Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 9, 2012

Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi--4


Bà Tư là người đàn bà Việt Nam tiêu biểu. Bà thương chồng thương con, suốt cuộc đời bà chỉ biết sống cho chồng con, lấy niềm vui và hạnh phúc của chồng con làm niềm vui và hạnh phúc cho riêng mình. Khi chồng qua đời các con còn nhỏ nên bà phải buôn bán tần tảo để nuôi con ăn học. Sau biến cố 75, bà Tư tìm cách cho con đi vượt biên, lúc đó các con đã lớn. Sau khi định cư ở Mỹ một thời gian, các con bà đều có công ăn việc làm, có nhà cửa đàng hoàng. Lúc đó các con của bà Tư bảo lãnh mẹ qua đoàn tụ với gia đình.


Bà Tư vui mừng chờ đợi, bà đếm từng ngày, mong sớm được gặp lại những đứa con thân yêu. Tuy nhiên khi gặp lại các con và sống với các con một thời gian bà Tư đau đớn nhận ra rằng tất cả đều đã thay đổi: các con của bà đã thay đổi, hoàn cảnh sống thay đổi, chỗ đứng của bà trong gia đình cũng hoàn toàn thay đổi. Bây giờ bà là người cần con chứ không phải con cần bà. Các con là chủ nhà, bà chỉ là người ở nhờ. Lúc đầu bà Tư vui vẻ lo cơm nước cho con để các con đỡ vất vả nhưng dần dần các con làm như bà là người giúp việc trong gia đình, có bổn phận phải lo việc nhà. Bà phải nấu ăn, giặt giũ và giữ gìn nhà cửa cho sạch sẽ. Khi nào cơm không vừa miệng, quần áo chưa giặt, nhà quên hút bụi là các con bà tỏ vẻ không bằng lòng ra mặt. Bà Tư buồn quá, muốn đi tìm một nơi khác để ở nhưng không biết đi đâu.

Thật ra các con của bà Tư cũng thương mẹ chứ không phải là không thương, nhưng họ thiếu bén nhạy và thiếu tế nhị trong cách đối xử với mẹ. Nhiều người đã quen sống một mình nên khi có cha mẹ thấy như cha mẹ sống chung khiến họ bị gó bó, mất tự do, đời sống không còn riêng tư. Những người đó quên rằng nhờ cha mẹ mới có mình và nhờ sự hy sinh của cha mẹ mình mới có được ngày hôm nay. Chúng ta dễ có khuynh hướng chỉ thấy cái bất tiện khi có cha mẹ ở gần mà quên đi tình thương và công ơn của cha mẹ đối với chúng ta.

Là con ai cũng yêu thương cha mẹ. Chúng ta muốn cha mẹ vui vẻ khoẻ mạnh để vui hưởng tuổi già bên cạnh con cháu. Tuy nhiên khi cha mẹ đã cao tuổi con cái đã có gia đình riêng, mỗi người có cuộc đời khác nhau, với những nhu cầu, ưu tư và ý thích khác nhau nên nhiều khi hai thế hệ khó xích lại gần nhau và cũng khó thông cảm với nhau. Trong khi con cái bận rộn với bao nhiêu trách nhiệm trong cuộc sống thì cha mẹ thường là đã về hưu, không còn góp mặt với xã hội nữa nên không biết làm gì cho hết ngày. Trong khi con cái còn sức khoẻ, năng lực để tham gia các sinh hoạt trong xã hội thì cha mẹ sức khoẻ suy kém, năng lực hao mòn không còn muốn tham dự vào những sinh hoạt đó nữa. Vì những lý do đó nên trong khi con cái lạc quan, yêu đời, hăng say với cuộc sống thì các cụ thường bi quan và chán đời. Tất cả những khác biệt đó có thể tạo nên một hàng rào ngăn cách giữa cha mẹ và con cái, khiến đôi bên không muốn ở gần nhau hoặc dễ có những điều hiểu lầm nhau và làm tổn thương nhau.

Cũng tương tự như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong tuổi thiếu niên, để xóa bỏ hàng rào ngăn cách giữa hai thế hệ và tránh những điều làm buồn lòng nhau, chúng ta cần nghĩ đến phúc lợi của nhau, thành thật nói lên những điều mình suy nghĩ, cố gắng thông cảm và chấp nhận nhau. Con cái cần tế nhị trước những suy tư bi quan của các cụ và các cụ cũng cần thông cảm với những bận rộn của con cái. Chấp nhận sự khác biệt giữa hai thế hệ và thông cảm nhau là yếu tố cần thiết để giúp chúng ta sống hài hòa với nhau.
Bây giờ chúng tôi xin chia xẻ tiếp những điều con cái có thể làm để tuổi già của cha mẹ được yên vui, nhẹ nhàng:

1. Dành thì giờ lắng nghe cha mẹ nói
ImageKhi nói chuyện với các cụ, chúng ta nên hỏi những chuyện mà các cụ thích nhắc đi nhắc lại, dù có thể chúng ta đã biết hay đã nghe nhiều lần. Chẳng hạn như ông bà gặp nhau ở đâu, đám cưới hồi đó như thế nào? Khi còn trẻ ông bà làm công việc gì, giữ chức vụ gì, đi những nơi nào? Hồi còn nhỏ ông bà học hành ra sao? Có kỷ niệm gì đặc biệt? v.v...
Chúng ta cũng có thể xin cha mẹ cho biết khi còn nhỏ chúng ta là đứa con như thế nào? Chúng ta ra đời ở đâu, trong hoàn cảnh ra sao? Chắc chắn không cha mẹ nào lại không muốn nhắc lại những kỷ niệm đó. Tuy nhiên, khi kể lại những điều đó các cụ cũng cần tế nhị, tránh những điều có thể khiến người nghe phải xấu hổ với chính con của mình về những việc xảy ra khi mình còn bé.

2. Tạo cơ hội cho các thế hệ trong gia đình xích lại gần nhau
  • Đưa con cái đến thăm ông bà hoặc thỉnh thoảng ở lại với ông bà vài ngày.
  • Nhắc con viết thư, gởi thiệp hay gọi điện thoại hỏi thăm ông bà
  • Hỏi thăm về thời thơ ấu của cha mẹ, về đời sống ở nhà quê Việt Nam để các cụ kể cho con cháu nghe. Điều này mang lại nhiều ích lợi: Các cụ sẽ vui được có dịp kể chuyện cũ cho con cháu nghe và con cháu có dịp học hỏi để biết đời sống của ông bà mình ngày trước. Những thì giờ trò chuyện như thế sẽ giúp các thế hệ trong gia đình hiểu nhau và gần với nhau hơn. Con cái chúng ta lớn lên trong xã hội văn minh máy móc này không thể hiểu được cuộc sống vất vả thiếu thốn của ông bà mình ngày xưa. Chúng ta cần cho con cơ hội hiểu biết những điều đó để các em thương ông bà và biết quý những gì các em đang có.
  • Xin cha mẹ chỉ dạy cho chúng ta những sở trường chuyên môn của cha mẹ ngày trước hoặc những gì cha mẹ làm rất giỏi khi còn trẻ. Chẳng hạn như những món bánh trái, may vá, đan đác, những kiến thức về văn chương, âm nhạc, máy móc, v.v...

3. Tặng các cụ những món quà có ý nghĩa
Các cụ lớn tuổi thường không có nhiều nhu cầu như người trẻ tuổi. Các cụ không cần quần áo giày dép nhiều, không cần những vật dụng cá nhân hay đồ dùng trong nhà. Một số các cụ vì sức khoẻ ăn uống phải kiêng cữ nhiều thứ nên cũng không cần những món cầu kỳ, cao lương mỹ vị. Vì thế mua quà cho các cụ nhiều khi rất khó. Dù vậy nếu suy nghĩ kỹ một chút, chúng ta vẫn có thể tìm những món quà thích hợp, lúc nào các cụ cũng có thể dùng được.

Chẳng hạn như chúng ta mua tặng các cụ bộ băng Kinh Thánh trong cassettes để các cụ nghe trong những đêm bị mất ngủ hay những lúc ở nhà một mình. Những cuộn băng nhạc, không phải loại nhạc tình ướt át nhưng nhạc Thánh Ca, với những lời mang lại an ủi cho người cô đơn, những bài hát mô tả tình yêu của Chúa cho con người. Chúng ta cũng có thể chụp cho các cụ một tấm hình đẹp, các cụ với gia đình con cháu hoặc với những đứa cháu các cụ thường chăm sóc, phóng lớn đóng khung và đem tặng nhân dịp đặc biệt của các cụ. Những món quà càng mang nhiều kỷ niệm trong quá khứ càng được các cụ ưa thích.

4. Đừng lạm dụng tình thương của cha mẹ
Trừ trường hợp các cụ còn khoẻ mạnh và thật lòng muốn giữ cháu, chúng ta không nên nhờ cha mẹ giữ con cho chúng ta hết ngày nầy sang ngày khác. Ông bà dù thương cháu đến đâu cũng không có đủ sức để chăm sóc các cháu nhỏ từ sáng đến tối. Hơn nữa các cụ cũng cần có thì giờ nghỉ ngơi, đọc sách, đi chơi hoặc làm những công việc các cụ thích làm. Giao cho các cụ việc cơm nước hằng ngày e rằng cũng hơi quá đáng. Các cụ của chúng ta đã phải mang nặng trách nhiệm suốt cả cuộc đời, những năm tháng còn lại chúng ta nên làm thế nào để các cụ cảm thấy được an nhàn thoải mái, không có gì phải lo lắng (còn tiếp).
Minh Nguyên