Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 9, 2012

Con Đường Duy Nhất




Trong thời đại ngày nay, dù nhân loại đã văn minh tiến bộ rất nhiều nhưng vẫn không thay đổi được thời tiết khắc nghiệt của mùa đông hay cái nóng gay gắt của mùa hè. Các đài truyền hình chỉ dự báo thời tiết và đưa ra những lời khuyên thực tế để người dân tránh bớt tai nạn, nhưng họ không thay đổi được thời tiết. Trên đời nầy có những sự thật mà bạn và tôi không thể thay đổi. Có những chân lý chúng ta phải chấp nhận. Tôi có đọc được một câu chuyện xảy ra ở một tiểu bang miền Đông nước Mỹ trước đây mà tôi nhớ mãi. Có một thiếu phụ Mỹ bồng con mua vé xe lửa để đến một điểm hẹn mà bà chưa hề đặt chân đến. Hôm đó trời có bão tuyết và lạnh lẽo. Trên xe lửa, bà thấy người lái tàu, bà kêu ông lại và nhờ ông báo cho bà biết khi nào đến ga mà bà định đi. Ông lái tàu sau khi hỏi kỹ nơi bà định đi thì nói, "Bà yên tâm, khi nào đến nơi, tôi sẽ báo cho bà hay." Ngay lúc đó trên tàu, có một người hành khách nói với bà, "Bà yên tâm đi, tôi biết rành nơi bà sắp đến. Khi nào tới nơi, tôi sẽ báo cho bà hay." Người thiếu phụ mỉm cười cảm ơn. Đi được một lúc lâu, tàu dừng lại. Người hành khách trên tàu giục bà xuống tàu đi. Bà nghe lời người hành khách bồng con xuống khỏi tàu. Bên ngoài trời mưa gió và tuyết trắng, lạnh lẽo vô cùng. Khi người thiếu phụ xuống khỏi tàu một lát, tàu lại tiếp tục xình xịch lên đường. Một lát sau tàu dừng lại. Người lái tàu chạy lại tìm người thiếu phụ để báo cho bà biết nơi đến của bà. Có người nói, "Bà ấy bồng con xuống khỏi tàu lúc tàu dừng lại lúc nãy." Người lái tàu hốt hoảng nói lớn, "Vậy là bà ấy đi vào chỗ chết rồi. Lúc nãy chúng tôi dừng lại để sửa máy tàu chút đỉnh rồi đi. Đây mới là chỗ đến của bà ấy." Lập tức người ta kêu gọi những người tình nguyện đi trở lại dọc theo đường xe lửa để tìm người thiếu phụ. Cuối cùng người ta tìm thấy bà đang gục xuống bên đường, nước mắt lưng tròng, mặt mày xanh tái, đưá con trong lòng bà đã chết cứng vì lạnh."
Xung quanh chúng ta có nhiều người tốt muốn chỉ đường, nhưng tốt không phải là đúng. Rất nhiều người thật lòng muốn giúp người khác nhưng thật lòng sai. Chỉ đường sai trong làng, trong phố có thể sửa chữa bằng cách chỉ lại hoặc hỏi lại để đi lại, và hậu quả không nghiêm trọng lắm. Nhưng nếu hỏi đường lên thiên đàng mà chỉ sai hướng thì hậu quả thật kinh khủng. Có thể lắm bạn đang đi trên con đường dẫn đến hỏa ngục? Bạn không chắc phải không? Vậy con đường nào chắc chắn dẫn đến thiên đàng? 


Không phải Đạo nào cũng có mục đích như nhau.

Ngày 28-31 Tháng Tám, 2000, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước, đã diễn ra Hội Nghị Cao Cấp của hơn 1,000 nhà lãnh đạo tôn giáo đại diện cho 70 tôn giáo trên thế giới nhằm mục đích cổ vũ cho hoà bình giữa các nhóm tôn giáo. Bà Anne Graham Lotz, con gái của Nhà Truyền Giáo Billy Graham, đã đọc diễn văn trước các Đại biểu Hội Nghị nói rằng, "Đức Chúa Giê-xu là con đường thật duy nhất dẫn nhân loại đến thiên đàng." Một tu sĩ Phật Giáo sau đó đã đứng lên xác nhận niềm tin của mình rằng, "Mỗi con sông đều dẫn đến đại dương và mỗi tôn giáo đều dẫn đến Đức Chúa Trời."

Đây là hai câu nói hoàn toàn khác nhau. Câu nói của vị tu sĩ trên đây rất gần với quan niệm của nhiều người Việt Nam cho rằng "Đạo nào cũng tốt." Từ đó đã nảy sinh ra thực tế là nhiều người Việt Nam không chịu tìm hiểu Cơ-đốc Giáo nhất là không chịu tìm hiểu sự tương đồng hay dị biệt của tôn giáo mình so với Cơ-đốc Giáo. Nhiều người chọn thái độ tin rằng gia đình cha mẹ mình đã có đạo cổ truyền, thôi thì mình cứ đi theo cũng không sao. Đạo nào cũng tốt cả! Một số người cảm thấy khó chịu khi nghe nói Cơ-đốc Giáo tin tưởng và truyền bá niềm tin cho rằng Chúa Cưú Thế Giê-xu là con đường duy nhất đúng dẫn đến thiên đàng, nhưng đây là một sự thật mà ai cũng phải đối diện.

Thật lòng tôi không có ý muốn tranh luận về triết lý tôn giáo ở đây. Tôi chỉ muốn giới thiệu với bạn một tin mừng, một sự lựa chọn. Xin bạn kiên nhẫn tìm hiểu trước khi đi đến kết luận.

Trong đời sống thường ngày, khi tuyên bố điều gì khó hiểu, người ta hay mượn một hình ảnh dễ hiểu để dễ liên tưởng. Tuy nhiên chúng ta cần nhận xét cho kỹ trước khi công nhận lời tuyên bố đó. Ví dụ: "Mọi vật đều có nguyên nhân, cái nhà là một vật nên cái nhà có nguyên nhân." Câu nầy dễ hiểu và đúng. Nhưng có người nói rằng: "Mọi vật đều có nguyên nhân, Đức Chúa Trời là một vật, nên Đức Chúa Trời cũng có nguyên nhân." Câu nầy không đúng vì Đức Chúa Trời không phải là một vật thọ tạo. Ngài là Đấng Sáng Tạo. Ngài khác hẳn các tạo vật do Ngài dựng nên giống như người chủ nhà khác với cái nhà vậy.

Bây giờ khi nghe câu nói: "Mỗi con sông đều dẫn đến đại dương," chúng ta có thể đồng ý dễ dàng, bởi vì hầu hết con sông nào cũng chảy về biển. Nhưng khi nghe tiếp câu: "Mỗi tôn giáo đều dẫn đến Đức Chúa Trời," chúng ta sẽ thấy ngay là không đúng. Lý do là vì hướng đi của các tôn giáo thực ra không cùng một hướng. Một bên tin theo sự mặc khải từ Chúa, một bên tin theo sự suy đoán của con người. Một bên hướng về Đức Chúa Trời, một bên hướng về con người. Một bên nhờ sức Chúa hoàn toàn, một bên nhờ sức mình hoàn toàn. Một bên biếc chắc mình đi về đâu, một bên không biết mình đi đâu cả thì làm sao có thể gặp nhau ở một điểm. Câu nói, "Các tôn giáo cuối cùng sẽ dẫn người ta đến gặp Đức Chúa Trời" là câu nói lý tưởng, để an ủi, để biện minh cho những người theo các tôn giáo khác với Cơ-đốc Giáo, nhưng chúng ta biết chắc lý tưởng nầy không bao giờ đạt đến được.

Thực tế Đạo nào cũng tương đối tốt nhưng không phải Đạo nào cũng đúng. Triết lý không phải là chân lý. Ý người không phải là ý Chúa. Người mù xem mọi vật giống nhau, nhưng người sáng mắt trông mọi vật rất khác nhau. Không phải Đạo nào cũng có đức tin giống nhau Dưới cái nhìn khách quan, chúng ta ai nấy đều có thể công nhận về phương diện bề ngoài, các tôn giáo đều có những điểm giống nhau.

(1) Tất cả các tôn giáo đều bày tỏ nhu cầu căn bản giống nhau của loài người. Ở đâu, thời nào người ta cũng thấy dấu vết tôn giáo trong các xã hội loài người. Ở đâu, thời nào con người cũng nổ lực tìm kiếm giải pháp cho những nan đề chung của nhân loại.

(2) Tất cả các tôn giáo đều thực tâm như nhau. Mọi người đều thực lòng tìm kiếm và hướng đến Chân Thiện Mỹ. Mọi người đều thật lòng tìm kiếm và thực hành giải pháp mình tin là đúng nhất.

(3) Tất cả các tôn giáo đều dạy những nguyên tắc đạo đức giống nhau. 


Chẳng hạn Cơ-đốc Giáo dạy 10 điều răn như phải kính sợ và thờ phượng một mình Đức Chúa Trời mà thôi; phải hiếu kính cha mẹ, không được giết người, không được tà dâm, không được trộm cướp, không được làm chứng dối, không được tham muốn vợ, tôi tớ hay của cải người khác. Trong khi đó Phật Giáo dạy phải giữ ngũ giới như bất sát (cấm giết bất cứ sinh vật nào), bất đạo (cấm trộm cướp), bất dâm (không được gian dâm), bất vọng ngữ (không được ăn không nói có, vu oan gián họa), bất ẩm tửu (không được uống rượu). Các tu sĩ Phật Giáo còn phải giữ rất nhiều điều cấm khác nữa. Khổng Giáo thì dạy, "Kỷ sỡ bất dục, vật thi ư nhân" nghĩa là điều gì mình không muốn người ta làm cho mình thì đừng làm điều đó cho họ. Trong khi đó Chúa Cưú Thế Giê-xu dạy, "Hễ điều chi các con muốn người ta làm cho mình thì hãy làm điều đó cho họ."

Các tôn giáo đều có các chùa chiền, thánh đường, kinh sách, giới tư tế, các hình thức thờ phượng, cúng bái và những ngày lễ đạo. Bề ngoài, các tôn giáo có nhiều nét giống nhau. Tuy nhiên, tự trong bản chất các tôn giáo ta thấy có nhiều điều căn bản rất khác nhau.

(1) Đối tượng đức tin các tôn giáo rất khác nhau.

(2) Nhận định về nan đề của loài người rất khác nhau.

(3) Giải pháp cho nan đề con người cũng hoàn toàn khác nhau. 


Các tôn giáo đã khác nhau từ trong bản chất thì không thể cùng đi một hướng hay cùng đến một mục đích được. Có người đã dùng thí dụ những người mù xem voi để chỉ về cái nhìn khác nhau của các tôn giáo về một thực thể. Theo câu chuyện nầy thì một người mù rờ chân voi và nói con voi là cây cột đình, người rờ tai thì nói con voi như cái quạt lớn, người rờ cái vòi thì nói con voi là con đĩa lớn... Tuy nhiên đây là thí dụ không thực tế, thứ nhất những người mù nầy dù không có mắt thấy nhưng họ có tay chân để đi lại và rờ mó, họ cũng có trí óc để nhận xét. Hơn nữa cái chân, cái vòi hay tai con voi không nằm rời xa nhau nhưng dính vào nhau trong thân con voi, nếu tách ra từng phần như thế là không còn con voi để những người đó đụng chạm nữa rồi. Ngoài ra Đấng Tạo Hoá là Đấng vô hình và không phải giống như con voi để một người mù lòa nhận xét đúng được. Chúng ta có khả năng nhận xét, vì vậy chúng ta cần nhận xét cho khách quan và đúng đắn. Chúng ta có quyền lựa chọn và chúng ta cần lựa chọn con đường duy nhất đúng.

Chúa Giê-xu Là Con Đường Duy Nhất

Đức Chúa Trời không muốn chúng ta tin tưởng Ngài cách mù quáng. Ngài mời gọi chúng ta hãy đến để biện luận cùng Ngài. Ngài ban cho chúng ta lý trí để suy luận, quả tim để cảm nhận và ý chí để quyết định, để lựa chọn.

Có bốn lý do chính tại sao những người Tin Lành nói riêng và Cơ-đốc Giáo nói chung tin Chúa Giê-xu là Con đường duy nhất đến cùng Đức Chúa Trời.

1. Chân Lý Duy Nhất
Cơ-đốc Giáo khẳng định Chúa Giê-xu là con đường cưú rỗi duy nhất là vì lý do Chân Lý. Chân Lý chỉ có một. Chân Lý không thể tự mâu thuẫn. Hoặc chỉ có một Đức Chúa Trời Toàn Năng, là Chân Thần duy nhất như Cơ-đốc Giáo khẳng định, hoặc có vô số vị thần có quyền bính khác nhau như Ấn Độ Giáo khẳng định. Hoặc Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, là Chúa Cưú Thế của thế gian hoặc Ngài không phải là Con Đức Chúa Trời, không phải là Chúa Cưú Thế của thế gian. Trong khi các giáo chủ các tôn giáo tự nhận mình như là một trong những con đường thì Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất tuyên bố, "Ta là đường đi, chân lý và sự sống, chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha." Ngài tự tuyên bố là con đường duy nhất đến cùng Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ có thể công nhận hoàn toàn hoặc khước từ hoàn toàn lời tuyên bố của Chúa Giê-xu.

Trên phương diện thực tế nếu tin cả hai lời tuyên bố hoàn toàn trái ngược nhau là đúng thì chẳng khác nào nói 2 cọng 2 là 4, là 5 hoặc là con số nào cũng được. Tin các tôn giáo đều dẫn đến Đức Chúa Trời là niềm tin mâu thuẫn. Lý do là hình ảnh, tên gọi và ý niệm của các tôn giáo về Đức Chúa Trời rất khác nhau. Trong lịch sử, Phật Thích Ca mặc dầu chấp nhận thuyết luân hồi nghiệp báo của Ấn độ Giáo nhưng đã phủ nhận chế độ tập cấp và thẩm quyền duy nhất của các kinh Vệ-đà. Cơ-đốc Giáo thì hoàn toàn không tin thuyết luân hồi và chỉ chấp nhận thẩm quyền của Kinh Thánh.

Các tôn giáo chỉ giống ở bề ngoài nhưng bề trong hoàn toàn khác nhau. Phật Giáo chịu ảnh hưởng triết lý Phiếm Thần của Ấn-độ Giáo. Trong Ấn độ Giáo, Đức Chúa Trời không phân biệt với loài người, Đức Chúa Trời với loài người là một. Một triết gia Ấn độ giải nghĩa, "Đức Chúa Trời là thực thể vừa bày tỏ vừa không bày tỏ, vừa vô hạn vừa hữu hạn, vừa hữu hình vừa vô hình, vừa có thời gian vừa phi thời gian. Đức Chúa Trời là một Thực Thể vượt trên mọi định nghĩa và phân biệt, vượt trên mọi phân loại chủ quan hay khách quan của chúng ta." Trong khi đó Kinh Thánh khẳng định: "Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất" (Sáng Thế Ký 1:1). Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Đức Chúa Trời khác với các tạo vật do Ngài dựng nên. Có thể nói quan niệm của Ấn độ Giáo về Đức Chúa Trời hoàn toàn xa lạ với Cơ-đốc Giáo và với kinh nghiệm thường nhật của mọi người. Phật Giáo cũng có những quan niệm về Đức Chúa Trời không khác Ấn độ Giáo.

Đối với các tín ngưỡng về đời sau giữa các tôn giáo cũng khác nhau. Thần Đạo Nhật Bản nói rằng không có đời sau, chỉ có đời nầy mà thôi. Phật Giáo thì thì tin có sự luân hồi ở đời sau và tìm kiếm cõi Niết Bàn, vốn là tình trạng hoàn toàn không còn ham muốn nữa, là trạng thái không còn bản thân nữa, tịch diệt tham dục, không còn sinh tử luân hồi. Trong khi đó, Cơ-đốc Giáo dạy rằng Thiên đàng là một nơi có thật và ở đó tất cả những ước muốn thanh khiết sẽ được thoả mãn trong Đức Chúa Giê-xu Christ (Khải Huyền 22:4). Hy vọng của người theo Chúa là sau khi lìa đời được vui hưởng thiên đàng, sống đời đời ở một nơi có thật, là nhà Cha, là thành thánh vinh hiển phước hạnh, là quê hương trên trời.

Cơ-đốc Giáo tha thiết mong muốn mọi người thoát khỏi hoả ngục và vui hưởng thiên đàng. Hỏa ngục có thật cũng như thiên đàng có thật. Hoả ngục là nơi con người cảm biết đau đớn, khốn khổ. Trong hỏa ngục, phản ứng của con người là khóc lóc, than vãn, nghiến răng. Hoả ngục là nơi không có ánh sáng, là vực sâu không đáy. Ở hỏa ngục không có hy vọng ra khỏi, không có nghỉ ngơi, không có thời hạn chấm dứt. Chỉ có những người tin cậy và vâng lời Chúa Cưú Thế mới vượt khỏi sự chết mà đến sự sống, thoát khỏi hỏa ngục mà đến thiên đàng.Phương cách để đạt sự cưú rỗi cũng khác nhau giữa các tôn giáo. Phật Giáo chủ trương tự giác, cậy sức mình tu luyện là chính. Tin Mừng chủ trương tin cậy ân huệ và sức Chúa hoàn toàn. Phật Giáo dạy người giáo hữu phải nỗ lực tạo ra công đức để mong được giải thoát. Tin Mừng dạy người tín hữu lấy đức tin tiếp nhận lấy sự cứu rỗi như món quà quí báu Chúa đã sắm sẵn xong và tặng không cho chúng ta được hưởng. Không thể nào cả hai chủ trương cưú rỗi khác nhau cùng đúng như nhau cả.

Chân lý không phải là vấn đề sở thích. Mặc dù người ta được phép giữ ý kiến riêng, họ vẫn không thể tạo ra chân lý riêng của mình. Chân lý thì khách quan và phổ quát giống như 2 với 2 là 4 không ai chối cãi được. Nếu cứ quả quyết rằng tất cả các tôn giáo đều đúng như nhau thì chẳng khác nào nói rằng tất cả các tôn giáo đều sai như nhau. Chân lý chỉ có một và mỗi người phải tìm hiểu và lựa chọn đâu là chân lý. Giống như luật trọng lực vẫn ở đó trong thiên nhiên, chân lý không thay đổi dù bạn có tin hay không. Bạn không thể thay đổi luật trọng lực, bạn chỉ có thể chấp nhận luật trọng lực để sống trong đời nầy. Bạn không thể thay đổi chân lý, bạn chỉ có thể chấp nhận chân lý để sống đời đời.

2. Chúa Cưú Thế Duy Nhất
Niềm tin thứ hai mà người tin Chúa không thể từ bỏ là đức tin nơi Chúa Giê-xu là Chúa Cưú Thế duy nhất. Lý do người tin Chúa tin như vậy là vì Chúa Giê-xu đã tự tuyên xưng như vậy. Trong sách Tin Lành Giăng, Chúa Giê-xu tuyên bố, "Ta là cái cửa, nếu ai bởi Ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi" (Giăng 10:9). Một lần khác, Chúa Giê-xu tuyên bố, "Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha" (Giăng 14:6). Chúa Giê-xu chẳng những tuyên bố nhưng Ngài xác chứng lời tuyên bố của Ngài bằng những việc làm lạ lùng mà chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có quyền làm được. Ngài chứng tỏ quyền năng phi thường trên bệnh tật, trên thiên nhiên, trên ma quỉ và trên sự chết. Ngài có thẩm quyền trong mọi vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo.
 

a. Cơ-đốc Giáo là hẹp.

Có người than phiền rằng sao Cơ-đốc Giáo hẹp như thế. Chúng ta công nhận Cơ-đốc Giáo hẹp, nhưng vấn đề là hẹp mà sai hay hẹp mà đúng. Người phi công khi đáp máy bay xuống đất, ông chỉ đáp xuống trên phi đạo. Ông không đáp máy bay xuống đường, hay ruộng trống. Người phi công hẹp nhưng là hẹp đúng.

Chúa Giê-xu tự xưng là cánh cửa, là đường đi, chân lý và sự sống. Ngài nhấn mạnh rằng mọi người phải nhờ Ngài mới được cứu. Ngoài Chúa Giê-xu, không có cánh cửa, con đường, chân lý, sự sống hay sự cưú rỗi nào khác đến từ Đức Chúa Trời.

Khi tuyên bố như vậy Chúa Giê-xu đã tự đồng hóa mình với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Kinh Thánh Cựu Ước của người Do Thái. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời tuyên bố, "Hỡi các ngươi hết thảy ở nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem ta và được cứu! Vì ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác" (Ê-sai 45:22). Chỉ có một Đức Chúa Trời và một Chúa Cưú Thế của thế gian. Trong Tân Ước, Chúa Giê-xu tự xưng là Đức Chúa Trời và là Chúa Cưú Thế duy nhất của thế gian.

Lời tuyên bố về tính duy nhất của Ngài được biểu bộ rõ ràng nhất trong sách Tin Lành Giăng. Một trong những lời tuyên bố đó là Giăng 3:16, "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời."

Cơ-đốc Giáo dạy rằng Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian là vì Ngài yêu thương mọi người sống trên thế giới nầy. Ngài không muốn một người nào hư mất và đời đời xa cách Chúa. Ngài mở cho loài người một con đường sống đến với Ngài. Đó là con đường ân điển và đức tin dẫn đến Thiên đàng. Ai tiếp nhận Con Một của Đức Chúa Trời sẽ sống đời đời. Ai không chịu tin Con Một ấy sẽ hư mất đời đời. Đức tin nơi Con Một Đức Chúa Trời là vấn đề sống chết. Tin Chúa Giê-xu là tuyệt đối cần thiết để được sự cưú rỗi.

b. Cơ-đốc Giáo là rộng.

Một mặt Cơ-đốc Giáo rất hẹp nhưng mặt khác Cơ-đốc Giáo rất rộng bởi vì đã đem sự cưú rỗi đến cho tất cả mọi người. Sự cứu rỗi dành cho mọi người trên khắp thế gian. Ai tin Chúa Giê-xu sẽ không bị hư mất. Ai tin Chúa Giê-xu sẽ sống vĩnh cửu với Đức Chúa Trời. Không có tiêu chuẩn chủng tộc, xã hội, trình độ học vấn hay tiêu chuẩn kinh tế nào ngăn cản người ta gia nhập vào gia đình của Đức Chúa Trời. Cơ-đốc Giáo cống hiến sự cưú rỗi cho tất cả mọi người như một món quà miễn phí.

Cơ-đốc Giáo vừa hẹp và vừa rộng. Mặc dầu Chúa Giê-xu là con đường duy nhất nhưng Ngài ban sự cưú rỗi cho tất cả mọi người. "Vì chỉ có một Đức Chúa Trời và một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người là Đức Chúa Giê-xu Christ, là người" (2 Ti-mô-thê 2:5). Dù bạn là ai bạn vẫn có thể đến gần Đức Chúa Trời nhờ sự trung gian của Đức Chúa Giê-xu.

Ta có thể dùng thí dụ Chúa Giê-xu giống như đường dây điện thoại của Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ có thể nói chuyện với Đức Chúa Trời của vũ trụ thông qua Chúa Giê-xu mà thôi. Các tôn giáo khác chủ trương chúng ta có thể đến cùng Đức Chúa Trời bằng đường điện thoại nào khác cũng được. Nhưng đó không phải là cách hoạt động của hãng điện thoại và Đức Chúa Trời cũng không hoạt động theo cách ấy. Chúa Giê-xu là đường dây trực tiếp duy nhất đến Đức Chúa Trời.

Đây là chỗ dành cho đức tin xen vào. Tin là nghe lời Chúa, tiếp nhận Chúa, đồng ý với Chúa và phó thác tâm thân cho Chúa. Tin nghĩa là trung tín theo Chúa cho đến cuối cùng.

Sứ đồ Giăng quả quyết, "Chúng ta lại thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cưú Chúa thế gian. Ai xưng Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời ở trong người và người ở trong Đức Chúa Trời" (I Giăng 4:14-15).

Sứ đồ Phao-lô cũng dạy như vậy. Một người hỏi Sứ đồ Phao-lô làm thể nào để được cưú rỗi, ông trả lời, "Hãy tin Chúa Giê-xu thì ngươi và cả nhà ngươi được sự cưú rỗi" (Công vụ 16:31).

Khi viết thư cho người La-mã, Phao-lô còn giải thích rõ ràng hơn nữa. Theo Phao-lô, đức tin thật nơi Chúa Giê-xu luôn luôn biểu lộ ra trong sự tuyên xưng bằng môi miệng. Sự tuyên xưng Chúa Giê-xu ra là cần thiết cho sự cưú rỗi. "Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-xu là Chúa và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì người sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cưú rỗi . . . Vì ai kêu cầu Danh Chúa thì sẽ được cưú" (Rô-ma 10:9-10, 13).

3. Nan Đề Duy Nhất
Chúng ta tin Chúa Giê-xu mới là con đường duy nhất để được cưú rỗi là vì nhân loại chỉ có một nan đề duy nhất và Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất giải quyết được nan đề nầy.

Người Việt Nam quen thuộc với triết lý Phật Giáo tin rằng sở dĩ con người khổ là vì nguyên nhân tham muốn. Muốn hết khổ thì phải diệt được tham muốn. Điều nầy chỉ đúng một phần bởi vì ham muốn cũng là hậu quả chứ không phải nguyên nhân. Hơn nữa muốn diệt một ham muốn chúng ta lại phải dùng một ham muốn khác mạnh hơn để cố diệt ham muốn trước đó. Diệt được một tham muốn nầy thì một tham muốn khác lại sinh ra. Thực tế không ai có khả năng làm việc đó. Nan đề của chúng ta là bản chất chứ không phải là hiện tượng. Con quạ khác con bồ câu. Con sư tử khác con chiên. Chúng ta cần được thay đổi. Chúng ta cần giải quyết tận gốc rễ, truy cho tận nguyên nhân. Nguyên nhân căn bản và nguồn gốc những đau khổ của loài người là do tội lỗi loài người xây lưng chống nghịch với Đức Chúa Trời.

Mục sư Billy Graham, nhà truyền giáo lỗi lạc của thế kỷ 20 đã nhận xét như sau đây về nan đề của nhân loại: "Chúng ta đang đau khổ vì một chứng bịnh duy nhất trên thế giới. Vấn đề căn bản của chúng ta không phải là vấn đề chủng tộc. Vấn đề căn bản của chúng ta không phải là nghèo đói. Vấn đề căn bản của chúng ta không phải là chiến tranh. Vấn đề căn bản của chúng ta là vấn đề tấm lòng. Chúng ta cần có tấm lòng được thay đổi, tấm lòng được tái tạo."

a.Tội lỗi là nan đề của mọi người.

Để hiểu ý Đức Chúa Trời về phương cách duy nhất để được cưú, chúng ta cần biết nan đề căn bản duy nhất của cả loài người, đó là vấn đề tội lỗi. Không ai thích nhắc đến tội lỗi nhưng đây là vấn đề thực sự của loài người. Tội lỗi là làm bất cứ điều gì vi phạm luật đạo đức của Đức Chúa Trời đã định trong vũ trụ. Bất cứ khi nào chúng ta làm điều Đức Chúa Trời truyền dạy chúng ta không được làm và bất cứ khi nào chúng ta không chịu làm những mạng lịnh Chúa truyền chúng ta làm là chúng ta phạm tội. Và mỗi lần chúng ta phạm tội là chúng ta mắc tội trước mặt Đức Chúa Trời và chúng ta đáng bị Chúa hình phạt.

Có người hỏi ông Charles Darwin, thủy tổ của thuyết Tiến Hoá: "Có sự khác nhau nào giữa con người và con vật? Ông suy nghĩ và trả lời: "Con người là sinh vật duy nhất biết đỏ mặt (xấu hổ). Khi nghe chuyện nầy, nhà văn Mỹ là Mark Twain nói tiếp: "Vâng, loài người là sinh vật duy nhất biết lý do để đỏ mặt."

Cơ-đốc Giáo tin rằng tất cả những vấn đề của thế giới đều phát xuất từ trong lòng người mà ra. Đó là sự phản loạn trong tâm hồn của mọi người. Đọc Mác 7:20-23 ta thấy Chúa Giê-xu giải nghĩa rõ: "Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người. Vì thật là tự trong lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người."

b. Tội lỗi là nan đề của bạn.

Chúng ta ai nấy đều có những hối tiếc và mặc cảm về tội lỗi vương vấn lòng chúng ta. Nó cướp đi hạnh phúc của chúng ta. Nó làm chúng ta mệt mỏi. Nó làm chúng ta đau ốm. Mặc cảm tội lỗi dày vò chúng ta đủ cách và chúng ta không biết cách nào để thoát ra được. Người ta làm đủ mọi cách để hoá giải mặc cảm tội lỗi. Người ta dùng xì ke ma túy, người ta uống rượu cho say, người ta đi xa cho quên chuyện cũ, người ta đi tu, có người làm việc thật nhiều cho mệt đừ để không còn nhớ tháng nhớ ngày. Người ta làm đủ cách để che đậy những điều mà họ ước chi chưa từng xảy ra trong đời sống họ. Có người tự tìm đến cái chết vì tưởng rằng nhờ đó sẽ thoát khỏi mặc cảm tội lỗi dày vò. Vì tội lỗi là nan đề căn bản của nhân loại, nên tội lỗi đã bày tỏ ra trong kinh nghiệm của riêng bạn, trong những người thân nơi gia đình bạn.

Trước mặt Đức Chúa Trời bạn đang là một tội nhân. Không phải bạn làm tội nên bạn trở thành tội nhân, nhưng vì bạn là tội nhân nên bạn phạm tội. Yehiel Dinur là một người Do Thái sống sót sau vụ diệt chủng của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai. Ông là một nhân chứng trong phiên toà xét xử tên đồ tể Adolf Eichmann. Ông bước vào toà án và ngước nhìn con người đã từng chỉ huy vụ giết hại hàng triệu người Do Thái bây giờ đang ngồi sau tấm kính đạn bắn không thủng. Không khí toà án lắng đọng khi nạn nhân đối diện với tên đồ tể sát nhân.

Thình lình ông Dinur bắt đầu khóc và ngã xuống sàn nhà. Không phải vì giận hay cay đắng. Sau nầy trong một cuộc phỏng vấn người ta muốn biết tại sao, ông Dinur trả lời, "Tôi sợ chính mình. Tôi thấy tôi có khả năng làm điều nầy. Giống y như ông ấy đã làm." Người phóng viên muốn hiểu rõ ràng hơn nên hỏi tiếp, "Làm sao một người có thể làm được như Eichmann đã làm? Có phải ông ấy là một quái vật? Một người điên? Hay có lẽ là cái gì đó khủng khiếp hơn? Hay ông ấy bình thường?" Yehiel Dinur, trong giây phút đó đã kết luận, "Eichmann đang ở trong mỗi người chúng ta."

Nhà Thần Học Thomas Aquinas đã liệt kê ra bảy tội mà ông cho là đáng chết. 1. Ghen tị (Envy); 2. Tham lam (Greed); 3. Dâm dục (Lust); 4. Ham ăn mê uống (Glutton); 5. Biếng nhác (Sloth); 6. Kiêu ngạo (Pride); 7. Giận dữ (Anger). Chưa kể đến 10 điều răn của Chúa, chỉ cần theo danh sách 7 tội nầy nầy thì cũng đủ thấy không ai là thoát tội.

Nan đề của nhân loại là tội lỗi. Không ai tự mình giải thoát mình ra khỏi tội lỗi. Tội lỗi giống như lưới bủa, càng vùng vẫy càng bị quấn chặt. Mỗi người có chút công tâm suy nghĩ đều nhận thấy mình có nan đề giống như bao nhiêu người khác. Tiên tri Ê-sai đã nhận xét, "Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy" (Ê-sai 53: 6).

Các tôn giáo khác không nói nhiều đến tội lỗi, không quan tâm nhiều đến hậu quả tội lỗi và hoàn toàn không giải quyết được nan đề tội lỗi. Khổng Giáo thú nhận rất đúng, "Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo giả" nghĩa là phạm tội với Trời thì không thể cầu đảo ở đâu khác được. Các tôn giáo khác dạy rằng nếu chúng ta cố gắng tu sửa, chúng ta may ra sẽ được giải thoát. Nhưng Cơ-đốc Giáo lại nhấn mạnh đến tình trạng tội lỗi của tất cả mọi người. Tâm trí, tấm lòng, ý chí và tình cảm của chúng ta, tất cả đều phản nghịch lại với Đức Chúa Trời. Vấn đề thực sự của loài người là tất cả không ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Phao-lô nói rằng, "Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23). Mục tiêu của Đức Chúa Trời ở đàng xa, ai cũng thấy nhưng không ai bắn được tới đích. Chính sự thiếu hụt về phương diện đạo đức của loài người mà sự đau khổ tràn lan khắp thế gian. Chính tội lỗi đã làm phân cách con người với con người với nhau. Chính tội lỗi đã đào sâu một vực thẳm ngăn cách con người với Đức Chúa Trời. Sự kiện tội lỗi lan tràn khắp cả mọi người chứng tỏ không ai xứng đáng để được cưú rỗi cả, bởi vì ai cũng thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sự thật đáng buồn là mọi người đều có cơ hội để tôn thờ Đức Chúa Trời nhưng họ đã khước từ.

Kinh Thánh chép, "Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bản tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đây những sự tối tăm. Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng" (Rô-ma 1:19-21, 28).

c. Tội lỗi dẫn đến sự phán xét

Hậu quả của tội lỗi là sự chết. Kinh Thánh nhận định: Hết thảy mọi người chưa tin Chúa đều đang chết mất trong tội lỗi của mình. Điều mọi người đang cần không phải là cải thiện cho con người khá hơn nhưng là sống lại một đời sống mới. Mọi người cần được Đức Chúa Trời tái tạo từ người chết trở thành người sống. Người chết tâm linh cần được sống tâm linh.Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm cho một người chết sống lại, các tôn giáo của loài người đều bất năng. Đó là lý do chúng ta tin Chúa Giê-xu là con đường sống duy nhất.

Hậu quả của tội lỗi còn là sự hình phạt đời đời. Lương tâm chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng có một Đức Chúa Trời là Đấng Tối Thượng có quyền phán xét tội lỗi chúng ta. Kinh Thánh nói về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Chính vì tội lỗi mà "cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật" (Rô-ma 1:18).

Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đã bắt đầu thể hiện khắp nơi. Tội lỗi luôn luôn có hậu quả của nó. Chúng ta thấy hậu quả tội lỗi trong những cuộc đời thất bại, những tấm lòng bất an, những mối quan hệ đổ vỡ, trong những xã hội mạnh được yếu thua, trong những nhà tù. Không vâng lời Đức Chúa Trời là tự hủy diệt bản thân. Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục giữ vững nguyên tắc "Gieo chi gặt nấy."

Nhưng cơn thạnh nộ của Chúa chỉ mới bắt đầu và một ngày kia Ngài sẽ thi hành công lý cách đầy đủ. Có một nơi phân cách đời đời khỏi Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh gọi là Hỏa ngục. Bất cứ ai không tin Chúa Giê-xu Christ đều bị ném vào Hoả ngục.

Kinh Thánh mô tả cơn thạnh nộ sắp đến của Đức Chúa Trời một cách rõ ràng và áp dụng cho mỗi cá nhân như sau:

"Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, ngươi tích trữ cho mình thịnh nộ vào ngày thịnh nộ, là ngày sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ. Ngài là Đấng báo ứng từng người tùy theo việc họ làm. Một mặt Ngài ban sự sống vĩnh phúc cho những ai kiên tâm làm lành, tìm kiếm vinh quang, danh dự và sự bất diệt. Mặt khác Ngài dành sự giận và cơn thịnh nộ cho những kẻ kiếm tư lợi, không vâng theo chân lý nhưng vâng theo sự bất chính. Ngài giáng hoạn nạn và khốn khó trên mọi kẻ làm ác" (Rô-ma 2:5-9).

Đó là lý do chúng ta cần Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng duy nhất giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời và ban cho chúng ta sự sống tâm linh.

4. Giải Pháp Duy Nhất
Có một lối thoát duy nhất khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Có một giải pháp tuyệt hảo cho vấn đề tội lỗi. Đây là sáng kiến phát xuất từ Đức Chúa Trời: Con Một của Đức Chúa Trời phải chịu chết thế.

Trong dịp Lễ Giáng Sinh, một Mục sư đã nhận được một tấm thiệp mừng Giáng Sinh, trong đó có một câu viết sau đây: "Nếu nhu cầu lớn nhất của chúng ta là Thông tin, Đức Chúa Trời sẽ sai đến cho chúng ta một nhà Giáo dục. Nếu nhu cầu lớn nhất của chúng ta trên đất là Kỹ thuật, Đức Chúa Trời sẽ sai đến cho chúng ta một nhà Khoa học. Nếu nhu cầu lớn nhất của chúng ta là Tiền bạc, Đức Chúa Trời sẽ sai đến cho chúng ta một nhà Quản lý. Nếu nhu cầu lớn nhất của chúng ta là Giải trí, Đức Chúa Trời sẽ sai đến cho chúng ta một nhà Nghệ sĩ. Nhưng nhu cầu lớn nhất của chúng ta là sự tha tội, vì thế Đức Chúa Trời đã sai đến cho chúng ta một Đấng Cưú Thế."

a. Sự chết của Đức Chúa Giê-xu Christ

Lý do người mắc tội phải đền tội là vì Đức Chúa Trời là Đấng công bình. Đức Chúa Trời thánh khiết không thể bỏ qua tội lỗi. Điều chúng ta phải làm để đền tội cho mình thì Đức Chúa Giê-xu đã quyết định làm thay. Ngài thực hiện sự đền tội cho chúng ta trên thập tự giá.

Lịch sử cho biết Đức Chúa Giê-xu, người Na-xa-rét đã bị lính La-mã hành hình bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem vào khoảng năm 30 S.C. Đây là sự kiện lịch sử. Người La-mã áp dụng hình phạt đóng đinh xử tử cho những tên trọng phạm thời bấy giờ. Chúa Giê-xu bị kể vào hàng kẻ dữ.

Một ngày kia Đức Chúa Giê-xu đã giăng hai tay của Ngài trên thập tự giá, người ta đóng đinh Ngài và Ngài gánh thay hết mọi tội lỗi của bạn và tôi. Ngài thực ra đã giang tay ra và nói rằng, "Ta yêu các con đến mức nầy đây!"

Nhưng Kinh Thánh đã đi xa hơn trong lời tường thuật biến cố nầy. Kinh Thánh dạy rằng khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh, Ngài đã trả xong nợ tội cho chúng ta. Ngài đã dâng chính mình làm một sinh tế để đền tội thế cho mọi người. Sinh tế của Chúa Giê-xu dâng lên là một sinh tế trọn vẹn vì Ngài đã sống đời sống vô tội. Đây cũng là sinh tế toàn hảo bởi vì Chúa Giê-xu vừa là Trời cũng vừa là Người.

Đây là giáo lý độc đáo chỉ có trong Cơ-đốc Giáo. Không có một tôn giáo nào khác dạy rằng Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật đã yêu thương loài người quá đến nỗi đã chết thay cho toàn thể loài người. Đây là vẻ đẹp và sự vinh hiển của Cơ-đốc Giáo. Vì Đức Chúa Trời thánh khiết, tội lỗi phải bị phạt. Vì Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài sẵn sàng sai Con Một Ngài chịu hình phạt thế chúng ta. Tiên tri Ê-sai đã nói, "Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy." Nhưng ông cũng nói thêm, "Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Ngài" (Ê-sai 53:6). Tội lỗi của bất cứ ai tin tưởng Chúa Giê-xu đã chịu chết đền tội cho mình đều được trả hết.

Do chịu chết đền tội cho chúng ta, Đức Chúa Giê-xu đã bảo vệ công lý của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô đã nói rõ như sau: "Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình mà không phải trả một giá nào, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu Christ" (Rô-ma 3:23-24). Có cách nào khác để Đức Chúa Trời có thể vừa bảo vệ sự công chính của Ngài mà vừa có thể cứu rỗi chúng ta không? Không có một giải pháp nào khác và đó là lý do chúng ta không cần một vị Cưú Thế nào khác. Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài là Đức Chúa Giê-xu đến với lòai người để "bày tỏ ra sự công chính của Ngài trong hiện tại, chứng tỏ Ngài là công chính ngay trong việc xưng công chính người nào đặt lòng tin nơi Đức Chúa Giê-xu" (Rô-ma 3:26).

Bạn có biết ơn Chúa vì Ngài là ai và Ngài đã làm gì cho bạn không?

Ông Chuck Colson, vị cựu Cố vấn của Tổng Thống Richard Nixon, người có dính dáng trong vụ Watergate, sau 20 năm tin Chúa và hầu việc Chúa với nhiều thành quả to lớn đã đứng lên làm chứng, "Tôi đứng sững sờ nghĩ đến Con Đức Chúa Trời đã chịu chết một cái chết đau đớn nhất vì cớ tội lỗi của tôi để nhờ đó tôi được tha tội."

Nhà thần học nỗi danh nhất thế kỷ 20 là Karl Barth khi về già có người đã yêu cầu ông tóm tắt lẽ thật Thần học mà ông đã từng học được. Ông nói, "Chúa Giê-xu yêu tôi, tôi biết điều nầy, vì Kinh Thánh đã dạy tôi như thế." Thật là đơn giản, đây là một câu trong bài thánh ca mà các thiếu nhi thường hát, "Giê-xu yêu tôi lắm. Phải, tôi được Chúa yêu. Giê-xu yêu tôi lắm. Chính trong Lời Chúa dạy nhiều."

b. Sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu Christ.

Làm thể nào chúng ta biết chắc mình đã được tha tội?

Làm thể nào chúng ta biết chắc rằng chúng ta đã được giải hòa với Đức Chúa Trời?

Bằng chứng Đức Chúa Trời đã chấp nhận sự hy sinh trả giá đầy đủ của Đức Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời đã khiến Đức Chúa Giê-xu từ kẻ chết sống lại. Chỉ sự chết của Chúa Giê-xu chưa phải là Tin Mừng đầy đủ. Tin Mừng đầy đủ của Cơ-đốc Giáo là sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu Christ.

Cứ mỗi năm Cơ-đốc Giáo giữ lễ Phục sinh. Cứ mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật, các Cơ-đốc Nhân trên toàn thế giới kỷ niệm sự kiện Đức Chúa Giê-xu đã từ kẻ chết sống lại sau ba ngày nằm trong phần mộ. Sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu là bằng chứng hùng hồn nhất chứng minh Chúa Giê-xu thực sự là Con Một của Đức Chúa Trời và sự chết của Ngài đã trả giá đủ cho tội lỗi của loài người. Khi sống lại, Chúa Giê-xu đã chinh phục sự chết một lần đủ cả.

c. Sự thành lập, tồn tại và phát triển của Cơ-đốc Giáo

Một bằng chứng hùng hồn nữa xác nhận Đức Chúa Giê-xu đã giải quyết xong gốc rễ vấn đề của nhân loại là sự thành lập và tồn tại của Cơ-đốc Giáo. Hiện nay Cơ-đốc Giáo là tôn giáo lớn nhất, có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Các môn đồ của Chúa thuộc Hội Thánh đầu tiên đã lập tức đi ra khắp nơi rao báo tin mừng Chúa đã chết và đã phục sinh. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng để xác nhận lời chứng của mình. Trước sự bắt bớ đạo khủng khiếp thời bấy giờ, các môn đồ Chúa vẫn tiếp tục làm chứng về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu Christ. Tin Mừng của Đức Chúa Giê-xu Christ đã lan tràn từ Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến khắp cùng thế giới đúng theo kế hoạch của Đức Chúa Trời.

Chọn Đi Theo Con Đường Của Chúa
Sở dĩ chúng ta tin Đức Chúa Giê-xu Christ là con đường duy nhất là vì chỉ có một Chân lý là duy nhất đúng, chỉ có một Nan đề chung của nhân loại là tội lỗi đã được Chúa Giê-xu giải quyết tận gốc rễ. Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất tự xưng là Đấng Cưú Thế từ Đức Chúa Trời xuống, Ngài đã hy sinh mạng báu đổ huyết ra đền tội cho nhân loại và Ngài đã từ kẻ chết sống lại. Không có một tôn giáo nào giải quyết được nan đề của loài người. Không một giáo chủ nào làm thay điều người tín đồ không làm được như Chúa Cưú Thế Giê-xu đã làm được. Không giáo chủ nào bày tỏ tình thương đến mức hy sinh mạng sống mình như Chúa Giê-xu. Không một giáo chủ nào chiến thắng sự chết đem lại niềm hy vọng cho nhân loại như Chúa Giê-xu. Sự xuất hiện và tồn tại của Cơ-đốc Giáo từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 21 nầy với số tín hữu đông nhất trên khắp thế giới là sự kiện rõ ràng không ai chối cãi được. Thế giới chúng ta đang sống sẽ không được như ngày nay nếu không có Đức Chúa Giê-xu Christ và những lời dạy của Ngài. Đó là một số những lý do để mọi người có thể tin Đức Chúa Giê-xu Christ là con đường duy nhất, là Chúa Cưú Thế duy nhất của nhân loại.

Chúa Giê-xu là con đường duy nhất, vậy làm thể nào để đi con đường của Chúa? Chúng ta phải đi theo Chúa bằng đức tin. Người công bình sống bởi đức tin. Con đường theo Chúa là con đường đức tin. Không phải tin bằng lí trí nhưng là tin cậy Chúa Giê-xu bằng tấm lòng phó thác. Đức tin thể hiện trong việc vâng lời. Chúa Giê-xu đang mời gọi: "Hãy theo Ta!" Có biết bao người đã vâng theo lời mời của Chúa và thoả lòng theo Chúa xưa nay, hôm nay bạn có quyết định theo Ngài không?

Nhiều năm về trước vào dịp Lễ Giáng Sinh, tài tử nỗi tiếng thế giới về môn đi bộ trên dây tên là George Blondin, đã quyết định đi bộ ngang qua thác Niagara trên sợi dây cáp giăng ngang thác nước to lớn nầy ở biên giới Canada và Hoa Kỳ. Ông nói rằng ông không chỉ đi ngang qua thác nhưng ông sẽ đẩy một xe cút-kít chỡ đầy đất đi qua thác. Mọi người đều biết rằng nếu ông sơ hở một chút là rơi xuống thác chết ngay. Ông đi qua một lần và thành công. Đám đông cuồng nhiệt hoan hô. Ông đẩy chiếc xe cút-kít qua bờ Hoa Kỳ lần nữa. Dân chúng hoan hô khen ngợi. Ông đi qua lần nữa. Trong ngày đó ông đi qua đi lại 20-21 lần. Lần cuối cùng ông đẩy chiếc xe cút-kít đến trước mặt một du khách. Ông nầy vui vẻ khen ngợi, "Ông thật tài ba. Tôi tin rằng ông có thể làm cả 100 lần. Tôi tin ông làm được." Ông Blondin lấy chiếc xe, đổ hết đất trong đó ra và nói, "Mời ông ngồi vào xe."

Chúa Giê-xu cũng muốn mời bạn đến với Ngài và cùng đi với Ngài như thế. Bạn phải đặt đức tin nơi chính mình Chúa. Đức tin thật phải thể hiện ra bằng hành động thật. Hãy tin cậy và vâng lời Chúa. Hãy đáp lại lời mời của Chúa ngay hôm nay. Cơ hội có thể qua đi. Có thể hôm nay là cơ hội cuối cùng của một số người. Có thể người đó là chính bạn.

Muốn đi theo Chúa bạn phải quyết định từ bỏ con đường cũ để theo con đường mới Chúa đã vạch ra cho bạn. Đó là con đường đồng hành với Chúa. Bạn không đi một mình nhưng luôn luôn có Chúa đi cùng từng giờ từng phút trong suốt cuộc đời. Bạn có bằng lòng đi theo Chúa Cưú Thế hôm nay không? Muốn theo Chúa, xin mời bạn vui lòng thưa với Chúa mấy lời cầu nguyện chân thành sau đây:

"Lạy Chúa Giê-xu, con tin Chúa là con đường duy nhất và con muốn đi theo Ngài. Con muốn được tha mọi tội của con trong quá khứ, con muốn được sức mạnh hôm nay để sống đời đắc thắng và con muốn sự bảo đảm vững chắc cho ngày mai trên con đường tiến đến Thiên đàng. Con tin cậy Chúa là Đấng duy nhất cưú rỗi đời con. Con xin phó thác cuộc đời con cho Ngài. Xin Chúa tái tạo đời con, ngự trị lòng con và giúp con trở nên con người Chúa muốn. Amen." 

Mục sư Nguyễn Văn Huệ