Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 9, 2012

Hôn Nhân Bền Lâu - Bài 14


Như chúng ta đã biết, lòng chung thủy là điều tối cần cho hạnh phúc gia đình nhưng cũng là điều chúng ta dễ đánh mất hơn cả. Khi bắt đầu yêu nhau và quyết định lập gia đình với nhau, không đôi vợ chồng nào nghĩ rằng sẽ có ngày vợ chồng mình phản bội nhau hoặc đem tình yêu san sẻ cho người khác. Thế nhưng thực tế cho thấy nếu không quyết tâm vượt lên trên cám dỗ và nhờ sức Chúa để chiến thắng những yếu đuối của chính mình, chúng ta rất khó giữ lòng chung thủy với người phối ngẫu.

1. Vợ chồng sống xa nhau
Những nguy hiểm trong trường hợp vợ chồng sống xa nhau có thể gồm những điều sau: Khi vợ chồng sống xa nhau, mỗi người đeo đuổi một công việc khác nhau, có những trách nhiệm khác nhau, sẽ tiếp xúc với những người khác nhau, do đó sẽ dần dần có những người bạn riêng. Nếu tiếp tục sống xa nhau, hai vợ chồng sẽ hầu như sống trong hai thế giới khác nhau. Dần dần cảm thấy xa nhau trong tình cảm và từ đó khó giữ lòng chung thủy với nhau.
Khi vợ chồng sống xa nhau quá lâu, thiếu sự kết hợp đậm đà trong tình nghĩa vợ chồng, chúng ta dễ bị cám dỗ hướng tình cảm của mình đến người khác. Không những thế, khi gặp khó khăn, đau ốm, thất vọng, buồn chán, chúng ta cần có người bạn đời ở bên cạnh giúp đỡ. Nhưng vì người đó ở quá xa nên không thể giúp đỡ hay nâng đỡ chúng ta trong những lúc cần thiết đó. Dần dần chúng ta sẽ không thấy gần gũi với người đó, cũng không còn thấy cần người đó nữa. Lúc đó nếu có một người khác ở gần bên cạnh, tỏ lòng quan tâm chăm sóc và an ủi chúng ta, người đó sẽ chiếm được cảm tình của chúng ta cách dễ dàng.
Có một số người vì công việc làm ăn phải về Việt Nam hoặc đi xa gia đình hằng mấy tháng hay cả năm. Đây cũng là điều nguy hiểm, nếu kéo dài có thể khiến hạnh phúc gia đình đi đến chỗ tan vỡ. Làm như thế chẳng khác gì chúng ta mở rộng cửa cho kẻ gian vào nhà cướp đi những điều quý giá của gia đình. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài và ban chúng ta có tình cảm, tình yêu. Chúng ta cần ban tình yêu của mình cho người khác và cũng cần nhận tình yêu của người khác dành cho ta. Tình yêu lứa đôi là tình yêu sâu đậm nhất. Chúng ta chỉ có thể dành tình yêu đó cho một người và cũng chỉ có thể nhận tình yêu từ một người đó mà thôi. Vì thế bằng mọi giá, vợ chồng cần sống gần bên nhau để giúp nhau giữ lòng chung thủy trọn đời và gây dựng một gia đình hạnh phúc bền lâu.

Nếu chúng ta để công việc làm ăn hay bất cứ điều gì lên trên hạnh phúc gia đình, chúng ta có thể sẽ phải nhận lấy hậu quả đau đớn sau này. Biết bao nhiêu người đi làm ăn xa được thành công, có nhiều tiền nhưng khi trở về với gia đình chỉ còn căn nhà trống, vợ con hay chồng con đã bị người khác cướp mất. Chúng ta không thể vì tiền bạc hay công ăn việc làm mà hy sinh hạnh phúc gia đình.
Thánh Kinh ghi lại Lời Chúa dạy về vấn đề đeo đuổi tiền bạc và những giá trị vật chất như sau: ”Sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; còn như kẻ muốn nên giàu có ắt sa vào cám dỗ, mắc bẫy giò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là điều làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng lòng tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn” (I Ti-mô-thê 6:6-10).
2. Ảnh hưởng nền văn hóa mới của xã hội
Có những trường hợp vợ chồng không giữ lòng chung thủy với nhau vì ảnh hưởng của văn hóa trong xã hội. Ngày xưa cũng như ngày nay, trong văn hóa của một số dân tộc, người ta không xem hôn nhân là điều thiêng liêng, là kết hợp của một vợ một chồng và cũng không đòi hỏi vợ chồng phải chung thủy với nhau trọn đời. Trong xã hội Tây phương, hôn nhân là kết hợp của một vợ một chồng, theo tiêu chuẩn Thánh Kinh, nhưng vợ chồng lại để bỏ nhau quá dễ dàng. Ngày nay tội ngoại tình không còn là điều bị dư luận gièm chê hay luật pháp lên án nữa.
Trong xã hội Đông phương cũng như trong văn hóa của một số các dân tộc khác, vì quan niệm trọng nam khinh nữ, xã hội không đòi hỏi người đàn ông phải trung thành với một vợ, nhưng trái lại được phép lấy hai ba vợ hoặc có hầu thiếp. Những người không chính thức cưới vợ lẽ thì cũng gian díu với người này người kia.
Trong xã hội Việt Nam, những người đàn ông quyền thế, sang trọng hay giàu có thường có vợ bé hay vài cô nhân tình. Hình như phải thế thì mới oai và mới được đàn em khâm phục. Tội nghiệp cho bà vợ của các ông chồng đó, chỉ biết buồn khổ, khóc lóc một mình. Nếu than van với người khác thì thường được an ủi bằng câu: “Thôi, buồn làm chi vì đàn ông người nào cũng thế!” Quan niệm ”trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” không ai truyền dạy nhưng hầu như được mọi người ngấm ngầm công nhận.
Ngoài ra, có người xem đàn bà như là một loại tài sản mình có thể bỏ tiền ra mua và là điều để tô điểm thêm cho đời sống. Vì thế họ không tôn trọng vợ, cũng không nghĩ rằng mình phải chung thủy với vợ nhưng cứ tự do muốn sống thế nào tùy ý. Cũng có trường hợp những bà vợ thấy chồng không chung thủy thì tức giận và không chịu thua nên cũng tập tành giao du với những người đàn ông khác, theo kiểu ”ông ăn chả bà ăn nem.” Tất cả những điều đó không ích lợi gì mà chỉ làm cho đời sống thêm rắc rối, buồn bã và đau khổ mà thôi.
Những quan niệm về lối sống tự do phóng túng và thiếu kỷ luật đó hầu như đã ăn sâu vào tâm trí con người đến nỗi có người cho rằng chung tình quá là dại. Một số các ông chồng tuy không ngoại tình nhưng hay rủ nhau đi giải trí ở những nơi không đứng đắn và cho đó là chuyện bình thường, không có gì là tội lỗi. Nhưng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập hôn nhân thánh khiết, ai làm những điều đó là phạm tội với Chúa và với người bạn đời. Một số người chủ trương rằng làm đàn ông thì phải đào hoa, bay bướm, lãng mạn. Các bà vợ nên chấp nhận chứ đừng ghen tương làm gì mà thêm khổ vào thân.
Có những người khi đời sống nơi xứ người tạm ổn định, bắt đầu đi tìm kiếm những thú vui thấp hèn trong xã hội mới. Họ nói với nhau những điều thật kinh tởm như: ”Đã qua Mỹ thì phải chơi bời, phải biết thưởng thức để biết đàn bà Mỹ như thế nào!” Không những thế, còn biết bao nhiêu người ngày nay trở về Việt Nam để tìm lại những thú ăn chơi sa đọa ngày trước. Đây là những điều không thể chấp nhận được nếu chúng ta thật sự muốn có một gia đình hạnh phúc vững bền, muốn nêu gương tốt cho con cái noi theo, và muốn nhận được phước lành của Chúa. Một điều đáng buồn khác là có những bà vợ không dám ngăn cản chồng nhưng còn phải tạo cơ hội và điều kiện để chồng được tự do trong nếp sống tội lỗi đó.
Nhiều người nói đến nếp sống buông thả, tội lỗi, không chung thủy với người phối ngẫu như là một điều tự nhiên, bình thường của đời sống. Có người còn hãnh diện về lối sống bừa bãi của mình, cho rằng như thế mới là hào hoa và biết sống. Tuy nhiên, Thánh Kinh là tiêu chuẩn của Đấng Tạo Hóa, cho biết rằng hôn nhân là kết hợp của MỘT NGƯỜI NAM VÀ MỘT NGƯỜI NỮ. Chúa Giê-xu dạy: ”Các ngươi chưa đọc lời chép về Đấng Tạo Hóa, hồi ban đầu dựng nên một người nam, một người nữ và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hợp” (Ma-thi-ơ 19:4-6).
Thánh Kinh cũng nhiều lần cảnh cáo những người có đời sống đi ngược với tiêu chuẩn của Đấng Tạo Hóa. Chúa phán: ”Chớ hề dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu, vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát, song kẻ gieo cho Thánh Linh sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời” (Ga-la-ti 6:7-8).
Theo lời Thánh Kinh dạy, tà dâm không những là tội, nhưng còn là thứ tội lỗi mà Chúa ghê tởm nhất. Khi chúng ta phạm những tội khác, tội đó còn ở ngoài thân thể. Nhưng khi phạm tội tà dâm là chúng ta phạm đến chính thân thể của mình. Kinh Thánh dạy: ”Hãy tránh sự dâm dục. Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự dâm dục thì phạm đến chính thân thể mình” (I Cô-rinh-tô 6:18).
Đối với người tin Chúa, tội tà dâm là tội bị Chúa lên án rất nặng và người phạm tội sẽ không tránh được hình phạt của Chúa. Sứ đồ Phao-lô viết: ”Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh mà chính anh em là đền thờ” (ICô-rinh-tô 3:16,17).
Thánh Kinh quả quyết rằng, những người phạm tội tà dâm, ô uế, ngoại tình đều sẽ phải lãnh hậu quả việc mình làm. Sứ đồ Phao-lô khuyên: ”Anh em há chẳng biết những kẻ không công bình chẳng bao giờ hưởng được Nước Đức Chúa Trời sao? Chớ tự dối mình, phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng , kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, ... đều chẳng được hưởng Nước Đức Chúa Trời đâu” (I Cô-rinh-tô 6:9,10).
3. Ảnh hưởng của tiêu chuẩn đạo đức suy đồi
Có một ảnh hưởng khác cũng dễ khiến chúng ta xem nhẹ tình nghĩa vợ chồng và không giữ lòng chung thủy đối với người bạn đời. Đó là tiêu chuẩn đạo đức suy đồi chung của xã hội. Đặc biệt là những điều thường được trình bày trong phim ảnh và sách báo. Những người làm phim, viết sách thường lấy những trường hợp ngoại tình tội lỗi, vẽ vời ra thành một chuyện tình ngang trái thương tâm để người xem không nhìn thấy đó là những tội lỗi cần phải tránh xa. Trái lại, họ làm thế nào để người xem cảm động, thương hại nhân vật trong truyện và chấp nhận điều sai quấy những người đó làm. Điều nguy hiểm là, một khi nghe mãi, thấy mãi những tiêu chuẩn sai lầm đó, chúng ta sẽ không còn sáng suốt để nhìn thấy rằng những chuyện ngoại tình, tà dâm là những tội lỗi ta phải tránh. Trái lại, chúng ta chấp nhận điều đó trong hoàn cảnh của người và dần dần cũng chấp nhận cho chính mình (còn tiếp).
Minh Nguyên