Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 9, 2012

Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi--1



ImageTại Hoa Kỳ có những nơi đặc biệt dành cho những người cao niên già yếu, không thể tự chăm sóc chính mình được nữa. Chúng ta gọi những nơi đó là viện dưỡng lão. Cách đây mấy tuần chúng tôi có dịp đến thăm một người trong viện dưỡng lão. Khi đến thăm nơi này tôi có một vài cảm nghĩ và xin phép được chia xẻ với quý vị sau đây.
Trước hết tôi thấy dù muốn dù không, đây là chỗ ở cuối cùng của đời người. Có thể nói ở Mỹ viện dưỡng lão là nơi ở cuối cùng của con người trong đời tạm trên trần gian, ngoại trừ những người chết bất đắc kỳ tử hoặc chết trẻ. Người chết trẻ thì không phải vào viện dưỡng lão, nhưng chết trẻ lại là điều không ai muốn. Hầu như người nào cũng muốn được sống lâu, bằng chứng là vào dịp đầu năm chúng ta thường chúc nhau sống lâu trăm tuổi. Khi một người nào qua đời lúc tuổi mới 30, 50, chúng ta thương tiếc và cho người đó là vô phước vì cuộc đời quá ngắn. Nhưng nếu được khoẻ mạnh và sống đến 70, 80 hoặc hơn nữa, chúng ta sẽ thấy những năm sau cùng đó thường chỉ là những năm bệnh hoạn, ốm đau, buồn bã và cô đơn. Đúng như lời tác giả Thánh Vịnh thứ 90 trong Thánh Kinh đã viết: "Tuổi tác chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khoẻ thì đến tám mươi song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua rồi chúng tôi bay mất đi" (Thi thiên 90:10).


Ngày hôm đó khi đi qua các phòng trong viện dưỡng lão để tìm thăm người quen, tôi thấy chung quanh mình hầu hết là những con người yên lặng, bất động. Một số người nằm trên giường, ngủ mê man hoặc phải nằm yên vì các dây từ máy chuyền vào người. Một số khác ngồi trên xe lăn tay, ngước nhìn chúng tôi nhưng nét mặt ngơ ngác, hình như không hiểu những sự việc đang xảy ra chung quanh mình. Họ không nói một tiếng, không buồn đưa tay vẫy chào, cũng không xê dịch nổi cái xe lăn. Họ như những cái bóng yên lặng, hiện diện đó nhưng không còn sinh khí, nghị lực hay sức mạnh để làm một điều gì. Nhưng đáng thương hơn cả là những người gào la khóc lóc suốt ngày đêm vì không còn kiểm soát được chính mình.
Khi hỏi thăm thì chúng tôi được biết những người chúng tôi thấy đó trước kia từng là thầy giáo, cô giáo, kỹ sư, y tá, bác sĩ, buôn bán, tài xế xe truck, v.v... Nghĩa là họ cũng có một cuộc sống bình thường như mọi người khác. Họ khoẻ mạnh, hoạt động, tự lập, đi làm nuôi sống gia đình và góp phần gây dựng cộng đồng xã hội. Nhưng bây giờ tất cả những điều đó đã qua, đã chấm dứt. Giờ đây họ chỉ là những người yếu đuối, bất lực, phải tùy thuộc con cháu và người chung quanh.
ImageChúng tôi nói điều này không phải để quý vị cao niên thêm buồn nhưng để nhắc nhở chính tôi và những người còn trẻ còn khoẻ biết quý tuổi xuân và sức khoẻ của mình. Không những quý, chúng ta cũng cần sống thế nào để không phí phạm, không ích kỷ nhưng biết dùng tuổi trẻ và sức khoẻ mà Thiên Chúa ban cho mình để sống kính Chúa yêu người, giữ đời sống trong sạch, tốt đẹp, đối xử với người chung quanh bằng tình yêu thương.
Vì cuộc đời tạm bợ, ngắn ngủi, chúng ta đừng bon chen tranh giành, đừng ham lợi lộc vật chất đến nỗi làm tổn thương tình người hoặc làm những điều bất chính. Dù gây dựng được bao nhiêu của cải tài sản trên trần gian này, khi từ giã cõi đời chúng ta cũng phải bỏ lại tất cả, không đem gì theo được. Nếu con cháu hay người thân vì quá thương, bỏ theo cho chúng ta vàng bạc hay ngọc quý chúng ta cũng không sử dụng được, dù lấy tiền bạc đốt theo cho chúng ta cũng chỉ là vô ích mà thôi.
Các cụ cao niên trong viện dưỡng lão và cả các cụ sống ở nhà với con cháu cũng thế, bây giờ có bao nhiêu vàng bạc, ngọc ngà châu báu cũng không hưởng được. Có bao nhiêu văn bằng hay huy chương cũng không ích lợi gì, không giá trị gì nữa. Nếu có tiền của, nhà cửa đất đai chỗ này chỗ nọ cũng chẳng ích lợi gì. Những điều đó không giúp các cụ khoẻ hơn, mạnh hơn, vui hơn, cũng không thể làm cho con người trẻ lại một vài tuổi. Vì thế cảm nghĩ thứ hai đến trong tâm trí tôi đó là tiền bạc của cải chẳng có giá trị gì khi con người đối diện với sự cuối cùng của cuộc đời.
Trong Thánh Kinh Lời Chúa dạy: "Sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng." Bằng lòng với những gì mình có là bí quyết để đời sống được nhẹ nhàng vui thỏa.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta đặt lòng tin nơi Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, phó dâng cuộc đời chúng ta cho Chúa hướng dẫn và tôn thờ Ngài, là chúng ta tìm được bí quyết đem đến cho ta bình an trong tâm hồn. Lời Thánh Kinh khuyên: "Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa con, trước khi những ngày tới mà con nói rằng: ta không lấy làm vui lòng." Lời này hàm ý rằng khi còn trẻ hãy nghĩ đến Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, Đấng ban cho chúng ta sự sống.
Ngày trước chưa sống ở đây, nghe nói bên Mỹ khi cha mẹ già con cái không chăm sóc nhưng đem bỏ vào viện dưỡng lão chúng ta thường nghĩ như thế là bất hiếu, nhưng bây giờ chúng ta thấy trong nhiều hoàn cảnh đó là điều cần thiết và cũng là điều tốt cho các cụ. Vì trong viện dưỡng lão các cụ được chăm sóc đầy đủ, chu đáo và đúng tiêu chuẩn hơn là ở nhà. Dĩ nhiên với điều kiện là khi đã gởi các cụ vào đó con cái không quên các cụ nhưng vẫn tiếp tục tới lui thăm viếng và chăm sóc.
Viện dưỡng lão chỉ là nơi giúp con cháu phương tiện chăm sóc ông bà cha mẹ khi các cụ cần có người chăm sóc thường trực mỗi ngày. Đây không phải là nơi thay thế tình thương của con cháu, cũng không phải là nơi đáp ứng nhu cầu tình cảm cho các cụ. Nơi đây có thể mang đến cho các cụ sự chăm sóc về thể xác như thuốc men, thức ăn nước uống, cũng có thể nâng đỡ tinh thần, giúp các cụ vui và bớt cô đơn nhưng không thể thay thế tình thương của người trong gia đình. Vì thế dù bận với công ăn việc làm đến đâu, nếu có cha mẹ trong viện dưỡng lão, chúng ta nên
 cố gắng dành thì giờ đến thăm. Sự có mặt của chúng ta là niềm an ủi lớn lao cho các cụ.

Các cụ vì lớn tuổi, thân thể yếu đau nên hay buồn hay than. Có cụ vì bệnh hoạn, buồn phiền đâm ra khó tính hay giận hay gắt gỏng. Con cái khi thấy cha mẹ như thế thì thường không vui, không thích tiếp xúc hay ở gần. Đó là lý do khiến các cụ càng buồn tủi và càng khó hòa hợp với con cháu hơn. Khi cha mẹ cao tuổi, già yếu không còn hữu ích cho gia đình, thường cảm thấy tủi thân vì thấy con cái hầu như vô tình đối với mình hoặc xem mình như là gánh nặng cho chúng. Thật ra con cái của các cụ vì bận rộn với công việc với bao nhiêu trách nhiệm nên không có nhiều thì giờ cho các cụ thôi. Dù sao, là con, chúng ta cũng cần lấy lời khuyên dạy của Thánh Kinh làm phương châm cho mình trong cách cư xử với các bậc sinh thành. Lời Chúa dạy: "Hãy nghe lời cha đã sinh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu" (Châm Ngôn 23:22).

Thái độ thiếu yêu thương và sự vô tình của con cháu càng làm các cụ buồn lòng, tủi thân. Có người nghĩ rằng bây giờ mình già yếu nên con cái ghét bỏ và hất hủi. Thật ra không người con nào ghét bỏ cha mẹ vì cha mẹ bệnh hoạn già yếu nhưng có lẽ vì cuộc sống quá nhiều lo lắng, con cái phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn trong đời sống, với công việc ở sở, bổn phận trong gia đình, với người trên kẻ dưới, v.v... nên không còn tâm trí thì giờ cho các cụ. Đó là chưa nói đến những người có con trong tuổi thiếu niên, phải nhức đầu vì những thay đổi những phức tạp của con.

Có người sống với hai ba thế hệ khác nhau trong gia đình, vừa cố gắng làm vui lòng cha mẹ cao tuổi vừa cố gắng hòa hợp với những đứa con lớn lên ở xứ người, nhưng dù cố gắng bao nhiêu cũng không đem các thế hệ đến gần với nhau như mình mong muốn, gia đình vẫn không tránh được những bất hòa giữa các thế hệ với nhau. Để cải thiện hay tránh tình trạng đó chúng ta, mỗi một người trong gia đình cần quan tâm đến nhau nhiều hơn và tế nhị trước nhu cầu của nhau hơn. Con cháu cần nghĩ đến ông bà cha mẹ và thông cảm với những nỗi lo lắng buồn khổ của ông bà cha mẹ. Bù vào đó các cụ cũng cần để ý và thông cảm với những lo lắng của con cháu.

Cách đây ít lâu chúng tôi có đọc một quyển sách tựa đề 52 Điều Chúng Ta Có Thể Làm Để Bày Tỏ Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi. Quyển sách này giúp chúng tôi nhiều ý kiến rất thực tế, chúng tôi đã áp dụng một vài điều và thấy kết quả rất tốt. Trong một lần khác chúng tôi sẽ chia xẻ một vài đề nghị trong quyển sách đó mà chúng ta có thể áp dụng để bày tỏ lòng hiếu thảo đối với các bậc sinh thành, cũng để nối liền khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình. Để kết thúc câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin gởi đến quý vị giới răn thứ năm trong bảng Mười Điều Luật Chúa, dạy về bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Đức Chúa Trời phán dạy: "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Đức Chúa Trời đã ban cho ngươi" (Xuất 20:12). "Hãy tôn kính cha mẹ con hầu cho con được phước và sống lâu trên đất" (Ê-phê-sô 6:2).
Minh Nguyên