Xe lửa bắt đầu chuyển bánh, Gandhi nhảy vội
lên tàu. Một chiếc giày của ông rơi xuống. Gandhi không thể nào nhảy xuống để
nhặt nó trong khi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Nếu trong trường hợp như vậy,
bạn sẽ làm gì?
Trước sự sững sờ của mọi người, Gandhi đã tháo luôn chiếc giày
còn lại và ném về phía chiếc giày kia. Những hành khách trên tàu lấy làm lạ về
hành động kỳ quặc của ông. Gandhi mỉm cười và giải thích: “Nếu có một người
nghèo nào lượm được chiếc thứ nhất, họ có thể tìm thấy chiếc thứ hai và sẽ mang
được đôi giày của tôi!”
Chúng ta
ít nghĩ đến người khác, mà thường nghĩ về bản thân mình nhiều hơn. Khi gặp sự
mất mát, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là những thiệt thòi và bất hạnh của
bản thân. Chúng ta đã phí quá nhiều thì giờ cho sự tiếc nuối, than thở và chán
nản, thậm chí trở nên cáu gắt và bực bội vì những rủi ro xảy ra. Khi gặp bất
trắc, tư tưởng ta chỉ xoay quanh chính mình và những điều mình phải chịu đựng,
mà không thể có những sáng kiến lạc quan để chuyển sự tổn thất trở thành một
điều hữu ích nào đó. Quanh quẩn với những thiệt hơn của riêng mình, chúng ta
không để những ý tưởng phúc lợi cho tha nhân có cơ hội nẩy mầm.
Gandhi đã có một hành động
thật cao quí, bởi trong sự mất mát của mình như thế, ông có thể lập tức nghĩ
đến người khác. Hành động của Gandhi chứng tỏ việc “nghĩ đến người khác” đã trở
thành một phần trong tư tưởng và nguyên tắc sống của ông. Nếu trong những lúc
bình an và thành công mà chúng ta còn không quan tâm lo lắng cho những kẻ bất
hạnh hơn mình, thì liệu khi gặp khó khăn, tổn thất, ta có thể làm được điều đó
hay không? Khi bạn giảm thiểu thì giờ và tâm trí nghĩ đến mình, bạn sẽ thấy có
rất nhiều những nhu cầu của người khác đang cần được bạn quan tâm.
“Mỗi
một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ
khác nữa.” Phi-líp
2:4.