin nơi Chúa Cứu thế Giê-xu và nắm lấy tay Ngài trên bước đường tới thiên đàng.
Ông đã không tỉnh lại, thậm chí không thể mở mắt để nhìn thấy các con của mình.
Sự sống của ông chấm dứt vào đêm thứ ba sau ngày nhập viện, lúc đó ông chỉ mới
năm mươi ba tuổi. Ông có nhiều thời gian để gặp Ngài, nhưng ông mãi bận rộn
theo đuổi những tham vọng của đời này. Cuộc đời ông kết thúc vào ngày 15 tháng
Mười Hai, 1968. Bên ngoài cửa sổ, bầu trời đầy mây và u ám. Ông bỏ lại vợ và năm
đứa con để đi đến một nơi không hẹn ngày trở lại.
Ông giàu có nhưng nghèo nàn. Ông thông minh nhưng tối dạ. Ông được người ta tôn
trọng nhưng lại là kẻ thấp hèn nhất trong thiên quốc. Chúa Giê-xu đã chờ đợi chồng
tôi đến với Ngài và ao ước đem ông vào vương quốc vĩnh cửu, nhưng chồng tôi đã
sống trong lòng tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời. Ông đã khước từ lời mời của
Ngài và đi vào bóng tối đời đời.
Nỗi Đau Để Lại Đàng Sau
“Tôi phải làm gì đây? Tôi không còn một đồng
để mua dầu cho máy sưởi. Nếu không sử dụng, máy sẽ bị đóng băng và các đường ống
sẽ bể ngay.”
Thời tiết buốt giá vào năm chồng tôi qua đời. Phải tốn một số tiền lớn để chạy
máy sưởi vào mùa đông. Lúc ấy, tôi bốn mươi lăm tuổi và không biết chút gì về
thế giới bên ngoài. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có. Tôi sống
cuộc sống hôn nhân của tôi chỉ để chăm sóc cho chồng tôi. Tôi không biết thiếu
thốn nghĩa là gì. Thế mà giờ đây tôi phải sống mà không có sự bảo vệ và chăm
sóc của chồng tôi. Tôi hoàn toàn rỗng tuếch. Tất cả những điều tôi biết về tiền
bạc đó là chỉ cần đến xin chồng tôi. Cha tôi thật sự lo lắng cho tôi sau khi chồng
tôi qua đời, nhưng rồi ông cũng về với Chúa một năm sau đó. Tôi mất người chồng
và người cha yêu dấu của tôi. Bỗng nhiên, tôi trở nên một người vợ góa bụa và
là một đứa con gái mồ côi.
"Tôi có thể làm gì đây? Làm sao tôi có thể lo toan mọi việc đây?" Các
hóa đơn được gửi đến và các giấy hẹn cần được thanh toán. Tôi không biết làm gì
ngoài việc than khóc và thở dài. Chú tôi và Trường Đại học giúp tôi thanh toán
mọi khoản tiền. Món nợ duy nhất còn lại là số tiền sáu triệu won (20.000 Mỹ
kim) tiền vay thế chấp ngân hàng.
Họ hàng tôi nổi giận với tôi. Họ nói, “Đương lúc chồng cô còn sống, tại sao cô
không biết dành dụm tiền bạc gì cả? Cô chỉ mê mải với Chúa Giê-xu mà thôi. Giờ
thì cô chẳng còn tiền bạc để lo cho đám nhỏ. Các người sẽ sống như thế nào đây?"
Họ hỏi tôi, “Cô không có tiền nhưng cô có đồ trang sức không?” Nhưng tôi không
có một vật trang sức nào cả. Cả đời tôi, thậm chí đến một hạt kim cương tôi cũng
không có. Họ vô cùng bực tức khi biết rằng tôi không dành dụm được bất cứ vật
gì. Họ thu xếp ký thác vào ngân hàng cho tôi 17.000 Mỹ kim và bảo tôi nhận tiền
lời. Đó là số tiền trợ cấp và hưu bỗng mà chồng tôi có tại công ty xây dựng cũng
như tại Trường Đại học. Nhưng hai tháng sau đó, công ty xây dựng phá sản và tôi
thậm chí không nhận được khoản tiền mà chồng tôi đã đầu tư ban đầu. Tôi không
còn lại gì trong tay.
Tôi không biết phải làm cách nào để sinh sống. Có một câu ngạn ngữ của Đại Hàn
nói rằng, “Khi một người giàu qua đời, gia đình ông ta có thể sống được ba năm.”
Nhưng thậm chí ba tuần tôi cũng không sống nổi. Bạn bè khách khứa thường xuyên
viếng thăm nhà tôi khi chồng tôi còn sống giờ đây đã ngừng lui tới. Đó là bản
chất ích kỷ của con người.
Thật là chật vật khi trải qua những năm tháng khó khăn ấy. Nhưng khó khăn lớn
nhất của tôi là niềm tự hào và lòng tự tin vào bản thân mình đã bị đốn ngã. Tôi
không còn mặt mũi nào để gặp mặt mọi người. Giá dầu vào mùa đông cao như giá
vàng. Tôi căm ghét mùa đông. Người tài xế của chồng tôi cùng những người giúp
việc đã ra đi. Một gia đình nhỏ không có khách lui tới càng khiến cho căn nhà rộng
thênh thang của chúng tôi lạnh lẽo hơn.
Mọi người đều bỏ đi, nhưng Ngài vẫn ở đó với tôi. Ngài luôn ở với tôi trong năm
năm khốn đốn nhất. Ngài đưa đến cho tôi bà Yewon Inn, là Chủ tịch đầu tiên của
Hiệp Hội Y Tá Đại Hàn. Bà như là một người mẹ đức tin của tôi. Bà cũng là Trưởng
lão đầu tiên của Hội Thánh Giám Lý. Bà Inn được Chúa đem đến cho tôi. Bà sống
trong nhà tôi. Bà an ủi và nâng đỡ đức tin tôi như con gái ruột của bà cho đến
khi tôi rời Đại Hàn.
Tôi không thể tiếp tục sống tại Đại Hàn được nữa. Bốn năm sau khi chồng tôi qua
đời, tôi quyết định di cư sang Hoa kỳ. Tôi nhận được thư mời của đứa con gái của
tôi đang sống tại Hoa kỳ. Tôi chỉ muốn đến một vùng đất xa lạ và giấu mình ở đó.
Tôi không có tiền nên tôi bán một số mảnh đất mà tôi đã mua trước đó rất lâu.
Tôi trả nợ cho ngân hàng và sống nhờ vào số tiền còn lại nhưng rồi tiền cũng hết.
Thế là tôi đồng ý sang Hoa kỳ với con gái tôi. Đó là giải pháp duy nhất.
Miếng đất tại Bugok mà tôi mua đã lâu rộng 9 mẫu. Tôi tặng miếng đất đó cho Hiệp
Hội Y Tá Đại Hàn. Vào thời điểm đó, nhiều Y tá được đưa sang Đức để làm việc.
Tôi muốn giúp họ gởi thêm nhiều Y tá để truyền bá Tin Lành tại Đức.
Ngôi nhà tôi ở và mảnh đất tại Bu Am Dong rất đẹp và rộng. Tôi quyết định tặng
nó cho cho tổ chức Chiến Dịch Sinh Viên Vì Đấng Christ (Campus Crusade For
Christ) tại Đại Hàn. Tôi là thành viên nữ đầu tiên của ban lãnh đạo tổ chức
này. Vào thời điểm đó, con trai trưởng của tôi lập gia đình. Tôi xin phép con
trai tôi vì chồng tôi đứng tên căn nhà của chúng tôi và con trai trưởng của tôi
là người thừa kế. Tôi nói chuyện với Mục sư về việc tặng mảnh đất rộng 1,2 mẫu
của tôi cho tổ chức Chiến Dịch Sinh Viên Vì Đấng Christ. Tôi còn một mảnh đất
khác rộng 1,5 mẫu mà tôi đã mua ở ngoại ô thành phố Seoul bị chính quyền giới hạn. Đó cũng là nơi
chồng tôi được chôn cất. Tôi để nó lại khi tôi ra đi. Tôi rửa tay mình và không
còn nợ nần gì cả. Tôi hoàn toàn trắng tay.
Nhưng trước khi ra đi, tôi cảm thấy vẫn còn một điều gì đó cần phải làm. Sau
khi đi thăm các nước vùng Đông Nam Á về, tôi đã thành lập một nhóm phụ nữ cầu
nguyện không hệ phái và tôi là Chủ tịch đầu tiên của nhóm Dowon (có nghĩa là
"Hỗ trợ nhau bằng lời cầu nguyện.") Mục đích của nhóm cầu nguyện là đẩy
mạnh công tác truyền giáo tại vùng Đông Nam Á.
Tôi tặng cho nhóm Dowon một số tiền là 500 ngàn won (1,700 Mỹ kim). Tôi lấy từ
ví của mình ra số tiền này, vốn là số tiền dùng để mua vé máy bay cho cả gia đình
đi Mỹ.Và đây chính là một mồi lửa vì sau đó, tất cả các thành viên của nhóm đã
cùng nhau đóng góp được số tiền là năm triệu won (17.000 Mỹ kim.) Họ đã dùng số
tiền ấy để mua một tòa nhà tại trung tâm mua sắm và cho thuê tòa nhà ấy. Số tiền
thuê nhà mỗi tháng được đưa vào quỹ truyền giáo. Tôi nghe rằng nhóm Dowon hiện
vẫn còn hoạt động mạnh mẽ tại Seoul ,
Đại Hàn.
Gia đình tôi bảy người bước lên máy bay rời quê hương, băng qua Thái Bình Dương
để đến đất Mỹ. Trong ví tôi còn lại 700 đô-la. Đó là ngày 13 tháng Hai, 1973.
Ghi chú :
Bảy thành viên gia đình gồm có ba con trai, một con gái, một con dâu, cháu trai
tôi và tôi.