1. Dẫn nhập
Hầu hết mọi người trong thế gian đồng ý rằng sau khi chết có ít nhất hai chỗ dành cho linh hồn: một là
chỗ “tốt” dành cho các “thánh nhân,” hai là chỗ “xấu” để giam nhốt những linh hồn ác độc. Còn một
chỗ thứ ba nữa mà mọi người không nói ra, nhưng đều đồng ý trong im lặng, là một nơi lưng chừng,
không xấu không tốt, không hoàn toàn thiện, nhưng cũng không hoàn toàn ác, là nơi mà đại đa số mọi
người, trừ một số ít “thánh nhân” và kẻ “ác,” sẽ đi vào sau khi chết. Những linh hồn đi vào cõi thứ ba
này vẫn còn có cơ hội để vào chỗ “tốt,” vì một cơ may nào đó. Không ai có khái niệm rõ ràng chỗ thứ
ba này như thế nào. Nó tồn tại vì mọi người đều suy nghĩ rằng ít có ai quá “thánh” để vào chỗ “tốt” đó,
và ít có ai quá ác độc để phải bị đọa trong chỗ “xấu.” Do vậy, phải tồn tại một nơi để “tôi” là người
“trung bình” đi về sau khi chết. Trong thế giới thứ ba không rõ này, “tôi” sẽ không được hạnh phúc như
trên chỗ “tốt,” nhưng cũng không phải chịu hình phạt như ở trong chỗ “xấu.”
Ba thế giới tâm linh đó tồn tại rõ ràng về khái niệm. Tuy nhiên, trên thực tế chúng không có biên giới rõ
ràng. Nghĩa là mỗi người, mỗi văn hóa có một định nghĩa “tốt” và “xấu” riêng, có một tiêu chuẩn phán
xét người khác khác nhau, và khác với tiêu chuẩn phán xét chính bản thân mình. Các tiêu chuẩn phán
xét này lại thay đổi theo thời gian. Một đối tượng tại một thời điểm đối với một người có thể là “thánh
nhân” nhưng đối với người khác, tại một thời điểm khác chỉ là một người “trung bình.” Do đó, chúng ta
có một câu hỏi rằng, sau khi chết thật sự đối tượng này đi về đâu; có một bộ luật pháp hoàn vũ, không
phụ thuộc vào cảm tính của người phán xét, hoặc thời điểm phán xét, chi phối toàn bộ thế gian, để
định “công” và “tội” của đối tượng kia chăng?
Chúng ta có thể mơ hồ biết được là có một bộ luật như vậy khi nhìn vào sự phán xét của thế gian,
nhưng chi tiết vận hành của nó chúng ta không thể tự mình biết được. Loài người bị giới hạn trong
phạm vi của thế giới mà mình được sinh ra. Giới hạn này không những có tính vật lý (như giới hạn về
cự ly di chuyển, thời điểm sinh tồn, v.v.) mà còn có tính tâm linh. Dù nhân loại làm được nhiều chuyện
đội đá vá trời, nhưng mọi người đều không biết được tại sao mình được sinh ra, chết lúc nào, và sau khi
chết chuyện gì xẩy ra cho mình. Chúng ta không thể “chọn” giới tính, hay thời điểm, hay gia cảnh để
chúng ta sinh vào thế giới. Chúng ta có thể hiểu nhiều điều tồn tại phía “bên ngoài” của mình, như trái
đất quay chung quanh mặt trời như thế nào, mặt trăng quay chung quanh trái đất như thế nào, v.v.,
nhưng chính sự tồn tại của chính mình thì chúng ta lại mù tịt. Chúng ta chỉ biết được một phần nhỏ về
thế giới vật lý chung quanh chúng ta, nhưng chính đời sống của bản thân thì chúng ta không biết gì
hết. Trong khuôn khổ giới hạn của thế giới khi chúng ta còn sống, chúng ta không có khả năng phóng
tầm nhìn ra ngoài cuộc đời này để tìm hiểu xem ngoài đó có những gì; như một con cá trong chậu
không thể biết được ngoài cái chậu có những gì. Vì chúng ta không biết nên phải chấp nhận một trong
hai tình huống. Một là cuộc sống này không có ý nghĩa gì hết; chúng ta đi vào cuộc đời một cách ngẫu
nhiên; thế giới này tồn tại một cách ngẫu nhiên; bên ngoài cuộc đời này không tồn tại cái gì hết. Hai là
có một thế giới khác bên ngoài cuộc sống của chúng ta, được chi phối bằng một điều luật cố định,
không thể biết được bằng trí khôn của loài người.
Đối với những người chấp nhận điều một ở trên, thật sự không có điều gì đáng nói vì cuộc sống họ như
một cọng rơm trong đám cháy rừng, bùng cháy lên rồi tắt. Họ chẳng nên hiếu để với cha mẹ vì chính
cha mẹ đã đem họ vào cuộc đời đau khổ này. Hoặc là họ cũng chẳng nên oán hận cha mẹ, vì chính
cuộc sống của ông bà cũng đã là điều ngẫu nhiên; từ sự ngẫu nhiên đó đem tới sự ngẫu nhiên khác, đó
chính là cuộc đời họ. Họ nên ăn, uống, ngủ, thoả mãn tình dục cho thoải mái trước khi tuổi già đến, khi
giấc ngủ, miếng ăn, thức uống, tình dục không dễ dàng để hưởng thụ như lúc xuân thì. Còn đối với Tình trạng của thế gian hư mất Page 2
những người chấp nhận tình huống thứ hai thì nếu không giải quyết được những khắc khoải về tâm linh
thì cuộc sống trở nên đau khổ bội phần. Ngoài những đau khổ trong cuộc đời mà mọi người phải chịu
như bịnh tật, phân ly, chiến tranh, đói khát, thiên tai, v.v., những người khắc khoải về tâm linh còn
phải đau khổ thêm vì các câu hỏi về cuộc sống ngày nay và mai sau chưa có câu trả lời. Đây là những
người khóc lóc, đói khát trong tâm linh. Đó chính là những người được chính Đức Chúa Jesus Christ ban
phước: “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! Phước cho
những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!” (Ma-thi-ơ 5:3-4). Những người này nếu “xin, sẽ được, tìm, sẽ
gặp; gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở” (Ma-thi-ơ 7:7-
8). Đó chính là “phước” của Đức Chúa Jesus đã hứa ban.
Khi đi “xin” chúng ta chấp nhận một điều rằng của vật mà chúng ta xin đó ở “bên ngoài” chúng ta.
Nghĩa là nó tồn tại độc lập với sự sinh tồn của chúng ta. Nếu chúng ta “xin,” của vật đó sẽ được ban
cho chúng ta. Nếu vì lòng kiêu ngạo chúng ta không xin, thì của vật đó vẫn tồn tại. Nếu chúng ta có
mặt trong rừng cây, thì chúng ta sẽ được chứng kiến một cành cây vì gió đổ xuống. Nếu chúng ta
không có mặt, thì cành cây đó vẫn đổ xuống, nhưng chúng ta sẽ không thấy được. Chân lý về thế giới
tâm linh tồn tại ngoài khả năng quan sát của chúng ta. Vì vậy, nếu chúng ta biết được, thì chỉ có thể
“được cho biết” – hay được mạc khải - bởi tác giả của nó. Tác giả đó là chính là Đức Chúa Trời.
2- Mạc khải về hai thế giới tâm linh
Khác với niềm tin của dân gian về ba thế giới tâm linh, Thánh kinh – là mạc khải của Đức Chúa Trời -
cho chúng ta biết rằng chỉ có hai thế giới tâm linh: một là thiên đàng, hai là hỏa ngục. Thiên đàng là
nơi Đức Chúa Trời ngự; hỏa ngục là nơi nhốt Satan vĩnh viễn sau này. Người thuộc về thiên đàng được
gọi là con cái Đức Chúa Trời; người thuộc về hỏa ngục, là thù địch của Đức Chúa Trời, là con cái của
Satan. Con cái của Đức Chúa Trời yêu sự sáng, công chính, chân lý và tình yêu. Con cái của Satan yêu
bóng tối, tội lỗi, lừa dối và thù hận. Hai thế giới tâm linh này không những tồn tại bên ngoài cuộc sống
vật lý của chúng ta, mà còn bao trùm lấy nó nữa. Nói cách khác, thế gian mà chúng ta đang sống,
thuộc về một trong hai thế giới tâm linh ở trên.
Làm sao nó có thể thuộc về chỉ một trong hai thế giới “tốt” hoặc “xấu” đó trong khi nó bao gồm cả
những cái “tốt” lẫn “xấu”? Những cái “tốt” như là lòng hy sinh của cha mẹ cho con cái, tình yêu quê
hương, dân tộc, v.v. Những cái “xấu” như lòng ganh ghét, ích kỷ, chém giết, v.v.? Cái “tốt” và “xấu”
không những tồn tại trong xã hội loài người mà đặc biệt tồn tại ngay chính trong mỗi cá nhân. Vì vậy,
dân gian mới tin vào một thế giới thứ ba không “tốt” cũng không “xấu.” Tuy nhiên, như chúng ta có nói
ở trên, cái tiêu chuẩn “tốt, xấu” thay đổi theo từng người và thời gian. Như vậy, nếu đã có hai thế giới
tâm linh ngoài, nhưng bao trùm lên thế giới mà chúng ta đang sống, thì ắt phải có một tiêu chuẩn bất
biến để phân định biên giới của chúng. Nếu đã có một tiêu chuẩn như vậy, thì ắt phải có một Đấng có
thẩm quyền để phán định - dựa vào tiêu chuẩn đó – ai sẽ thuộc về thế giới tâm linh nào. Đấng đó
không ai ngoài Đức Chúa Trời.
Trong ánh mắt của Đức Chúa Trời, cái “tốt” của loài người không tự động đền bù được cái “xấu.” Cái
“công nghĩa” của loài người mà chúng ta khoe khoang, trước mắt Ngài chỉ là đồ rác rến. Mặc dù những
giá trị luân lý và đạo đức chỉ có giá trị tương đối, nó chỉ về một sự tuyệt đối chỉ tìm được trong bản thể
của Đức Chúa Trời. Do vậy, tội lớn nhất của loài người là ở chỗ mặc dù mơ hồ biết được có Đức Chúa
Trời qua luân lý vào đạo đức tương đối đó, đã không công nhận Ngài là Đấng thật sự hiện hữu. Vì vậy,
“mọi người đều phạm tội, thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Sự chối bỏ Đức
Chúa Trời dẫn đến sự suy đồi về đạo đức của loài người. Sự suy đồi về đạo đức dẫn đến sự hình thành
các tôn giáo với mục đích giúp con người “làm lành tránh ác” theo sức riêng của mình, thay vì trông cậy
vào quyền năng và sự thương xót của Đức Chúa Trời. Do vậy, tôn giáo tạo thêm cớ để con người chối
bỏ Đức Chúa Trời càng nhiều hơn.
Sau khi tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va bất tuân Đức Chúa Trời, cả nhân loại được sinh vào
trong một gia tộc tội lỗi. Mầm tội lỗi đã được cấy vào tế bào đầu tiên của một đứa bé sơ sinh, nên khi
được vài tuổi các em đã biết nói láo ngay mặc dù chẳng có ai dạy cả. Kẻ nói láo là con của Satan vì “nó
vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Khi lớn lên, các em vừa “làm” vừa “học” phạm tội
từ cha mẹ và các người lớn khác. Tội lỗi được di truyền từ đời này sang đời khác vì hạt giống tội lỗi đã
có sẵn trong một người ngay khi mới khóc chào đời. Khi quan sát được sự học tội từ nhau, loài người
mới sáng tạo ra triết lý “nhân chi sơ tính bản thiện.” Triết lý này cho rằng bản chất loài người là tốt, và
tội lỗi có được là do bắt chước từ xã hội. Do đó, con người muốn trở nên tốt cần phải có giáo dục tốt.
Điều này chỉ đúng trên bề mặt, vì một xã hội ổn định và tiến bộ cần phải có một nền giáo dục tốt để
huấn luyện con người trở nên một công dân tốt, một sự trừng phạt công bình để ngăn ngừa tội phạm.
Tuy nhiên, một nền giáo dục tốt không giải quyết được bản chất của tội lỗi vì nó bắt nguồn từ sự bất
tuân Đức Chúa Trời. Quan hệ của một người với Đức Chúa Trời là nền tảng đời sống tâm linh của người
đó và là yếu tố quyết định để anh ta thuộc về thế giới tâm linh nào - thiên đàng hay địa ngục. Cái vấn
nạn của tôn giáo là thay vì hướng con người về sự tốt lành tuyệt đối là Đức Chúa Trời, lại là một cái cớ
để con người chối bỏ Ngài càng nhiều hơn. Thay vì hướng về việc giải quyết bản chất của tội lỗi một
cách rốt ráo, loài người giải quyết hiện tượng của tội lỗi qua tôn giáo, nên càng ngày càng lún sâu hơn
vào tội lỗi vì càng xa bỏ Đức Chúa Trời. Do đó, càng ngày tội lỗi của nhân loại càng tăng. Thánh Kinh
tóm gọm tình trạng của loài người hư mất như sau: “Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một
người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Ðức Chúa Trời”
(Rô-ma 3:10-11). Đúng vậy, chẳng có một ai tìm kiếm Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng Tuyệt Đối, và
loài người là giòng giống ưa thích sự tương đối. Trừ một thiểu số đáp ứng lời Đức Chúa Trời kêu gọi
nhân loại trở lại với Ngài, toàn bộ nhân loại nếu không thờ một hình tượng (tượng ông địa, tượng Quan
Công, tượng Phật, tượng Quan Âm, tượng Ma-ri, tượng Chúa, hình của một linh mục bị Việt Công giết,
hình các “thánh tử đạo,” v.v.) hay thờ một thần tượng (cúng sao, cúng đất, cầu nguyện với Ma-ri, cầu
nguyện với các Thánh, cầu nguyện với thần Alah, v.v.) nào đó thì cũng thờ tiền bạc. Nếu họ không thờ
lạy tượng thì cũng nhận mình là con cái của khỉ hay con cái của rồng.
Vì bị sinh ra trong sự quên bỏ Đức Chúa Trời - là tác giả của sự sống - nên chỉ phần xác thịt của người
sống (tức là biết ăn, uống, ngủ nghĩ, làm việc, sinh hoạt, v.v.), còn phần tâm linh đã cách ly khỏi Đức
Chúa Trời. Đây là những cá nhân khi chết đi (tức là phần xác chết đi), không còn một hy vọng nhỏ nhoi
nào để được hoà giải với Đức Chúa Trời. Điều khủng khiếp nhất là khi chết linh hồn không tan rã vào
cõi hư không, như thân xác tan rã vào trong đất, mà vẫn tồn tại để chờ ngày phán xét: “Theo như đã
định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Vì chỉ chết có một lần nên
không còn có một kiếp nào khác để loài người có cơ hội sửa sai. Điều này thật dễ hiểu và hợp lý, vì nếu
đã có một cuộc đời gần một trăm năm để sửa sai, mà vẫn còn làm tội thì nếu có kiếp sau, cá nhân đó
vẫn tiếp tục làm tội như trong cuộc đời trước và còn hơn thế nữa. Chúng ta nhớ rằng tội lỗi càng ngày
càng tăng chứ không giảm. Người tu hành biết chắc rằng càng tu càng thấy mình tội lỗi, và càng cố
gắng che dấu tội lỗi mình hơn. Mỗi khi đã nhận cho người khác gọi mình là “thầy” là “cha” thì rất khó
mà công nhận mình là tội lỗi. Do vậy, đối với người tu hành, ngoài tội lỗi cũ của mình càng ngày càng
chồng chất, còn có một tội khác nữa cộng vào. Tội đó là tội giả hình (hay gọi gọi là đạo đức giả). Nô lệ
cho tội lỗi là đặc tính của con người xác thịt (tức là người mà phần tâm linh đã cách ly với Đức Chúa
Trời), vì hạt giống của tội lỗi đã được cấy vào khi tinh trùng của cha người đó gặp trứng của mẹ người
đó. Người xác thịt chỉ biết chăm lo về mặt vật chất và “…sự chăm về xác thịt nghịch với Ðức Chúa Trời,
bởi nó không phục dưới luật pháp Ðức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được. Vả, những kẻ sống
theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Ðức Chúa Trời” (Rô-ma 8:7-8). Người xác thịt – ngay cả những
người tự nhận là vô thần - biết có Đức Chúa Trời, nhưng chẳng công nhận Ngài (Rô-ma 1:21). Vì vậy,
người xác thịt đương nhiên đứng về phía Satan là kẻ “tin Chúa” nhưng chống nghịch Ngài và do đó bị
Đức Chúa Trời gọi là kẻ thù của Ngài. Chẳng những vậy, Đức Chúa Trời còn gọi loài người không tin
Chúa là con cái của Satan để phân biệt với Cơ-đốc nhân là con cái của Ngài (I Giăng 3:10). Con cái có
đặc tính của cha mẹ. Con cái của Đức Chúa Trời thì trọng sự thật. Con cái của Satan thì yêu thích nói
dối, vì Satan là kẻ nói dối và sát nhân (Giăng 8:44). Có những “người tốt” có công đức cao trọng nhưng
trong tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời họ vẫn là con cái của Satan: cha của sự nói dối, và là kẻ nói dối -
nếu “người tốt” này yêu thích sự nói dối. Có những lời nói dối để tránh mất lòng, nhưng đó vẫn là lời nói
dối. Có những lời nói dối được xem là “tốt” như nói dối với bệnh nhân sắp chết là anh ta đang phục hồi,
với mục đích trấn an, nhưng nó vẫn là lời nói dối. Khai gian thuế má cũng là nói dối với chính quyền và
không vâng phục chính quyền. Làm chứng gian trước toà cũng là nói dối. Con người có quyền từ chối
trả lời nếu định rằng câu trả lời bất lợi cho mình, nhưng mỗi khi nói dối, chúng ta mang vào đặc tính
của Satan là cha của kẻ nói dối. Đó là một thiên sứ sáng láng, “tin” có Chúa (chứ không phải người “vô
thần”), nhưng chống nghịch Chúa.
3- Kết luận:
Toàn bộ thế gian đều phạm tội trong tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Khi phạm tội, thế gian đứng vào
phía Satan chống nghịch với Đức Chúa Trời. Vì vậy, toàn bộ thế gian thuộc về vương quốc của Satan,
hay nói một cách khác, nó thuộc về hoả ngục mặc dù hiện thực của hoả ngục chưa thể hiện cụ thể
trong thế gian thuộc thể. Sau khi chết, linh hồn của một người chối bỏ sự cứu rỗi của Chúa chờ đợi để
được gọi vào sự phán xét sau rốt, rồi bị ném vào hỏa ngục là nơi Satan bị nhốt cho đến đời đời. Những
ai, khi còn sống, tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, sẽ được Ngài cứu khỏi hỏa ngục, được đem
vào trong sự vinh hiển đời đời. Chỉ có hai thế giới tâm linh: một là sự sống đời đời, sự sáng, sự vinh
hiển, sự thông công/tiếp cận với Đấng Tạo Hóa; hai là sự chết đời đời, sự tối tăm, sự đoán phạt/đau
khổ đời đời, sự cách ly đời đời với Đấng Sinh Thành. Không có một nơi lưng chừng để con người có
thêm cơ hội nữa sau khi chết. Câu nói “chết là hết” thật sự được hiểu rằng “chết là hết cơ hội” chứ
không phải sau khi chết mọi sự kể cả linh hồn đều tan biến vào sự hư không.
Lê Anh Huy
01/08/2008