Bà Lan là một người đàn bà yêu chồng yêu con. Bà lập gia đình đã gần hai mươi năm. Từ ngày lấy chồng cho đến bây giờ bà không bao giờ nghĩ đến hạnh phúc riêng. Lúc nào bà cũng lo cho chồng cho con, từ miếng ăn đến cái quần cái áo, khi chồng con khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau. Bà là người an phận và thỏa lòng, sống giản dị không mơ ước điều gì cao xa. Một ngày kia, trong khi chồng đi làm, bà ở nhà lo công việc thì có người ở sở gọi điện thoại cho biết chồng bà bị đứt mạch máu não và đã được đưa vào nhà thương. Bà Lan vội vàng vào nhà thương thăm chồng. Nhìn chồng nằm mê man trên giường, bà Lan cảm biết gia đình bà đang bắt đầu đi vào một giai đoạn khác trong đời sống.
Suốt tuần lễ sau đó, mỗi ngày bà Lan đều vào nhà thương thăm chồng. Tình trạng của ông không thuyên giảm. Một ngày nọ, khi bà bước vào phòng bệnh của chồng thì thấy một người đàn bà trẻ đang ngồi bên giường, cầm tay chồng bà áp vào má với vẻ thương yêu. Bà Lan ngạc nhiên, sửng sốt nhưng chưa kịp hỏi gì thì người đàn bà đó bỏ chạy ra khỏi phòng. Bà thắc mắc không biết người đàn bà đó là ai. Bà không dám nghi ngờ chồng, cũng không dám nghĩ đến hai chữ “ngoại tình,” vì sự kiện chồng ngã bệnh bất ngờ đã làm tinh thần bà xuống quá nhiều. Bà định hôm nào ông tỉnh lại bà sẽ hỏi về người đàn bà đó. Nhưng hai tuần sau chồng bà bị đứt thêm một mạch máu khác trong não và trút hơi cuối cùng.
Trong ngày đưa đám chồng, người đàn bà lạ mặt kia lại xuất hiện, trong bộ áo tang đen. Bà Lan nhìn người đàn bà đó với lòng nghi ngờ và tức giận. Đến giờ phút gia đình, bà con và bạn bè, đến để nhìn mặt người quá cố lần chót, người đàn bà lạ mặt cũng đến, ôm quan tài khóc nức nở. Bà Lan giận quá kéo bà ta ra và hỏi: “Cô là ai?” Người đàn bà trẻ ngước mặt lên, trả lời với giọng nhỏ nhẹ nhưng đầy hãnh diện: “Tôi là người yêu của anh ấy, là vợ của anh ấy.” Câu trả lời đó như tiếng sét đánh ngang tai bà Lan. Lòng thương tiếc chồng liền tan biến, nhường chỗ cho sự tức giận nghẹn ngào của một người vừa khám phá ra mình đã bị chồng phản bội một cách đau đớn.
Định nghĩa chung thủy
Trước khi tìm hiểu tại sao vợ chồng khó giữ lòng chung thủy với nhau, và không chung thủy sẽ đưa đến những hiểm họa nào, chúng ta cần định nghĩa chung thủy nghĩa là gì. “Chung thủy” hay nói đúng hơn, “thủy chung” nghĩa là trước sau. Thủy chung là từ chỉ những người không thay đổi, trước sao sau vậy.
Khi nói vợ chồng chung thủy với nhau là nói đến một tình yêu trước sau như một. Lúc nào giữa hai người cũng có một tình cảm gắn bó, dù trong hoàn cảnh nào cũng không thay lòng đổi dạ. Tình yêu chung thủy là tình yêu không thay đổi, không tàn phai và không san sẻ cho người khác. Nếu chúng ta đã lập gia đình, nhưng vì một lý do nào đó, tình yêu chúng ta dành cho người bạn đời đã thay đổi, không còn nồng thắm như lúc ban đầu, hoặc chúng ta đem san xẻ tình yêu đó với một người khác là chúng ta đã không chung thủy.
Ngày nay, nhiều người không còn xem hôn nhân là một ràng buộc suốt đời. Họ cho rằng phải cam kết sống với một người, suốt cả cuộc đời là một điều quá khó, ít ai có thể làm được. Một số người khác thì cho rằng nếu chỉ được phép yêu một người và phải trung thành với người đó suốt đời là một thiệt thòi lớn. Có người tin Chúa nhưng nói rằng tiêu chuẩn của Thánh Kinh quá cao và hầu như đã lỗi thời đối với xã hội văn minh ngày nay. Không những thế, có người còn bào chữa cho tội ngoại tình của mình bằng cách nói rằng Chúa yêu thương chúng ta, Ngài không muốn thấy chúng ta kéo lê đời sống đau khổ trong một hôn nhân không hạnh phúc, vì thế Ngài cũng thông cảm với lỗi lầm của chúng ta.
Những lời bào chữa và những tư tưởng trên thật sai lầm và vô cùng tai hại. Nó không củng cố hạnh phúc gia đình mà còn khuyến khích con người phạm tội. Khi vợ chồng không chung thủy với nhau sẽ đưa đến biết bao nhiêu đau khổ cho đời sống. Những đau khổ đó chúng ta đã thấy rõ trong những gia đình chung quanh mình. Có thể chính quý vị cũng đang là nạn nhân của một người vợ hay người chồng không chung thủy.
Ngày nay trong nhiều xã hội, số vợ chồng ly dị nhau lên đến 50%. Người ta cho biết, từ thập niên 80 đến nay, trung bình các cuộc hôn nhân kéo dài khoảng 7-10 năm, có khi chỉ được 2, 3 năm. So ra không lâu bền bằng những máy móc và dụng cụ dùng trong nhà. Người Việt chúng ta trong đám cưới thường chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc nhưng ngày nay cũng có biết bao nhiêu đôi vợ chồng sau 5, 10 năm chung sống đã đưa nhau ra tòa ly dị. Một số những đôi vợ chồng khác không công khai ly dị nhưng đã ly dị ngấm ngầm trong tinh thần, thái độ hoặc không chung thủy với nhau nữa (còn tiếp).
Minh Nguyên