Theo người Do thái có ba tầng trời đều được
gọi là Thiên đàng. Bầu trời bao bọc bởi khí quyển nơi đó có sinh vật sống, người
Do thái gọi đó là tầng trời thứ nhất. Khoảng không gian có các loại tinh tú
ngoài tầng khí quyển, đó là tầng trời thứ hai. Tầng trời thứ ba được Phao-lô mô
tả là Ba-ra-đi, ở đó ông nghe những lời không cho phép nói ra (IICo 12:2-4).
Học thuyết về trái đất được bao bọc cho biết rằng trước đây đã từng có một bức
màn hơi nước dày 8 km được giăng trên bầu khí quyển ở độ cao từ 32 đến 40 km.
Người ta tin rằng bức màn đã giải thích cho nhiều sự việc được biết là đã tồn tại
trên trái đất trước khi có cơn Đại hồng thuỷ.
I. BẰNG CHỨNG KINH THÁNH VỀ BỨC MÀN HƠI NƯỚC
· Có phải bầu trời ở giữa nước
và nước không?
Dựa theo Sáng thế ký 1: 6-8 Đức Chúa Trời đã tạo dựng bầu trời từ giữa nước. Thượng
đế phán: “Phải có khoảng không phân cách nước với nước”. Vậy Thượng đế tạo ra
khoảng không, phân cách nước dưới khoảng không và nước trên khoảng không. Thượng
đế gọi khoảng không là trời (BDY).
· Trước cơn Đại hồng thuỷ có
bao giờ mưa trên mặt đất không?
Sáng thế ký 2: 5-6 xác chứng “Vả, lúc đó, chưa có một cây nhỏ nào mọc ngoài đồng,
và cũng chưa có một ngọn cỏ nào mọc ngoài ruộng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chưa
có cho mưa xuống trên mặt đất, và cũng chẳng có một người nào cày cấy đất nữa.
Song có hơi nước dưới đất bay lên tưới khắp cùng mặt đất”.
Theo khoa học ngày nay cho biết mưa là do gió và nước bốc hơi gây ra. Gió là do
sự thay đổi nhiệt độ tạo thành. Nhiệt độ thay đổi là do các tia mặt trời chiếu
thẳng vào bề mặt trái đất tạo thành.
Các tia mặt trời được lọc bởi bức màn nước vì vậy có một nhiệt độ tương đối
không thay đổi trên khắp thế giới, chỉ có những cơn gió nhẹ mà chẳng bao giờ có
những trận bão. Trái đất đã nhận được hơi ấm ban sự sống, không phải từ mưa, mà
do lớp sương đọng lại mỗi buổi tối trên các loài thực vật, do hơi ẩm trong việc
làm lạnh không khí, như lời Kinh thánh phán.
· Dưới bức màn hơi nước nầy,
chúng ta có thấy cầu vồng, mặt trời, và mặt trăng không?
Cầu vồng gây ra bởi tác dụng của lăng kính khi các tia mặt trời bị gấp khúc xạ
và phản xạ khi chúng đi qua các giọt nước nhỏ, bao gồm đủ 7 màu chính, xuất hiện
trên bầu trời, đối diện với mặt trời hay mặt trăng. Như vậy sẽ không có cầu vồng
trước khi nước lụt, bởi vì không có những tia mặt trời trực tiếp và không có những
tia nước nhỏ để chiếu qua. Cái mống hay cầu vồng là dấu chỉ về giao ước bất diệt
của Đức Chúa Trời với con dân Ngài và muôn loài trên đất, sẽ chẳng có nước lụt
huỷ diệt mọi sinh vật nữa (Sang 9:13-17). Nô-ê chẳng
hề thấy một cái mống nào suốt 600 năm ông sống trên mặt đất.
Từ khi bức màn hơi nước không còn nữa, sau nước lụt, lần đầu tiên Kinh thánh đề
cập đến mặt trời lặn. Ngày ấy Đức Giê-hô-va lập giao ước cùng Áp-ra-ham: Ta cho
dòng dõi ngươi xứ nầy, từ sông Ê-díp-tô cho đến sông lớn kia, tức sông Ơ-phơ-rát
(15:17-18). Bức màn hơi nước đã được vén khỏi mắt muôn
loài vạn vật, con dân Ngài. Con dân Ngài và muôn vật có thể thấy được mặt trời,
các ngôi sao, mùa gieo, mùa gặt, mùa hè, mùa đông, đêm và ngày. Từ đó, họ quên đi
Đấng tạo hoá, bội nghịch cùng Ngài và bắt đầu thờ lạy các thiên thể trên trời
cao sau khi có trận lụt.
Những di tích văn hoá, các nhà khảo cổ đào bới được đã chứng minh sự kiện nầy.
Ngoài ra qua tinh thần xây cất một thành phố vĩ đại Ba-bên với tháp cao ngất trời
xanh. Đức Chúa Trời không hài lòng với thái độ bội nghịch, kiêu ngạo, Ngài đã
xáo trộn tiếng nói cả thế giới, và phân tán họ khắp mặt đất.
· Con người được ăn thịt khi
nào?
Ban đầu trái đất trống không, ngày thứ nhất Thượng đế tạo dựng nên sự sáng,
ngày thứ hai bầu trời, ngày thứ ba cỏ và cây cối, ngày thứ tư hai vị sao lớn và
các ngôi sao, ngày thứ năm các loài cá và chim trời, ngày thứ sáu làm nên loài
người. Ngày thứ bảy, Thượng đế làm xong các công việc Ngài làm và nghỉ mọi công
việc sáng tạo. Thế thì sau khi con người được làm nên con người được ăn những
thức ăn gì để sống sinh hoạt và tồn tại? Thượng đế truyền rằng: “Ta sẽ ban cho
các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh quả có hột
giống; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi” (1:29-30). Tức
là Thượng đế ban cho loài người thực vật để làm lương thực.
Sau cơn Đại hồng thuỷ, Nô-ê dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban phước
cho Nô-ê và con trai người “Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy trên mặt đất”.
… Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho
mọi vật đó như Ta đã cho thứ cỏ xanh (9:2-3). Có lẽ
khí hậu khắc nghiệt, và những trận mưa, bão đã khiến con người tiêu hao sức lực,
con người cần thêm sức lực mà thịt là là nguồn cung cấp sức mạnh trong môi trường
mới.
Cơ Đốc giáo bị người đời bác bỏ về mặt triết học, chứ không bao giờ chối bỏ Cơ Đốc
giáo về mặt luân lý, đạo đức, khoa học và niềm tin. Tất cả những tuyên bố ngay
cả những tuyên bố mang tính cách khoa học của Kinh thánh đều hoàn toàn chính
xác cho khoa học tiên tiến ngày nay. Người đời nghĩ ra thuyết tiến hoá vì họ đã
chối bỏ Đức Chúa Trời. Thuyết tiến hoá cho rằng tất cả động vật và thực vật đều
dần dần phát triển qua hàng triệu năm từ những hình thức đơn giản qua quá trình
chọn lọc và biến đổi tự nhiên. Nói đến khoa học là nói đến sự khảo sát thế giới
hiện tại bằng cách sử dụng giác quan của con người. Khoa học phải quan sát và lập
đi lập lại nhiều lần. Thuyết tiến hóa không phải là một ngành khoa học theo định
nghĩa nầy mà là một ngành của triết học suy luận.
Vậy, ngay cả những nhà khoa học, bác học, chính trị gia, hoàng đế có đầu óc vĩ đại
thay đổi toàn bộ cục diện nhân loại đã tin vào Kinh thánh, tin vào Đức Chúa Trời.
Nhà bác học Bacon đã xác nhận: “Khoa học nông cạn đưa con người xa tôn giáo,
khoa học uyên thâm đem con người đến gần tôn giáo”. Còn các bạn thì sao? Hãy đến
với lời Chúa qua câu gốc: “Vả, hể các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các
ngươi đã phán được ứng nghiệm cho các ngươi thế nào, thì Đức Giê-hô-va cũng sẽ
làm ứng nghiệm những lời hăm doạ của Ngài trên các ngươi thể ấy …” (Gios 23:15).