Chị Xuân là một người đàn bà hiền lành, đạo đức. Chị lập gia đình đã được 15 năm và có hai đứa con: 10 và 12 tuổi. Hai vợ chồng chị đi làm suốt cả tuần nên ngày thứ bảy là ngày của gia đình. Trong ngày đó, vợ chồng thường ở nhà làm vườn, dọn dẹp nhà cửa hoặc đi mua sắm chung với nhau. Đến cuối ngày hai vợ chồng đưa con cái đi chơi hoặc đi thăm ông bà nội. Ai cũng khen gia đình chị thật là hạnh phúc.
Tuy nhiên mấy tháng gần đây, chồng chị Xuân thường đi làm thêm vào cuối tuần nên ít khi có mặt ở nhà. Anh cũng có vẻ không để ý đến vợ con, nhà cửa, vườn tược nữa. Chị Xuân cảm biết chồng mình đã thay đổi nhưng không rõ thay đổi đó là gì. Thế rồi càng ngày chồng chị đi về giờ giấc càng thất thường hơn. Khi chị hỏi thì anh bực bội nói: “Bộ anh lớn rồi mà đi đâu, làm gì cũng phải xin phép em sao?”
Dần dần chồng chị Xuân càng vắng nhà nhiều hơn. Lắm khi cả tuần anh không ăn cơm với gia đình được một bữa. Không những thế, lúc có mặt ở nhà thì anh yên lặng, đăm chiêu, ít nói chuyện với vợ con. Anh có vẻ dễ bực bội và hay gắt gỏng chứ không vui vẻ như trước. Có một lần chị Xuân than phiền về những thay đổi nơi chồng, anh nói vì lúc này công việc ở sở nhiều nên tinh thần căng thẳng. Anh cũng cho biết anh sẽ phải đem việc về nhà làm mới xong. Với lý do đó, anh thường canh điện thoại để trả lời và nói chuyện rất lâu trên điện thoại. Chị Xuân buồn lắm nhưng nghĩ đó là vì công việc nên đành chấp nhận.
Thế rồi một hôm có người đàn bà gọi điện thoại đến tìm chồng chị Xuân, khi nghe tiếng chị trả lời, người đó liền cúp máy. Chị Xuân định có dịp sẽ hỏi chồng xem người đó là ai. Khi nghĩ lại tất cả những chi tiết khác lạ nơi chồng, một tư tưởng đen tối chợt đến với chị. Chị nghĩ: “Hay là... chồng mình đang gian díu với một người đàn bà nào?” Tư tưởng đó làm chị quá đau đớn và sợ hãi nên chị vội vàng xua đuổi nó đi.
Thế nhưng, chuyện gì phải đến đã đến. Một ngày nọ, chồng chị Xuân đến bên chị và nói luôn một hơi, làm như nếu nói chậm anh không đủ can đảm nói hết những gì cần nói: “Anh xin lỗi đã không làm trọn trách nhiệm người chồng nhưng anh không thể giả dối với em và con được nữa. Em đừng buồn, anh đã yêu một người đàn bà khác. Anh đã suy nghĩ rất nhiều, anh thấy anh phải thành thật với chính mình, thành thật với em và không nên tiếp tục lừa dối em nữa!” Chị Xuân nghe tê buốt cả người, bàng hoàng không nói được một lời nào. Chồng chị ấp úng vài lời xin lỗi và cho biết cuối tháng này anh sẽ dọn ra và nhờ luật sư làm giấy tờ ly dị.
Có nhiều lý do khiến vợ chồng khó giữ lòng chung thủy với nhau suốt đời. Tuy nhiên, tất cả những điều chúng tôi nêu ở trên chỉ là yếu tố bên ngoài. Yếu tố chính vẫn là vì lòng người hay thay đổi, không bằng lòng với những điều mình có và thích phạm tội hơn là tránh xa tội lỗi. Hoàn cảnh chỉ là yếu tố phụ, cho ta có lý do phạm tội và ngã vào tội lỗi dễ dàng hơn mà thôi.
Theo Lời Kinh Thánh dạy, tất cả chúng ta đều đã sinh ra trong tội lỗi, vì thế mang bản tính tội lỗi và dễ ngã vào tội lỗi. Chỉ khi nào chúng ta dâng cuộc đời cho Chúa làm Chủ, sống theo Lời Chúa dạy và nương cậy vào sức của Chúa mỗi ngày, chúng ta mới thắng được tiếng gọi của cám dỗ và tội lỗi.
Thánh Kinh cho biết: “Lòng người là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Chúa Giê-xu cũng dạy: “Vì thật là từ trong, từ lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người” (Mác 7:21,22).
Nếu vợ chồng thật lòng yêu thương nhau và một lòng chung thủy với nhau thì dù xa nhau, dù bị cám dỗ, hay dù hoàn cảnh chung quanh thay đổi thế nào đi nữa, cũng vẫn chung thủy với nhau.
Khi nói đến nguyên nhân từ bên trong, chúng ta thấy có nhiều khía cạnh. Người ta bỏ nhau để yêu người khác vì tình yêu ban đầu phai nhạt, vì chán nhau và muốn tìm một cái gì mới lạ, vì nhu cầu không được thỏa đáp. Cũng có khi vì chúng ta so sánh vợ chồng mình với người khác rồi không thỏa lòng, hối tiếc, ân hận và ước mơ một tình yêu khác. Có người phản bội người bạn đời vì lòng ích kỷ, chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng. Có người không giữ lòng chung thủy vì bước vào hôn nhân với quá nhiều mong đợi rồi thất vọng vì thực tế không như mình mơ ước. Cũng có người bỏ nhau vì không thành thật với nhau từ lúc ban đầu, đến khi khám phá ra sự thật thì quá bẽ bàng, không chấp nhận được.
Tiến sĩ James Dobson là một nhà tâm lý học Cơ-đốc nổi tiếng, chuyên về các vấn đề liên quan đến gia đình. Ông cho biết, ba mươi năm trước, khi một người đã lập gia đình, dù có lúc không vui và có điều không thỏa lòng, người ấy vẫn tiếp tục sống với người bạn đời, cố gắng làm trọn trách nhiệm để giữ cho gia đình được bền vững. Vì tiêu chuẩn chung của mọi người là như thế. Ngày nay, người có gia đình phải đối phó với những cám dỗ lớn lao hơn, từ bên ngoài lẫn bên trong. Và vì không có sự hỗ trợ của cộng đồng cũng như của nền đạo đức chung, nên chúng ta dễ dàng bỏ cuộc.
Thật ra, không một hôn nhân nào mà không gặp khó khăn. Khi khó khăn đến, trong lòng chúng ta thường có những tiếng nói cám dỗ chúng ta bỏ cuộc, thay vì khuyên chúng ta cố gắng vượt qua khó khăn để bảo tồn hạnh phúc. Nếu không có đức tin vững mạnh nơi Chúa, nếu không nương nhờ vào sức của Chúa và quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy, chúng ta sẽ ngã dễ dàng khi những tiếng kêu gọi, cám dỗ ấy tràn đến.
Theo Tiến sĩ Dobson, có ít nhất là bốn tiếng gọi nhỏ nhẹ trong lòng, cám dỗ chúng ta không chung thủy với người bạn đời.
1. Tiếng gọi của lạc thú
Đây là tiếng gọi mời cám dỗ đối với những người có một đời sống vất vả, quanh năm suốt tháng phải làm việc liên tục để cung ứng nhu cầu cho gia đình. Tiếng gọi đó nói rằng tại sao anh hay chị dại quá vậy, sống phải biết hưởng lạc thú chứ tại sao lúc nào cũng phải lo cho người khác. Đã đi làm đem tiền về nuôi vợ nuôi con, còn lo việc nhà việc cửa, rồi nay vợ đau, mai con ốm. Cứ sống như thế hết năm này qua năm khác rồi già rồi chết, chẳng biết lạc thú của đời là gì! Tiếng đó cũng có thể nói: Anh hào hoa quá mà sao phải chôn vùi cuộc đời bên cạnh bà vợ bệnh hoạn già nua đó. Hoặc: Sao chị dại quá, việc gì mà cứ ràng buộc mãi với ông chồng xấu xí khó thương đó!
Có những người đang là người chồng tốt, người vợ hiền, nhưng khi tiếng gọi mời của lạc thú tràn đến, bỗng thấy mình sống đàng hoàng như thế là dại và bắt đầu tẻ tách khỏi đời sống đạo đức, bỏ trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha mẹ, để đi vào con đường tội lỗi. Đây là điều thường xảy ra cho những người bước vào tuổi 40, 45. Khi thấy mình bắt đầu già, chúng ta hoảng sợ và muốn sống tự do phóng túng, muốn bước ra ngoài khuôn phép, vượt ra khỏi những ràng buộc để sống cho riêng mình, để vớt vát lại những năm tháng đã mất. Chúng ta hành động cách dại dột như vậy vì nghĩ rằng làm như thế mình sẽ trẻ lại và đời sẽ vui hơn.
2. Tiếng gọi của tình yêu lãng mạn
Đây là tiếng gọi mời những người đã có gia đình, thử phiêu lưu vào con đường tình yêu lãng mạn. Tiếng gọi này có tác dụng với các bà mạnh hơn với các ông. Các bà, đặc biệt là những bà có chồng quá bận rộn với công danh sự nghiệp hoặc có chồng quá nghiêm nghị, khô khan. Không chăm sóc chiều chuộng nhưng xem vợ như là vật sở hữu, chỉ nhớ đến khi nào cần mà thôi. Những người đàn bà này lúc đầu bằng lòng, an phận với vai trò người nội trợ, sẵn sàng quên mình để sống cho chồng cho con. Nhưng khi thấy người chung quanh có một gia đình hạnh phúc hơn, hoặc gặp một người nào đó đáng yêu đáng mến hơn chồng mình. Người đó bỗng thấy thương hại cho chính mình và mơ ước một người yêu, một tình yêu lãng mạn nào đó.
Đây là cám dỗ thường xảy đến cho những phụ nữ đi làm ở ngoài, có dịp tiếp xúc với những người đàn ông trong sở. Khi gặp những người đàn ông tế nhị, hào hoa lịch sự, khác hẳn ông chồng khó tính và cộc cằn của mình, những bà vợ này bắt đầu so sánh và hối tiếc hoặc ước mơ xa xôi... Lúc đó, những cánh thiệp chúc sinh nhật bình thường, những lời khen xã giao cũng trở thành có một ý nghĩa đặc biệt, khiến các bà yêu quý, ôm ấp và đáp ứng lại một cách nồng nhiệt. Từ sự đáp ứng đó, đến chỗ có một tình cảm riêng tư, bất chính không xa.
3. Tiếng gọi của cám dỗ tình dục
Tiếng gọi thứ ba này thường rất quyến rũ đối với các ông. Có người nói rằng, tất cả các ông, ngay từ ngày cưới đã bị cám dỗ nghĩ đến quan hệ tình dục bất chính với người không phải là vợ mình. Đây là câu nói khá mạnh nhưng không phải là quá đáng.
Thật ra, từ xưa đến nay, cám dỗ về tình dục là cám dỗ rất mạnh đối với người đã có gia đình, với đàn ông cũng như đàn bà, người trẻ cũng như người lớn tuổi. Không phải ngày nay mới có nhiều người ngã vào cám dỗ tình dục, mà ngày xưa, trong thời đại của Kinh Thánh, trong lịch sử của các dân tộc trên thế giới, chúng ta cũng thấy bao nhiêu người đã ngã vào cám dỗ tình dục. Khi đáp lại tiếng gọi của cám dỗ tình dục, chúng ta sẽ phạm tội với Chúa và với người phối ngẫu. Nếu chúng ta không cẩn thận, cám dỗ nguy hiểm này có thể đánh ngã chúng ta trong lúc chúng ta không ngờ.
4. Tiếng gọi của cái tôi trong con người
Tiếng gọi này ảnh hưởng trên cả hai phái, nam cũng như nữ. Nó không chỉ hấp dẫn những người có đời sống phóng túng, nhưng hấp dẫn cả những người có đời sống đàng hoàng và đứng đắn. Chúng ta ai cũng muốn được người khác khen tặng, quý mến, kính trọng và khâm phục. Nhưng khi sự khâm phục, quý mến đó đến từ những người bạn khác phái sẽ khiến ta sung sướng, hãnh diện một cách đặc biệt.
Ví dụ những bà vợ không bao giờ được chồng khen đẹp, khi được một người đàn ông ở sở khen, lời khen đó có ảnh hưởng vô cùng lớn lao. Nó khiến người đó thấy sung sướng, tự ái được thỏa mãn, vì thấy mình có giá trị, một giá trị đặc biệt mà chồng mình đã không bao giờ nhìn thấy. Từ đó người ấy sẽ cố gắng chăm sóc sắc đẹp, trau giồi bề ngoài hay bất cứ một điều gì, một tài năng nào mà người bạn khác phái đã chú ý, để được khen ngợi hơn nữa.
Có khi lời tôn tặng của người bạn khác phái khiến chúng ta thấy mình quá dại nếu cứ tiếp tục hy sinh và chung tình với người đã không nhận ra vẻ đẹp, hay tài năng của mình. Từ đó chúng ta cảm thấy giận vợ, giận chồng và không muốn chung thủy với người đó nữa.
Một khía cạnh khác trong tiếng gọi cám dỗ này là vấn đề được người khác chú ý và lắng nghe. Nếu một người ở trong gia đình cứ bị chồng hay vợ coi thường, không bao giờ dành thì giờ trò chuyện hay chú ý lắng nghe mình nói. Khi gặp một người bạn khác phái tỏ vẻ chú ý đến mình, có việc gì cũng hỏi ý kiến của mình, lúc nào cũng tỏ vẻ quan tâm chú ý lắng nghe mình nói. Tất cả sự chú ý đó đem lại thỏa mãn sâu xa và khiến chúng ta sẵn sàng hành động thiếu khôn ngoan để chiều lòng người đã chú ý đến mình.
Trong đời sống hằng ngày, khi giao dịch, tiếp xúc với người chung quanh, chúng ta luôn luôn phải đương đầu với những tiếng cám dỗ, gọi mời như chúng ta đã thấy ở trên. Lời Chúa trong Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Hãy tiết độ và tỉnh thức. Kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8). Ma quỷ như những con sư tử đói, luôn luôn đi tìm kiếm những người nào nó có thể vồ được. Vì thế chúng ta không nên xem thường cám dỗ nhưng phải luôn luôn đề cao cảnh giác, và nhờ vào sức của Chúa để thắng những tiếng cám dỗ nhỏ nhẹ nhưng đầy hấp lực đó (còn tiếp).
Minh Nguyên