Đối với nhiều người, uống thuốc với bất cứ nước gì có vẻ không quan trọng, thậm chí có người lựa chọn hẳn một loại nước có mùi vị thích hợp, nhằm loại trừ cảm giác khó chịu do dùng thuốc. Có người uống thuốc với nước trà hoặc với nước trái cây (nước cam, nước chanh…), thậm chí uống thuốc với bia rượu chỉ để có cảm giác dễ chịu.
Những cách trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị của thuốc, vì nếu dùng loại nước không thích hợp sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc ở hệ tiêu hóa, đưa đến thuốc bị giảm tác dụng hay không còn tác dụng điều trị.
Nước gì tốt nhất dùng để uống thuốc?
Câu trả lời là nước lã đun sôi để nguội hoặc nước lọc hợp vệ sinh là loại nước tốt nhất dùng để uống thuốc. Uống thuốc với loại nước này với lượng nước đủ sẽ giúp đưa thuốc viên (viên nén hoặc viên nang) từ miệng xuống nhanh đến dạ dày, tan rã và hòa tan tạo dung dịch thuốc, sau đó trôi xuống ruột là vị trí dược chất sẽ hấp thu vào máu cho tác dụng.
Đối với thuốc là viên nang hay còn gọi là viên nhộng là dạng dễ nuốt, một số người uống khan, không uống chung với nước (đặc biệt là người cao tuổi do rối loạn tiểu tiện thường đi tiểu lắt nhắt rất ngại uống nước), viên nang uống khan có thể dính lại ở thực quản gây viêm loét thực quản rất tai hại. Vì vậy, uống thuốc với lượng nước đủ là cần thiết, thậm chí có một số thuốc đòi hỏi phải uống nước thật nhiều (như thuốc chứa dược chất sulfamid) để thuốc được lọc, bài tiết nhiều theo nước tiểu không gây đóng sỏi hại thận.
Có thể dùng nước đóng chai nhưng phải là nước tinh khiết chứ không nên dùng nước chứa các chất khoáng (còn gọi nước suối) để uống thuốc, bởi vì chất khoáng như: canxi, natri… có thể tương kỵ gây ảnh hưởng đến thuốc. Nên uống thuốc với nước đun sôi để nguội.
Các loại nước nào không nên dùng để uống thuốc?
Tùy trường hợp, có loại nước hoàn toàn không thích hợp vì nếu uống với thuốc sẽ làm mất tác dụng của thuốc hay gây hại đối với cơ thể, cụ thể như sau:
Sữa.
Sữa bò không được uống với thuốc sắt và một số loại thuốc kháng sinh (nhất là nhóm tetracyclin). Canxi có trong sữa (và các chế phẩm của sữa như sữa chua, pho-mát…) sẽ tạo ra những nguyên tố không hoà tan với các thành phần của thuốc, hạn chế khả năng hấp thụ thuốc chữa bệnh của cơ thể. Tốt nhất đảm bảo thời gian giãn cách giữa thời điểm uống thuốc và sử dụng sữa tối thiểu là 2 tiếng.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thuốc nên uống chung với sữa. Như dùng thuốc gây bào bọt dạ dày (aspirin), hay dễ nôn ói (thuốc ngừa thai phải uống hàng ngày dễ gây buồn nôn ở một số phụ nữ), hay cần chất béo để thuốc dễ hấp thu (vitamin A, vitamin D) thì cần uống chung với sữa.
Cà phê, trà, nước giải khát có gaz
Các loại nước này, đặc biệt nước ngọt, nước tăng lực đều có chứa caffein (là chất kích thích giúp tỉnh táo) Khi đang dùng thuốc kháng sinh nhóm quinolone như enoxacine, ciprofloxacine và norfloxacine, hoặc theophylline (loại thuốc trị hen có tác dụng giống cafeine) bạn nên tránh c ác loại nườc nói trên vì các thuốc kháng sinh này ngăn cản cơ thể thải trừ caffein và do đó có thể gây quá liều cafeine, dẫn đến tình trạng kích thích, hồi hộp, run rẩy, toát mồ hôi thậm chí gây ảo giác. Ngoài ra caffein còn làm tăng tác dụng phụ của theophylline..
Nước uống thể thao
Chất kali có trong các loại nước uống dành riêng cho người chơi thể thao có thể trở nên nguy hiểm nếu kết hợp với một số thành phần thuốc trị bệnh suy tim, cao huyết áp. Không chỉ nước uống thể thao, bạn cũng phải cẩn trọng với chuối vì loại trái cây c ũng giàu kali.
Nước ép trái cây:
Nhiều loại nước ép trái cây hiện nay đã được chứng minh là gây hại nếu uống chung với thuốc.
Nước cam, nước chanh có vị chua (là acid hữu cơ) có thể làm cho thuốc kháng sinh như ampicillin, erythromycin, lincomycin bị hỏng do các kháng sinh này kém bền vững ở môi trường acid
Nước nho ép dùng uống thuốc có thể làm giảm tác dụng và làm tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh, lý do nước nho ép có thể ức chế các men trong quá trình hấp thụ thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh tim mạch và thuốc chống nấm.
Nước ép lựu có chứa một loại enzyme có thể làm giảm tác dụng cũa các thuốc cao huyết áp.
Nghiêm trọng nhất là nước bưởi chùm (grape-fruit) có tên khoa học Citrus paradisis Loại bưởi này chứa hoạt chất naringin và bergamotin khi uống chung với một số thuốc như statin trị rối loạn lipid, atelenol trị tăng huyết áp... sẽ làm tăng độc tính của thuốc do naringin ức chế men chuyển hóa thuốc ở gan, dẫn đến nồng độ thuốc tăng cao trong máu.
Có hai nhóm thuốc đặc biệt lưu ý không nên dùng kèm nước bưởi gồm:
Thuốc hạ cholesterol trong máu ( simvastatine và atorvastatine) Nước bưởi khi dùng chung với hai thuốc này có thể làm tăng sự hấp thu của thuốc lên gấp 15 lần và gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Thuốc suy giảm miễn dịch dùng để chống thải ghép (tacrolimus, ciclosporine…), nếu uống nước bưởi thường xuyên sẽ gây độc hại cho thận.
Bệnh nhân tránh uống nước bưởi trong vòng hai giờ sau khi dùng các thuốc này, và nên chỉ uống ít hơn 250 ml nước bưởi mỗi ngày.
Rượu:
Phải tránh uống rượu trong trường hợp bệnh nhân dùng thuốc có tác dụng trên thần kinh, bao gồm tất cả loại thuốc như an thần (thuốc giảm lo âu nhóm benzodiazepine), giảm đau hoặc giảm ho có chứa codeine hoặc tramadol, thuốc thần kinh, thuốc chống trầm cảm, chống kháng histamine chống dị ứng kinh điển.
Khi dùng đồng thời với các thuốc này, rượu có thể gây buồn ngủ và làm giảm các phản xạ, gây nguy hiểm đặc biệt khi điều khiển các phương tiện giao thông hoặc máy móc. Ngoài ra, khi dùng rượu chung với thuốc kháng viêm non-steroid hoặc aspirine có thể gây bỏng rát dạ dày hoặc tăng tiết acid dạ dày.