Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Friday, October 12, 2012

Barabbas -1





Barabbas (1950) là một tiểu thuyết của văn hào Pär Lagerkvist, người đoạt Giải Nobel Văn chương năm 1951. Tác phẩm thuật lại câu chuyện về cuộc đời của Barabbas, người mà Thánh Kinh cho biết đã được tha thay vì Chúa Giê-xu. Barabbas đã dùng suốt cuộc đời còn lại của mình để tìm hiểu lý do vì sao mình được chọn để sống.




Mục lục





Tóm lượt tác phẩm
Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên đồi Golgotha. Bên lề đám đông, Barabbas đứng đó. Vốn là một người bạo lực, sống ngoài vòng luật pháp và nổi loạn, Barabbas không thể nào có chút kính trọng với một người không biết phản kháng, dầu người đó đã chết thay chỗ của mình. Barabbas cũng hoài nghi về thần tánh của Chúa Giê-xu. Dầu vậy, ông cũng bị lôi cuốn về sự hy sinh của Chúa. Ông tìm gặp nhiều môn đệ khác nhau của Chúa để tìm hiểu. Tuy nhiên, những quan điểm tôn cao Chúa của họ không phù hợp với sự quan sát cụ thể của ông về Chúa. Quan trọng hơn nữa, vì Barabbas chưa bao giờ kinh nghiệm được tình yêu - vốn là nền tảng của niềm tin Cơ-đốc - nên Barabbas thấy rằng ông không thể nào hiểu được tình yêu, và do đó không thể nào hiểu được đức tin Cơ-đốc. Barabbas nói rằng ông "muốn tin," nhưng đối với Barabbas, hiểu biết là điều kiện tiên quyết để tin, do đó ông không thể tin.

Sau nhiều thử thách gian truân, cuối cùng Barabbas đến Roma, nơi ông hiểu lầm cuộc hỏa hoạn tại Rome là khởi đầu của Thiên Đàng mới, do đó ông hăng hái giúp đám cháy lan rộng. Kết quả, ông bị bắt và bị đóng đinh cùng với những Cơ-đốc nhân khác như là những người tử đạo về một đức tin mà ông vẫn chưa hiểu

Chủ đề

Suốt cuộc đời của Pär Lagerkvist, ông bị dằn vặt với sự thiếu niềm tin. Trong tiểu thuyết, Barabbas cũng vậy, là một người không thể nào hiểu Chúa Giê-xu và không biết yêu Ngài như thế nào. Tiểu thuyết trình bày nhiều Cơ-đốc nhân với những quan niệm sai lầm về đức tin như những ví dụ tiêu cực, nhằm trình bày sứ điệp làm thế nào để yêu Chúa Giê-xu.

Giải thưởng và những đề cử

Tác giả được trao giải Nobel Văn Chương năm 1951.
Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Trang Chính » Barabbas – Phần 1

Barabbas – Phần 1

Barabbas
Tác giả: Par Lagerkvist

Người dịch: Hướng Dương

 Phần 1:
Ai ai cũng biết là người ta đã đóng đinh người ấy cùng với hai kẻ khác. Người ta cũng biết những ai đã quây quần chung quanh người ấy: Mary mẹ người, Mary Ma-đơ-len, Vê-rô-ních, Si-môn ở Xy-ren, kẻ đã vác cây thập tự, và Giô-sép ở A-ri-ma-thê, kẻ sẽ chôn cất người ấy. Tuy nhiên, hơi thấp hơn về phía chân đồi còn có một người đàn ông riêng biệt không ngừng quan sát người đang bị đóng đinh trên thập tự, theo dõi cơn hấp hối của người ấy từ đầu đến cuối. Gã tên là Baraba. Quyển sách này sẽ nói về gã.

Gã độ ba mươi tuổi, người vạm vỡ, nước da tái, có bộ râu hàm hung hung đỏ và mái tóc đen. Cặp chân mày cũng đen, đôi mắt thì nằm sâu trong hai lỗ mắt như muốn che dấu cái nhìn. Dưới một con mắt, có một vết sẹo sâu chạy biến vào hàm râu. Vóc dáng bên ngoài của người không có gì quan trọng lắm.
Gã đã theo đám đông qua các đường phố từ tòa công luận, nhưng cách những người khác một quãng khá xa; và khi ông thầy giảng đạo kia kiệt sức, ngã quỵ dưới cây thập tự, thì gã đã dừng lại một chút để khỏi phải tiến đến tận chỗ cây thập tự nằm. Vì thế người ta đã bắt Si-môn, người Xy-ren, vác nó.

Trong đám đông không có nhiều đàn ông, lẽ dĩ nhiên là trừ ra bọn lính La-mã, đa số là những người đàn bà đi theo người bị kết án tử hình. Một lũ trẻ con thường vẫn hối hả chạy theo khi có người bị dẫn đi đóng đinh, ngang qua con đường chúng ở. Vì dễ chán nên chúng cũng nhanh chóng quay về với những trò chơi của mình sau khi đã tò mò nhìn vào gã đàn ông đi sau những người khác mà trên gò má có một vết sẹo thật to.
Giờ đây đứng tại chỗ xảy ra cuộc hành hình, gã nhìn chăm vào người bị đóng đinh trên cây thập tự chính giữa không chớp mắt. Thật ra thì gã không hề có ý định đến chỗ ấy, vì mọi vật ở đó đều rất ô uế đáng ghê tởm; và một khi đã đặt chân vào chỗ nguyền rủa ấy, thì người ta phải bỏ lại tại đó một cái gì của chính mình. Có một mãnh lực ma quái nào đó sẽ bắt buộc ta thỉnh thoảng phải quay lại để rồi có một ngày ta sẽ chẳng bao giờ rời khỏi đó nữa. Sọ và xương người nằm rải rác khắp nơi cũng như cây thập tự ngã, sắp mục rã không dùng được nhưng người ta cũng không mang đi. Không một ai muốn chạm vào bất cứ vật gì tại đó. Thế tại sao gã lại còn ở lại đây? Gã không biết người kia, cũng không dính dáng gì với người ấy. thế thì gã làm gì trên đồi Gô-gô-tha này, trong khi gã là kẻ đã được phóng thích?

Người bị đóng đinh đang gục đầu về phía trước, thở một cách khó nhọc. Chắc người ấy sẽ không chịu nổi bao lâu nữa. Đây không phải là một người có sức vóc gì. Thân thể thì gầy guộc, yếu đuối, đôi tay thì mảnh mai, dường như chưa hề được dùng vào một việc gì. Thật là một người kỳ dị, râu hàm người ấy rất thưa, trên ngực hầu như không có lông, như ngực của một gã thiếu niên. Tất cả những điều đó gây bất nhẫn cho kẻ đang đứng xem.

Ngay khi gã thấy người ấy tại tòa công luận trong dinh tổng đốc, gã đã cảm thấy là nơi người ấy có một cái gì phi thường. Cái phi thường đó là gì thì gã không nói ra được, gã chỉ cảm thấy như vậy mà thôi. Gã không nhớ là mình có gặp một người như vậy bao giờ. Gã đã thấy một ánh sáng làm chói mắt bao phủ người ấy, có lẽ vì gã vừa ở trong ngục tối ra và mắt gã chưa quen với ánh sáng. Lẽ dĩ nhiên là sau một thời gian ngắn, làn ánh sáng kia tan mất, và thị giác trở lại bình thường, gã đã thấy đủ hết, chớ không phải chỉ thấy một mình người đang bị cô lập trên đỉnh núi cao kia mà thôi. Nhưng gã vẫn còn tin là nơi người kia có một cái gì rất lạ lùng và người ấy không giống với ai hết. Gã không thể nào hiểu được tại sao người ấy lại có thể là một tù nhân và đã bị án tử hình như chính gã. Gã không hiểu gì hết. Lẽ dĩ nhiên là chuyện đó không dính dáng gì tới gã, nhưng tại sao người ta lại có thể kết án tử hình người ấy như thế được? Rõ ràng đó là một người vô tội mà!

Nhưng người ta đã vừa đóng đinh người ấy, trong khi chính gã lại được mở xiềng và được tuyên bố tự do.  Dầu sao thì gã đã không làm gì được hết. đó là việc của họ. Họ có quyền chọn ai tùy ý, và họ đã làm như vậy. Trong hai kẻ tử tội, phải có một người được tha. Gã là người đầu tiên đã ngạc nhiên về sự lựa chọn đó. Trong khi người ta mở xiềng cho gã, thì gã đã thấy người kia vác cây thập tự trên vai và biến đi dưới vòm cửa giữa đám lính.

Gã nhìn chăm vào khung cửa trống đó cho đến lúc có một tên lính đấm cho gã một cái và thét lên: “Mầy làm gì mà trố mắt ra vậy? Cút mau đi, mầy được tự do rồi!” Lúc ấy gã mới hoàn hồn, đi ra cũng bằng chính khung cửa đó, và khi thấy người kia kéo lê cây thập tự của mình trên đường, gã đã đi theo người ấy. Tại sao thì gã không biết. Gã cũng không biết tại sao mình lại đứng đó hàng mấy giờ liền để nhìn người bị đóng đinh và cơn hấp hối dai dẳng của người ấy, dầu gã không dính dáng gì với người ấy.

Những người đang đứng dưới chân cây thập tự kia có bị bắt buộc phải đứng ở đó không? Nếu họ không muốn thì không có gì buộc họ phải leo lên tận chốn đó để hứng chịu sự ô uế của một nơi bất khiết như vậy, nhưng có lẽ họ là bà con hay bạn thân của người ấy. Dường như họ không sợ ô uế chút nào.  Thật là lạ.

Bà này có lẽ là mẹ của người kia, dầu bà không giống người ấy.  Nhưng ai lại có thể giống người ấy cho được? Bà ta trông có vẻ là một người đàn bà nhà quê cục mịch và hay gắt gỏng. Thỉnh thoảng bà ta lại trở bàn tay quẹt lên miệng và chiếc mũi đang chảy nước, vì bà ta đã sắp khóc. Nhưng bà ấy vẫn không khóc. Bà ta không tỏ ra bối rối như những người khác, không nhìn vào người kia như họ. Chắc đúng là mẹ của người ấy. Có lẽ bà ta cũng thương cảm sâu xa như bất cứ ai, nhưng dường như bà ta trách người ấy là đã tự dàn xếp để chính mình phải bị đóng đinh. Người ấy thật trong trắng, vô tội, nhưng chắc đã tự tìm lấy cái chết đó, và bà ta không thể nào chịu chấp nhận thái độ ấy. Vốn là mẹ của người ấy, bà ta biết chắc chắn rằng con mình vô tội. Dầu người ấy có làm gì đi nữa, bà ta cũng dám quả quyết như vậy.

Người đứng xem kia không có mẹ, mà cũng không có cha, gã chưa hề nghe ai nói đến cha mẹ gã bao giờ. Gã cũng không có ai là bà con thân thích, ít ra là theo sự hiểu biết của gã. Nếu chính gã bị đóng đinh, chắc sẽ không có nhiều tiếng than khóc như việc đang xảy ra chung quanh người này. Người ta đang đấm ngực và tỏ thái độ như chưa bao giờ phải chứng kiến một thảm cảnh tương tự. Những giòng lệ, những tiếng thở dài nối tiếp nhau không dứt. Thật là kinh khủng.

Gã biết rất rõ tên bị đóng đinh bên phải. Nếu tình cờ hắn thấy gã, hắn sẽ tưởng rằng gã đã đến đó là vì hắn, là để nhìn hắn đau đón. Nhưng chắc chắn không phải là vậy, gã không đến đây vì lý do đó. Nhưng gã cũng không bận tâm gì khi thấy hắn bị treo trên thập tự giá. Nếu có ai đáng chết thì chính là tên lưu manh đó, vì một lý do khác hẳn lý do đã được nêu ra trong bản án.
Tại sao gã lại nhìn hắn mà không nhìn vào người ở giữa, đã chịu cực hình thập tự giá thay gã? Gã đã đến là vì người ấy, người có một mãnh lực phi thường đã dẫn gã đến tận chốn này ngoài ý muốn của chính gã. Một mãnh lực? Nếu có ai có dáng vẻ bất lực, thì chính là người đó! Ta không thể nào thấy được một kẻ thọ hình đáng thương hại hơn. Hai tên kia không hề có bộ dạng đó, và dường như không quá đau đớn như người ấy. Chúng có sức chịu đựng nhiều hơn mà ai cũng thấy rõ. Còn người ấy thì không thể ngẩng đầu lên được, mà cứ gục đầu về phía trước.

Nhưng người ấy vừa ngước lên được một chút, bộ ngực gầy ốm và không có lông hơi phồng lên. Người ấy thở hổn hển, thè lưỡi liếm qua đôi môi khô khan. Người ấy rên rỉ một câu gì, dường như bảo là mình khát nước. Bọn lính buồn chán vì các phạm nhân chưa chịu chết, đang bày trò ném hột xúc xắc tại một nơi thấp hơn phía dưới. Chúng không nghe tiếng của người kia. Nhưng một trong những kẻ đứng gần người ấy đi xuống và bảo cho chúng biết. Một tên lính vừa càu nhàu vừa đứng lên nhúng một miếng bông đá vào chiếc bình bằng đất nung và dùng một cây sào đưa lên cho người ấy. Vừa ngửi thấy mùi bùn nơi vật người ta đưa lên cho mình là người ấy từ chối ngay. Tên lính man rợ kia cho đó là một việc kỳ, và khi hắn quay xuống với các bạn mình, thì chúng cùng cười đùa với hắn. Thật là một lũ quỷ!
Các thân nhân của người ấy – hay những người có vẻ như thế – đều ngước đôi mắt tuyệt vọng nhìn lên kẻ khốn nạn đang bị đóng đinh. Nhịp thở của người ấy yếu dần, và rõ ràng là người ấy đã sắp tắt hơi. Phải chi việc đó xảy đến cho chóng thì tốt biết mấy, vì người ấy sẽ đỡ đau đớn.  Đó cũng là ý nghĩ của kẻ đang đứng nhìn: ước gì việc đó xảy ra phứt đi! Rồi gã sẽ vội vàng trốn chạy và chẳng bao giờ thèm nghĩ đến những điều đó nữa.

Nhưng cả ngọn đồi bổng tối sầm lại, dường như mặt trời đã mất hẳn ánh sáng, rồi người bị đóng đinh kêu thật to trong bóng tối: “Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời tôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Những tiếng đó vang lên nghe thật ghê rợn. Chúng có ý nghĩa gì? Và tại sao lại có bóng tối kia? Bây giờ là giữa ban ngày mà? Thật là không thể nào hiểu nổi!

Gã nhìn ba cây thập tự trên kia bây giờ dường như không còn phân biệt được nữa mà bắt rùng mình. Chắc có việc gì kinh khiếp lắm sắp xảy ra đây. Bọn lính cũng nhảy dựng dậy và chộp lấy khí giới. Bất cứ có chuyện gì, chúng vẫn luôn luôn chạy nhanh đến với các vũ khí của mình. Chúng đứng vây quanh cây thập tự, thủ sẵn những ngọn giáo, và gã nghe chúng thì thầm với nhau, giọng sợ hãi. Chúng đã biết sợ rồi, không cười đùa nữa! Lẽ dĩ nhiên là chúng cũng rất nhẹ bóng vía!

Chính gã cũng thấy sợ. Và gã rất bằng lòng khi trời bắt đầu sáng lại, và mọi vật đều như thường. Ánh sáng đến từ từ như vào buổi bình minh. Nó lan tỏa trên đồi và khắp các vườn cây ô-liu chung quanh. Chim chóc lúc nảy im tiếng, bây giờ lại hót ca ríu rít. Phải, quang cảnh khiến người ta nhớ lại buổi hừng đông.
Những kẻ đứng gần người ấy trên cao kia đều sửng sốt. Người ta không còn nghe tiếng khóc hay tiếng than gì nữa cả. Họ chỉ nhìn trân trối lên người trên thập tự giá, và bọn lính cũng vậy. Khung cảnh trở thành thật vắng lặng.

Bây giờ thì gã có thể đi xa đến đâu tùy ý. Đã xong cả rồi. Mặt trời lại chiếu sáng, và mọi vật lại như thường. Trời chỉ tối có một lúc, khi người ấy chết.
Phải, bây giờ thì gã sẽ đi. Gã phải đi, đó là điều hiển nhiên. Không còn gì cầm gã lại nữa. Gã không còn lý do gì để nán lại nữa, bởi vì người kia đã chết rồi. người ta hạ thi thể người ấy xuống khỏi thập tự giá, gã cũng thấy trước khi đi. Hai người đàn ông bọc xác người ấy trong tấm vải liệm mỏng, gã cũng thấy nữa. Thi thể toàn một màu trắng  và những người khâm liệm làm việc hết sức cẩn thận dường như không dám gây một chút động chạm nào, sợ làm cho người ấy bị đau dớn. Thái độ của họ thật kỳ quái, vì người ấy chẳng vừa chịu cực hình thập tự giá và mọi hậu quả của nó sao? Họ thật là những người lạ lùng. Nhưng bà mẹ thì nhìn thi thể của con mình bằng đôi mắt không một ngấn lệ. Gương mặt rắn rỏi và ngâm ngâm của bà dường như không thể nào diễn tả được sự sầu muộn. Bà chỉ không thể giải thích nổi việc vửa xảy ra, và chẳng bao giờ có thể tha thứ được cho việc ấy. Gã bắt đầu biết rõ về bà ấy hơn.

Khi họ cùng đi ngang qua, cách gã một quãng ngắn, những người đàn ông thì khiêng xác chết liệm kín còn những người đàn bà thì theo sau đoàn người tang chế, một trong những người đàn bà chỉ vào Ba-ra-ba và nói gì nho nhỏ với mẹ người ấy. Bà ta dừng lại và nhìn gã với vẻ tuyệt vọng hòa lẫn trách móc mà gã nghĩ là mình chẳng bao giờ có thể quên cái nhìn ấy được.

Họ tiếp tục xuống đồi Gô-gô-tha và rẽ sang một con đường khác bên trái.
Gã theo họ cách một khoảng khá xa để khỏi có ai trông thấy cho đến một khu  vườn gần đó, nơi giáo trưởng đặt thi thể người ấy vào một phần mộ đục ngay trong vách đá.. Sau khi cầu nguyện gần ngôi mộ, họ lăn một tảng đá to chặn ngang cửa vào, rồi bỏ đi.

Đến lượt gã cũng đến gần và đứng im. Gã không cầu nguyện vì gã là một tên bất lương. Lời cầu nguyện của gã sẽ không thể nào được nghe nếu gã chưa đền xong tội ác. Mà gã cũng không quen biết gì với người chết kia. Dầu vậy, gã cũng đứng đó một chặp lâu.
Rồi gã cũng đi về hướng Giê-ru-sa-lem.
(Còn tiếp)